QPTD -Thứ Bảy, 13/08/2011, 22:04 (GMT+7)
Đôi nét về xây dựng lực lượng dự bị động viên của một số nước Châu Á hiện nay

Lực lượng dự bị động viên (DBĐV) là một bộ phận của lực lượng vũ trang quốc gia, là đội hậu bị của bộ đội thường trực. Trong xây dựng quân đội, việc xây dựng lực lượng DBĐV được các nước đặt lên hàng chiến lược. Những thập kỷ gần đây, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mới, mà cốt lõi là tin học và công nghệ thông tin, chiến tranh cục bộ hiện đại có xu hướng sử dụng ngày càng phổ biến các loại vũ khí công nghệ cao, mức độ ác liệt tăng lên, kéo theo sự tiêu hao lớn về người và vật tư trang bị. Do vậy, việc xây dựng lực lượng thường trực và lực lượng DBĐV của quân đội như thế nào cho phù hợp là vấn đề mà nước nào cũng phải quan tâm giải quyết. Một số nước châu Á chú trọng thực hiện kết hợp giữa xây dựng quân thường trực tinh nhuệ, theo hướng tinh giảm biên chế, tổ chức, trang bị vũ khí hiện đại, nâng cao trình độ và khả năng tác chiến linh hoạt, với xây dựng quân DBĐV mạnh, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, khi có lệnh là động viên được nhanh nhất, bổ sung kịp thời cho lực lượng thường trực hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Tùy vào chiến lược quân sự, khả năng của đất nước, tình hình quốc tế, khu vực, mỗi nước có cách thức tổ chức lực lượng DBĐV riêng, song nhìn tổng thể có thể thấy nổi lên một số đặc điểm chủ yếu sau:

1- Hoàn thiện thể chế động viên, nhấn mạnh đến yêu cầu chất lượng, hiệu quả, nâng cao khả năng động viên nhanh lực lượng DBĐV.   

Theo chuyên gia quân sự của nhiều nước châu Á, trước đây, để chuẩn bị đối phó với nguy cơ chiến tranh lớn quy mô toàn cầu, các nước tổ chức lực lượng DBĐV theo hình thức "trọng tâm là số lượng", quân số DBĐV thường lớn gấp vài lần so với số quân thường trực; điều đó làm cho công tác quản lý và động viên lực lượng này rất khó khăn, tốn nhiều thời gian. Để đảm bảo khả năng động viên nhanh lực lượng DBĐV, đáp ứng yêu cầu chiến tranh cục bộ hiện đại, vấn đề đặt ra là cần thay đổi hình thức tổ chức đó theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả động viên nhanh lực lượng DBĐV làm trọng tâm. Từ quan điểm đó, nhiều nước châu Á chú trọng tập trung hoàn thiện thể chế động viên, coi đây là biện pháp quan trọng hàng đầu trong xây dựng lực lượng DBĐV hiện đại và nâng cao chất lượng, khả năng động viên nhanh lực lượng DBĐV, tập trung vào 3 nội dung chủ yếu: Một là, xây dựng hệ thống cơ quan chuyên trách quản lý công tác xây dựng lực lượng DBĐV từ cấp Chính phủ cho tới các bộ, ban, ngành, địa phương trong cả nước. Chính phủ nhiều nước châu Á đã thành lập "Uỷ ban động viên quốc gia"- cơ quan quản lý nhà nước cao nhất - chuyên trách việc hoạch định và chỉ đạo thực hiện chiến lược động viên quốc gia, tổ chức xây dựng và quản lý lực lượng DBĐV của cả nước. "Uỷ ban động viên quốc gia" thường do một quan chức cấp cao của Chính phủ phụ trách và các ủy viên là đại biểu lãnh đạo của các cơ quan chức năng trong bộ máy Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương trọng yếu. Dưới quyền của Uỷ ban này là các cơ quan động viên của các bộ, ngành, địa phương, thường là do quan chức cấp cao nhất ở đó phụ trách. Cơ quan động viên các cấp thống nhất về mục tiêu, chính sách, nhiệm vụ, phối hợp hoạt động chặt chẽ, tạo thành hệ thống chỉnh thể thống nhất trong cả nước. Cơ quan động viên của Bộ Quốc phòng làm nòng cốt trong xây dựng lực lượng DBĐV của quốc gia, có nhiệm vụ tham mưu, giúp đỡ các cơ quan động viên dân sự trong thực hiện nhiệm vụ DBĐV nói chung, xây dựng lực lượng DBĐV nói riêng. Hai là, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan động viên các cấp. Lực lượng DBĐV được tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm, nhưng có tính xã hội hoá cao, liên quan trực tiếp đến mọi cấp, mọi ngành dân sự, nên việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các tổ chức, cá nhân là một vấn đề quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả động viên. Phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan động viên phải rõ ràng, cụ thể, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ động viên của quốc gia, phù hợp với đặc thù và khả năng của từng ngành, địa phương, đơn vị, đảm bảo trong phạm vi trách nhiệm, cơ quan và quân nhân dự bị có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ba là, kiện toàn hệ thống luật, các văn bản pháp quy về động viên quốc phòng nói chung, lực lượng DBĐV nói riêng, làm cơ sở để tăng cường vai trò quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, giữ nghiêm kỷ cương và phát huy hiệu lực hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong công tác xây dựng và động viên lực lượng DBĐV.

