Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 29/01/2024, 07:50 (GMT+7)
Quán triệt quan điểm bảo vệ Tổ quốc của Đảng, nâng cao năng lực ứng phó thách thức an ninh phi truyền thống

Trước sự tác động mạnh mẽ và hậu quả khôn lường của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo quan điểm bảo vệ Tổ quốc của Đảng vào xác định nội dung, giải pháp ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Xây dựng nền quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia nói chung, ở nước ta nói riêng đều chủ yếu nhằm đối phó thành công với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Tùy thuộc vào bối cảnh, thời điểm khác nhau mà những thách thức an ninh truyền thống hoặc an ninh phi truyền thống nổi lên đe dọa tới an ninh quốc gia. Trong khi đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta không chỉ là đánh bại các cuộc tiến công xâm lược từ bên ngoài lãnh thổ, mà còn phải ngăn chặn, đẩy lùi, đối phó hiệu quả với các thách thức ở bên trong, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,... giữ vững sự ổn định, phát triển thịnh vượng quốc gia, dân tộc.

Trên thực tế, các thách thức an ninh phi truyền thống đã, đang diễn ra ở nhiều cấp độ, quy mô khác nhau và có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trên các môi trường: không, bộ, biển, không gian mạng,... khi các tác động đó lớn đến mức không thể kiểm soát được hoặc xử lý không hiệu quả sẽ tạo thành nguy cơ về quốc phòng. Nguy cơ an ninh phi truyền thống trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra sẽ tác động thúc đẩy hoặc làm suy giảm tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, gây mất ổn định an ninh chính trị đất nước và có thể dẫn tới xung đột, chiến tranh. Như vậy, nguy cơ về quốc phòng, nhất là vấn đề xung đột, chiến tranh được hình thành từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, cả bên trong và bên ngoài, trong đó có các nguyên nhân từ tác động của yếu tố an ninh phi truyền thống. Do đó, ngăn chặn, đối phó, đẩy lùi các thách thức an ninh phi truyền thống là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nhận thức rõ điều đó, văn kiện các kỳ Đại hội XI, XII của Đảng đều chỉ rõ các thách thức an ninh phi truyền thống và nhất quán quan điểm phải đánh giá, dự báo chính xác tình hình, chủ động có biện pháp ngăn chặn, ứng phó hiệu quả, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, giữ vững sự ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Những vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp”1. Từ đó, Đảng ta xác định phải “chủ động phòng ngừa là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”2. Thực hiện chủ trương đó, những năm gần đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực, chủ động đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn làm giảm thiểu tối đa những tác hại do những thách thức an ninh phi truyền thống gây ra bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong thực thi các vấn đề về an ninh phi truyền thống. Hiện nay, chúng ta có hệ thống luật tương đối đầy đủ để thực thi các hoạt động trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, như: Luật An ninh quốc gia (năm 2004); Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014); Luật Phòng, chống khủng bố (năm 2015); Luật Quốc phòng, Luật An ninh mạng (năm 2018); Luật Phòng thủ dân sự (năm 2023),… cùng nhiều văn bản pháp lý có liên quan, là cơ sở quan trọng để ngăn chặn, ứng phó, đẩy lùi các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống một cách hệ thống từ Trung ương xuống cơ sở. Tuy nhiên, do sự phát triển của tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ, nhiều nội dung trong các văn bản pháp lý chưa thật phù hợp, thậm chí lạc hậu,... cần được nghiên cứu, bổ sung, bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ, toàn diện và tính pháp lý trong quá trình thực hiện.

Các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu thực tiễn quá trình đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống, tìm ra những vấn đề còn vướng mắc, bất cập, phát sinh, còn thiếu hoặc chưa chặt chẽ, đồng bộ làm cơ sở tham mưu cho Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản pháp lý thực thi các vấn đề an ninh phi truyền thống, bảo đảm đúng quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, luật pháp quốc tế, không chồng chéo, mâu thuẫn, đáp ứng sự phát triển mau lẹ của tình hình. Trong đó cần tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa Luật Phòng thủ dân sự (năm 2023), Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự thành các quy định cụ thể trong từng lĩnh vực, môi trường, nhóm đối tượng, cấp độ đối phó, tình huống xử lý thách thức an ninh phi truyền thống. Thay đổi nhận thức và hoàn thiện pháp luật đối với các hành vi vi phạm an ninh phi truyền thống. Hoàn thiện hệ thống quy chế phối hợp, phân công, phân định rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế,... nhất là lực lượng tác chiến không gian mạng, an ninh mạng,… trong thực thi nhiệm vụ an ninh phi truyền thống; bổ sung các cơ chế, chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân, chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng, chống dịch bệnh; hoàn thiện quy định, thể chế hợp tác quốc tế, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ tài nguyên, môi trường, quản lý công dân, giải quyết các vấn đề quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, v.v.

