Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 14/03/2022, 08:58 (GMT+7)
Tính nhân văn cao cả trong lịch sử quân sự Việt Nam

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với nhiều kẻ xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn nhiều lần, nhưng cuối cùng chiến thắng luôn thuộc về chúng ta. Cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng đó chính là nền tảng văn hóa dân tộc, mà trong đó, truyền thống văn hóa quân sự (văn hóa giữ nước) cơ bản là nội dung cơ bản, cốt lõi. 

Trong hệ thống các giá trị truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam, tính nhân văn cao cả là giá trị nổi bật, thể hiện sâu sắc bản chất con người và dân tộc Việt Nam. Nội dung cốt lõi, xuyên suốt của tính nhân văn cao cả trong truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam là: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, mục đích các cuộc chiến tranh của dân tộc ta là giành và giữ độc lập dân tộc. Bản chất của văn hóa là sáng tạo và nhân văn. Các cuộc chiến tranh của dân tộc ta nhằm giành và giữ độc lập dân tộc là hành động văn hóa, mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Bởi nó bảo vệ quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng; bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ các giá trị văn hóa, văn minh, lòng tự tôn dân tộc; đồng thời, chống lại hành động xâm lược, nô dịch, tàn sát, cướp bóc,… tức là chống lại cái ác, cái tham lam, bất chính, chống lại cái phản văn hóa, phản văn minh.

Năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa với lời thề thể hiện ý chí độc lập, mục tiêu cứu nước, cứu nhà: “Một xin rửa nhục quốc thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”1. Năm 1789, trước khi đem quân ra Bắc diệt quân Thanh xâm lược, Quang Trung đã tuyên bố mục đích ra quân: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”2. Như vậy, Quang Trung khẳng định, mục đích ra quân nhằm bảo vệ nền văn hóa, nền độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

Đặc biệt, dân tộc ta luôn nhận thức sâu sắc rằng, chỉ có xác định được mục tiêu chính trị đúng đắn thì mới phát huy được tinh thần yêu nước, mới tập hợp và đoàn kết được các tầng lớp nhân dân vào nhiệm vụ chống ngoại xâm với tinh thần “Bách tính giai binh”, tức trăm họ là binh. Đó chính là tinh thần “sát thát” tràn đầy hào khí Đông A dưới thời nhà Trần; tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”3, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”,… trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chính tinh thần đó là động lực tạo sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Không những vậy, mục tiêu đúng đắn của các cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta còn thức tỉnh lương tri của những kẻ lầm đường lạc lối, những người lính bên kia chiến tuyến và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân nước đi xâm lược.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mục tiêu của cách mạng Việt Nam là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người càng mang đậm tính nhân văn cao cả. Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu giải phóng dân tộc trước hết là để người cày có ruộng, để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”4. Đó thực sự là hoài bão, là khát vọng mãnh liệt, thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc của Người. Người khẳng định, cách mạng Việt Nam phải theo con đường cách mạng vô sản - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng, chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì người dân mới thực sự được hưởng tự do, hạnh phúc, bởi “nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”5. Mục tiêu cao cả, mang đậm tính nhân văn đó đã trở thành động lực tập hợp quảng đại quần chúng xung quanh Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hình thành nên sức mạnh của toàn dân tộc, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thứ hai, về mối quan hệ giữa nhân nghĩa và quyền mưu. Trong chiến tranh, yếu tố nhân nghĩa và quyền mưu luôn chi phối, tác động đến mỗi bên tham chiến. Trong khi phần lớn các dân tộc trên thế giới đều cho rằng, quyền mưu là thuộc tính cao nhất của người làm tướng thì dân tộc ta luôn coi nhân nghĩa là nền tảng và là một nét đặc sắc trong truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam. Nhân nghĩa chính là chính nghĩa, là nhân tố tinh thần; là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước; là tư tưởng an dân đi từ lòng thương người, yêu chuộng lẽ phải; là hành động cứu khổ, cứu nạn cho dân thoát ra khỏi cảnh lầm than, nô lệ của họa mất nước. Vì vậy, nhân nghĩa là thể hiện sâu sắc của tính nhân văn cao cả. Quyền mưu là mưu mẹo, là những biện pháp, thủ đoạn, mưu kế quân sự xuất phát từ người chỉ huy để ứng phó, giải quyết các tình huống chiến tranh và để chỉ huy binh sĩ chiến đấu giành chiến thắng. Trong mối quan hệ giữa nhân nghĩa với quyền mưu, ông cha ta luôn lấy nhân nghĩa làm đầu, với tư tưởng “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” dựa vào dân là điều quyết định hơn hết sự thành công của công cuộc chống ngoại xâm.

Thực tiễn lịch sử giữ nước của dân tộc ta cho thấy, có nhân nghĩa mới tập hợp được “bốn phương manh lệ”, mới chuyển được yếu thành mạnh, ít thành nhiều để có thể chiến thắng kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, Nguyễn Trãi là người có công lớn, không những về tài thao lược quân sự, mà còn củng cố và nêu cao tính nhân văn, nhân nghĩa. Ông luôn căn dặn, giáo dục nghĩa quân phải “hun đúc điều nhân nghĩa”, kiên định mục tiêu của cuộc khởi nghĩa là đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, giành lại cuộc sống hòa bình, ấm no cho nhân dân. Tháng 6/1426, trong thư gửi cho tướng giặc là Phương Chính, Nguyễn Trãi đã chỉ rõ: “Đạo làm tướng phải lấy nhân nghĩa làm trọng mà khinh quyền mưu”. Kế thừa tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định “Dụng binh là việc làm nhân nghĩa để cứu dân, cứu nước”.

