Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:46 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) của Đảng xác định phương châm chỉ đạo thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới gồm nhiều nội dung quan trọng; trong đó, nhấn mạnh: không để rơi vào thế cô lập, bị động, lệ thuộc, đối đầu; không để nước ngoài lợi dụng, thỏa hiệp với nhau hoặc với các thế lực thù địch, phản động làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc; không để nước ta trở thành chiến trường, địa bàn xung đột lợi ích chiến lược của các nước lớn.
Phương châm chỉ đạo trên của Đảng gồm ba nội dung (sau đây gọi tắt là phương châm chỉ đạo “ba không”), mỗi nội dung thể hiện trạng thái, tình thế riêng, nhưng tựu chung đều là thế bất lợi đối với đất nước, tác động trực tiếp, nguy hại tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Để Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đi vào cuộc sống, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra cũng như không chệch hướng và phạm sai lầm, chúng ta cần quán triệt sâu sắc vấn đề này, làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Thứ nhất, không để đất nước rơi vào thế cô lập, bị động, lệ thuộc, đối đầu. Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, khó dự báo, đối tượng, đối tác đan xen, chuyển hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, thực hiện được phương châm chỉ đạo này là vấn đề cực kỳ quan trọng và không dễ. Dù vậy, chúng ta phải nỗ lực, bởi không có lựa chọn khác. Nếu để điều đó xảy ra thì sẽ rất bất lợi, nguy hiểm, chẳng những đất nước không thể phát triển được mà nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cũng khó hoàn thành. Thêm nữa, cần thấy đây là vấn đề chiến lược và cũng là nguyên tắc cần triệt để tuân thủ cả hiện nay và sau này.
Vậy phải làm thế nào để đất nước không rơi vào thế cô lập? Chúng ta biết, hội nhập là nhu cầu của mọi quốc gia, là xu thế của thời đại. Tham gia vào “sân chơi” này, mở rộng quan hệ đối ngoại, “thêm bạn, bớt thù” là cách tốt nhất để không bị cô lập; đồng thời, còn tạo cơ hội thu hút nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực hiện “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại…, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”1, cũng là nhằm thực hiện mục tiêu này và kết quả đạt được trong thực tiễn đã khẳng định chủ trương, hướng đi đó của Đảng ta là đúng đắn. Thông qua hội nhập, hợp tác quốc tế, không những chúng ta có thể loại trừ được khả năng bị cô lập, phá vỡ thế bao vây, cấm vận (nếu có), khắc phục được sự bị động, chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống nhạy cảm, bất trắc khi cần thiết, mà còn tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; phân hóa, cô lập các phần tử chống phá, thế lực hiếu chiến, phản động, tạo thế và lực để bảo vệ Tổ quốc. Thực tế cho thấy, với đường lối đối ngoại rộng mở, thân thiện, thực chất được tạo dựng trên cơ sở niềm tin nên ngày càng có nhiều quốc gia thiết lập quan hệ hợp tác, trở thành đối tác tin cậy của Việt Nam và Việt Nam đối với họ cũng vậy. Tất nhiên, bên cạnh đó, cũng còn có những thế lực, những quốc gia vì lợi ích riêng, mang nặng tư tưởng thù địch nên vẫn ấp ủ âm mưu và hành động chống phá, cô lập Việt Nam, họ là đối tượng của ta và đó cũng là điều khó tránh. Vấn đề quan trọng là, chúng ta cần có cái nhìn biện chứng, khách quan, toàn cục, đánh giá đúng đối tác, đối tượng để có cách ứng xử khôn khéo, phù hợp trong hợp tác và đấu tranh. Tương tự như vậy, để đất nước không bị lệ thuộc, chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo theo phương châm giữ vững nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược. Nếu để bị lệ thuộc nước ngoài dưới bất cứ hình thức nào, lĩnh vực nào cũng sẽ vô cùng nguy hiểm, vì khi đó chúng ta sẽ mất quyền tự quyết, quyền độc lập dân tộc - cái quý nhất, lợi ích cao nhất mà chúng ta đang có. Cùng với đó, chúng ta cần tránh rơi vào thế đối đầu. Bởi từ đối đầu sẽ dễ dẫn tới thảm họa, xung đột, chiến tranh. Để ngăn ngừa điều đó, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện nhiều kế sách giữ nước, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, từ khi nước chưa nguy, v.v. Trong quan hệ quốc tế hiện nay, Việt Nam luôn thể hiện rõ quan điểm là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị; đặc biệt đối với việc giải quyết những bất đồng, khác biệt, tranh chấp, mâu thuẫn, Việt Nam thực hiện có lý, có tình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiên quyết, kiên trì giải quyết bằng đối thoại, đàm phán hòa bình, tránh căng thẳng, đối đầu, xung đột.
