Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 26/06/2023, 07:37 (GMT+7)
Nghệ thuật sử dụng pháo binh trong Chiến dịch Trị - Thiên năm 1972

Chiến dịch tiến công Trị - Thiên năm 1972 đập tan tuyến phòng ngự kiên cố, vững chắc của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, tạo ra cục diện mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi của Chiến dịch thể hiện bước phát triển mới về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng; trong đó, nghệ thuật sử dụng pháo binh là một trong những nét đặc sắc của Chiến dịch.

Bước sang năm 1972, mặc dù vừa bị thất bại nặng nề trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (năm 1971), đặt Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” trước nguy cơ phá sản, nhưng với bản chất ngoan cố, địch vẫn nuôi tham vọng giữ cho cục diện chiến trường Đông Dương không bị xấu đi. Đối với chiến trường miền Nam, chúng co lại phòng ngự vững chắc, nhất là ở các địa bàn chiến lược; gia tăng sức mạnh quân ngụy, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch bình định, hòng kiểm soát hoàn toàn chiến trường nóng bỏng này. Đối với chiến trường Lào và Campuchia, chúng tăng cường hoạt động lấn chiếm, gây thanh thế, mở rộng địa bàn chiếm đóng. Thực hiện ý đồ đó, địch tăng cường lực lượng, phương tiện1, tập trung xây dựng khu vực Trị - Thiên (tuyến đầu trong hệ thống phòng thủ của Mỹ, ngụy) thành phòng tuyến kiên cố, liên hoàn, vững chắc, hòng chặn đứng mọi cuộc tiến công của ta.

Về phía ta, nắm vững thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam trong năm 1972, lấy Trị - Thiên làm hướng tiến công chủ yếu, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là hai hướng phối hợp quan trọng. Sau gần 03 tháng chiến đấu liên tục, với quyết tâm cao, vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, ta đã giáng cho địch một đòn chí mạng, tiêu diệt lớn lực lượng địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, nhất là, trình độ tổ chức, chỉ huy và vận dụng nghệ thuật tác chiến chiến dịch; trong đó, nghệ thuật sử dụng pháo binh là nét nổi bật.

Một là, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị cả về lực lượng và thế trận. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị đối với kết quả hoạt động tác chiến, với vai trò là hỏa lực chủ yếu của Chiến dịch, lực lượng pháo binh đã bám sát ý định tác chiến chiến dịch, tình hình thực tiễn và nhiệm vụ được giao, tổ chức quán triệt, phổ biến nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm chiến đấu cho bộ đội; đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, đạn pháo, thế trận, tổ chức hiệp đồng với các bộ phận, v.v. Để tăng cường sức mạnh hỏa lực pháo binh, tạo bất ngờ cho địch trong tác chiến, Bộ Tư lệnh Chiến dịch triển khai làm tốt công tác xây dựng, phát triển lực lượng và bố trí thiết bị chiến trường. Đặc biệt, ta đã chủ động thành lập các trung đoàn pháo xe kéo biên chế trực thuộc các sư đoàn bộ binh chủ lực; tổ chức tiếp nhận một phần lực lượng của tiểu đoàn tên lửa chống tăng có điều khiển (B72) của Bộ Tư lệnh Pháo binh phối thuộc cho Chiến dịch. Chú trọng tổ chức điều chỉnh, bổ sung trang bị cho 06 trung đoàn pháo binh dự bị chiến lược (chuyển thành pháo tầm xa); ưu tiên trang bị các đại đội, tiểu đoàn pháo binh trong biên chế của các tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh tham gia Chiến dịch. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị pháo binh tổ chức huấn luyện bổ sung, nghiên cứu cách đánh theo phương án tác chiến; diễn tập hiệp đồng với bộ binh, bắn đạn thật các loại pháo mang vác, đưa bộ đội vào sát với thực tế chiến đấu, v.v. Vì vậy, quá trình chiến đấu, lực lượng pháo binh đã chủ động khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Chiến dịch.

Để tạo lập thế trận pháo binh bí mật, bất ngờ, các đơn vị nhanh chóng xây dựng hệ thống đường cơ động2, nghiên cứu địa hình, tổ chức đo đạc pháo binh, trinh sát nắm địch, triển khai hệ thống thông tin liên lạc, công sự, trận địa cho pháo xe kéo, v.v. Nhờ chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, lực lượng pháo binh đã tập trung được ưu thế hỏa lực, tạo lập thế trận tiến công bí mật, bất ngờ, hiểm sắc; hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, nhất là bộ binh, các bộ phận trên hướng chủ yếu, tạo sức mạnh tập trung, giáng cho địch những đòn hỏa lực sấm sét, kết thúc thắng lợi Chiến dịch.

