Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 17/07/2023, 08:17 (GMT+7)
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 - nét đặc sắc của nghệ thuật bao vây, chia cắt

Cách đây hơn nửa thế kỷ, thực hiện đòn nghi binh chiến lược chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 trên toàn miền Nam, ta mở chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn ở Đường 9 - Khe Sanh và giành thắng lợi lớn. Chiến dịch để lại nhiều kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự, trong đó nét đặc sắc là nghệ thuật bao vây, chia cắt địch.

Quân Giải phóng bao vây, bắn rơi máy bay vận tải C130 địch dùng để tiếp tế cho căn cứ Khe sanh. Ảnh:Tư liệu

Sau những thất bại liên tiếp của 02 gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” trong mùa khô năm 1966 - 1967 đã đẩy chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ đứng bên bờ vực thất bại hoàn toàn, Mỹ - ngụy lâm vào thế bị động về chiến lược, buộc phải chuyển vào phòng ngự, tập trung bảo vệ các vùng trọng điểm; trong đó có tuyến phòng thủ chiến lược Đường 9 - Khe Sanh. Thực hiện mưu đồ đó, địch tập trung lực lượng, phương tiện1, xây dựng khu vực Đường 9 - Khe Sanh trở thành tuyến phòng thủ vững chắc với hệ thống công sự trận địa kiên cố, liên hoàn, bố trí nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, cùng với sự chi viện tối đa của hệ thống hỏa lực không quân, pháo binh, v.v.

Về phía ta, cuối năm 1967, nhận thấy thời cơ “chiến lược mới” của cách mạng miền Nam xuất hiện, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”2. Thực hiện ý định đó, ta mở chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh, thực hiện đòn nghi binh chiến lược, nhằm thu hút, giam chân lực lượng lớn chủ lực của địch về khu vực Đường số 9, phối hợp với cuộc tổng tiến công của ta tại các đô thị lớn, trực tiếp là Trị - Thiên - Huế; đồng thời, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch (chủ yếu là quân Mỹ), phá vỡ một phần tuyến phòng ngự liên hoàn của chúng. Với chủ trương và sự chỉ đạo đúng đắn, sát sao của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự quyết tâm, tinh thần chiến đấu cao độ của các lực lượng cùng sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trên từng khu vực,... Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đã giành thắng lợi lớn. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, khắc họa những nét đặc sắc về nghệ thuật bao vây, chia cắt địch.

Một là, lựa chọn chính xác khu vực, mục tiêu bao vây, chia cắt. Để thực hiện phương châm tác chiến của Chiến dịch: lấy đánh địch ngoài công sự là chính, khi cần thiết và chắc thắng thì đánh địch trong công sự, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh liên tục, rộng khắp, tạo thời cơ cho đánh lớn, Bộ Tư lệnh Chiến dịch phải lựa chọn chính xác khu vực bao vây, chia cắt - “vây điểm”, buộc địch phải tiến hành ứng cứu, giải tỏa, từ đó bộc lộ đội hình, lực lượng, phương tiện ngoài công sự, tạo điều kiện cho ta tiến công tiêu diệt lực lượng lớn quân địch - “diệt viện”. Theo đó, Chiến dịch tập trung lực lượng, phương tiện tiến công quận lỵ Hướng Hóa, Huội San, Làng Vây, tạo bàn đạp vững chắc để bao vây Tà Cơn. Việc chọn Tà Cơn để tiến hành bao vây, chia cắt địch thể hiện tầm nhìn, tư duy nhạy bén, sáng tạo, khả năng phân tích, đánh giá tình hình của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Cụm cứ điểm Tà Cơn nằm ở trung tâm của thung lũng Khe Sanh, là mắt xích quan trọng của hàng rào điện tử “Mac Namara”, tạo nên thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc của địch. Quân đội Mỹ hy vọng dùng các căn cứ này làm “lá chắn” hòng kiểm soát và ngăn chặn sự chi viện chiến lược của miền Bắc vào miền Nam, từ hướng Lào sang và đề phòng các cuộc tiến công của ta từ phía Bắc; làm bàn đạp, nơi xuất phát các cuộc hành quân kiểu “nhảy cóc” để phát hiện và tiêu diệt các đơn vị chủ lực của ta. Ngoài ra, cụm cứ điểm Tà Cơn án ngữ ở phía Bắc Đường số 9, có sân bay Tà Cơn là nơi tiếp nhận hậu cần, bổ sung quân số, vũ khí, trang bị của địch - trung tâm của hệ thống phòng ngự của địch ở hướng Tây, được tổ chức lực lượng, phương tiện tương đối mạnh3. Với vị trí có ý nghĩa chiến lược như vậy, khi bị bao vây chặt, có nguy cơ bị tiêu diệt, buộc địch phải sử dụng lực lượng lớn ứng cứu, giải tỏa, tạo thời cơ cho ta tiến công tiêu diệt địch ngoài công sự. Hơn nữa, bao vây chặt và cô lập cụm cứ điểm Tà Cơn sẽ tạo ra thế chia cắt chiến dịch, phòng tuyến của địch bị cắt đi một mắt xích quan trọng ở hướng Tây, thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc bị phá vỡ hoàn toàn, khả năng phối hợp chiến đấu bị giảm sút. Đây là địa bàn rừng núi, vì thế hạn chế được ưu thế về hỏa lực và khả năng cơ động của địch, ta có điều kiện phát huy cách đánh sở trường, thực hiện “chia địch ra mà đánh, trói địch lại mà diệt”. Vì vậy, khi bị ta bao vây, mặc dù địch ở Tà Cơn tổ chức 04 lần phản kích nhưng đều bị ta đánh bại; đồng thời, chúng liên tục tổ chức lực lượng ứng cứu, giải tỏa bằng đường bộ và đổ bộ đường không xuống xung quanh Tà Cơn, thậm chí trong đợt 03, địch phải sử dụng Sư đoàn Kỵ binh không vận số 01 - niềm tự hào của Quân đội Mỹ để ứng cứu, giải tỏa nhưng vẫn không cứu vãn được tình hình. Nhờ đó, Chiến dịch đạt được ý định chiến lược đề ra là nghi binh, thu hút và giam chân lực lượng lớn chủ lực của địch về phía Đường số 9 buộc địch phải ứng cứu, giải tỏa, lực lượng, phương tiện bộc lộ ngoài công sự, tạo thời cơ cho ta tiến công tiêu diệt.

