Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 21/09/2023, 09:35 (GMT+7)
Nét nổi bật về nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Tây Ninh - Bình Long năm 1968

Cách đây 55 năm, trong Chiến dịch tiến công Tây Ninh - Bình Long, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của địch, phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của Mỹ - ngụy, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước phát triển mới của bộ đội chủ lực Miền, khắc họa nhiều nét nổi bật về nghệ thuật quân sự.

Trước những thất bại liên tiếp trong Xuân - Hè năm 1968 buộc Mỹ - ngụy phải chuyển vào phòng ngự bị động, xuống thang chiến tranh và thay đổi biện pháp chiến lược từ “tìm diệt” sang “quét và giữ”. Theo đó, chúng chủ yếu tập trung lực lượng giữ các đô thị lớn, các căn cứ quân sự và những tuyến đường giao thông chiến lược; đồng thời, mở các cuộc hành quân hòng đẩy lực lượng của ta ra khỏi các thành phố và vùng ven. Riêng khu vực xung quanh Sài Gòn, chúng tổ chức thành 03 tuyến phòng ngự kiên cố, với chiều sâu gần 100km; trong đó, tuyến phòng ngự vòng ngoài ở Tây Ninh - Bình Long, địch sử dụng lực lượng lớn quân đội Mỹ1, thiết lập nhiều cụm cứ điểm, hòng giữ vững bàn đạp, ngăn chặn ta triển khai lực lượng tiến công từ xa.

Về phía ta, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về chuyển trọng tâm tiến công ra vòng ngoài, mở Đợt ba cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công vào địa bàn 02 tỉnh Tây Ninh và Bình Long, nhằm tiêu diệt bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của địch, phá vỡ thế trận phòng ngự ở phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn, kéo lực lượng địch ở tuyến giữa và tuyến trong ra, tạo thuận lợi cho các hoạt động đấu tranh của quần chúng trong khu vực nội đô và vùng ven. Mặc dù thời gian chuẩn bị gấp, nhưng với tinh thần chủ động, mưu trí, sáng tạo, quyết tâm chiến đấu cao và nghệ thuật quân sự độc đáo, ta đã giáng cho địch một đòn đích đáng2, giành thắng lợi vang dội. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực Miền về khả năng đánh tiêu diệt gọn cấp tiểu đoàn địch, với nhiều nét nổi bật về nghệ thuật quân sự.

Một là, nắm chắc tình hình mọi mặt, lựa chọn khu vực (hướng), mục tiêu tiến công phù hợp, bảo đảm chắc thắng. Chiến dịch Tây Ninh - Bình Long năm 1968 diễn ra trên địa bàn tương đối rộng, thời gian chuẩn bị gấp, các đơn vị mới được bổ sung lực lượng, vũ khí, trang bị; vì vậy, ta phải nắm chắc tình hình mọi mặt, lựa chọn chính xác khu vực, mục tiêu tiến công vừa sức, bảo đảm chắc thắng, tiêu diệt gọn các tiểu đoàn địch, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chủ động nghiên cứu, phân tích đánh giá đúng tình hình mọi mặt và chọn Tây Ninh là hướng tiến công chủ yếu; Bình Long là hướng tiến công thứ yếu; vùng ven đô và nội đô là khu vực tác chiến phối hợp. Như vậy, việc lựa chọn đánh vào mục tiêu bên sườn, phía sau, vòng ngoài, nơi “sơ hở”, “mỏng yếu” nhất của hệ thống phòng ngự của địch, tạo nên những đòn bất ngờ về chiến dịch và chiến thuật thể hiện tầm nhìn, tư duy nhạy bén, sáng tạo, khả năng phân tích, đánh giá tình hình của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Thực tiễn sau 02 đợt Tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng và vũ khí, trang bị của ta bị tổn thất, nhiều cơ sở cách mạng trong nội đô bị địch phát hiện, cơ quan lãnh đạo kháng chiến bị đẩy ra xa, địch có điều kiện củng cố lực lượng, tổ chức phòng ngự chặt chẽ, canh phòng nghiêm ngặt, nên nếu tiếp tục tiến công vào nội thành trong thời điểm này sẽ gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Trong khi đó, lựa chọn tiến công vào tuyến ngoài của hệ thống phòng ngự Sài Gòn - Gia Định (chọn Tây Ninh là hướng tiến công chủ yếu), ta có điều kiện thuận lợi để kết hợp tiến công quân sự với đấu tranh chính trị, vì đây là địa bàn đông dân cư, phong trào cách mạng phát triển mạnh. Về thế trận, khu vực này có chiều ngang rộng, nhưng địch chủ yếu bố trí các cụm cứ điểm dọc theo các trục đường số 01, 04, 22, 26 - “thế trận dài, mỏng”, tạo thời cơ để ta bao vây, chia cắt, tiến công tiêu diệt gọn từng cứ điểm, thực hiện “tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu” của địch. Ngoài ra, khi ta tiến công vào khu vực thị xã Tây Ninh, Bình Long - “đánh điểm”, sẽ dễ dàng “điều dụ” địch, buộc chúng phải sử dụng lực lượng cơ động chiến lược ra ứng cứu, giải tỏa trên các trục đường, tạo thời cơ cho lực lượng chủ yếu của ta tiêu diệt lực lượng lớn địch ngoài công sự - “diệt viện”; đồng thời, khi địch phải điều quân ở tuyến giữa và trong ra sẽ tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của quần chúng ở vùng nội đô phát triển, thực hiện “trong đánh ra, ngoài đánh vào”, tạo nên thế trận đánh địch rộng khắp, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, dẫn đến thế phòng ngự chiến lược bị phá vỡ. Thực hiện ý định trên, Bộ Tư lệnh Chiến dịch tập trung phân tích, lựa chọn các mục tiêu tiến công phù hợp với khả năng của ta lúc bấy giờ, như: Chà Phí, núi Bà Đen, Chà Là, v.v. Đây là những cứ điểm án ngữ các trục đường, có vị trí hiểm yếu, địch phòng ngự bộc lộ nhiều sơ hở, lực lượng mỏng chỉ có từ 01 tiểu đoàn đến 01 tiểu đoàn tăng cường, ta có điều kiện tập trung lực lượng, hỏa lực, tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn địch, thực hiện “đánh hiểm, đánh đau”, bảo đảm chắc thắng. Kết quả, nhờ chủ động nắm chắc tình hình mọi mặt, lựa chọn hướng (khu vực), mục tiêu tiến công phù hợp, nên chỉ trong thời gian ngắn, ta liên tục tiến công, tiêu diệt gọn các tiểu đoàn địch, nhất là các tiểu đoàn quân Mỹ, đạt hiệu suất chiến đấu cao3, tạo tiếng vang lớn, cổ vũ phong trào cách mạng phát triển.

Hai là, tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, linh hoạt, liên tục tiến công tiêu diệt địch. Trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, ta, địa hình, nhiệm vụ, ý định tác chiến và nguyên tắc “tập trung lực lượng tạo ưu thế sức mạnh ở nơi và lúc quyết định”4, liên tục tiến công, tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn địch, giành thắng lợi, Bộ Tư lệnh Chiến dịch tổ chức lực lượng, tập trung ưu tiên cho hướng chủ yếu, mục tiêu quan trọng, trận then chốt Chiến dịch. Trên hướng chủ yếu (Tây Ninh), ta sử dụng Sư đoàn bộ binh 5, Sư đoàn bộ binh 9, 02 trung đoàn pháo binh, 02 đoàn đặc công Miền và 02 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Tây Ninh. Ở hướng thứ yếu, ta chỉ sử dụng Sư đoàn bộ binh 7 và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bình Long phối hợp chiến đấu. Nhờ tổ chức lực lượng hợp lý, tạo nên sức mạnh vượt trội về binh lực, hỏa lực so với địch ở từng cụm cứ điểm, đặc biệt là trên hướng chủ yếu nên các trận tiến công diễn ra đúng ý định tác chiến chiến dịch và phát triển tốt, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Điển hình là 02 lần quân ta tập kích cứ điểm Chà Phí - trận then chốt của Chiến dịch, tiêu diệt gọn các tiểu đoàn quân Mỹ - “khêu ngòi” kéo quân địch đến ứng cứu, giải tỏa, tạo thời cơ để ta liên tục tiến công địch cơ động ngoài công sự, giành thắng lợi. Ngoài ra, nét đặc sắc còn thể hiện ở việc ta bố trí lực lượng có chính diện và chiều sâu phù hợp, tạo thế trận vững chắc, hiểm hóc, duy trì sức chiến đấu liên tục, chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời. Theo đó, trên hướng Tây Ninh, ta bố trí lực lượng chủ yếu từ Dầu Tiếng đến Tapanrobon và từ phía Bắc thị xã Tây Ninh đến sát Gò Dầu. Nhờ vậy, quá trình tác chiến ta có đủ lực lượng để vu hồi xuống Đường số 22, thọc sâu vào Tòa thánh Tây Ninh, Thanh Điền, uy hiếp sở chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy trong Thị xã; đồng thời, tác chiến tiến công độc lập trên một hướng của Chiến dịch và phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh quân sự kết hợp nổi dậy của nhân dân trên địa bàn. Cùng với đó, để phối hợp với lực lượng tiến công các mục tiêu chủ yếu, ta sử dụng pháo binh tập kích hỏa lực vào các mục tiêu quan trọng ở khu vực vùng ven và nội đô, buộc địch vừa phải căng kéo lực lượng đối phó với ta ở Tây Ninh, Bình Long, vừa phải tổ chức phòng ngự giữ chắc Sài Gòn, khiến chúng rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, mâu thuẫn giữa “tập trung” và “cơ động” lực lượng càng thêm sâu sắc. Vì vậy, chúng không thể mạo hiểm tổ chức các cuộc hành quân lớn, mà chỉ tổ chức được các hoạt động ứng cứu, giải tỏa quy mô nhỏ, tạo thời cơ cho ta tập trung tiêu diệt gọn các tiểu đoàn địch.

Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu. Với phương châm tác chiến là “đánh điểm, diệt viện”, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chủ yếu, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chỉ đạo các đơn vị nhạy bén vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu, nhằm phát huy cách đánh sở trường của các lực lượng, tiến công kiên quyết, liên tục, rộng khắp. Nhờ bám sát, nắm chắc khả năng của địch khi chúng mới chuyển vào phòng ngự, tính chất công sự, trận địa chưa vững chắc, tổ chức phòng ngự thiếu chặt chẽ, khả năng hiệp đồng có nhiều hạn chế. Để tạo bất ngờ, ta vận dụng chiến thuật tập kích vào các mục tiêu hiểm yếu, quan trọng như: Chà Phí (02 lần), suối Ông Hùng, Bến Củi (03 lần), Cà Tum, Chà Là, núi Bà Đen,... thực hiện tiến công kiên quyết, táo bạo thọc sâu đánh vào mục tiêu chủ yếu ngay từ đầu, làm cho địch choáng váng, không kịp trở tay, bị thiệt hại nặng. Đối với địch tăng viện, lực lượng, phương tiện bộc lộ ngoài công sự, ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo chiến thuật phục kích tiêu diệt gọn các tiểu đoàn địch, điển hình như: 03 trận phục kích của Trung đoàn 88 trên Đường số 02; Trung đoàn 33 phục kích đoàn xe cơ giới địch trên Đường số 22; đại đội phòng không của Trung đoàn 320 phục kích đón lõng bắn rơi chiếc máy bay chở tên tướng 02 sao K.Ware ở phía Tây Nam của Làng 2 trong thời gian cuối Đợt 01 Chiến dịch, v.v. Bên cạnh đó, giữa các đợt chiến đấu, ta tổ chức các hoạt động đệm nhằm duy trì áp lực liên tục tiến công bằng các hoạt động đánh nhỏ, lẻ, tập kích vào các trại biệt kích Bến Sỏi, Thiện Ngôn, Cà Tum và phục kích trên Đường số 02, 22, 26, gây cho địch nhiều thiệt hại, làm đảo lộn kế hoạch phòng thủ vòng ngoài của chúng; ý đồ thực hiện các cuộc hành quân càn quét của địch xuất phát từ Tây Ninh, Bình Long để đẩy lực lượng chủ lực của ta ra xa các thành phố và vùng ven bị thất bại hoàn toàn.

Chiến dịch Tây Ninh - Bình Long đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực Miền, mở ra khả năng tổ chức và thực hành những chiến dịch với quy mô, lực lượng lớn hơn nhằm đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ Chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đại tá, TS. ĐINH VIẾT HẢI, Học viện Lục quân
___________________

1 - Gồm: Sư đoàn Kỵ binh không vận số 01, 01 lữ đoàn dù, 01 trung đoàn thiết giáp, 01 tiểu đoàn pháo binh, v.v.

2 - Ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 18.000 tên địch; phá hủy hơn 1.500 xe quân sự, 112 máy bay, 107 khẩu pháo, v.v.

3 - Chiến dịch đã đánh 53 trận cấp tiểu đoàn, 16 trận cấp trung đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu 13 tiểu đoàn, 55 đại đội, tiêu hao nặng 07 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn Kỵ binh không vận số 01 và Sư đoàn 25 Bộ binh cơ giới Mỹ, v.v.

4 - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo – Nghệ thuật tác chiến mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb QĐND, H. 1990, tr. 68.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.