Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 13/11/2023, 08:09 (GMT+7)
Nghệ thuật sử dụng pháo binh trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là chiến dịch phản công có quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi của Chiến dịch là đòn giáng mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, đánh dấu bước phát triển cao về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta; trong đó, pháo binh là thành phần quan trọng, xứng đáng là hỏa lực mặt đất chủ yếu.

Bước sang năm 1971, cùng với tiếp tục đẩy mạnh chương trình bình định ở miền Nam Việt Nam, Mỹ - ngụy ráo riết chuẩn bị và mở các cuộc tiến công quy mô lớn trên chiến trường Lào và Campuchia; trong đó, chúng xác định khu vực Đường 9 - Nam Lào là hướng tiến công chủ yếu, thực hiện “chiến tranh bóp nghẹt”, nhằm triệt phá hành lang vận chuyển và hậu phương chiến lược trực tiếp của ta; tiêu diệt chủ lực, làm cho lực lượng vũ trang của ta ở miền Nam bị suy yếu, tạo tiền đề đạt được mục đích của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thực hiện mưu đồ đó, chúng tập trung lực lượng lớn chủ lực tinh nhuệ thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn, mở cuộc hành quân mang mật danh “Lam Sơn 719”, tiến công vào khu vực Đường 9 - Nam Lào.

Nắm chắc mưu đồ chiến lược của địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, nhằm tiêu diệt sinh lực, làm thất bại và bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân, đánh bại ý chí xâm lược của địch. Sau gần 02 tháng chiến đấu liên tục, với quyết tâm chiến đấu cao, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật chiến dịch phản công, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, ta đã “đánh giỏi, thắng giòn giã, lập công xuất sắc”, làm thất bại âm mưu đánh ra vòng ngoài của địch, tiêu diệt lớn lực lượng, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm phá sản hoàn toàn công thức “chủ lực quân đội Sài Gòn + hỏa lực yểm trợ tối đa của Mỹ” - xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn; trong đó, nghệ thuật sử dụng pháo binh là nét nổi bật.

Một là, tạo lập thế trận pháo binh liên hoàn, vững chắc, phù hợp với quyết tâm Chiến dịch. Mở cuộc tiến công ra khu vực Đường 9 - Nam Lào, địch huy động lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến nhất của quân đội Sài Gòn, được sự chi viện tối đa của hỏa lực và một phần quân đội Mỹ; trong đó có hơn 20 tiểu đoàn pháo binh với hơn 300 khẩu pháo các loại. Trước sức mạnh của địch, để tạo lập thế trận pháo binh liên hoàn, vững chắc, phát huy hỏa lực tiêu diệt địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhanh chóng điều chỉnh, bố trí lại thế đứng chân của các trung đoàn pháo binh đang có mặt tại địa bàn. Theo phương hướng đó, ta tổ chức sử dụng lực lượng pháo binh của Đoàn 559, lực lượng pháo binh của tỉnh Quảng Trị kết hợp với điều động các phân đội pháo binh của Sư đoàn bộ binh 2 (Quân khu 5), bí mật cơ động từ Quế Sơn (Quảng Nam) ra khu vực Đường 9, hình thành thế trận hỏa lực pháo binh tại chỗ rộng khắp, vừa “sẵn sàng hỏa lực đánh đòn phủ đầu, bảo đảm cho bộ binh triển khai đội hình chiếm lĩnh trận địa ngay trong hành tiến”1. Đồng thời, chi viện kịp thời trong quá trình phản công, ngăn chặn thế tiến công của địch trên các hướng, chú trọng chuẩn bị phương án đối phó với lực lượng địch đổ bộ đường không ở phía Bắc và Nam Đường 9, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng cơ động, bao vây, chia cắt, tiêu diệt địch.

Cùng với tạo lập thế trận pháo binh tại chỗ, ta chủ động hình thành thế trận lực lượng pháo binh cơ động, nhằm thực hiện những đòn hỏa lực tập trung trên hướng, nhiệm vụ chủ yếu, trận then chốt, then chốt quyết định của Chiến dịch. Để tạo thế trận pháo binh hoàn chỉnh, ta điều Trung đoàn pháo binh 368 cơ động đến khu vực Nam Lào, Trung đoàn pháo binh 84 bí mật cơ động sâu vào hậu phương của địch, Trung đoàn pháo binh 45 từ Vinh (Nghệ An) bí mật cơ động gấp vào chiến trường, v.v. Nắm chắc tình hình địch, nhiệm vụ tác chiến và khả năng lực lượng pháo binh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch tổ chức thành 04 cụm pháo binh2 cơ động, mỗi cụm đảm nhiệm trên một hướng tác chiến, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng binh chủng hợp thành, bảo đảm đánh chắc thắng ngay từ trận đầu. Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng pháo binh cơ động với pháo binh tại chỗ, ta tạo nên thế trận liên hoàn, vững chắc, linh hoạt, phù hợp với địa bàn và quyết tâm tác chiến của Tư lệnh Chiến dịch. Vì vậy, trong quá trình tác chiến, lực lượng pháo binh đã phát huy tốt tính năng kỹ thuật, chiến thuật của từng loại pháo, thực hiện “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, cơ động linh hoạt, bất ngờ giáng cho địch những đòn sấm sét; chế áp toàn bộ đội hình pháo binh địch từ Lao Bảo đến Bản Đông, bảo đảm cho Chiến dịch luôn giành và giữ quyền chủ động tiến công, chi viện kịp thời, hiệu quả cho các lực lượng, nhất là bộ binh và xe tăng chiến đấu thắng lợi.

Hai là, chỉ huy hỏa lực pháo binh kiên quyết, linh hoạt, kịp thời, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Đặc điểm của chiến dịch phản công là tổ chức đánh địch trong trạng thái chúng đang tiến công, cả ta và địch đều nỗ lực quyết tâm giành quyền chủ động, nên tính biến động rất cao, tình huống diễn biến mau lẹ, phức tạp, thậm chí ngoài dự kiến. Vì vậy, quá trình chỉ huy hỏa lực pháo binh yêu cầu người chỉ huy và cơ quan phải kiên quyết, linh hoạt, kịp thời, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả hỏa lực, tập trung cho hướng, nhiệm vụ, khu vực, mục tiêu chủ yếu, quan trọng, trận đánh then chốt, then chốt quyết định. Nắm chắc yêu cầu đó, khi địch bắt đầu cơ động tiến công, ta kiên quyết chỉ huy hỏa lực của Trung đoàn pháo binh 368, pháo binh của Mặt trận B5 và Đoàn 559, tập trung hỏa lực, lựa chọn đúng thời cơ, chế áp, ngăn chặn các cánh quân của địch, làm chậm tốc độ tiến quân của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng, nhất là bộ binh, xe tăng cơ động triển khai đội hình phản công địch. Bên cạnh đó, khi Trung đoàn pháo binh 45 cơ động từ Vinh (Nghệ An) vào đến vị trí tập kết, để đáp ứng yêu cầu chi viện hỏa lực cho các lực lượng chiến đấu, ta đã linh hoạt chuyển một tiểu đoàn pháo 122mm (xe kéo) sang sử dụng pháo mang vác ĐKB (gọn, nhẹ, tiện cơ động ở địa hình rừng núi), hành quân bộ, kịp thời tham gia đánh địch ở Tà Cơn, Lao Bảo, thực hiện phương châm “được đại đội nào vào chiếm lĩnh đưa ngay đại đội đó vào chiến đấu, được khẩu nào đánh khẩu đó”3, phát huy hiệu quả sức mạnh hỏa lực, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Bám sát diễn biến chiến đấu, nhận thấy Sư đoàn 1 ngụy âm mưu thiết lập căn cứ hỏa lực ở Ta Pang, ta kịp thời chỉ huy hỏa lực của Trung đoàn pháo binh 368 kết hợp với hỏa khí đi cùng của các đơn vị bộ binh kiên quyết, liên tục bắn mạnh vào đội hình địch ở đồi Yên Ngựa, làm cho chúng bị thiệt hại nặng nề, buộc phải bỏ lại xe pháo, tháo chạy, góp phần đẩy địch rơi vào thế bị động, lúng túng, không phát huy được sức mạnh hỏa lực như chúng kỳ vọng. Như vậy, trong tác chiến, mặc dù địch huy động lực lượng pháo binh, không quân hùng hậu, đánh phá ác liệt, tiến công trên nhiều hướng, liên tục đổ bộ đường không vào hai bên sườn đội hình phản công của ta, nhưng nhờ nghệ thuật sử dụng, cơ động pháo binh kịp thời và hành động chỉ huy kiên quyết, linh hoạt, cùng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, ta đã xoay chuyển tình thế, tạo nên những đòn hỏa lực sấm sét vào các mục tiêu chủ yếu, quan trọng, như: trận địa hỏa lực, sở chỉ huy, sân bay địch,... khiến chúng hết sức bất ngờ, choáng váng, tê liệt hệ thống chỉ huy, thiệt hại nặng nề lực lượng, phương tiện, thế trận bị phá vỡ, mất dần quyền chủ động tiến công, dẫn đến thất bại.