Pháo binh Sư đoàn 304 tham gia Chiến dịch Quảng Trị. Ảnh tư liệu.

Hai là, tổ chức, phân chia và bố trí pháo binh hợp lý; vận dụng sáng tạo nguyên tắc tập trung hỏa lực trong tác chiến. Chiến dịch Trị - Thiên năm 1972 diễn ra trong thời gian tương đối dài, trên địa bàn rộng, với nhiều trận đánh ác liệt, nhiều thành phần, lực lượng tham gia, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, mục tiêu khác nhau; đối tượng tác chiến là lực lượng địch phòng ngự trong công sự vững chắc, có ưu thế về phương tiện trinh sát, hoả lực không quân, pháo binh, v.v. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu tác chiến, nhất là nhu cầu sử dụng hỏa lực pháo binh lớn, trong khi khả năng huy động pháo binh của ta còn hạn chế, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo tổ chức, phân chia và bố trí lực lượng pháo binh hợp lý; đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nguyên tắc tập trung hỏa lực, chú trọng chi viện cho các lực lượng quan trọng trên hướng tiến công chủ yếu, trận then chốt, then chốt quyết định, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo đó, việc tổ chức lực lượng pháo binh được xây dựng hoàn chỉnh ở cả 03 cấp: pháo binh chiến dịch gồm các trung đoàn pháo tầm xa và một số trung đoàn pháo phản lực cỡ lớn, hình thành các cụm pháo binh trên các hướng tiến công và thọc sâu, tập trung trên hướng chủ yếu, nhiệm vụ chủ yếu và các trận then chốt. Pháo binh các sư đoàn tổ chức thành các cụm pháo, ở địa hình khó cơ động thì dùng pháo mang vác cỡ lớn (ĐKB, H12); tùy theo nhiệm vụ, có đơn vị được trang bị súng cối 160 mm, 120 mm hoặc BM14, tên lửa chống tăng B72. Pháo đi cùng của các trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh gồm các loại pháo, cối mang vác (cối 120 mm, cối 82 mm, ĐKZ,…) chi viện trực tiếp cho bộ binh, xe tăng chiến đấu. Với việc tổ chức bố trí thế trận hiểm sắc, thực hiện tốt nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, phù hợp với phương pháp tác chiến của ta, tạo thế bao vây, chia cắt chiến dịch, nên pháo binh chiến dịch đã chế áp, giành thế áp đảo trận địa pháo binh vòng ngoài và trong chiều sâu phòng ngự của địch, giữ được bí mật, bất ngờ, tiện cơ động, thuận lợi khi tập trung hỏa lực.

Ngoài ra, Chiến dịch còn tổ chức 03 đòn hỏa lực mạnh, nhanh chóng phá vỡ hệ thống phòng ngự liên hoàn, vững chắc của địch, tăng khả năng đột phá và tốc độ tiến công của bộ binh, xe tăng của ta, tạo sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi. Đòn thứ nhất: ta mở màn chiến dịch bằng đợt tập kích hỏa lực đồng loạt (Bão táp 1) vào lúc địch đang thay quân, với 150 khẩu pháo xe kéo, hơn 200 khẩu pháo mang vác và hỏa tiễn, sử dụng gần 15.000 viên đạn, bắn chính xác vào 19/24 căn cứ địch, làm cho chúng hoàn toàn bị bất ngờ và thiệt hại nặng, tạo điều kiện cho bộ binh, xe tăng của ta bao vây, áp sát, tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Đòn thứ hai (tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép địch ở xung quanh Đông Hà): ta tập trung hỏa lực 05 tiểu đoàn pháo chiến dịch và pháo binh các sư đoàn, với gần 4.000 viên đạn các loại cỡ lớn; đồng thời, sử dụng kết hợp các loại hỏa khí chống tăng khác nhau, tạo thành hệ thống hỏa lực mạnh, đánh bại chiến thuật “vỏ thép cứng di động” co cụm của xe tăng địch ở vòng ngoài, diệt từng cụm xe tăng, tạo điều kiện cho bộ binh, xe tăng của ta nhanh chóng tiến công, đập tan cụm phòng ngự chủ yếu của địch ở thị xã Đông Hà. Đòn thứ ba (mật tập hỏa lực vào La Vang): ta sử dụng tập trung 04 cụm pháo binh và tiểu đoàn pháo phản lực BM14, với gần 600 viên đạn, bắn gấp trong 15 phút, biến cuộc rút lui của địch thành cuộc tháo chạy, bị thiệt hại nặng về lực lượng, phương tiện. Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nghệ thuật sử dụng pháo binh xuất hiện đòn mật tập trong chiến dịch tiến công.