Hai là, xây dựng lực lượng tác chiến không gian mạng thực sự “tinh, gọn, mạnh, hiện đại”, trở thành lực lượng tác chiến công nghệ cao, ngang tầm lực khu vực và quốc tế. Lực lượng tác chiến không gian mạng là lực lượng quan trọng tham gia bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao cùng những âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng. Trong giai đoạn mới, việc bảo đảm đầy đủ về lực lượng, phương tiện, nghệ thuật cho lực lượng tác chiến không gian mạng phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là yêu cầu tất yếu, khách quan và phải thực sự được coi trọng. Theo đó, cần chủ động chuẩn bị, sẵn sàng về nguồn lực, tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành; xây dựng, dự kiến các tình huống, phương án thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tác chiến không gian mạng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc cả trên đất liền, trên không, trên biển và trên không gian mạng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Ba là, ngăn ngừa nguy cơ an ninh phi truyền thống chuyển hóa thành an ninh truyền thống. Thực tiễn hiện nay cho thấy, trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều thách thức an ninh phi truyền thống có thể chuyển hóa thành mối đe dọa của an ninh truyền thống, như: an ninh hàng hải, an ninh biển, đảo; an ninh đường không; vấn đề tôn giáo, dân tộc, di cư tự do; lợi dụng lịch sử để xuyên tạc kích động hận thù dân tộc ở các địa bàn chiến lược, v.v. Đặc biệt, cần cảnh giác với kiểu chiến tranh “ủy nhiệm”, chiến tranh “phi quy ước”, ban đầu chỉ xuất phát từ các vấn đề an ninh phi truyền thống, sau đó phát triển với các thủ đoạn tinh vi, tiến tới phát động chiến tranh, xâm chiếm lãnh thổ nước ta. Theo đó, trước hết, các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc lịch sử dân tộc, tạo cớ, kích động chia rẽ quan hệ đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân nước láng giềng, gây mất ổn định chính trị; tạo cớ can thiệp, tranh chấp, chuyển hóa thành xung đột ở các quy mô khác nhau. Quá trình tiến hành, các chủ thể “ủy nhiệm” đứng bên ngoài cung cấp tài chính, vũ khí, trang bị, cố vấn, sử dụng lực lượng đặc nhiệm để hỗ trợ; duy trì áp lực làm ta dần suy yếu, tiến tới chia cắt lãnh thổ hoặc lợi dụng tạo áp lực đòi hỏi yêu sách lãnh thổ,... gây phức tạp tình hình an ninh, an toàn trong khu vực.

Để ngăn chặn, đẩy lùi và triệt tiêu nguy cơ này, trước hết phải đẩy mạnh kết hợp đấu tranh bằng cả biện pháp an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống, như: đấu tranh pháp lý, đưa ra những bằng chứng lịch sử cùng với luật pháp quốc tế để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Việt Nam trước toàn thể thế giới. Tổ chức đấu tranh liên tục, kiên quyết, kiên trì với các phương thức linh hoạt, phù hợp, kiên quyết về chiến lược nhưng mềm dẻo về sách lược; luôn chủ động, tỉnh táo, không mắc sai lầm để kẻ thù lợi dụng, tạo cớ dẫn tới xung đột hoặc chiến tranh.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với thực hành đối phó hiệu quả các nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống. Hiện nay, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ với nhiều quy mô, hình thức, cấp độ khác nhau, trong các lĩnh vực, trên phạm vi khu vực, toàn cầu và liên tục biến đổi, tác động đến các quốc gia trong đó có nước ta. Do vậy, việc phòng ngừa và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống cũng phải tiến hành liên tục, không có điểm dừng, không có kết thúc; phải kết hợp đan xen, đồng thời giữa phòng ngừa với ứng phó, giữa chuẩn bị với thực hành, giữa đấu tranh với bổ sung hoàn thiện cơ chế, v.v. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị phải đề cao cảnh giác, chủ động, tích cực, quyết tâm giành thắng lợi trong đấu tranh với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Khác với an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống có đặc điểm chung là bao hàm những yếu tố phi quân sự, không chỉ tồn tại trong phạm vi một quốc gia, dân tộc, mà nó phát tác, ảnh hưởng, lan rộng nhanh chóng ra nhiều quốc gia, khu vực và toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của cả cộng đồng quốc tế. Vì vậy, để tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi thách thức an ninh phi truyền thống, chúng ta phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước, các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực. Trong quá trình hợp tác phải chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các vấn đề: đào tạo, huấn luyện, diễn tập, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, hỗ trợ nhân đạo, phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia,... góp phần giảm thiểu tác động của an ninh phi truyền thống đối với quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thiếu tướng, TS. TRẦN MINH TUẤN, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng
____________________
         

1 - ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 106 - 107.

2 - Sđd, Tập I, tr. 156.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...