Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 24/06/2019, 07:49 (GMT+7)
Kiên trì đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng - quan điểm cơ bản trong Chiến lược Quân sự Việt Nam

Trong Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới, Đảng ta tiếp tục nhất quán kiên định đường lối chiến tranh nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là sự kế thừa tư tưởng, nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Trong đó, dân tộc ta thường xuyên phải chống lại những cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Từ thực tiễn đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc, ông cha ta đã đúc rút, xây dựng nên nghệ thuật quân sự độc đáo - chiến tranh nhân dân Việt Nam. Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã kế thừa, phát triển nghệ thuật quân sự của dân tộc; đồng thời, vận dụng sáng tạo học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về chiến tranh và quân đội, đưa chiến tranh nhân dân Việt Nam phát triển lên trình độ mới, với chất lượng cao hơn. Đó là chiến tranh nhân dân tiến hành bằng sức mạnh tổng hợp của dân tộc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong đó, sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt.

Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, chúng ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của đất nước để đánh đổ từng chiến lược, tiêu diệt từng lực lượng, bộ phận quân địch, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi cuối cùng. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam đã phát triển tới đỉnh cao. Đó là nghệ thuật xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích); xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng đông đảo ở cả vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm. Chúng ta đã thực hiện phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân hết sức độc đáo, hiệu quả, bằng sự kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực cơ động; trong đó, các binh đoàn chủ lực giữ vai trò nòng cốt trong các chiến dịch, thực hiện tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn. Chiến tranh nhân dân địa phương phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân đánh giặc, với các hình thức và cách đánh linh hoạt, tạo thế, giữ thế, thời cơ cho lực lượng chủ lực cơ động thực hiện đòn đánh tiêu diệt lớn quân địch ở địa điểm và thời cơ quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ta tiếp tục kiên định đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân để sẵn sàng tiến hành chiến tranh nhân dân khi Tổ quốc bị xâm lăng. Đường lối chiến tranh nhân dân một lần nữa được khẳng định trong Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới. Theo đó, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Tuy nhiên, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay đã có sự phát triển, thay đổi rất khác trước, đối tượng mà chúng ta dự báo, nếu chiến tranh xảy ra sẽ sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao. Yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cũng ngày càng phức tạp hơn, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, ly khai từ nội bộ, giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Trước thực tế đó, đã xuất hiện những luận điểm cho rằng: trong chiến tranh sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao thì đường lối chiến tranh nhân dân là không còn phù hợp, thậm chí sai lầm(!). Chúng ta không coi nhẹ vai trò của vũ khí, nhất là vũ khí công nghệ cao; tuy nhiên, vũ khí công nghệ cao không phải là vạn năng, mà cũng có những hạn chế của nó. Vũ khí dù có hiện đại đến đâu vẫn do con người sử dụng. Vì thế, suy cho cùng, con người vẫn là quyết định, mà đường lối chiến tranh nhân dân luôn phát huy cao nhất yếu tố con người, yếu tố nhân dân. Để thực hiện mục tiêu của Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, phải dựa vào sức mạnh đoàn kết, chiến đấu của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt, cùng sức mạnh mọi mặt của đất nước. Điều này chỉ có thể có được thông qua thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân. Bởi vậy, nhất quán kiên định đường lối chiến tranh nhân dân là chủ trương khoa học, đúng đắn của Đảng ta. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai (nếu xảy ra), đối tượng tác chiến của chúng ta vẫn là kẻ địch có vũ khí, trang bị hiện đại hơn, thậm chí hiện đại hơn ta rất nhiều lần. Trong điều kiện đó, đường lối chiến tranh nhân dân sẽ là đường lối duy nhất đúng, giúp phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, đánh địch bằng nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong các điều kiện mới, đó là thượng sách giữ nước của dân tộc.

Quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và quan điểm chiến tranh nhân dân trong Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, sẵn sàng chuyển hóa thành thực lực, thế trận chiến tranh nhân dân là điều kiện tiên quyết để tiến hành thắng lợi chiến tranh nhân dân. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, cần đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, trọng tâm là xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ, cốt lõi là “thế trận lòng dân” vững chắc trên từng địa bàn và cả nước. Trong điều kiện hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chuẩn bị thế trận chiến tranh nhân dân trong các điều kiện mới ngay từ thời bình. Tập trung giáo dục cho toàn dân có nhận thức đúng về đối tượng, đối tác, về các tình huống quốc phòng, an ninh, về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo; từng bước đầu tư xây dựng các thành phần của thế trận quân sự, gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, cùng các nhân tố khác bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chuyển thế trận quốc phòng toàn dân sang thế trận chiến tranh nhân dân, chủ động đánh thắng địch xâm lược dưới mọi hình thức và qui mô.

Hai là, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giải quyết tốt các vấn đề đặt ra hiện nay từ nội bộ. Đảng ta đã khẳng định: nhân tố bên trong là chủ yếu, nội bộ là quyết định, muốn phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân thì nội bộ phải mạnh. Theo đó, trước hết tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; cán bộ, đảng viên của Đảng phải một lòng, một dạ vì nhân dân và sự trường tồn của dân tộc. Muốn vậy, phải thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ nội bộ. Cùng với đó, cần giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; quan tâm hơn nữa đến lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới. Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với xã hội, nhất là quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Triệt để phát huy sức mạnh từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nét độc đáo trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trong các điều kiện mới. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội và vấn đề bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay; đấu tranh kiên quyết, phản biện quyết liệt với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ - cơ sở chủ yếu quyết định khả năng huy động sức người, sức của của đất nước cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách huy động nhân lực, vật lực của đất nước cho quốc phòng, an ninh, phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, đột phá về tư duy, xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện đại - cơ sở chủ yếu tiến hành chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới. Khi nói tới quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, tư duy truyền thống thường nhấn mạnh đến yếu tố nhỏ lẻ, rộng khắp, thô sơ. Trong điều kiện mới, cần có tư duy đột phá về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, hiện đại. Theo đó, quan điểm chiến tranh nhân dân cũng phải hiện đại, toàn diện, nhất là năng lực, trình độ tổ chức, trang bị, vũ khí và nghệ thuật tác chiến; coi trọng hiện đại hóa về vũ khí, trang bị. Đặc biệt, không sa vào luận điểm “vũ khí luận”, chúng ta thừa nhận con người là quyết định nhưng cũng với những con người ấy, nếu có vũ khí, trang bị tốt hơn thì hiệu suất tác chiến sẽ cao hơn.

Trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, cần xây dựng toàn diện cả tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng. Để xây dựng nền quốc phòng hiện đại, cần tập trung phát triển kinh tế, tăng cường dự trữ cơ sở vật chất cho quốc phòng, không ngừng nâng cao trình độ của nền kinh tế; vận dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học - công nghệ, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại. Kết hợp chặt chẽ giữa cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị hiện có với sản xuất và mua sắm trang bị hiện đại cho nền quốc phòng toàn dân, tập trung trang bị cho Quân đội các loại vũ khí chiến lược có tầm đánh xa, uy lực lớn, độ chính xác cao, nâng cao khả năng răn đe từ thời bình và đánh thắng nếu buộc phải tiến hành chiến tranh. Đồng thời, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), quân khu vững chắc, phát huy cao nhất sức mạnh của nhân dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học quân sự, nhất là nghiên cứu phát triển khoa học nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, hết sức coi trọng công tác nghiên cứu dự báo, nhất là dự báo chiến lược, dự báo các thách thức, các tình huống quốc phòng, an ninh, các hình thái chiến tranh có thể xảy ra; về đối tượng tác chiến, cả đối tượng có thể tiến hành chiến tranh xâm lược qui mô lớn và đối tượng xâm lấn biên giới, biển, đảo. Tập trung nghiên cứu có chiều sâu để phát triển lý luận tác chiến chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nhất là các loại hình tác chiến mới xuất hiện: tác chiến bảo vệ biển, đảo; tác chiến phòng thủ; tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực; tác chiến tiến công tổng hợp; tác chiến trên không gian mạng; tác chiến điện tử, v.v. Quá trình tiến hành cần kế thừa các kinh nghiệm từ chiến tranh giải phóng, nhưng không sa vào chủ nghĩa kinh nghiệm và phải phù hợp với điều kiện tác chiến mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH, Thiếu tá, Ths. ĐỖ MINH THỨC*

________

* - Học viện Phòng không - Không quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...