Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 22/01/2024, 07:38 (GMT+7)
Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chiến dịch tiến công Phước Bình - Bù Đốp năm 1969 tuy sử dụng lực lượng quy mô nhỏ nhưng do lựa chọn hướng tiến công chính xác; tạo lập và chuyển hóa thế trận linh hoạt; phát huy tốt cách đánh sở trường; kết hợp chặt chẽ giữa đánh tập trung và tiến công rộng khắp,... nên đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần tạo thế và lực có lợi cho ta trên vành đai Bắc và Đông Bắc Sài Gòn.

Sau thất bại trong Xuân - Hè năm 1969, để đối phó với các hoạt động tác chiến của ta, trên những địa bàn, hướng chiến lược quan trọng, địch tăng cường lực lượng chốt giữ các hậu cứ, thị trấn, thị xã, trục đường giao thông huyết mạch, làm bàn đạp đẩy mạnh chương trình “bình định cấp tốc”, hòng truy quét các cơ sở cách mạng của ta, củng cố bộ máy bù nhìn, tay sai và xây dựng quân đội Sài Gòn mạnh lên, dần thay thế quân Mỹ ở miền Nam. Thực hiện mưu đồ đó, trên địa bàn Phước Bình - Bù Đốp, địch chú trọng tăng cường lực lượng, phương tiện1, nhằm giữ vững bàn đạp, kịp thời ngăn chặn và đánh bại các cuộc tiến công của ta, tạo hành lang an toàn ở phía Bắc và Đông Bắc Sài Gòn.

Về phía ta, chủ trương của Bộ Chính trị là đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên bước phát triển mới, bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa; sử dụng các đơn vị chủ lực đánh quỵ từng binh đoàn quân đội ngụy Sài Gòn, thu hút, kiềm chế, tiêu diệt từng đơn vị quân Mỹ ở chiến trường rừng núi. Thực hiện chủ trương đó và trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình giữa ta và địch, Bộ Chỉ huy Miền (B2) quyết định mở Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp trên địa bàn hai tỉnh Bình Long và Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước), nhằm tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh, cắt tuyến quốc lộ 13, 14, chặn đường tiếp tế; diệt ác, trừ gian, phá ách kìm kẹp, bình định của địch ở khu vực Bù Đốp, Phước Bình, Lộc Ninh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Miền, với nghệ thuật quân sự độc đáo, ta liên tục tiến công, giáng cho địch một đòn chí mạng, bảo vệ thành công tuyến hành lang vận chuyển chiến lược và kho tàng ở biên giới Việt Nam - Campuchia; lập thế, tạo lực có lợi trên vành đai Bắc và Đông Bắc Sài Gòn. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tổ chức, chỉ huy, khả năng tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực Miền; trong đó, nghệ thuật vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo là nét đặc sắc.

Một là, lựa chọn nơi sơ hở, hiểm yếu trong khu vực phòng ngự của địch, tổ chức tiến công bảo đảm chắc thắng. Đây là nội dung quan trọng trong phương pháp tác chiến của chiến dịch tiến công nói chung, cách đánh độc đáo của các lực lượng tham gia chiến dịch nói riêng. Bởi vì, với chiến dịch tiến công quy mô nhỏ, lựa chọn khu vực tác chiến hợp lý, tiến công vào nơi sơ hở, mỏng yếu của địch là nghệ thuật, yếu tố quan trọng để phá vỡ thế trận, nhanh chóng đánh vào mục tiêu chủ yếu làm cho chúng không kịp trở tay, “mạnh hóa yếu, nhiều hóa ít”, đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, dẫn đến thất bại, đồng thời lập thế, tạo lực có lợi cho ta.

Trong chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp, khi lựa chọn khu vực tác chiến, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chú trọng nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tình hình các mặt, quyết định chọn thị trấn Bù Đốp là khu vực tác chiến chủ yếu, bởi đây là địa bàn quan trọng trong thế trận phòng ngự của địch ở Bắc và Đông Bắc Sài Gòn, được xây dựng thành Chi khu quân sự tương đối hoàn chỉnh, nhằm án ngữ, khống chế trục đường huyết mạch, nối liền giữa các tỉnh biên giới và đô thị Sài Gòn. Tuy nhiên, ta nhận thấy đội hình phòng ngự của địch bộc lộ nhiều sơ hở, không tạo nên thế liên hoàn, chủ yếu bám theo trục Đường 13, thế trận “dài và mỏng”, dễ bị ta bao vây, chia cắt, tiêu diệt gọn. Đối với ta, Bù Đốp nằm trong vùng căn cứ của Miền, là “mắt xích” quan trọng của hành lang Chơn Thành - Lộc Ninh - Bù Đốp, án ngữ đường tiếp vận từ ngã ba Đông Dương vào chiến trường Nam Bộ. Nếu giành thắng lợi, làm chủ địa bàn quan trọng này, ta sẽ giữ vững tuyến hành lang vận chuyển chiến lược, đồng thời, tạo lập thế trận vững chắc, liên hoàn, làm bàn đạp uy hiếp trực tiếp Sài Gòn từ phía Bắc và Đông Bắc. Bên cạnh đó, Bù Đốp nằm sát biên giới Campuchia, địa hình rừng núi hiểm trở, thuận lợi cho các lực lượng ta triển khai thế trận tiến công, phát huy sức mạnh binh, hỏa lực, cách đánh sở trường, bảo đảm bí mật, bất ngờ, chắc thắng. Điều quan trọng hơn là, khi ta tiến công khu vực Bù Đốp, chắc chắn địch buộc phải ứng cứu, giải tỏa, tạo điều kiện, thời cơ để ta tiêu diệt lớn lực lượng, phương tiện bộc lộ ngoài công sự - “diệt viện”. Nhờ lựa chọn khu vực tác chiến đúng nên khi mở đầu Chiến dịch, bằng các trận tập kích vào các chốt, cứ điểm phía Tây Chi khu Phước Bình, Bù Đốp, ta đã gây cho địch nhiều thiệt hại, tạo sức ép lớn, buộc chúng phải sử dụng lực lượng tinh nhuệ (Chiến đoàn 9, Sư đoàn bộ binh 5) cơ động ứng cứu, giải tỏa, tạo điều kiện, thời cơ cho ta thực hiện ý định “diệt viện”. Cùng với đó, trên Đường 13, 14, ta liên tục tiến công, đánh bại kế hoạch hành quân bình định của địch, biến nơi đây trở thành nỗi khiếp đảm - “con đường đầy máu và nước mắt” của quân Mỹ, ngụy, góp phần thực hiện thắng lợi cách đánh mà ta xác định.

Hai là, phát huy cách đánh sở trường, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức chiến thuật, giành thắng lợi trong từng trận đánh. Đặc điểm nổi bật của Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp là diễn ra trên địa bàn rộng, với nhiều đối tượng, mục tiêu tác chiến khác nhau và phải thực hiện nhiều trận đánh liên tục, đồng thời. Vì vậy, để phát huy khả năng, sở trường của từng lực lượng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cách đánh gắn với từng hình thức chiến thuật, bảo đảm phù hợp với đặc điểm tình hình địch, địa hình và đạt hiệu suất chiến đấu cao trong từng trận đánh. Theo đó, khi tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, ta sử dụng lực lượng tập trung, tác chiến hiệp đồng binh chủng, phối hợp chặt chẽ giữa bộ binh và pháo binh, đột phá liên tục, nhanh chóng thọc sâu, tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, phá vỡ thế trận phòng ngự của địch. Xác định Điểm cao 244 là cứ điểm quan trọng, địch tổ chức xây dựng kiên cố, vững chắc, nên ta sử dụng tập trung Trung đoàn bộ binh 141 kết hợp chặt chẽ với lực lượng pháo binh của Chiến dịch, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, nhanh chóng đột phá tiến công, phá vỡ thế trận của địch, tiêu diệt gọn hai chi đội xe thiết giáp Mỹ, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với tiến công bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng của các đơn vị chủ lực, căn cứ vào tình hình thực tiễn, ta phát huy cách đánh độc lập của từng binh chủng, “đánh hiểm, đánh đau”, gây cho địch những thất bại nặng nề. Điển hình là trận tập kích địch ở Núi Cậu, với cách đánh sở trường, Tiểu đoàn Đặc công 28 bí mật, luồn sâu, ém sẵn, bất ngờ “tập kích”, đánh thiệt hại nặng đại đội quân Mỹ. Trận Tiểu đoàn Công binh 94 dùng mìn “phục kích” tiêu diệt nhiều xe tăng, xe thiết giáp của địch trên Đường 14, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Đặc biệt trận đánh “khêu ngòi” ở các chi khu, trạm biệt kích, chốt giã ngoại,… khi đối tượng tác chiến thay đổi sang trạng thái phòng ngự trong công sự vững chắc, ta vận dụng cách đánh “tiến công kết hợp vây ép”. Điển hình là trận tiến công, vây ép Trại biệt kích Phước Tiên, buộc địch phải đưa lực lượng của Chiến đoàn 9 ứng cứu, giải tỏa, tạo thời cơ cho Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn bộ binh 141 vận động tiến công tiêu diệt gọn đại đội địch ở Đông Bắc Phước Tiên.

Ba là, chuyển hoá thế trận kịp thời, luôn giành và giữ quyền chủ động tiến công địch. Trước diễn biến mau lẹ của tình hình, để đánh bại các thủ đoạn tác chiến của địch, ta đã chuyển hóa thế trận kịp thời và luôn giành, giữ quyền chủ động tiến công địch. Tiêu biểu trong chuyển hóa thế trận là trận đánh cụm xe tăng địch ở cầu Thị Tính, theo kế hoạch dự kiến, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165 “phục kích” tiêu diệt địch, nhưng khi phát hiện địch di chuyển, ta kịp thời chuyển hóa thế trận, chuyển từ “phục kích” sang “vận động phục kích”, thực hiện “bám sát, đánh gần”, liên tục tiến công, sát thương, tiêu hao lớn lực lượng, phá hủy nhiều phương tiện, vật chất kỹ thuật của địch. Tiếp đó, để nâng cao hiệu quả tiêu diệt địch, tận dụng kết quả của trận “vận động phục kích”, khi địch chuyển sang tạm dừng, ta linh hoạt vận dụng hình thức chiến thuật “tập kích” bằng hỏa lực, xung lực của bộ đội đặc công, gây bất ngờ, đẩy chúng vào thế bị động, rối loạn, không kịp phản ứng, dẫn đến thất bại.

Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động tác chiến rộng khắp, tạo sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi trên toàn địa bàn Chiến dịch. Để hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng tiến công chủ yếu, ta đẩy mạnh các hoạt động tác chiến rộng khắp, thực hiện “lập thế ta đi đôi với phá thế địch”, khiến chúng rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, buộc phải căng kéo, phân tán lực lượng đối phó trên các hướng, bộc lộ nhiều sơ hở, tạo điều kiện để lực lượng chủ lực của ta tiến công tiêu diệt. Thông thường, lực lượng tác chiến rộng khắp chủ yếu sử dụng lực lượng vũ trang địa phương, nhưng trong Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp, ta sử dụng cả bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương tham gia hoạt động tác chiến rộng khắp; đây là nét đặc sắc, nổi bật trong nghệ thuật sử dụng lực lượng tham gia đánh địch. Theo đó, để phân tán sự đối phó của địch, đẩy chúng vào thế bị động, ta sử dụng các đơn vị của Trung đoàn 165 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tập kích cụm quân địch ở Mang Cải, buộc địch phải đổ bộ 01 tiểu đoàn quân Mỹ ở Bắc Làng 10 và đổ bộ 01 tiểu đoàn xuống Điểm cao 244 để ứng cứu giải tỏa; đồng thời, phục kích địch ở ngã ba Công Chánh, đánh thiệt hại nặng 01 đại đội quân Mỹ. Cùng với hướng tiến công chủ yếu, trên các hướng khác, lực lượng chủ lực của Chiến dịch phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tổ chức các trận đánh vào hậu cứ, các trục đường giao thông như ở Đường 748, Chi khu Phước Quả,… nhằm điều dụ địch theo cách đánh của ta, làm cho chúng mất dần quyền chủ động, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu tập trung tiêu diệt mục tiêu chủ yếu của địch. Dưới sự điều hành thống nhất của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, các trận đánh diễn ra liên tục, trong mọi điều kiện địa hình, từ nông thôn đến thành thị, cả phía trước và sau lưng địch, tác động, hỗ trợ lẫn nhau, trận đánh trước tạo tiền đề cho trận đánh sau, tạo thế và thời cơ để thực hiện trận then chốt (tập kích tiểu đoàn quân Mỹ ở Điểm cao 244), đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần đưa Chiến dịch đến thắng lợi hoàn toàn.

Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp là chiến dịch tiến công quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, mở ra khả năng tổ chức và thực hành những chiến dịch với quy mô, lực lượng lớn hơn nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự được rút ra từ Chiến dịch, nhất là nghệ thuật vận dụng cách đánh cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá, TS. NGUYỄN HÙNG CHIẾN, Học viện Lục quân
__________________________
         

1 - Địch bố trí 02 trung đoàn bộ binh cơ giới Mỹ, 03 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn Kỵ binh không vận số 01, Trung đoàn xe tăng thiết giáp số 11 và 03 đại đội thiết giáp Mỹ; lực lượng quân ngụy có 01 trung đoàn và 01 tiểu đoàn bộ binh, 01 tiểu đoàn biệt kích và 12 đại đội bảo an, dân vệ; 02 khẩu pháo 175 mm, 04 khẩu pháo 155 mm, 18 khẩu pháo 105 mm, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.