Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 21/08/2023, 08:14 (GMT+7)
Đồn điền - một hình thức khai hoang và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong lịch sử nước ta

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các triều đại phong kiến Việt Nam đã sáng tạo ra hình thức “đồn điền” để vừa khai khẩn ruộng đất, canh tác nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng cương vực lãnh thổ; vừa sẵn sàng chuyển thành phiên hiệu quân đội tham gia dẹp loạn, chống ngoại xâm, tạo nên những hàng rào biên giới vững chắc, giữ yên biên thùy.

Nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược từ các thế lực ngoại bang có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh gấp nhiều lần và sau các cuộc chiến tranh đó đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, kinh tế kiệt quệ, nhân dân phiêu tán, ruộng đồng bỏ hoang, v.v. Ngoài ra, chúng ta còn phải thường xuyên đương đầu với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai xảy ra liên miên, dẫn đến mùa màng thất bát.

Để phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh của cả nước nói chung, miền biên viễn nói riêng, góp phần mở mang bờ cõi và giữ yên biên thùy, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chủ trương khai hoang những vùng đất rộng lớn, phì nhiêu ở các vị trí xung yếu của đất nước; trong đó, lập đồn điền là chính sách quan trọng, đạt hiệu quả cao. Trải qua hàng trăm năm tồn tại kế tiếp nhau, dựa vào những tác động tích cực mà đồn điền mang lại, có thể khẳng định, đây là chính sách khẩn hoang tương đối quy mô của nhà nước phong kiến, thể hiện sâu sắc đường lối kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là vùng biên ải và được biểu hiện ở một số nét cơ bản sau:

Một là, đồn điền mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội tích cực. Trước đây, trong xã hội phong kiến Việt Nam, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo. Vì thế, các triều đại phong kiến nước ta hết sức coi trọng, cho ra đời nhiều chính sách để kịp thời khôi phục, mở rộng và phát triển sản xuất nông nghiệp vốn bị suy yếu do chiến tranh kéo dài hoặc thiên tai tàn phá. Trong đó, lập đồn điền là chính sách nông nghiệp tích cực, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, có tác dụng mở rộng diện tích canh tác, giải phóng sức lao động trong nhân dân, phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng đất nước giàu mạnh - “quốc phú binh cường”. Nếu không có chính sách khuyến khích khẩn hoang, để cho nhân dân tự khai khẩn đất đai thì sẽ lâu đến đích; bởi muốn khẩn hoang nhất thiết phải có vốn, nông cụ, trâu bò,... trong khi số lượng “bá hộ”, “thiên hộ” và “vạn hộ” trong dân không nhiều, khai khẩn theo hướng “tự phát”, “nhỏ lẻ” với quy mô nhỏ chắc chắn hiệu quả không cao. Nhận thức rõ những lợi ích và để mở rộng số lượng các đồn điền, năm 1481, Vua Lê Thánh Tông ra chiếu lập đồn điền: “Việc lập đồn điền là cốt để dồn hết sức vào việc làm ruộng, để cho sự tích trữ trong nước được dồi dào”1. Theo đó, nhà nước sẽ cấp, cho vay hoặc cho thuê trước trâu bò, nông cụ, lúa giống,... cũng như giảm trừ thuế trong những năm đầu cho nông dân, nhằm giúp các đồn điền sớm ổn định, phát triển. Thông qua đó, triều đình huy động được nhiều thành phần trong xã hội tham gia; người dân dù “không có tấc sắt trong tay” đều có thể lập nghiệp. Nhờ chính sách ưu việt này, chỉ sau thời gian ngắn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp không ngừng mở rộng2, từ đó, khoản thuế thu của triều đình cũng tăng tiến không ngừng, góp phần vừa gia tăng nguồn ngân khố của quốc gia, vừa tạo kế sinh nhai, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, giảm bớt sử dụng ngân sách của triều đình cho tù phạm, bảo đảm tốt nguồn quân lương tại chỗ, giải quyết kịp thời các tình huống bất trắc xảy ra ở vùng biên viễn. Bên cạnh đó, chính sách đồn điền cũng mang lại những hiệu quả tích cực về mặt xã hội. Trong lịch sử hình thành, đồn điền được phân làm 02 loại. Đồn điền loại 01, lực lượng bao gồm binh lính, chiến tù và tội nhân; trong đó, binh lính làm nhiệm vụ canh giữ, quản lý, còn chiến tù và tội nhân là lực lượng lao động, sản xuất chính; còn đồn điền loại 02, lực lượng đa phần là dân lưu tán, đi tìm vùng đất mới khai hoang với mong muốn “an cư, lạc nghiệp”. Đưa binh lính, chiến tù, phạm nhân và dân lưu tán ra vùng biên viễn, nhà nước phong kiến chủ trương tổ chức lực lượng đó trong những đồn điền để sản xuất và kết hợp huấn luyện quân sự, biến các thành phần “cộm cán” của xã hội trở thành những lao động hữu ích, những chiến binh khi có họa xâm lăng, vừa bảo đảm được việc trị an bên trong - đối nội, vừa xây dựng được lực lượng trấn giữ, phòng bị bên ngoài - đối ngoại, tạo sự ổn định và phát triển của xã hội - “trong ấm, ngoài êm”. Thực tiễn cho thấy, năm 1827, khi Nguyễn Công Trứ dẹp trừ các cuộc khởi nghĩa của nông dân trong nước, Ông đã nhận ra những kẻ “làm loạn” không phải ai xa lạ mà chính là những người dân đói khát lưu vong không có ruộng đất. Với tầm nhìn chiến lược, Ông dâng sớ lên triều đình tập hợp những người dân ly tán, binh lính, tù nhân đi khai khẩn những vùng đất hoang ven biển Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình), nhờ đó, khắc phục triệt để nạn xiêu tán và khởi nghĩa, phát triển nông nghiệp, ổn định xã hội.