Ba là, kết hợp chặt chẽ các loại pháo binh, cơ động lực lượng, hỏa lực linh hoạt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu tác chiến. Địch phòng ngự ở Trị - Thiên dựa vào hệ thống công sự vững chắc, với sự chi viện tối đa của không quân và pháo binh trong và ngoài căn cứ, kết hợp sức mạnh của xe tăng, xe bọc thép để đối phó với ta. Nhờ nắm chắc địch, địa hình, ta sử dụng, phát huy đúng tính năng, tầm bắn của các loại pháo, kết hợp chặt chẽ giữa pháo xe kéo và cối cỡ lớn, nên sức mạnh hỏa lực được nhân lên gấp bội, kịp thời tập trung cho hướng, nhiệm vụ, khu vực, mục tiêu chủ yếu, trận đánh then chốt, then chốt quyết định. Đồng thời, phát huy ưu thế các loại pháo đi cùng, luồn sâu, đánh gần, đánh hiểm; kết hợp sử dụng các loại vũ khí chống tăng ở nhiều cự ly, nâng cao hiệu quả tiêu diệt mục tiêu. Đặc biệt, trong đợt 02 của Chiến dịch, ta đưa tên lửa B72 vào sử dụng, tạo yếu tố bí mật, bất ngờ lớn đối với địch, tiêu diệt nhiều xe tăng và bọc thép, nhanh chóng phá vỡ “vành đai thép” của địch ở phía Tây và Bắc Đông Hà.

Có thể khẳng định, trong lịch sử tác chiến của Bộ đội Pháo binh, muốn giành thắng lợi, một trong những nội dung quan trọng là phải giải quyết tốt vấn đề cơ động lực lượng, cơ động hỏa lực, kịp thời điều chỉnh thế trận, chi viện hiệu quả cho bộ binh, xe tăng chiến đấu và xử lý các tình huống, hoàn thành nhiệm vụ. Nhận thức rõ điều đó, Chiến dịch tập trung giải quyết tốt các vấn đề về bảo đảm cơ động (đường cơ động, phương tiện xe, pháo, sửa chữa, cứu kéo, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm), nên các đơn vị pháo binh cơ động chiếm lĩnh trận địa bắn bảo đảm an toàn, bí mật, đúng thời gian hiệp đồng (khi toàn bộ lực lượng pháo binh ở các hướng đã sẵn sàng thực hiện “Bão táp 1”, nhưng địch vẫn không phát hiện được ý định tiến công của ta). Quá trình tác chiến, các đơn vị cơ động lực lượng, hỏa lực, khẩn trương, an toàn, kịp thời chi viện hiệu quả cho các hướng, mũi tiến công. Trong đợt 01, sau khi chi viện cho bộ binh, xe tăng tiêu diệt các cứ điểm vòng ngoài, các đơn vị pháo binh lần lượt di chuyển đội hình lên phía trước (Mai Lộc, Làng Mút, miếu Bái Sơn,..), vừa cơ động, vừa làm công tác chuẩn bị tiến công Đông Hà, Ái Tử. Trong đợt 02, pháo xe kéo chủ yếu chỉ cơ động hỏa lực, pháo mang vác bám sát đội hình bộ binh, xe tăng, thực hành chi viện hỏa lực tiêu diệt địch. Để chuẩn bị cho đợt 03, pháo binh chiến dịch cơ động lực lượng lần 02, vượt sông Thạch Hãn vào Trường Phước, qua Cửa Việt vào Mỹ Thủy, An Đồn, Nham Biền,... chi viện cho các lực lượng phát triển tiến công vào Nam sông Mỹ Chánh, Đồng Lâm, kết thúc Chiến dịch.

Trên đây là những nét nghệ thuật đặc sắc, đồng thời cũng là những bài học quý về nghệ thuật sử dụng pháo binh, tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn trong Chiến dịch Trị - Thiên năm 1972 cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN HÙNG, Học viện Lục quân
__________________

1 - Lực lượng địch gồm: 02 sư đoàn bộ binh, 02 lữ đoàn lính thủy đánh bộ, 03 thiết đoàn tăng thiết giáp, 17 tiểu đoàn pháo binh,… được không quân, pháo binh (kể cả pháo hạm) chi viện.

2 - Từ tháng 7/1971 đến tháng 3/1972 đã sửa chữa và mở mới 09 con đường với tổng chiều dài gần 300 km; trong đó, có 06 con đường cho các đơn vị pháo xe kéo.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.