Thứ Năm, 21/11/2024, 00:27 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cách đây 70 năm, thực hiện kế hoạch tác chiến chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954, ta mở một số hướng tiến công chiến lược với nhiều chiến dịch tiến công trên các địa bàn quan trọng, trong đó có Chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Đây là chiến dịch có hiệu suất chiến đấu cao, với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc, điển hình là nghệ thuật đánh trận mở đầu, tạo đột biến và thúc đẩy Chiến dịch giành thắng lợi lớn.
Sau thất bại nặng nề ở Lai Châu, “Kế hoạch Nava” của địch đứng bên bờ vực phá sản hoàn toàn, khối chủ lực cơ động chiến lược của chúng ngày càng bị phân tán để đối phó với các hoạt động tác chiến trên những hướng quan trọng chiến lược của ta ở Tây Nguyên, Thượng Lào, Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia. Ở địa bàn Liên khu 5, cùng với mở Cuộc hành quân Atlante để càn quét vùng tự do của ta ở Đồng bằng duyên hải miền Trung, địch ra sức bố phòng ở khu vực Bắc Tây Nguyên hòng giữ thế chủ động, tạo bàn đạp cho các hoạt động tác chiến của chúng. Thực hiện ý đồ đó và để tạo thành thế phòng ngự liên hoàn với lực lượng chủ yếu bên trong thị xã Kon Tum, địch tổ chức phòng ngự thành ba khu vực (Bắc, Nam, Đông) ở xung quanh Thị xã; trong đó, khu Đông là nơi quan trọng nhất bao gồm các cứ điểm bố trí dọc Đường số 05, án ngữ tuyến đường huyết mạch nối liền Kon Tum và Quảng Ngãi.
Về phía ta, thực hiện kế hoạch tác chiến chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của Liên khu 5 là mở Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên. Bên cạnh đó, phải chú trọng bảo vệ và củng cố vùng tự do, buộc địch phải phân tán khối chủ lực cơ động của chúng, không cho tập trung về khu vực trọng yếu là Đồng bằng Bắc Bộ. Để hiện thực hóa nhiệm vụ trên hướng chiến lược trọng yếu, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Liên khu 5 quyết định tập trung toàn bộ chủ lực1 mở Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên; đối với nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do sẽ giao cho bộ đội địa phương và du kích đảm nhiệm. Với quyết tâm chiến đấu cao, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự độc đáo, Chiến dịch đã giành thắng lợi lớn, đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở địa bàn chiến lược quan trọng Bắc Tây Nguyên, góp phần mở rộng vùng tự do của Liên khu 5, nối liền với vùng giải phóng của nước Bạn đến Hạ Lào. Đồng thời, buộc địch vẫn phải duy trì lực lượng lớn chủ lực ở địa bàn Tây Nguyên2, làm cho mâu thuẫn giữa “tập trung và phân tán” lực lượng cơ động chiến lược của chúng ngày càng sâu sắc. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực Liên khu 5, nhất là về trình độ tổ chức, thực hành chiến dịch; trong đó, nghệ thuật đánh trận mở đầu chiến dịch là nét đặc sắc.
Một là, khéo nghi binh, lừa dụ địch, bảo đảm bí mật, bất ngờ cho hướng tiến công chủ yếu, đánh trận mở đầu chiến dịch. Với quyết tâm giành thắng lợi, bảo đảm chắc thắng cho trận mở đầu Chiến dịch, ta chủ động đẩy mạnh các hoạt động nghi binh ở vùng sau lưng địch, nhằm đánh lạc hướng, khiến chúng lơ là, mất cảnh giác, bộc lộ nhiều sơ hở trên hướng, khu vực, mục tiêu tiến công chủ yếu của ta ở Bắc Tây Nguyên. Thực hiện ý định trên, trước khi Chiến dịch diễn ra, từ đầu tháng 01/1954, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với nhân dân đẩy mạnh hoạt động tác chiến rộng khắp, nổi dậy diệt tề, trừ gian, phá kìm kẹp, mở rộng vùng tự do ở Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, v.v. Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả lừa dụ địch, các đơn vị còn táo bạo “luồn sâu, đánh hiểm” vào thị xã Hội An, Phan Thiết, phá kho xăng ở Nha Trang, tập kích căn cứ hậu cần của địch ở Ninh Hòa, Đắk Lắk,… làm phân tán sự chú ý của địch, khiến chúng tập trung đề phòng về hướng Đồng bằng duyên hải miền Trung và Nam Tây Nguyên, bộc lộ nhiều sơ hở, mất cảnh giác ở hướng Bắc Tây Nguyên; hoang mang, không đoán được ý định tác chiến của ta, nhất là mục tiêu mở đầu chiến dịch.
