Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 12/02/2024, 09:42 (GMT+7)
Quan điểm của Đảng thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Vừa qua, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là lần thứ ba (kể từ năm 2003) Đảng ta ban hành nghị quyết chuyên đề về Chiến lược quan trọng này. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với một trong hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước. Vì vậy, hiểu rõ sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết và quán triệt những quan điểm cơ bản đã được xác định là vấn đề rất quan trọng, nhằm góp phần đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

1. Sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết

Gần như thành thông lệ, cứ sau 10 năm thực hiện, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta lại ban hành Nghị quyết về Chiến lược về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước hết, đó là xuất phát từ tình hình thế giới, khu vực cũng như sự tác động của nó đối với nhiệm vụ chiến lược quan trọng này. Theo đánh giá của Đảng, hiện nay và những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có biến động lớn, diễn biến nhanh, phức tạp, rất khó dự báo. Mặc dù hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng vẫn đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, thậm chí đối đầu. Nhiều điểm nóng về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng; xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh mới,... tạo thách thức lớn đối với mọi quốc gia, mà Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Lực lượng của Quân đoàn 12 – Quân đoàn tinh, gọn, mạnh đầu tiên của Quân đội tham gia diễn tập. Ảnh: qdnd.vn

Thứ hai, ở trong nước, tuy công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng còn những hạn chế, yếu kém, thậm chí xuất hiện những phức tạp mới. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo cùng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,... chưa được loại trừ, thậm chí có mặt còn phức tạp và gay gắt hơn. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội đẩy mạnh chống phá; nhân tố gây bất lợi từ bên trong vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Cùng với đó, nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ Tổ quốc của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có lúc, có nơi chưa thật đầy đủ, còn có biểu hiện chủ quan, thiếu cảnh giác. Sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Việc đánh giá, dự báo chiến lược có lúc chưa sát với tình hình; chưa có nhiều giải pháp đột phá huy động các nguồn lực để tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, nhất là ở những nơi xung yếu, địa bàn chiến lược.

Những vấn đề trên đã, đang là thách thức không nhỏ, tác động trực tiếp và đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc Đảng ta ban hành Chiến lược mới là rất cấp thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ nhằm kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.

2. Quan điểm của Đảng về thực hiện Chiến lược

Đó là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước, phát huy vai trò to lớn của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm cơ bản nhất, với nội hàm là sự kết hợp của ba nhân tố: Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Mỗi nhân tố có vai trò, chức năng riêng và đều rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì thế càng phải coi trọng vấn đề này, không thể tách rời hoặc xem nhẹ bất cứ nhân tố nào. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước phải toàn diện, tập trung vào thực hiện có hiệu quả đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trong điều kiện thời bình và thời chiến, với phương châm dựa vào dân, “dân là gốc”. Quan điểm trên được hình thành trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm quý của cách mạng Việt Nam, từ lý luận, thực tiễn khách quan, khoa học, cũng như từ yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc dựa vào dân, xác định “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của quá trình thực hiện là vấn đề không hẳn mới nhưng đó là sự tiếp tục khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng nói chung, công cuộc bảo vệ Tổ quốc nói riêng. Nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh, “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”; mọi công việc hệ trọng của quốc gia, dân tộc đều cần có sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân - dễ trăm lần không dân cũng chịu/khó vạn lần dân liệu cũng xong. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nguồn sức mạnh từ nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được phát huy cao độ và không chỉ vậy mà cùng với đó phải thường xuyên chăm lo, “bồi dưỡng sức dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” bằng cơ chế, chính sách hợp lòng dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bởi yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, chúng ta phải quán triệt sâu sắc quan điểm để trên cơ sở đó thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đó là, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Đây là lẽ đương nhiên. Mọi quốc gia trên thế giới đều hành động vì lợi ích của mình. Việt Nam cũng vậy, nhưng chúng ta hành động không chỉ vì lợi ích của mình, mà còn vì lợi ích của cộng đồng quốc tế, lợi ích của đối tác, càng không hành động vì lợi ích ích kỷ, “chỉ biết mình, không biết người”, hoặc bảo đảm lợi ích của mình bằng mọi giá, vô nguyên tắc, trái với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn nói đi đôi với làm, không bao giờ có những hành động trái với những tuyên bố, cam kết trước cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm của tình hình và quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn thể hiện rõ thái độ, quan điểm khách quan vì lợi ích chung: hòa bình, hợp tác, phát triển của thế giới, khu vực. Đối với những bất đồng, tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở nguyên tắc đã đề cập; đồng thời, luôn tự kiềm chế để tránh xảy ra xung đột, làm phức tạp tình hình và kiên quyết phản đối mọi hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Phát triển đất nước nhanh, toàn diện, bền vững gắn với triển khai đồng bộ các nhiệm vụ; trong đó, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên cũng là nội dung cốt lõi của quan điểm này. Quán triệt tinh thần đó, trong mối quan hệ quốc tế đan xen lợi ích, tiềm ẩn phức tạp hiện nay, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc không có nghĩa là lợi ích kinh tế đơn thuần, lợi ích trước mắt, mà là lợi ích toàn cục trên các lĩnh vực có tính bền vững, lâu dài. Tuyệt đối tránh việc hành động chỉ vì lợi ích cục bộ mà gây tổn hại đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, nền văn hóa,... và lợi ích quốc gia - dân tộc là lợi ích cao nhất, vấn đề hệ trọng, thiêng liêng của dân tộc mà Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện và không cho phép bất kỳ thế lực nào có thể xâm phạm.

