Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Sáu, 10/10/2014, 22:54 (GMT+7)
Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô
Hà Nội chuẩn bị lực lượng tiếp quản Thủ đô (1954)

Nhân dân Thủ đô đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô (ảnh tư liệu) 

Những ngày cuối tháng 9-1954, lợi dụng những điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ về thời hạn chuyển quân để rút khỏi miền Bắc Việt Nam, Quân đội Pháp và tay sai đã kéo về tập trung tại Hà Nội với số lượng lớn cùng nhiều vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh. Chúng ra sức đập phá, di chuyển kho tàng, máy móc, vật liệu,... ra khỏi các nhà máy gây tê liệt sản xuất; ngừng cung cấp điện, nước, biến Hà Nội trở thành thành phố xơ xác, rối loạn về trật tự, trị an và chính trị, làm cho cuộc sống của nhân dân Thủ đô gặp muôn vàn khó khăn. Cùng với đó, chúng còn in truyền đơn, công phiếu giả, gây chiến tranh tâm lý,... làm nhân dân hoang mang. Trong khi đó, lực lượng vũ trang Hà Nội chỉ còn vài chục người làm công việc chuyên môn và một đại đội cơ động bố trí ở ngoại thành. Vì thế, Hà Nội đã gấp rút xây dựng lực lượng để tiếp quản Thủ đô theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ; trong đó, chú trọng phát triển lực lượng tự vệ (LLTV) làm nòng cốt đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ các cơ sở sản xuất, thành quả cách mạng, sẵn sàng hỗ trợ quân đội vào tiếp quản.

Được Bộ Chính trị và Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp quản[1], Thành ủy Hà Nội đã kịp thời quyết định những chủ trương công tác lớn, trong đó, nhấn mạnh: phải khẩn trương xây dựng, phát triển LLTV rộng khắp. Trước hết, nhanh chóng lựa chọn cán bộ có năng lực, trình độ về quân sự, bản lĩnh chính trị vững vàng, được quần chúng tin yêu tăng cường cho cơ sở, làm nòng cốt xây dựng LLTV. Để có đủ cán bộ chỉ đạo xây dựng LLTV, Thành ủy đã quyết định giải thể Đại đội 8 – đại đội chủ lực cơ động của Hà Nội, điều số cán bộ, chiến sĩ của đại đội này cùng số cán bộ quân sự trước đây đã chuyển sang các ngành để xây dựng kinh tế, nay trở về xây dựng lực lượng ở cơ sở; đồng thời, đề nghị Bộ Quốc phòng tăng cường cán bộ quân đội cho mặt trận Hà Nội. Mặt khác, Hà Nội còn mở lớp bồi dưỡng về nhiệm vụ, chính sách tiếp quản; cử cán bộ về thành phố Nam Định nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xây dựng LLTV và tiếp quản.

Ban chỉ huy Mặt trận căn cứ vào năng lực, trình độ, địa bàn quen thuộc của từng cán bộ, chiến sĩ để phân công nhiệm vụ. Theo đó, đã tổ chức lực lượng theo ba khu vực: các nhà máy, xí nghiệp, công sở nội thành; đường phố, xóm lao động; các thôn xóm ngoại thành. Một số bộ phận chuyên trách được thành lập, như: bộ phận Quân báo bí mật điều tra nắm tình hình, nhất là hoạt động của các cơ quan, công sở quan trọng của thực dân Pháp; bộ phận Giao thông, Liên lạc có nhiệm vụ bảo đảm thông tin vững chắc cho lãnh đạo, chỉ huy giữa lực lượng bên ngoài với nội thành.

Cán bộ, chiến sĩ ở nội thành không quản ngại khó khăn, gian khổ, về các nhà máy, xí nghiệp, xuống các tổ, đội sản xuất, các phố phường, xóm lao động, đi vào mọi nhà dân, tiếp xúc với mọi tầng lớp: công nhân, trí thức, buôn bán và làm nghề tự do, thậm chí cả hàng ngũ cai ký, quản đốc, kỹ sư và nhân viên công chức của chính quyền cũ. Qua đó, tìm hiểu, phân loại quần chúng, đối tượng, đề ra biện pháp tuyên truyền, giác ngộ phù hợp. Trong thời gian ngắn, Hà Nội đã xây dựng được 20 đội tự vệ, hơn 900 đội viên thuộc 05 nhà máy, xí nghiệp, 03 công sở, 02 nhà ga bến cảng, 02 bệnh viện và 08 khu phố lao động ở các cửa ô.

Ở ngoại thành, thuận lợi hơn là chúng ta có nhiều cơ sở cách mạng và đảng viên, quân Pháp quản lý lỏng lẻo, nên Thành ủy chủ trương đẩy nhanh xây dựng ở ngoại thành làm bàn đạp để tiếp quản nội thành. Thực hiện nhiệm vụ này, Thành ủy quyết định thành lập Ban cán sự ngoại thành trên cơ sở hợp nhất Ban cán sự phía Bắc và phía Nam; đồng thời, tiếp nhận và điều hơn 100 cán bộ quân đội về cơ sở. Với tinh thần trách nhiệm rất cao, vì Thủ đô thân yêu, cán bộ, chiến sĩ đã làm việc tích cực, khẩn trương, không kể ngày, đêm về từng thôn, xóm, ăn ở với nhân dân, nắm tình hình, lựa chọn, kết nạp đội viên. Tính đến ngày tiếp quản Thủ đô, LLTV ngoại thành đã được tổ chức ở 110 trong số 136 thôn với gần 2 nghìn đội viên đều là nam, nữ thanh niên, trẻ, khỏe, được giác ngộ, có ý chí quyết tâm, hầu hết là con em nông dân lao động. Vì thế, các thôn, xóm ngoại thành đã trở thành địa bàn vững chắc, làm bàn đạp để các đơn vị Quân đội tiến vào tiếp quản, giải phóng Thủ đô.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, LLTV Thành phố đã sớm được khôi phục và phát triển với tốc độ nhanh, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, đủ khả năng là nòng cốt đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Ngày 10-10-1954, cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Hà Nội làm nhiệm vụ dẫn đư­­­ờng, bảo vệ an toàn các tuyến đường cho bộ đội trở về tiếp quản Thủ đô an toàn, nhanh gọn. Thành công của việc xây dựng LLTV là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; quá trình xây dựng cơ sở chính trị vững chắc trong lòng nhân dân từ nhiều năm trước.

 Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10-10-1954) nhưng không khí hào hùng ngập tràn niềm vui, rực rỡ cờ hoa của ngày đó vẫn còn nguyên trong ký ức của đồng bào cả nước, nhất là quân, dân Hà Nội. Góp phần vào thành công của sự kiện trọng đại này có nhiều nhân tố, trong đó, có nhân tố chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị lực lượng tiếp quản Thủ đô. Bài học kinh nghiệm quý báu đó cần được nghiên cứu vận dụng trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ cũng như trong tổ chức lực lượng này tham gia bảo vệ các sự kiện trọng đại diễn ra trên địa bàn Thủ đô hiện nay.

Đại tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU

 


[1] - Trung ương đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp quản, gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu và tăng cường cán bộ cho Thành ủy Hà Nội, gồm những đồng chí: Trần Quốc Hoàn, Trần Danh Tuyên, Lê Trung Toản, Vương Thừa Vũ, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng, Trần Sâm, Minh Việt, Nguyễn Tài, Quang Nghĩa. 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.