Như vậy, sức mạnh của dân tộc Việt Nam là đáp số của sự hội tụ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhân nghĩa và quyền mưu, được thể hiện trước hết ở sự kết hợp giữa đức và tài của người lãnh đạo với lòng nhân ái và trí tuệ của nhân dân. Hội tụ được nhân nghĩa của người lãnh đạo với lòng nhân ái cao cả thì thành đại nghĩa của cả dân tộc. Hội tụ được quyền mưu của người lãnh đạo với trí tuệ to lớn của nhân dân thì thành trí tuệ của dân tộc. Phát huy trí tuệ dựa trên nền tảng đại nghĩa của dân tộc thì sẽ phát huy được sức mạnh to lớn của cả dân tộc để giành thắng lợi trong chiến tranh. Như vậy, xét cho cùng, sức mạnh chiến thắng của dân tộc ta trước kẻ thù xâm lược chính là sức mạnh của đại nghĩa gắn với trí tuệ, văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, tư tưởng nhân đạo, lòng yêu thương con người và ứng xử với người theo lẽ phải. Thực tiễn lịch sử dân tộc ta cho thấy, trước âm mưu thôn tính của các thế lực ngoại bang, ông cha ta luôn tìm mọi cách để chiến tranh không xảy ra. Thời trung đại, các triều đình Đại Việt thường phải kiên trì tiến hành những cuộc bang giao mềm dẻo để tránh binh đao đổ máu. Khi buộc phải tiến hành chiến tranh, để giành và giữ độc lập, dân tộc ta luôn muốn chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt, nhằm đỡ tốn xương máu, tiền của cho cả hai bên, tạo môi trường hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Phương châm chỉ đạo chiến tranh của dân tộc ta thường không chủ trương tiêu diệt đến tên giặc cuối cùng, mà lấy mục tiêu là đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc chúng phải rút về nước. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh, khi chủ tướng Vương Thông buộc phải chấp nhận hội thề với nghĩa quân Lam Sơn ở Nam thành Đông Quan mà lực lượng của chúng lúc đó còn tới 10 vạn quân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi Hiệp định Geneva năm 1954 về Đông Dương  được ký kết, quân Pháp vẫn còn khoảng gần 45 vạn quân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu của cuộc kháng chiến là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, chứ hoàn toàn không phải là tiêu diệt hết quân thù, bởi mục đích của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc.

Nhân dân ta thường có câu “lấy ân báo oán”, “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”,… đó là lẽ sống đầy nhân văn trong văn hóa Việt Nam. Trong chiến tranh, khi kẻ thù đã “thế cùng, lực kiệt”, “bó giáo, quy hàng”, thì dân tộc ta thường không nỡ giết hại, mà “mở lượng hải hà”, đối xử nhân đạo với tù, hàng binh, tha cho kẻ thù bại trận. Trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai của quân và dân nhà Lý, khi quân Tống lâm vào tình cảnh bế tắc, có nguy cơ bị tiêu diệt, Lý Thường Kiệt đã chủ động mở lối thoát cho kẻ địch bằng việc nghị hòa, kết thúc chiến tranh. Theo ông như thế “không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu mà bảo toàn được tôn miếu”6. Điều đó chứng tỏ được mục đích chính nghĩa và lòng bao dung, độ lượng của quân và dân ta. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo, sau khi quân địch đã rơi vào thế cùng, lực kiệt, ta đã không những không trả thù, báo oán mà còn cấp lương thảo, thuyền bè, ngựa xe cho quân Minh về nước. Trước tinh thần nhân đạo cao cả của quân và dân Đại Việt kẻ thù về đến nước mà vẫn “tim đập, chân run”.

Thấm đẫm tư tưởng nhân đạo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ: “Tôi ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”7. Bởi vì Người cho rằng, kẻ phải bị lên án và trừng trị là bọn chủ mưu gây chiến, lãnh đạo, cầm đầu bộ máy chiến tranh của địch; còn đối với những người lính trực tiếp đánh trận chỉ là nạn nhân trong các mưu đồ đen tối của chúng mà thôi. Vì vậy, Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào ta phải đối xử nhân đạo với binh lính địch đã đầu hàng.

Có thể thấy, tính nhân văn cao cả trong lịch sử quân sự Việt Nam thể hiện rõ sức mạnh của dân tộc Việt Nam không chỉ có bạo lực, mà còn biểu hiện qua cách ứng xử bằng sự bao dung và biểu hiện bằng những ngôn từ giáo hóa, bằng sự thức tỉnh lương tri. Nói cách khác, cách ứng xử của dân tộc ta để đánh thắng kẻ thù xâm lược không chỉ có bạo lực mà còn là đức hiếu sinh, lòng nhân từ có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả, sâu sắc. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển, vận dụng trong đấu tranh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. LÊ HỮU TRƯỜNG, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4
_________________

1 - Đinh Gia Khánh, Nguyễn Lương Ngọc  Thiên Nam ngữ lục, Tập 1, Nxb VH, H. 1958, tr. 125.

2 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam  Lịch sử quân sự Việt Nam, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 186.

3 - Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.

4 - Sđd, tr. 187.

5 - Sđd, tr. 64.

6 - Phan Huy Lê Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb QĐND, H. 1998, tr. 68.

7 - Sđd, tr. 510.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.