Đó là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là tư tưởng nhất quán, quan điểm xuyên suốt của Đảng ta trong mọi giai đoạn cách mạng, cả trước đây, hiện nay và mai sau. Không những thế, đó còn là nguyên tắc bất di bất dịch đối với dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải đổ biết bao xương máu chống kẻ thù xâm lược có tiềm lực vượt trội để giành và giữ vững quyền độc lập dân tộc. Kế thừa truyền thống hào hùng đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã liên tục đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ để giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trở lại năm 1946, trong bối cảnh tình thế đất nước ngặt nghèo nhà nước dân chủ nhân dân mới ra đời, cùng lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phải lấy “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái “dĩ bất biến” mà Người nói ở đây là độc lập dân tộc - điều không có gì quý hơn, không thể để mất, không thể nhân nhượng với bất cứ giá nào. Cho nên quá trình thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần nhận thức cho đúng, quán triệt thật kĩ, thật sâu tầm quan trọng của việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời, phải xác định rõ đó là nguyên tắc chỉ đạo hành động đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bất kể hoàn cảnh nào, dù khó khăn, phức tạp đến đâu cũng phải giữ vững quyền tự quyết dân tộc, không để bị lệ thuộc, nhất là lệ thuộc về chính trị, cũng như chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu để điều đó xảy ra tức là chúng ta đã phạm nguyên tắc chiến lược, phạm sai lầm không thể cứu vãn và như thế thì dù đất nước có phát triển cũng chẳng có ý nghĩa gì. Sở dĩ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế sáng lạn như hiện nay trước hết là bởi Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong tình hình mới, phải kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên tăng cường quốc phòng, an ninh, đầu tư thích đáng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân theo định hướng mà Đại hội XIII của Đảng đã nêu. Chỉ như vậy mới đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đó là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động tối đa mọi nguồn lực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm trên của Đảng cũng là bài học kinh nghiệm quý được đúc rút qua thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Vì thế, trong quá trình thực hiện Chiến lược cần coi trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, được cấu thành từ nguồn sức mạnh vật chất, tinh thần, truyền thống dân tộc,… kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ về mọi mặt của bạn bè, cộng đồng quốc tế. Phát huy tối đa nội lực kết hợp với tranh thủ ngoại lực để không ngừng gia tăng tiềm lực, sức mạnh của quốc gia cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; trong đó, nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, nguồn lực bên ngoài là đột phá, quan trọng. Để phát huy nội lực, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức huy động nguồn lực của Nhà nước, địa phương, nhân dân và nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân thông qua hình thức xã hội hóa. Về ngoại lực, dễ nhận thấy đang có tiềm năng ngày càng lớn, vấn đề quan trọng ở chỗ cách tiếp cận, hình thức khai thác thế nào cho phù hợp, hiệu quả. Trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, một mặt cần tích cực tham gia hội nhập, tận dụng thời cơ, lợi thế nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế song phương, đa phương; mặt khác cần chủ động tạo thời cơ, lợi thế để thu hút nguồn lực trong quan hệ hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi; đồng thời, phải tỉnh táo không để rơi vào “bẫy” lệ thuộc, can thiệp nội bộ nước ta từ phía đối tác. Đi liền với khai thác, huy động các nguồn lực, chúng ta cần nghiên cứu, cân nhắc kĩ việc sử dụng, đầu tư các nguồn lực đó cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Những nhiệm vụ ưu tiên thì tập trung đầu tư thích đáng, với nhiệm vụ chưa thật cấp thiết, quan trọng, thì đầu tư từng bước hoặc tạm dừng đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực.