Hai là, sử dụng lực lượng bao vây, chia cắt hợp lý. Xây dựng cụm cứ điểm mạnh ở thung lũng Khe Sanh, địch mưu đồ thu hút các đơn vị chủ lực của ta, tạo nên thế trận đối xứng, sử dụng ưu thế hỏa lực không quân, nhất là máy bay B-52, hỏa lực pháo binh kết hợp với lực lượng tinh nhuệ, nhằm biến nơi đây thành “Điện Biên Phủ thứ hai”, hòng “nghiền nát” chủ lực của ta. Nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, với nghệ thuật quân sự độc đáo, đặc biệt là nghệ thuật sử dụng lực lượng hợp lý, ta tổ chức bao vây, cô lập hoàn toàn cụm cứ điểm Tà Cơn, cắt đứt tuyến phòng ngự của địch từ Cửa Việt đến Lao Bảo; tổ chức lực lượng tiến công tiêu diệt địch ứng cứu giải vây, thực hiện thắng lợi nghệ thuật “vây điểm”, “diệt viện”. Thực hành Chiến dịch, ta sử dụng Sư đoàn 325 bao vây địch ở hướng Bắc và Tây Bắc, Sư đoàn 304 bao vây địch ở hướng Nam Tà Cơn. Nét đặc sắc là ta không tạo thế trận đối xứng với địch, cũng không tập trung lực lượng lớn để bao vây mà các sư đoàn chỉ sử dụng lực lượng cấp tiểu đoàn, đại đội, chia nhỏ đội hình, kết hợp hỏa lực4, thực hiện “bám thắt lưng địch mà đánh”, tạo thế “cài răng lược” với địch, chuyển hóa linh hoạt từ vây hãm sang vây lấn vào sát hàng rào, có nơi xuyên qua hàng rào, sát tiền duyên phòng ngự của địch, chia cắt và uy hiếp mạnh lực lượng địch phòng ngự trong cụm cứ điểm. Còn lực lượng chủ yếu được bố trí bên ngoài, ở những vị trí có giá trị chiến thuật, xây dựng công sự trận địa, sẵn sàng cơ động đánh địch ứng cứu, giải tỏa. Nhờ sử dụng lực lượng hợp lý, đặc biệt trong đợt 02, Sư đoàn 304 sử dụng Trung đoàn 9 tổ chức các tiểu đoàn luân phiên nhau vào vây lấn; Trung đoàn 24 và Trung đoàn 66 sẵn sàng đánh địch ứng cứu, giải tỏa ở phía Nam và Tây Nam Tà Cơn, nên ta không chỉ hạn chế thương vong do sức mạnh hỏa lực của địch gây ra, mà còn đánh bại các thủ đoạn, biện pháp tác chiến của chúng. Cùng với đó, Chiến dịch sử dụng hỏa lực pháo binh tập kích vào sân bay Tà Cơn, cụm pháo binh của địch, sát thương sinh lực, phá hoại công sự, trận địa, phương tiện và khống chế hoạt động tiếp viện bằng đường không, làm cho chúng ở vào tình thế ngày càng khốn đốn, tinh thần, khả năng chiến đấu của binh lính giảm sút, dẫn đến thất bại.

Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, liên tục bao vây, chia cắt địch. Để thực hiện bao vây, chia cắt địch hiệu quả, đánh bại các đợt phản kích của chúng, sẵn sàng cơ động tiêu diệt lực lượng lớn quân địch cơ động ứng cứu, giải tỏa, Chiến dịch vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu nhằm hạn chế điểm mạnh, khoét sâu điểm yếu của địch, phát huy khả năng, sở trường của ta, nhất là việc nắm quyền chủ động, tạo lập và chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời xử lý các tình huống, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để tạo bàn đạp bao vây, chia cắt Tà Cơn, ta tổ chức tiến công địch phòng ngự ở quận lỵ Hướng Hóa, Huội San, đặc biệt, sử dụng sức mạnh hiệp đồng binh chủng tiến công cứ điểm Làng Vây; kết hợp sử dụng hỏa lực pháo binh khống chế sân bay Tà Cơn với đẩy mạnh đánh cắt giao thông dọc Đường số 9 đoạn từ Ku Bốc đến Rào Quán, chia cắt, cô lập hoàn toàn Tà Cơn về đường bộ. Tuy vậy, sức ép uy hiếp Tà Cơn vẫn chưa đủ mạnh, nên bước vào đợt 02, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chuyển từ vây hãm phát triển lên vây lấn5, buộc địch phải đưa lực lượng lớn ra ứng cứu, giải tỏa. Chúng đã phải sử dụng cả Sư đoàn Kỵ binh không vận số 01 - lực lượng cơ động mạnh nhất, hòng cứu vãn tình thế, thực hiện “trong đánh ra, ngoài đánh vào”, mưu đồ “nghiền nát” các đơn vị chủ lực của ta đang vây chặt Tà Cơn (giải vây). Nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, khi lực lượng bên trong cứ điểm nống lấn ra phía Tây Tà Cơn để nới lỏng vòng vây, Trung đoàn 66 bất ngờ tập kích vào đội hình địch, diệt gọn 01 đại đội lính thủy đánh bộ, đập tan ý đồ của chúng, giữ vững áp lực của ta lên Tà Cơn. Nhờ vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu, bao vây, chia cắt địch hiệu quả, ta chủ động “điều, dụ địch” theo cách đánh của ta, buộc chúng phải ứng cứu, giải tỏa với lực lượng ngày càng lớn, tạo điều kiện cho Sư đoàn 308 (lực lượng cơ động của Chiến dịch) phối hợp với pháo binh và lực lượng vũ trang địa phương, kịp thời chuyển hóa thế trận, tổ chức tiến công tiêu diệt lực lượng địch đổ bộ đường không, nhằm ứng cứu, giải vây cho Tà Cơn tại các khu vực: Tà Ri, Tà Quan, Pa Trang, Húc Cốt, v.v. Như vậy, mặc dù địch huy động lực lượng lớn, thiện chiến, có ưu thế về hỏa lực không quân, pháo binh và tác chiến điện tử hiện đại, nhưng ta vẫn giữ vững thế trận có lợi, liên tục bao vây, chia cắt địch, tạo thế trận, thời cơ thuận lợi để các lực lượng, nhất là lực lượng cơ động chiến dịch tiến công tiêu diệt lớn lực lượng địch ngoài công sự, buộc địch phải rút khỏi khu vực Khe Sanh, kết thúc thắng lợi Chiến dịch.

Những bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự, trong đó có nghệ thuật bao vây, chia cắt địch trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đại tá, ThS. PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử quân sự
___________________

1 - Địch bố trí khoảng 45.000 quân (28.000 quân Mỹ), tiến hành xây dựng hàng rào điện tử “Mac Namara” với nhiều trang bị hiện đại.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 50.

3 - Lực lượng của địch gồm: Trung đoàn 26 thủy quân lục chiến, Tiểu đoàn 37 biệt động quân, cụm pháo binh (24 khẩu pháo) và 02 trung đội xe tăng, v.v.

4 - Các đơn vị vây lấn được tăng cường cối 60 mm, cối 82 mm, súng máy phòng không 12,7 mm, mìn định hướng, súng bắn tỉa và được hỏa lực pháo binh trực tiếp chi viện.

5 - Ta xây dựng được 13 trận địa vây lấn bao quanh cụm cứ điểm Tà Cơn.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.