Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 19/10/2023, 07:03 (GMT+7)
Nghệ thuật chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947

Là chiến dịch đầu tiên của Quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đã đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh”của địch, bảo vệ vững chắc cơ quan đầu não kháng chiến và căn cứ địa Việt Bắc, bảo toàn, nâng cao sức chiến đấu của bộ đội chủ lực. Thắng lợi của Chiến dịch để lại nhiều bài học quý, nhất là nghệ thuật chuyển hóa thế trận tác chiến chiến dịch, trên địa bàn và không gian rộng, ngay trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.

Thực hiện âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh”, tháng 10/1947, thực dân Pháp quyết định mở cuộc hành quân lớn1, đầy tham vọng tiến công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt và bắt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, tìm diệt chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc, khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn chặn sự chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa, cố gắng giành thắng lợi quyết định, nhanh chóng đè bẹp phong trào kháng chiến của nhân dân ta.

Trước âm mưu, thủ đoạn của địch, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân kiên quyết đập tan ý đồ của thực dân Pháp. Với sức mạnh của toàn dân tộc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, trí thông minh, sáng tạo và nghệ thuật “lấy yếu chống mạnh, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, ta đã bình tĩnh, sáng suốt tìm biện pháp thoát khỏi thế bất lợi, từng bước đảo ngược thế cờ, nhanh chóng giành lại quyền chủ động chiến lược, đánh bại cuộc tiến công của đội quân xâm lược nhà nghề. Thắng lợi của chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 khẳng định sự trưởng thành vượt bậc cả về trình độ kỹ thuật, chiến thuật, tổ chức hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng và khả năng tiêu diệt địch, để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật chiến dịch; trong đó, nghệ thuật chuyển hóa thế trận là nét nổi bật.

Một là, tạo lập thế trận ban đầu vững chắc, hiểm hóc, thực hiện lập thế ta đi đôi với phá thế địch. Để từng bước đập tan ba “gọng kìm” của địch, đòi hỏi ta phải xây dựng thế trận ban đầu vững chắc, hiểm hóc, linh hoạt, cơ động, làm cơ sở để nhanh chóng giành quyền chủ động tiến công, khéo “lừa dụ” địch vào khu vực ta lựa chọn để tiêu diệt, làm cho chúng “mạnh hóa yếu, nhiều hóa ít”, lúng túng, mất thế chủ động, đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, dẫn đến thất bại. Thực hiện ý định trên, công tác xây dựng lực lượng, chuẩn bị chiến trường được tiến hành khẩn trương, nhất là sau khi ta nắm được kế hoạch tiến công lên Việt Bắc của địch. Theo đó, ta bố trí 18 tiểu đoàn chủ lực, tập trung trên 03 hướng tiến công: Sông Lô - Đường số 02, Đường số 03 và Đường số 04; thực hiện phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, dựa vào thế có lợi của địa hình, hình thành thế trận phản công hiểm sắc, cơ động thực hiện các trận đánh then chốt2, kịp thời ngăn chặn, bẻ gãy từng cánh quân, phá vỡ kế hoạch hợp quân của chúng. Cùng với chú trọng bố trí thế trận của lực lượng cơ động tiến công địch trên các hướng, ta còn chủ động phân tán một bộ phận chủ lực trên địa bàn Việt Bắc thành 30 đại đội độc lập, đưa về các địa bàn xung yếu làm nòng cốt đẩy mạnh chiến tranh du kích, thực hiện “có thế trận tốt thì ít có thể địch nhiều, nhỏ có thể đánh lớn”3. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn làng chiến đấu được xây dựng, hàng trăm đội du kích tập trung được kiện toàn, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, sức mạnh của lực lượng tại chỗ được nhân lên gấp bội; ta liên tục tiến công, địch mất dần thế chủ động chiến dịch và chiến lược, rơi vào thế “thiên la địa võng” của nghệ thuật chiến tranh nhân dân rộng khắp, bị động đối phó trên các hướng, lực lượng, phương tiện bị tiêu hao, tinh thần chiến đấu của binh lính rệu rã, sức chiến đấu ngày càng giảm sút.