Đó còn là, vận dụng đúng đắn, linh hoạt quan điểm đối tác, đối tượng. Nhận thức đúng, xác định rõ đối tác, đối tượng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Bởi chỉ như vậy, chúng ta mới không phạm sai lầm, mới có đối sách phù hợp trong hợp tác và đấu tranh. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, việc xác định đối tác, đối tượng là vấn đề nhạy cảm, nếu thực hiện không khéo sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ quốc tế và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của ta. Do đó, Đảng ta không chỉ cụ thể tên đối tác, đối tượng, nhưng lại chỉ rất rõ ai là đối tác, ai là đối tượng, đó là: những ai tôn trọng lợi ích quốc gia - dân tộc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kì thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của ta đều là đối tượng. Không những thế, với tư duy biện chứng, khoa học, Đảng ta còn phân tích: trong mỗi đối tượng có thể có mặt đồng thuận với lợi ích của ta cần tranh thủ hợp tác, thuyết phục; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn cần phải đấu tranh. Như vậy chúng ta thấy, quan điểm đối tác, đối tượng của Đảng rất rõ, không chung chung, khó hiểu hay tuyệt đối hóa. Đây cũng là cơ sở vững chắc để chúng ta nhận thức đúng đối tác, đối tượng; đồng thời, tránh nhận thức cứng nhắc, phiến diện theo cách trước đây những ai được xác định là đối tượng hoặc đối tác của ta thì nay vẫn thế. Nhận thức như vậy rất sai lệch, thiếu biện chứng, đánh giá vấn đề ở trạng thái “tĩnh”, chứ chưa phải ở trạng thái “động”, “mở”, trong khi tình hình luôn vận động, phát triển không ngừng. Cho nên, cần có cách nhìn mới về đối tác, đối tượng, mấu chốt là phải thấy sự chuyển hóa nhanh, linh hoạt giữa đối tác, đối tượng. Theo đó, có thể có quốc gia trước đây là đối tượng của ta, nay vẫn là đối tượng, với đối tác cũng vậy; nhưng trong nhiều trường hợp khác lại không như thế, thậm chí có sự thay đổi theo hướng ngược lại từ đối tác thành đối tượng, từ đối tượng thành đối tác. Đặc biệt, có quốc gia vừa là đối tác lại vừa là đối tượng của ta, hay nói rõ hơn trong thời điểm này, lĩnh vực này họ là đối tác, trong thời điểm khác, lĩnh vực khác lại là đối tượng. Không những vậy, ngay với đối tượng cũng có mặt cần tranh thủ, hợp tác và với đối tác cũng có thể có mâu thuẫn, bất đồng cần phải đấu tranh. Cho nên khi xác định đối tác, đối tượng phải căn cứ vào mối quan hệ, hành động của họ đối với ta trong hiện tại, theo đúng quan điểm của Đảng đã nêu ở trên.

Nắm vững các quan điểm của Đảng, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...