Cùng với các hoạt động tác chiến rộng khắp ở vùng sau lưng địch, trên hướng Bắc Tây Nguyên, trước khi Chiến dịch nổ ra một ngày, ta chủ động cho hướng thứ yếu nổ súng trước, nhằm thu hút sự chú ý của địch xuống phía Nam. Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng Trung đoàn 120 bất ngờ tiến công tiêu diệt gọn các cứ điểm Kà Tung, Ba Bả - Kà Tu và Búp Bê trên Đường số 19 - An Khê; tạo tình huống “thật, giả lẫn lộn”, “hư hư, thực thực”, làm địch bất ngờ không phán đoán được ý định tiến công của ta, tập trung mọi nỗ lực đối phó trên hướng thứ yếu, các mục tiêu trên hướng chủ yếu bị bỏ ngỏ, phòng bị không cẩn thận, sơ hở. Đây là điều kiện, thời cơ thuận lợi để ta cơ động lực lượng, triển khai đội hình tiến công trên hướng chủ yếu bảo đảm bí mật, bất ngờ, đúng ý định tác chiến. Do vậy, khi Trung đoàn 108 và Tiểu đoàn Đặc công Miền đồng loạt nổ súng tiến công, mở đầu Chiến dịch vào Măng Đen, Măng Bút và Kon Brây, địch hoàn toàn bị động, không kịp trở tay, lúng túng đối phó, rối loạn chỉ huy, hiệp đồng, nhanh chóng bị tiêu diệt.
Hai là, lựa chọn chính xác hướng, mục tiêu đánh trận mở đầu chiến dịch, bảo đảm chắc thắng. Trong điều kiện lực lượng, phương tiện của địch mạnh hơn ta nhiều lần, để giành quyền chủ động trong tác chiến, tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, gây cho địch choáng váng ngay từ đầu, bị động, lúng túng đối phó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch tập trung nghiên cứu, lựa chọn chính xác hướng, mục tiêu mở đầu chiến dịch, bảo đảm chắc thắng. Trên cơ sở nắm, đánh giá, kết luận chính xác tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết trong khu vực tác chiến, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định lựa chọn khu vực, hướng tiến công chủ yếu là Bắc Tây Nguyên để mở đầu chiến dịch. Đây là sự lựa chọn hoàn toàn chính xác, thể hiện tầm nhìn, tư duy nhạy bén, sáng tạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, bởi Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đối với cả ta và địch ở miền Nam và toàn Đông Dương, trong đó Bắc Tây Nguyên là khu vực phòng ngự quan trọng của địch, nối liền với vùng tự do của ta ở đồng bằng Duyên hải miền Trung và Hạ Lào, tạo thành thế liên hoàn. Nếu ta giành thắng lợi, giải phóng thị xã Kon Tum, sẽ có ý nghĩa chiến lược rất lớn, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, góp phần quan trọng buộc địch phải phân tán khối chủ lực cơ động chiến lược của chúng để đối phó với các hoạt động tác chiến của ta. Điều đáng nói là trên hướng tiến công chủ yếu Bắc Tây Nguyên, Chiến dịch đã xác định tiến công đồng thời các mục tiêu Măng Đen, Măng Bút và Kon Brây để đánh trận mở đầu. Sở dĩ như vậy, bởi đây là những cứ điểm quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến sự ổn định phòng ngự của địch khi bị tấn công. Tuy nhiên, trong tổ chức phòng ngự, địch tại các cứ điểm này lại bộc lộ nhiều sơ hở; các cứ điểm đó lại nằm rải rác, độc lập, bố phòng thiếu chặt chẽ, không tạo nên thế liên hoàn, khả năng chi viện lẫn nhau trong quá trình chiến đấu hạn chế. Bên cạnh đó, các mục tiêu đánh trận mở đầu chiến dịch bố trí tương đối xa thị xã Kon Tum3; địa hình rừng núi hiểm trở, chỉ có các con đường độc đạo, cơ động lực lượng, phương tiện ứng cứu gặp nhiều khó khăn, nếu ta bí mật bao vây, áp sát thì địch sẽ nhanh chóng rơi vào thế bị cô lập, ta có thể tự do hành động, chủ động ứng biến linh hoạt ở thế trận có lợi. Thực tiễn Chiến dịch đã chứng minh, khi ta đồng loạt tiến công mở đầu chiến dịch ở Măng Đen, Măng Bút, Kon Brây, địch ở thị xã Kon Tum không dám ra ứng cứu, trong khi đó hàng chục tiểu đoàn chủ lực cơ động của chúng đang bị mắc kẹt ở Phú Yên, không thể cơ động về kịp, ta nhanh chóng “san phẳng” các mục tiêu quan trọng này, hoàn thành mục đích Chiến dịch đề ra.
