Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Bảy, 26/12/2015, 10:01 (GMT+7)
Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam - sự sáng tạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Nói về ý nghĩa ra đời của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “...là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”1

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam có vị trí, vai trò hết sức to lớn đối với cách mạng miền Nam. Tuy nhiên, việc tập hợp lực lượng ở các đô thị, nhất là Sài Gòn - Chợ Lớn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, ngay từ cuối năm 1967, Đảng ta thành lập một tổ chức trung gian để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân ở thành thị vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, làm mất ổn định chính trị ngay trong trung tâm đầu não của chúng, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các mũi đấu tranh quân sự, binh vận, ngoại giao phát triển. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Trung ương Đảng (tháng 01-1968) xác định “… thành lập một Mặt trận thứ hai bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng, lấy một tên thích hợp với cương lĩnh rộng rãi hơn Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Mặt trận thứ hai này sẽ giữ thái độ độc lập đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nhưng tuyên bố thực hiện liên minh với Mặt trận Dân tộc Giải phóng và tất cả những người muốn phấn đấu cho miền Nam Việt Nam có độc lập, chủ quyền, dân chủ, hòa bình và trung lập”2. Mục đích của việc thành lập Mặt trận thứ hai nhằm mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống đế quốc Mỹ và tay sai ở đô thị; kêu gọi nhân dân đấu tranh cho độc lập, chủ quyền, tự do, dân chủ, hòa bình, trung lập, quan hệ bình thường giữa 2 miền Nam, Bắc, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Mặt trận thứ hai có nhiệm vụ liên kết chặt chẽ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở các địa bàn trọng điểm - các đô thị trên toàn miền Nam.

Trên cơ sở Cương lĩnh của Liên minh, Trung ương Cục miền Nam đã tập trung xây dựng lực lượng vững chắc trong công nhân, thanh niên, phụ nữ, sinh viên, học sinh và lớp nghèo thành thị, thậm chí vận động cả các bộ phận tiến bộ trong giai cấp tư sản dân tộc, những người tiến bộ thuộc tầng lớp trên của các giáo phái, những nhân sĩ, trí thức để mở rộng Mặt trận thành một lực lượng chính trị. Trung ương Cục miền Nam đã lựa chọn những cán bộ có nhiều kinh nghiệm tổ chức, xây dựng lực lượng ở các cấp, cả nội thành, ngoại thành và các địa phương lân cận vào nội thành móc nối, xây dựng cơ sở. Đội ngũ này đã không quản khó khăn, đi vào từng nhà máy, xí nghiệp, trường học, khu dân phố, thậm chí tiếp xúc cả chỉ huy các đơn vị quân đội, cảnh sát của địch, khôn khéo cảm hóa, vận động, nên trong thời gian ngắn, Mặt trận thứ hai của các đô thị miền Nam lần lượt ra đời. Đêm 30-01-1968, Mặt trận thứ hai thành phố Huế ra đời. Mặt trận đã kêu gọi đồng bào Huế kề vai, sát cánh với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đẩy mạnh đấu tranh, giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Ngày 07-02-1968, Mặt trận thứ hai Sài Gòn - Gia Định ra đời. Để gây thanh thế và thu hút sự chú ý của nhân dân Sài Gòn - Gia Định và làm cho Mỹ, ngụy bối rối, Mặt trận đã công bố Bản Tuyên ngôn cứu nước khẩn cấp trên Đài Phát thanh Giải phóng. Giữa những ngày khói lửa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, lãnh đạo Mặt trận thứ hai của các đô thị và một số nhân sĩ, trí thức theo các con đường giao liên, bí mật và công khai rời các đô thị: Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng,… ra vùng giải phóng, chuẩn bị cho sự ra đời Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Ngày 10-3-1968, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam họp bàn quyết định một số vấn đề lớn đảm bảo cho Mặt trận thứ hai hoạt động: khẳng định rõ vị trí, vai trò lịch sử, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, phân định rõ nhiệm vụ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Mặt trận thứ hai. Trung ương cục miền Nam chủ động xây dựng kế hoạch công tác trước mắt cho Mặt trận thứ hai, trong đó, cụ thể hóa một số nhiệm vụ, như: đấu tranh đòi độc lập, hòa bình, dân chủ và trung lập; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đấu tranh đòi một giải pháp chính trị cho miền Nam. Đẩy mạnh công tác binh vận, làm cho binh lính, nhất là sĩ quan ngụy, bỏ hàng ngũ về nhà làm ăn; mang vũ khí chạy sang hàng ngũ ta; chống lệnh cấp trên, làm nội ứng hoặc binh biến, v.v. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ý nghĩa, vai trò của Mặt trận thứ hai đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng cán bộ, đảng viên.

Ngày 20 và 21-4-1968, Đại hội thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam được tổ chức ở vùng giải phóng. Đại hội đã bầu ra Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Đây là những đại biểu ưu tú, đại diện cho các tầng lớp nhân dân yêu nước ở thành thị. Liên minh ra Tuyên ngôn và Chương trình hành động cứu nước. Nội dung chủ yếu là đấu tranh đòi độc lập cho dân tộc, dân chủ và hòa bình cho Việt Nam. Đồng thời, quy tụ phong trào đấu tranh yêu nước của giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, công nhân, thương gia, nhân sĩ dân chủ tại các đô thị miền Nam.