Hai là, đồn điền là những hàng rào biên phòng - “phên giậu” vững chắc vùng biên ải. Để bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, không cho các thế lực ngoại bang có cơ hội, điều kiện vi phạm, xâm lấn biên giới, tạo bàn đạp ở các vùng đất xung yếu, chiến lược, hòng tiến đánh nước ta, từ rất sớm các triều đại phong kiến chủ động phòng bị bằng nhiều biện pháp, cách thức hữu hiệu “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Trong đó, các đồn điền có vai trò quan trọng, nhằm tạo thành những “rào chắn” biên phòng - “phên giậu” vững chắc nơi biên cương, sẵn sàng đập tan mưu đồ của kẻ thù xâm lược. Lúc hòa bình, dân đồn điền là nông dân sản xuất, nhu cầu về kinh tế là chủ yếu, tính chất hoạt động của đồn điền sát gần với đặc thù ở những làng, xã vùng nông thôn bình thường, nên bên cạnh việc tập trung cho sản xuất nông nghiệp, các đồn điền cũng chính là “tai, mắt” của triều đình để nắm chắc tình hình an ninh trật tự ở miền biên ải, nắm rõ mọi động thái của các thế lực ngoại xâm, tạo điều kiện cho triều đình có sự phòng bị và xử lý các tình huống linh hoạt, kịp thời; đồng thời, đây cũng là nơi để kết nối, triển khai, đẩy mạnh các hoạt động bang giao, đối ngoại biên phòng. Nhờ được tổ chức luyện tập quân sự thường xuyên trong thời bình, khi chiến tranh xảy ra, đồn điền trở thành các đơn vị quân đội, mỗi người dân là một người lính, thoát ly sản xuất, tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Bởi, họ là những người thông thuộc địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu - “biết rõ tình thế biên giới”, là lực lượng tại chỗ, có mặt sớm nhất, kịp thời nhất, phá thế chuẩn bị tiến công của địch, tạo lập thế trận ban đầu vững chắc cho quân chủ lực triều đình đánh những trận quyết định. Năm 1432, ở khu vực biên giới Tây Bắc, Đèo Cát Hãn, tù trưởng châu Ninh Viễn3, câu kết với một số tù trưởng quanh vùng định chiếm cứ địa bàn Tây Bắc, song, dân đồn điền đã nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của quân nổi loạn, được sự tiếp ứng kịp thời của quân triều đình, nhanh chóng dẹp xong bạo loạn, góp phần sớm ổn định tình hình biên giới, không cho ngoại bang lợi dụng xâm lấn.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của đồn điền, năm 1821, Nguyễn Văn Thoại khôn khéo chiêu mộ dân địa phương, những người buôn bán đến Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang) lập đồn điền, dựng làng, mở chợ, theo thời gian, dân đinh tăng lên, ruộng đất mở mang. Nhờ đó, khi tình hình biên phòng có biến động, triều đình nhanh chóng chuyển số dân đồn điền vào ngạch lính; những đồn điền nơi đây được chuyển thành các phiên hiệu quân đội, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra ở vùng biên viễn, góp phần quan trọng giữ yên biên thùy trên khu vực chiến lược phía Tây Nam của đất nước. Như vậy, nhờ được tổ chức chặt chẽ như các đơn vị quân đội, được luyện tập quân sự thường xuyên ngay từ thời bình, các đồn điền là những “rào chắn” biên phòng vững chắc, ngăn chặn kịp thời các hành động vi phạm và quấy rối biên giới, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Ba là, đồn điền đóng vai trò quan trọng trong hình thành các xã, thôn, ấp, mở rộng địa giới hành chính ở Nam Bộ. Ở nước ta, giai đoạn nhà Nguyễn nắm quyền đã tiếp tục kế thừa và phát triển mạnh chính sách lập đồn điền từ thời nhà Lê và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc đẩy mạnh sản xuất, từng bước ổn định đời sống nhân dân ở khu vực Nam Bộ. Chính sách này được bắt đầu từ thời Gia Long và phát triển mạnh dưới thời Minh Mạng, với sự xuất hiện số lượng lớn các đồn điền, đặt nền móng ban đầu, trở thành điểm đến hấp dẫn - “miền đất hứa”, thu hút dân cư từ các nơi khác đến khai khẩn đất đai, lập làng, mở chợ, với mong muốn “an cư, lạc nghiệp”. Không phải ngẫu nhiên mà Nam Bộ dưới 04 triều vua Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), đồn điền lại phát triển nhanh và mạnh như vậy4; bởi, đây là miền đất mới so với các dải đất khác ở miền Bắc và miền Trung, đất đai phì nhiêu do được bồi đắp phù sa hằng năm, sản vật dồi dào, thuận lợi để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn và cho năng suất cao. Theo thời gian, quy mô các đồn điền ngày càng mở rộng, phát triển thành những thôn, xóm, ấp trù phú, mở rộng địa giới hành chính, giữ vững an ninh, duy trì trật tự xã hội, góp phần khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của quốc gia ở phương Nam.