Bên cạnh việc tập trung xây dựng thế trận của lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ, ta tích cực “lập thế ta đi đôi với phá thế địch”, kịp thời chỉ đạo các khu đẩy mạnh đánh phá đường sá, cầu cống trên hướng tiến công đường bộ của địch, tổ chức nghi binh trên đường sông, cắm các bãi chông ở những vị trí xung yếu ngăn chặn địch nhảy dù; đồng thời, chủ động phân tán, di chuyển các kho hàng, công xưởng, trạm trại, sơ tán và hướng dẫn nhân dân thực hiện “vườn không nhà trống” - tiêu thổ kháng chiến, làm cho địch không thể thực hiện được mưu đồ “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”; khả năng tiếp tế, chi viện vốn “nhỏ giọt” do “hậu phương” của chúng ở xa, địa hình hiểm trở, nay càng khó khăn gấp bội. Do vậy, địch không thể phát huy được ưu thế về khả năng cơ động nhanh, hiệp đồng tác chiến giữa các cánh quân bị hạn chế, lực lượng quân dù bị cô lập, bao vây, rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”; đội hình lực lượng cơ động trên Đường số 04 bị xé nhỏ, buộc phải tiến quân theo kiểu sâu đo, chậm chạp, vừa đi vừa sửa đường, thế “hợp điểm tiến công” của địch bị phá vỡ hoàn toàn.

Hai là, kịp thời điều chỉnh quyết tâm tác chiến, chủ động chuyển hóa thế trận linh hoạt, giữ vững quyền chủ động tiến công. Trong thời gian đầu của Chiến dịch, do dự đoán chưa đúng ý đồ của địch nên trên một số hướng ta có phần bất ngờ và bị động đối phó, bị tổn thất về lực lượng và phương tiện chiến đấu. Nhưng nhờ nắm chắc tình hình mọi mặt, dựa vào thế có lợi của địa hình và tạo lập tốt thế trận ban đầu, ta kịp thời điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các hướng, nhanh chóng nắm quyền chủ động phản công, kịp thời xoay chuyển cục diện, chuyển hóa thế trận linh hoạt, bẻ gãy từng gọng kìm của địch, đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của chúng. Trên cơ sở nắm chắc tình hình, Bộ Tổng Chỉ huy chỉ thị cho các mặt trận điều chỉnh lại lực lượng, hình thành thế trận phản công thành 03 mặt trận: Đường số 03, Cao Bằng - Đường số 04, Sông Lô - Đường số 02; đồng thời, khẩn trương điều chỉnh lại quyết tâm tác chiến tổng thể. Nhờ đó, khi địch bất ngờ nhảy dù xuống khu vực Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn, ta kịp thời điều Tiểu đoàn 160 của Bộ, Tiểu đoàn 72 của Khu 1 lên vùng Chợ Mới; Trung đoàn 72 được điều lên hoạt động từ Cao Bằng đến Bắc Kạn; chỉ đạo các lực lượng ở hướng Nam (khu vực Thái Nguyên, Tuyên Quang) cơ động về hướng Bắc, kịp thời ngăn chặn địch. Vì vậy, quân dù của địch nhanh chóng bị chặn đánh, bao vây, cô lập, khả năng tiếp tế và ứng cứu ngày càng khó khăn, ý định bất ngờ bắt gọn cơ quan đầu não kháng chiến của ta bị phá sản hoàn toàn. Các đơn vị của ta từ bất ngờ, bị động, nhanh chóng giành quyền chủ động tiến công, sử dụng cách đánh “du kích chiến” và “vận động chiến”, phù hợp với trang bị, sở trường và địa hình rừng núi, thực hiện “chia địch ra mà đánh, trói địch lại mà diệt”, làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ, lúng túng đối phó, bị thiệt hại nặng về lực lượng, phương tiện chiến đấu.

Trên mặt trận Cao Bằng - Đường số 04, ta điều chỉnh thế bố trí của Trung đoàn 174, tập trung đánh địch từ Cao Bằng đến Thất Khê; các đại đội độc lập bố trí ở những vị trí xung yếu, tiện cơ động đánh địch ở Nguyên Bình, Phục Hòa; điều chỉnh Trung đoàn 11 cơ động tập trung diệt địch trên Đường số 04, đoạn từ Lạng Sơn đến Đông Khê và trên Đường số 01 đoạn từ Lạng Sơn đến Đồng Mỏ. Ở mặt trận Sông Lô - Đường số 02, ta điều chuyển trung đoàn chủ lực Khu 10 và 01 tiểu đoàn của Bộ tập trung đánh địch trên sông Lô đoạn từ Việt Trì đến Tuyên Quang; Trung đoàn 147 và 02 tiểu đoàn chủ lực của Bộ tập trung bảo vệ phía Nam đường liên tỉnh Tuyên Quang - Thái Nguyên. Nhờ chủ động tổ chức, điều chỉnh lực lượng và chuyển hóa thế trận linh hoạt, phù hợp với khả năng và trình độ tác chiến của ta, nên các đơn vị không bị động phòng ngự mà chủ động tiến công ngăn chặn địch, thực hiện vận động chiến kết hợp chiến tranh du kích rộng khắp, phát huy sức mạnh của các lực lượng đánh địch; triệt để khoét sâu điểm yếu của địch khi phải cơ động trên các trục đường, lòng sông với địa hình hiểm trở, đội hình mỏng và kéo dài, khả năng ứng cứu, chi viện và phối hợp chiến đấu bị hạn chế, ta kịp thời bẻ gãy từng “gọng kìm”, phá tan ý định “hợp vây” của quân Pháp, đánh bại cuộc hành quân lớn của chúng.

Ba là, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng tổ chức đánh địch. Trước sức mạnh vượt trội về binh lực, hỏa lực và khả năng cơ động của quân Pháp, ta không lựa chọn hình thức phòng ngự thụ động, lập phòng tuyến cố định để ngăn chặn, mà chủ động tiến công, phản công, lấy việc ngăn chặn, chia cắt để bao vây, cô lập từng cánh quân, kết hợp chiến thuật du kích với vận động chiến để tiêu diệt chúng. Để thực hiện ý định đó, dựa vào thế có lợi của địa hình, khoét sâu vào điểm yếu cốt tử của địch và phát huy cách đánh sở trường của các đơn vị, ta vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, chọn những đơn vị nhỏ địch đang cơ động làm mục tiêu tiến công chủ yếu, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống, khiến quân địch đi đến đâu cũng bị đánh, sinh lực hao mòn, tiếp tế khốn đốn, dẫn đến thất bại. Tiếp tục bám sát, nắm chắc địch, Trung đoàn Thủ đô sử dụng 01 tiểu đoàn bất ngờ tập kích đại đội địch ở Chợ Đồn, các lực lượng khác tiến hành hơn 17 trận phục kích nhỏ vào đội hình của địch dọc trục đường Chợ Mới - Bắc Kạn - Phủ Thông, góp phần tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh, chia cắt đội hình, cắt đứt khả năng tiếp tế, thực hiện phương châm: hạn chế chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu của địch, đưa chúng vào tình thế “cá lớn lội ở chỗ nước nông”, bị thiệt hại nặng nề. Trên hướng Sông Lô - Đường số 02, ta sử dụng pháo binh “đặt gần, bắn thẳng” phục kích tàu địch cơ động trên sông ở các khu vực như: Đoan Hùng, Bình Ca, Khoan Bộ; dùng địa lôi phục kích ở ki lô mét số 07, diệt và làm bị thương gần 100 tên địch. Trên Đường số 04, lợi dụng địa hình hiểm trở, độc đạo, nhiều núi cao, rừng rậm, đèo dốc quanh co, các đơn vị tiến hành những trận phục kích cấp tiểu đoàn, tổ chức đánh cắt giao thông, đạt hiệu suất chiến đấu cao, đặc biệt là trận phục kích ở Bông Lau, biến nơi đây thành “con đường chết” của địch. Như vậy, nhờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật kết hợp với các biện pháp tác chiến, ta đã phát huy sức mạnh của các lực lượng, xử lý hiệu quả các tình huống, giành và giữ quyền chủ động phản công, tiến công rộng khắp, khoét sâu mâu thuẫn của địch giữa phân tán lực lượng bảo vệ các đoàn vận tải trên bộ, trên sông với tập trung binh lực hành quân thọc sâu, hợp điểm; ta càng đánh càng mạnh, địch ngày càng suy yếu, buộc phải rút lui khỏi Việt Bắc.

Những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự, trong đó có nghệ thuật chuyển hóa thế trận được rút ra từ Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 cần tiếp tục được nghiên cứu, phát triển, vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới.

Đại tá, TS. TRẦN VĂN CAO, Trường Sĩ quan Lục quân 1
__________________

1 - Địch huy động: 05 trung đoàn bộ binh, 03 tiểu đoàn dù, 02 tiểu đoàn pháo binh, 02 tiểu đoàn công binh, 03 đại đội cơ giới (khoảng 800 xe các loại), 02 phi đội máy bay (40 chiếc), 03 thủy đội xung kích (40 tàu, xuồng), v.v.

2 - Ở ki lô mét số 07 (trên Đường số 02); Khoan Bộ (ngã ba Đoan Hùng), Khe Lau (trên sông Lô); Bông Lau (trên Đường số 4), v.v.

3 - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo – Về cách dùng binh, Nxb QĐND, H. 1997, tr. 23.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.