Ngày 30 và 31-7-1968, Liên minh đã tổ chức Hội nghị đại biểu, thông qua Chương trình hành động. Trong đó, chỉ rõ: “Cứu nước là sự nghiệp của toàn dân, là sức mạnh bảo đảm thắng lợi, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, chủ trương đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, không phân biệt xu hướng, chính kiến, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, đoàn kết trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập và chủ quyền dân tộc hiện nay cũng như trong giai đoạn kiến thiết đất nước sau này”3.

Để tổ chức này hoạt động hiệu quả, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo hai tổ chức này họp, bàn thống nhất nội dung, hình thức và phương pháp đấu tranh. Theo đó, từ ngày 03 đến ngày 05-11-1968, Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Mặt trận thứ hai tổ chức hội đàm về những vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh hiện tại của nhân dân miền Nam. Đại biểu của hai đoàn đã trao đổi sôi nổi và ra Thông cáo chung: tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa và tàn bạo của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh dũng tiến lên, giành thắng lợi hoàn toàn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận thứ hai đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tiến hành Hội nghị hiệp thương mở rộng với các phe, phái khác ở miền Nam, thành lập một nội các hòa bình đại diện cho chính thể miền Nam Việt Nam đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Như vậy, Mặt trận thứ hai đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất ở địa bàn các đô thị, đặc biệt ở các thành phố lớn, như: Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng, v.v. Cách mạng miền Nam có thêm cơ sở chính trị để tiến tới thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời đã đề ra cương lĩnh chính trị hợp lòng dân, được quân, dân miền Nam nhiệt tình ủng hộ. Đây là đòn tiến công chiến lược lớn của ta, góp phần phân hóa địch, làm cho phong trào quần chúng ở các đô thị miền Nam phát triển mạnh mẽ. Ngày 20 và 21-4-1969, Mặt trận thứ hai tổ chức Đại hội, đánh giá kết quả sau 01 năm hoạt động và đề ra phương hướng đấu tranh thời gian tới. Đại hội nhất trí đánh giá: Mặt trận thứ hai đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tuyên truyền, vận động, tổ chức các tầng lớp nhân dân đấu tranh không những ở trong nước mà cả ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy phong trào chống Mỹ, ngụy, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu cho mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc, thực hiện thống nhất nước nhà.

Trong những năm 1969 - 1970, cách mạng miền Nam gặp khó khăn sau những nỗ lực mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) địch phản kích quyết liệt, đẩy Quân giải phóng ra xa các đô thị. Chính trong thời điểm này, vai trò đấu tranh chính trị tại các đô thị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong bối cảnh đó, Mặt trận thứ hai càng ra sức vận động, thu hút các tầng lớp nhân dân thành thị tham gia. Nhờ đó, số lượng thành viên của Mặt trận ngày một đông. Các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thống nhất chặt chẽ trong Mặt trận, tạo thành sức mạnh tổng hợp đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Phong trào đấu tranh chính trị của công nhân, nhân dân lao động, học sinh, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ, tín đồ Phật giáo,... tại các đô thị, nhất là Sài Gòn - Gia Định phát triển thành cao trào. Năm 1969, ở các thành phố lớn đã nổ ra nhiều cuộc đình công. Từ tháng 5 đến tháng 8, tại Sài Gòn - Gia Định, công nhân cảng hàng không, đường sắt và ô tô buýt đình công đã được 118 nghiệp đoàn ủng hộ. Hơn 30.000 sinh viên, học sinh xuống đường chống chính sách quân sự hóa học đường, đòi tự trị đại học. Hàng nghìn sinh viên, học sinh thành phố Huế, Đà Lạt, Cần Thơ,… bãi khóa, tổ chức hội thảo, mít tinh, v.v. Các cuộc biểu tình đã gây mất ổn định chính trị ngay tại sào huyệt của địch, hỗ trợ rất nhiều cho đấu tranh quân sự, binh vận, ngoại giao; nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh của nhân dân miền Nam, góp phần đưa cách mạng miền Nam thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn.

Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Mặt trận thứ hai đã thường xuyên hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nhau, tạo nên sức mạnh không gì lay chuyển nổi, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng, Nam - Bắc sum họp một nhà.

Sau khi nước nhà thống nhất, tháng 4-1976, Việt Nam thực hiện cuộc Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Trung ương Đảng chỉ đạo các tổ chức mặt trận tiến hành hiệp thương, tiến tới thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất trong toàn quốc. Thực hiện chủ trương của Đảng, một Ban trù bị Đại hội hợp nhất 3 tổ chức mặt trận được thành lập và khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị. Cuối tháng 01, đầu tháng 02-1977, các tổ chức mặt trận từng góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có Mặt trận thứ hai, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, tổ chức Đại hội thống nhất, thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng nước nhà.

Đại tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU
__________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG,  H. 2011, tr. 558.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 60.

3 - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam  (1954 - 1975), Nxb CTQG, H. 2008, tr. 797.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.