2- Kiện toàn tổ chức biên chế, đổi mới phương pháp nhằm quản lý chặt chẽ lực lượng DBĐV, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại.

Với mục tiêu xây dựng lực lượng DBĐV từng bước tiếp cận với trình độ của quân thường trực, nhiều nước châu Á tổ chức biên chế quân dự bị tương tự như biên chế tổ chức của quân thường trực. Để xây dựng đội ngũ sĩ quan DBĐV, mỗi nước có cách tuyển dụng riêng, nhưng nhìn chung là tập trung vào 4 nguồn chủ yếu: Một là, chọn từ số quân nhân xuất ngũ những người có đủ tiểu chuẩn để đào tạo thành sĩ quan dự bị. Hai là, hạ sĩ quan hết hạn tại ngũ chuyển sang làm sĩ quan ngạch dự bị. Ba là, chọn sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trường chuyên môn kỹ thuật dân sự, có đủ tiêu chuẩn để đào tạo thành sĩ quan dự bị. Bốn là, cán bộ, chuyên gia một số ngành khoa học kỹ thuật dân sự trong độ tuổi quy định. Một số nước chú trọng hình thức công dân đăng ký tự nguyện, nếu đủ các tiêu chuẩn theo quy định thì tuyển chọn làm sĩ quan dự bị. Đối với binh sĩ DBĐV, một số nước châu Á (Trung Quốc, một số nước thuộc ASEAN) tổ chức biên chế thành 2 loại: Loại 1 (lực lượng dự bị khẩn cấp) là những quân nhân được tuyển chọn từ các đơn vị bán vũ trang, lực lượng dân binh, các quân nhân xuất ngũ, các nhân viên chuyên môn kỹ thuật thuộc các ngành dân sự trong độ tuổi quy định của luật, được tổ chức, quản lý chặt chẽ, khi có lệnh là động viên được ngay. Loại 2 (lực lượng dự bị thông thường) gồm những người ngoài độ tuổi của dự bị loại 1, nhưng vẫn trong độ tuổi quy định, quân nhân xuất ngũ, thanh niên. Thời hạn phục vụ của quân nhân DBĐV mỗi nước cũng khác nhau, nhưng nhìn chung hiện quy định theo thể chất và độ tuổi. Trung Quốc  quy định, độ tuổi của dự bị loại 1 là đến 28 tuổi; dự bị loại 2 từ 29 đến 35 (trên 35 ra khỏi ngạch dự bị). Với quan điểm "công dân - quân nhân", Xin-ga-po quy định thanh niên đến tuổi quy định, có đủ thể chất phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau khi xuất ngũ trở thành quân dự bị, hằng năm phải tham gia huấn luyện theo quy định, cho tới tuổi 45-50, tùy thuộc vào binh chủng, ngành nghề kỹ thuật. Chiến tranh hiện đại đang phát triển theo hướng "lấy đối kháng công nghệ cao là chủ yếu", nhiều nước châu Á chú trọng tăng số lượng quân nhân dự bị có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Trong điều kiện thời bình, quân đội các nước châu Á thường tổ chức các đơn vị khung DBĐV, lấy cấp sư đoàn làm đơn vị DBĐV cơ bản. Trong các đơn vị DBĐV, các chức vụ chủ chốt do sĩ quan thường trực đảm nhiệm; các chức vụ khác do sĩ quan dự bị hoặc kết hợp với sĩ quan thường trực đảm nhiệm. Trung Quốc đưa ra quan điểm tổ chức quân DBĐV là "chiến sĩ dự bị, cán bộ dự nhiệm, tổ chức dự biên"; theo đó, tổ chức khung DBĐV từ cấp trung đội đến cấp sư đoàn. Biên chế lãnh đạo, chỉ huy cấp trung đoàn và sư đoàn dự bị giống bộ đội thường trực; cán bộ chủ chốt do sĩ quan thường trực đảm nhiệm; vị trí còn lại do sĩ quan dự bị đảm nhiệm. Để phù hợp với tổ chức biên chế của lực lượng thường trực theo hướng thu nhỏ quy mô, tinh giảm biên chế, một hướng được quân đội một số nước chú trọng là trong biên chế của quân dự bị, lấy cấp trung đoàn, lữ đoàn làm đơn vị chiến thuật cơ bản thay cho cấp sư đoàn như trước đây. Theo họ, việc tổ chức đơn vị DBĐV quy mô nhỏ cho phép nâng cao chất lượng và khả năng động viên nhanh lực lượng DBBĐV, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tác chiến của lực lượng thường trực.

Đổi mới phương thức quản lý lực lượng DBĐV cho phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, nhất là phát triển kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế cũng là một nội dung được quan tâm. Ấn Độ và một số nước ASEAN chú trọng gắn quản lý quân nhân DBĐV với quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; thông qua đó, các ngành chức năng nắm chắc hơn số lượng, chất lượng, tình hình thay đổi của lực lượng DBĐV để kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch động viên.  Trung Quốc quy định sĩ quan dự bị cấp đại đội trở lên phải làm thẻ đăng ký, do đơn vị quân đội và địa phương cùng quản lý; khi đi vắng xa phải xin phép, khi về phải báo cáo. Nước này cũng thay đổi cách quản lý "liên kết gần" trước đây sang cách quản lý "lớn phân tán, nhỏ tập trung". Theo đó, cấp trung đoàn dự bị có thể biên chế vượt cấp huyện; cấp đại đội dự bị biên chế trong phạm vi 1 đến 2 xã; cấp trung đội dự bị biên chế không vượt quá phạm vi xã; cấp tiểu đội dự bị biên chế không vượt quá phạm vi thôn. Đối với các thành phố, khu công nghiệp, lấy chính quyền các cấp, các xí nghiệp quốc doanh làm nòng cốt, từ đó vươn ra các xí nghiệp ngoài quốc doanh. Theo các chuyên gia của nước này, với cách thức tổ chức biên chế như vậy, cấp tiểu đội và trung đội dự bị phù hợp với cơ cấu hành chính và tổ chức sản xuất của địa phương. Khi cần động viên, số quân lấy ra từ 1 xã, 1 huyện, 1 xí nghiệp không quá nhiều; điều đó không gây ảnh hưởng nhiều đến lao động, sản xuất và còn cho phép tăng cường được lực lượng và phương tiện động viên. Hiện nay, Trung Quốc thực hiện phương pháp động viên quân DBĐV chủ yếu theo trình tự từ dưới lên trên; tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể, cũng cho phép vận dụng phương pháp động viên vượt cấp. Đại đội DBĐV là phân đội DBĐV cơ sở (phạm vi 1 đến 2 xã) nên có khả năng động viên nhanh; sau khi động viên đủ quân có thể tập hợp thẳng lên cấp trung đoàn, lữ đoàn. Phương pháp này cho phép nâng cao khả năng động viên nhanh lực lượng cho quân thường trực khi có lệnh.

3- Hiện đại hóa vũ khí, trang bị (VK TB); nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng DBĐV, từng bước tiếp cận trình độ của lực lượng thường trực.

Hiện đại hóa VKTB cho lực lượng DBĐV đảm bảo đồng bộ với VKTB của lực lượng thường trực là một nội dung quan trọng trong xây dựng lực lượng DBĐV hiện nay của các nước châu Á. Một số nước có khả năng kinh tế, trình độ khoa học-công nghệ quân sự phát triển đã tập trung trang bị cho lực lượng dự bị VKTB về cơ bản đồng bộ với VKTB của lực lượng thường trực, số còn lại tuy không hiện đại bằng, nhưng đảm bảo đồng bộ trong hệ thống VKTB của quân đội. Khi thay đổi VKTB cho quân thường trực cũng đồng thời thay đổi VKTB cho quân DBĐV, đảm bảo sự đồng bộ về VKTB của hai lực lượng này. Một số nước, do điều kiện kinh tế, trình độ khoa học-công nghệ có hạn, nên tập trung VKTB cho các đơn vị DBĐV trọng yếu, hoặc trang bị cho huấn luyện trước, sau đó trang bị đồng bộ. 

Để nâng cao chất lượng huấn luyện quân DBĐV, nhiều nước chấu Á lấy tiêu chuẩn huấn luyện quân DBĐV gần ngang bằng với tiêu chuẩn huấn luyện của quân thường trực, do quân thường trực trực tiếp quản lý và tổ chức huấn luyện định kỳ tại các trung tâm huấn luyện, các trường quân sự, các đơn vị dự bị, các đơn vị của quân thường trực. Nhật Bản đề ra 3 phương châm trong công tác huấn luyện lực lượng DBĐV: Một là, huấn luyện sát với môi trường chiến tranh hiện đại. Hằng năm, trong nội dung huấn luyện quy định, quân DBĐV phải tham gia chương trình “huấn luyện cường độ cao” tại những khu vực có điều kiện khắc nghiệt như chiến tranh, để rèn luyện tố chất tinh thần, tâm lý, thể lực, trình độ kỹ-chiến thuật. Hai là, huấn luyện theo tiêu chuẩn của quân thường trực. Quân DBĐV của Nhật Bản được huấn luyện tại các trung tâm huấn luyện quân sự và tham gia diễn tập cùng với lực lượng thường trực. Đối với sĩ quan dự bị, ngoài chương trình huấn luyện bắt buộc tại các đơn vị, các trường quân sự, còn được cử đi học ở các trường dân sự, nhằm nâng cao kiến thức toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học-kỹ thuật. Ba là, huấn luyện mô phỏng nhằm nâng cao trình độ quân sự và tiết kiệm chi phí. Một số nước ASEAN, như Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po tổ chức huấn luyện định kỳ và huấn luyện thường xuyên cho lực lượng DBĐV. Huấn luyện định kỳ là huấn luyện theo chương trình bắt buộc, do quân đội đảm nhiệm, được tổ chức tại các trung tâm huấn luyện quân sự hoặc ở các đơn vị, nhà trường quân đội, thời gian từ 15 đến 30 ngày mỗi năm. Nội dung huấn luyện chú trọng nâng cao trình độ kỹ-chiến thuật, nghiệp vụ chuyên môn, nhất là huấn luyện tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng trong điều kiện hiện đại. Đối với sĩ quan dự bị, chú trọng huấn luyện những phát triển mới của khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự, phương pháp và nghệ thuật chỉ huy tác chiến hiện đại. Huấn luyện thường xuyên nằm trong chương trình giáo dục quốc phòng toàn dân, do quân đội và địa phương cùng đảm nhiệm, được thực hiện với nhiều hình thức và nội dung phong phú, như hội thi, hội thao quốc phòng, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng..., nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của quân nhân dự bị và nhân dân. Trong quá trình huấn luyện, công tác, các nước rất coi trọng duy trì kỷ luật, các chế độ, chính sách ưu tiên, ưu đãi và thưởng phạt để quân DBĐV yên tâm làm nhiệm vụ.

MINH ĐỨC

 

Ý kiến bạn đọc (0)