Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 17/11/2016, 08:42 (GMT+7)
Nét đặc sắc về nghệ thuật tổ chức trận then chốt trong Chiến dịch Sa Thầy năm 1966

Cách đây 50 năm, Chiến dịch Sa Thầy năm 1966 tại chiến trường Tây Nguyên đã diễn ra. Đó là một chiến dịch có quy mô không lớn, nhưng đã tiêu diệt một lực lượng khá lớn quân địch, gồm: tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác, góp phần làm thất bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của Mỹ. Đây là chiến dịch đạt hiệu suất chiến đấu cao, với nhiều nét nghệ thuật quân sự đặc sắc, nhất là nghệ thuật đánh trận then chốt.

Với quyết tâm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Sa Thầy đã vận dụng linh hoạt phương châm “đánh điểm, diệt viện”. Kết quả, ta đã đánh bại cuộc hành quân Pôn Ri-vơ 4 của Sư đoàn 4 Mỹ, hoàn thành mục tiêu Chiến dịch. Theo đó, vào trung tuần tháng 10-1966, quân ta tổ chức đánh “khêu ngòi” đồn biệt kích biên phòng Plây Gi-răng (hậu cứ của hai sư đoàn bộ binh: 4 và 25 Mỹ). Hành động đó đưa đến việc chúng đổ bộ Lữ đoàn 1 (Sư đoàn 4) bằng máy bay trực thăng xuống phía Đông sông Sa Thầy, cách đồn Plây Gi-răng về phía Tây - Tây Bắc, nhằm đánh vào sau lưng đội hình ta. Để dụ địch vào nơi đã lựa chọn, Chiến dịch đã tiêu diệt, tiêu hao một số đại đội Mỹ và tiến hành nhiều hoạt động nghi binh, lừa được chúng đổ bộ tiếp một tiểu đoàn bộ binh cùng nhiều lực lượng, phương tiện chiến đấu khác xuống điểm khu vực sông Sa Thầy. Theo kế hoạch đã xác định, ngày 12-11-1966, Bộ Tư lệnh Chiến dịch tổ chức trận then chốt Chiến dịch. Trận đánh diễn ra rất quyết liệt, với thế trận vững chắc, vận dụng cách đánh và các thủ đoạn chiến đấu linh hoạt, ta đã tiêu diệt một tiểu đoàn bộ binh Mỹ và một số lực lượng khác. Trận đánh đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chiến dịch phát triển và giành thắng lợi. Đây là trận đánh có nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật tổ chức trận then chốt của chiến dịch tiến công, được thể hiện nổi bật ở những nội dung sau:

1. Lựa chọn khu vực tác chiến phù hợp, khéo điều dụ địch, tổ chức trận then chốt để đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trong chiến dịch tiến công, để trận then chốt diễn ra đúng ý định thì bộ tư lệnh chiến dịch cần xác định khu vực đánh địch phù hợp, bảo đảm thuận lợi cho ta, bất lợi cho địch. Cho nên, ngay từ đầu, trên cơ sở nghiên cứu nắm chắc tình hình mọi mặt, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Sa Thầy đã lựa chọn khu C1 thuộc xã Mô Rai (Sa Thầy, Kon Tum) làm nơi để đánh trận then chốt, tiêu diệt lớn quân địch, làm thay đổi thế trận Chiến dịch theo hướng có lợi cho ta. Đây là khu vực nằm sâu trong hậu phương của ta, lại có những dãy đồi, núi cao, xen kẽ rừng cây rậm rạp, kín đáo và nhiều khe suối đan xen tạo thành những vật cản phức tạp. Địa hình đó rất thuận lợi cho ta giữ được bí mật khi cơ động, bố trí lực lượng, xây dựng công sự, trận địa, để áp sát địch phát huy sở trường đánh gần. Mặc dù, gần đó có những khoảng trống, tương đối bằng, địch có thể đổ bộ đường không bằng máy bay lên thẳng; nhưng khi chúng cơ động đánh chiếm sẽ gặp nhiều khó khăn và phát huy hỏa lực hạn chế bởi núi cao, rừng rậm. Nơi đây, còn có lực lượng vũ trang địa phương tại chỗ nên rất tiện cho ta phối hợp tác chiến, tạo nên thế trận rộng khắp, có thể đánh địch cả trước mặt và sau lưng, đẩy địch vào thế bị động. Đặc biệt, phía sau Mô Rai là lãnh thổ của vương quốc Cam-pu-chia (vùng đất cấm đối với Mỹ trong thời gian này), nên chúng không thể đánh vu hồi vào sau lưng đội hình ta được.

Vấn đề cơ bản của nghệ thuật tổ chức trận then chốt là lừa địch vào khu vực ta đã lựa chọn. Để thực hiện được điều đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã nghiên cứu, nắm chắc thủ đoạn tác chiến của chúng là ỷ vào sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, khi phát hiện chủ lực ta thường “nhảy cóc” sâu vào phía sau, thực hiện bao vây, chia cắt, chặn đường tiếp tế và hợp điểm tiêu diệt. Với Sư đoàn 4 Mỹ, nếu đánh chiếm được Sa Thầy, chúng còn bảo vệ hậu cứ và chặn đường chi viện của ta cho Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, Chiến dịch đã tiến hành các hoạt động tác chiến rất linh hoạt để dụ địch, thực hiện thắng lợi trận then chốt. Sau khi tập kích hỏa lực và bao vây đồn Plây Gi-răng, Chiến dịch đã bắc hai cầu treo qua sông Pô Cô (Tây Plây Gi-răng) cùng với tổ chức hệ thống thông tin chạy dọc sông để địch lầm tưởng ta chuẩn bị đánh vào phía sau lưng chúng. Hành động đó đã đánh lừa được Sư đoàn 4 Mỹ, khiến chúng vội vã đánh vào khu A và B. Tuy nhiên, đó chưa phải là nơi dự kiến tiêu diệt lớn quân địch, nên ta chỉ tổ chức diệt thêm một số trung đội, đại đội địch ở đó, đồng thời bắc cầu giả qua sông Sa Thầy, nổ mìn, đốt khói,… để nghi binh, kích thích địch đổ bộ tiếp xuống khu C và D. Để buộc quân Mỹ phải đưa lực lượng quan trọng vào nơi ta dự kiến đánh trận then chốt tại khu C, Chiến dịch tiến hành tập kích các đơn vị quân Mỹ theo hướng nhử dần chúng tiến vào điểm quyết chiến. Đúng như dự kiến của ta, ngày 11-11, chúng đổ bộ Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 2, Sư đoàn 4 Mỹ), hai đại đội biệt kích ngụy, đại đội pháo 105 mm, đại đội cối 106,7 mm xuống C1 và điểm cao 289 (khu C). Như vậy, với việc khéo lừa dụ địch, Chiến dịch đã thành công trong việc khiến một lực lượng lớn Mỹ vào đúng khu vực ta đã chuẩn bị trước để đánh trận then chốt, tiêu diệt chúng.

2. Tạo lập thế trận vững chắc, có chiều sâu, sẵn sàng đánh tiêu diệt lớn quân Mỹ. Để trận then chốt có thể tiêu diệt được nhiều quân Mỹ với trang bị hiện đại, chi viện lớn, trong điều kiện lực lượng và trang bị của ta có hạn, thì Chiến dịch cần tạo nên sức mạnh hơn hẳn địch trong từng thời điểm quan trọng. Trận then chốt trong Chiến dịch Sa Thầy đã thực hiện khá tốt yêu cầu này. Trong đó, tiến hành một loạt các biện pháp, nhất là tạo lập thế vững chắc ngay từ trước và trong quá trình thực hành chiến dịch. Sau khi nghiên cứu kỹ về địch và địa hình tác chiến, ta dự đoán quân Mỹ sẽ tận dụng ưu thế về trang bị kỹ thuật, nhất là khả năng cơ động bằng đường không để đổ bộ vu hồi, tập kích vào bên sườn, phía sau các đơn vị chủ lực ta (trung đoàn 95, 320, 66 và 88). Vì thế, ngay từ khi chuẩn bị cho Chiến dịch nói chung, trận then chốt nói riêng, ta đã tận dụng lợi thế của địa hình để bố trí các trung đoàn đảm nhiệm trên từng khu vực tác chiến2. Đồng thời, bên cạnh, phía sau mỗi trung đoàn đều có các đơn vị bạn, khi cần ta có thể nhanh chóng tập trung thành lực lượng vượt trội để tiêu diệt địch. Đặc biệt, tại khu vực dự kiến đánh trận then chốt, ta triển khai hai trung đoàn (66 và 88) để tạo ưu thế về lực lượng; trong từng trung đoàn đều có bộ phận hỏa lực, chốt chặn, tiến công chủ yếu, dự bị và bảo đảm, để có thể độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu với các đơn vị bạn. Hơn nữa, ta còn khéo léo bố trí Tiểu đoàn pháo binh 32 ở vị trí bí mật, tiện lợi chi viện trực tiếp, hiệu quả nhất cho trận then chốt và hỗ trợ tốt cho các trận đánh khác trong khu vực. Với cách bố trí này, Chiến dịch đã phân tán bộ đội chủ lực, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hỏa lực pháo binh, không quân địch gây sát thương, nhưng khi cần thiết vẫn có thể tập trung lực lượng lớn đủ khả năng đánh thắng trận then chốt, tạo thế trận liên hoàn, có chiều sâu; các bộ phận có thể hiệp đồng chặt chẽ với nhau để đánh địch cả phía trước, bên sườn và phía sau.

Nét đặc sắc trong nghệ thuật tạo lập thế trận ở đây còn được thể hiện trong việc ta liên tục tiến công vào các cụm quân địch khi chúng dừng lại, đứng chân chưa vững, tạo nên thế trận đánh địch rộng khắp và cũng chính là để củng cố thế vững chắc cho trận then chốt. Chính vì vậy, khi Lữ đoàn 1 (Sư đoàn 4) Mỹ đổ bộ xuống phía Đông sông Sa Thầy vào sáng 26-10, thì ngay đêm hôm đó đã bị Trung đoàn 320 của ta tiêu diệt hai đại đội, tiêu hao nặng một đại đội khác, tạo điều kiện cho các trung đoàn: 88 và 66 sẵn sàng đánh trận then chốt tại khu C. Ngay hãng tin UPI của Mỹ đã phải thừa nhận: Sư đoàn bộ binh 4, mới đến Việt Nam được hai tháng đã bị các đơn vị lão luyện của Việt cộng trừng phạt một trận đau nhất.

3. Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu để tiêu diệt địch. Trong trận then chốt Chiến dịch tại khu C, do quán triệt và nắm vững mục đích của trận đánh là “tiêu diệt nhiều sinh lực quân Mỹ”, theo phương hướng tác chiến cơ bản là “đánh địch tạm dừng là chủ yếu”, nên ta đã vận dụng sáng tạo và linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể về địch, địa hình tác chiến và thế bố trí của ta. Về hình thức chiến thuật, ta đã vận dụng sáng tạo “tập kích có hỏa lực chuẩn bị trước” khi đội hình của địch chưa ổn định, công sự, vật cản còn sơ sài. Đồng thời, các thủ đoạn chiến đấu, như: bao vây, đánh gần, đánh đêm, thọc sâu, chia cắt,… được bộ đội ta vận dụng một cách rất linh hoạt và phù hợp với thực tế diễn biến của trận đánh, nên khiến địch hoàn toàn bị động, bất ngờ ngay từ đầu và nhanh chóng bị ta tiêu diệt chỉ trong thời gian ngắn.

Thực vậy, khi Sư đoàn 4 quân đội Mỹ đổ bộ một tiểu đoàn bộ binh, hai đại đội pháo, cối và hai đại đội biệt kích quân đội Sài Gòn xuống khu vực C1 và Điểm cao 289 thì đã bị Trung đoàn 88, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 66) tổ chức bao vây chặt, khiến lực lượng biệt kích ngụy không thể lùng sục ra xung quanh để phát hiện ta như những lần đổ quân trước. Khi tổ chức tập kích địch tại đây, trước tiên ta dùng Tiểu đoàn pháo cối 32 bất ngờ bắn, tập trung vào các mục tiêu chủ yếu, nên đã tiêu diệt ngay Sở Chỉ huy Tiểu đoàn 2 Mỹ cùng với Đại đội pháo 105 mm và Đại đội cối 106,7 mm, bộ binh địch thì bị thương vong nhiều. Lợi dụng trời tối, địch lại đang hoang mang, bộ binh ta hình thành nhiều hướng, mũi nhanh chóng xung phong, chia cắt địch ra từng bộ phận, áp sát chúng, thực hiện thủ đoạn đánh gần, kết hợp chặt chẽ với thọc sâu tiêu diệt địch. Chỉ trong vòng 09 giờ, lực lượng địch tại đây cơ bản đã bị ta tiêu diệt, chỉ còn số ít thoát thân bằng trực thăng.

Chiến thắng Sa Thầy cách đây đã 50 năm, nhưng những nét đặc sắc về nghệ thuật tổ chức trận then chốt chiến dịch còn nguyên giá trị. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt trong huấn luyện, chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá Vũ Văn Công, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
_________________

1 - Bộ Tư lệnh Chiến dịch đặt khu vực tập trung diệt địch là các khu: A, B, C, D ở Tây Plây Gi-răng.

2 - Trung đoàn 95 và 320 đánh địch ở khu A và B; Trung đoàn 66 và 88 đánh địch ở khu C và D.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.