Thứ hai, không để nước ngoài lợi dụng, thỏa hiệp với nhau hoặc với các thế lực thù địch, phản động làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc. Việt Nam là quốc gia có chủ quyền, có tiềm năng phát triển, có vị trí địa lý quan trọng, có vị thế, tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nên được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, mong muốn quan hệ hợp tác. Trong đó, nhiều quốc gia là đối tác tin cậy, quan hệ với mục đích trong sáng; tuy nhiên, cũng có quốc gia, những thế lực không như vậy. Họ quan hệ với ta, thậm chí giúp ta không phải với thiện ý, mà thực chất là muốn tranh thủ, lợi dụng ta phục vụ cho toan tính chiến lược, cạnh tranh lợi ích của họ ở khu vực và trên thế giới. Vì thế, trong quan hệ hợp tác, chúng ta phải hết sức cẩn trọng, thường xuyên nâng cao cảnh giác, không để bị lợi dụng. Đặc biệt, trong quan hệ giữa các nước lớn, chúng ta cần xử lý khôn khéo vấn đề đối tác, đối tượng, gia tăng đan xen lợi ích, tăng cường lòng tin chiến lược, không để rơi vào thế phải “chọn bên”, bị kẹt giữa các nước lớn hoặc trở thành con bài để họ thỏa hiệp, “mặc cả”, làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc. Chúng ta rất thấm thía điều này vì nó đã từng xảy ra đối với dân tộc ta trong quá khứ. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế đa chiều, đan xen lợi ích, phức tạp như hiện nay, các nước đều đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trước hết, trên hết, nên khó có thể khẳng định điều đó sẽ không tái diễn. Tất nhiên, hoàn cảnh, uy tín, vị thế của Việt Nam đã khác nhiều so với trước đây. Với lợi thế đó, chúng ta không cho phép bất cứ ai có thể lợi dụng, thỏa hiệp về những vấn đề liên quan đến ta, đặc biệt là vấn đề độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ,… hoặc nếu họ có liều lĩnh hành động thì cũng phải cân nhắc, dè chừng. Song, cũng không vì thế mà chúng ta tự tin thái quá, bộc lộ sơ hở, mất cảnh giác, phạm sai lầm đáng tiếc.
Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với “cuộc chiến không khói súng”, đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, kết hợp với thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điều đó không đơn thuần chỉ là thách thức, mà thực sự là nguy cơ hiện hữu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là cuộc đấu tranh giai cấp dưới hình thức mới, trong điều kiện mới, đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, bởi sự móc nối, liên kết chống phá của các lực lượng thù địch, phản động trong và ngoài nước. Cho nên, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Để cuộc đấu tranh không khoan nhượng này đạt hiệu quả, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, sử dụng lực lượng tổng hợp; trong đó, quan trọng trước hết là triệt tiêu mọi âm mưu, hành động chống phá của thế lực thù địch, phản động ngay từ trong trứng nước, không cho chúng hình thành các tổ chức chính trị đối lập ở trong nước. Đồng thời, phải thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh bằng nhiều hình thức đối với những hành động can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của ta hoặc cổ súy, tiếp tay cho tổ chức, lực lượng phản động ở trong nước thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Thứ ba, không để nước ta trở thành chiến trường, địa bàn xung đột lợi ích chiến lược của các nước lớn. Trong tình hình hiện nay, để đất nước ta rơi vào tình thế trên là rất khó, nhưng không có nghĩa là không thể. Vì thế, việc Đảng ta đề ra phương châm chỉ đạo này là có cơ sở, thể hiện tư duy mới nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Như chúng ta đã thấy, nhân loại đang chứng kiến một thế giới đầy biến động, với điểm nhấn là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước diễn ra quyết liệt, thậm chí đối đầu. Các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa đấu tranh kiềm chế, can dự, chi phối nội bộ nước khác, tạo thách thức đối với các nước đang phát triển. Trong bối cảnh phức tạp trên, để đất nước giữ được độc lập, tự chủ, không rơi vào “vòng xoáy” đó là điều không đơn giản. Với tầm nhìn chiến lược, tư duy nhạy bén, Đảng ta đã nhất quán thực hiện đối sách cân bằng hài hòa lợi ích trong quan hệ với các nước lớn. Kiên quyết không ngả theo nước này, nghiêng theo nước kia, theo kiểu “gió chiều nào che chiều ấy” trong quan hệ đối ngoại, mà chỉ ủng hộ thuận theo lẽ phải, chính nghĩa, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Để tránh trở thành điểm nóng, chiến trường, địa bàn xung đột lợi ích chiến lược của các nước lớn và không bị nước ngoài lôi kéo, lợi dụng, tạo nên sự thù địch, đối đầu không đáng có với nước khác, Đảng ta đã thể hiện rõ quan điểm và công khai minh bạch chính sách quốc phòng với nội dung cốt lõi là: “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”2. Quan điểm trên của Đảng ta là một sự cam kết, là thông điệp hòa bình gửi tới tất cả các quốc gia trên thế giới; đồng thời, còn mang hàm ý nhắc nhở ai đó sớm từ bỏ ý định lôi kéo, lợi dụng Việt Nam phục vụ cho những toan tính chiến lược, lợi ích của mình. Trên thực tế, với vị trí địa chính trị và mặc dù rất cần nguồn lực để phát triển đất nước, nhưng Việt Nam đã thẳng thắn từ chối những mối hợp tác đem lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng gây bất lợi cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cũng như môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Có thể thấy, không phải quốc gia nào cũng có thể hành động được như Việt Nam, từ bỏ lợi ích riêng, trước mắt để đạt lợi ích lâu dài, toàn cục.
Với đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta tin tưởng rằng sẽ thực hiện tốt phương châm chỉ đạo “ba không” của Đảng, không để đất nước rơi vào thế bất lợi như đã đề cập. Và, đó cũng là cơ sở đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG ________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 161 - 162.
2 - Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb CTQGST, H. 2019, tr. 25.
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới,phương châm chỉ đạo “ba không”,thế cô lập,lợi ích quốc gia
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học