Trong lịch sử của vùng đất Nam Bộ, dân cư đồn điền là lực lượng đầu tiên khai phá Đồng Tháp Mười và lập ra những khu chợ nổi tiếng như: Vàm Ngựa, Cai Lậy, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Trà Ôn. Đồng thời, đồn điền đóng góp sức người, sức của để xây dựng kênh Vĩnh Tế, từ đó đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, giữ yên biên thùy ở địa bàn chiến lược Tây Nam của Tổ quốc. Nhận thức rõ vai trò của các đồn điền đối với việc mở rộng địa giới hành chính - mở mang bờ cõi, nhà Nguyễn đưa ra quy định: sau 06 - 10 năm, khi ruộng đất đã thành thục, được lập thành địa bạ hẳn hoi, số lớn dân đồn điền trở thành dân cố định rồi, hình thức đồn điền sẽ bỏ đi, dân cư ở đây sẽ chuyển thành thôn, ấp, lập thành tổng xã, sáp nhập vào những huyện sở tại, chịu công sưu, thóc thuế và chế độ binh dịch,... như các làng, xóm khác. Vì thế, có thể nói rằng, từ các đồn điền đã hình thành một số lượng đáng kể các xã, thôn, ấp ở Nam Bộ và như một tất yếu, khi số lượng xã, thôn, ấp phát triển đến đâu thì bờ cõi đất nước được mở mang, chủ quyền lãnh thổ được khẳng định đến đó.

Với lịch sử hàng trăm năm tồn tại kế tiếp nhau, chính sách đồn điền của các triều đại phong kiến đã có những đóng góp quan trọng, thể hiện đậm nét đường lối kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh ở vùng biên ải. Những giá trị mà chính sách đồn điền mang lại trong lịch sử dân tộc cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

HÀ THÀNH - THU TRANG
________________

1 - Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, H. 1998, Tập 1, tr. 1.159.

2 - Thời Minh Mạng, các tỉnh Nam Bộ và Quảng Ngãi đều có đồn điền, mỗi tỉnh khai khẩn được vài trăm đến hàng nghìn mẫu ruộng.

3 - Mùa Xuân năm Nhâm Tý (1432), Đèo Cát Hãn - tù trưởng Mường Lễ, châu Ninh Viễn (nay là tỉnh Lai Châu) cấu kết với Kha Lại (người Ai Lao) làm phản ở biên giới phía Tây Bắc.

4 - Thời Tự Đức lập được khoảng 500 đồn điền và vỡ hoang được hơn 100.000 ha trên toàn bộ xứ Nam Kỳ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.