Ba là, kết hợp chặt chẽ các loại pháo binh, tạo sức mạnh tổng hợp của hỏa lực, đáp ứng yêu cầu tác chiến. Để giành quyền chủ động trong chiến dịch phản công, ta phải tiến hành nhiều trận đánh, vận dụng nhiều hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu. Với vai trò là hỏa lực chủ yếu của chiến dịch, để đáp ứng tốt yêu cầu tác chiến, đòi hỏi lực lượng pháo binh phải kết hợp chặt chẽ các loại pháo nhằm phát huy hiệu quả hỏa lực của các đơn vị, tạo sức mạnh tổng hợp, xứng đáng với truyền thống “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi quyết tâm của chiến dịch. Trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, lần đầu tiên pháo binh được huy động với số lượng lớn, có nhiều chủng loại khác nhau, nhưng do không gian chiến dịch quá rộng, nên trên mỗi hướng ta chỉ có thể sử dụng lực lượng khoảng một trung đoàn. Vì vậy, để phát huy ưu thế của từng loại pháo, ngay từ những ngày đầu Chiến dịch, ta đã chủ động, kịp thời sử dụng các đơn vị pháo xe kéo có tầm bắn xa, đánh đòn hỏa lực “phủ đầu”, gây bất ngờ, choáng váng, nhanh chóng kiềm chế, phá vỡ đội hình của địch khi chúng bắt đầu tiến công, tạo thời cơ để các loại pháo, cối cỡ nhỏ có thời gian cơ động, triển khai lực lượng. Bên cạnh đó, trong các trận đánh tiêu diệt Tiểu đoàn biệt động quân 39, Sở Chỉ huy Lữ dù 3 và Thiết đoàn 17 của địch,... ta tận dụng ưu thế của pháo xe kéo (tầm bắn xa) làm nòng cốt trong sát thương sinh lực, phá hủy công sự trận địa, phương tiện chiến đấu, kiềm chế trận địa pháo binh, triệt tiếp tế đường bộ và đường không của địch. Đồng thời, coi trọng kết hợp các loại pháo phản lực mang vác (ĐKB) với hỏa khí đi cùng bộ binh, như: súng cối 160 mm, 120 mm, 82 mm và ĐKZ,... thực hiện “lên cao, vào gần, bắn thẳng”, đặt các mục tiêu nằm trong tầm bắn hiệu quả của các loại hỏa khí, phát huy tốt cách đánh sở trường, đánh gần, đánh đêm, cơ động nhanh, bám sát đội hình, chi viện trực tiếp cho bộ binh và xe tăng chiến đấu, xử lý hiệu quả các tình huống, đáp ứng yêu cầu tác chiến. Nhờ kết hợp chặt chẽ các loại pháo binh, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung hỏa lực, nên lực lượng pháo binh luôn có mặt kịp thời, trong mọi điều kiện, tình huống, phát huy tốt tác dụng, tính năng kỹ thuật, chiến thuật của từng loại pháo, sức mạnh hỏa lực được nhân lên gấp bội, tạo nên những đòn hỏa lực bão táp, góp phần đánh bại các thủ đoạn tác chiến của địch, đập tan cuộc hành quân đầy tham vọng của chúng.

Thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng nói chung, nghệ thuật sử dụng pháo binh nói riêng, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. BÙI THANH ĐÀM, Trường Sĩ quan Lục quân 2
_______________

1 - Bộ Tư lệnh Pháo binh - Lịch sử pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam (1945 - 1975), Nxb QĐND, H. 1991, tr. 266.

2 - Cụm pháo binh 1 (Trung đoàn pháo binh 368), bố trí hoạt động ở khu vực Mường Noòng, Mường Pha Lan; Cụm pháo binh 2 (Trung đoàn pháo binh 45), bố trí đánh địch ở khu vực trung tâm từ Lao Bảo đến Khe Sanh; Cụm pháo binh 3 (Trung đoàn pháo binh 38), bố trí ở Nam Quân khu 4, tham gia đánh địch ở Đông Đường 9 và sẵn sàng đánh địch tiến công ra Bắc; Cụm pháo binh 4 (Trung đoàn pháo 84), bố trí trong hậu phương địch.

3 - Bộ Tư lệnh Pháo binh  -  Lịch sử pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam (1945 - 1975), Nxb QĐND, H. 1991, tr. 268.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.