Ba là, sử dụng lực lượng hợp lý, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, tạo sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi hoàn toàn. Quá trình chuẩn bị Chiến dịch, thông qua trinh sát nắm địch, ta phát hiện Măng Đen, Măng Bút, Kon Brây là những cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ Bắc Tây Nguyên, nhất là cứ điểm Măng Đen với hệ thống công sự, trận địa, vật cản được xây dựng tương đối vững chắc. Đây là những cứ điểm quan trọng, án ngữ cửa ngõ thị xã Kon Tum, chỉ có tiến công “san phẳng” 03 cứ điểm này ta mới tạo ra đột biến, thúc đẩy Chiến dịch phát triển thuận lợi. Vì vậy, để tạo sức mạnh vượt trội, bảo đảm chắc thắng cho trận mở đầu chiến dịch, ta tập trung toàn bộ chủ lực của Miền gồm Trung đoàn 108 và Trung đoàn 803, lực lượng đặc công, công binh, pháo binh Miền,… cho hướng tiến công chủ yếu đánh trận mở đầu chiến dịch. Trên hướng tiến công thứ yếu, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chỉ sử dụng Trung đoàn 120 địa phương đảm nhiệm tiêu diệt địch ở các cứ điểm Kà Tung, Ba Bả - Kà Tu, sau đó phát triển chiến đấu theo Đường số 19. Nhờ sử dụng tập trung lực lượng, khi nổ súng tiến công đồng thời 03 cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, Kon Brây, ta đã tạo ưu thế hơn hẳn địch, liên tục đột phá, đập tan cụm phòng ngự then chốt của địch ở Bắc Kon Tum, cửa ngõ tiến vào thị xã Kon Tum được mở toang. Thắng lợi của trận mở đầu đã tạo đột biến chiến dịch, lập thế, tạo lực để ta nhanh chóng bao vây thị xã Kon Tum, mở ra điều kiện, thời cơ thuận lợi thúc đẩy chiến dịch phát triển đến thắng lợi hoàn toàn.
Cùng với nghệ thuật sử dụng tập trung lực lượng, để tạo sức mạnh tổng hợp đánh địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận tham gia tác chiến, phát huy khả năng, sở trường của từng đơn vị, lực lượng. Nhờ đó, trên hướng tiến công chủ yếu của Chiến dịch, khi Trung đoàn 108 nổ súng tiến công cứ điểm Măng Đen, Tiểu đoàn 19 tiến công khu A gặp nhiều khó khăn do địch co cụm, dựa vào công sự, hầm ngầm, chống trả quyết liệt, Tiểu đoàn 79 sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiến công khu B đã chủ động cơ động vượt qua sân bay, hình thành hướng tiến công mới, đánh vào bên sườn, phía sau đội hình địch phòng ngự ở khu A; phối hợp, hiệp đồng với hướng tiến công của Tiểu đoàn 19, tạo sức mạnh vượt trội, bao vây, tiến công địch từ nhiều hướng, liên tục đột phá, tiêu diệt gọn cứ điểm phòng ngự mạnh, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi.
Thắng lợi của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 không chỉ có giá trị, ý nghĩa thực tiễn về nghệ thuật đánh trận mở đầu chiến dịch, mà còn mang ý nghĩa chiến lược - là điều kiện, tiền đề quan trọng cùng với các chiến dịch trên những hướng chiến lược khác thúc đẩy chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát triển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, TS. TRẦN VĂN CAO, Trường Sĩ quan Lục quân 1 __________________
1 - Gồm: 02 trung đoàn bộ binh chủ lực (Trung đoàn 108, Trung đoàn 803), Trung đoàn 120 bộ đội địa phương, lực lượng đặc công, pháo binh Miền, v.v.
2 - Địch buộc phải điều hơn 10 tiểu đoàn từ Phú Yên, Bình - Trị - Thiên và Nam Bộ lên khu vực Tây Nguyên, xây dựng thành 02 cụm cứ điểm ở Plâyku (11 tiểu đoàn) và An Khê (03 tiểu đoàn) để đối phó với các hoạt động tác chiến của ta.
3 - Măng Đen và Măng Bút cách nhau khoảng 10 km, Kon Brây cách Măng Đen khoảng 25 km và cách Kon Tum khoảng 30 km.
chiến cục Đông Xuân,tiến công chiến lược,Chiến dịch Bắc Tây Nguyên,đánh trận mở đầu
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh 22/01/2024
Nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch giải phóng Lai Châu năm 1953 14/12/2023
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào