QPTD -Chủ Nhật, 10/09/2023, 22:41 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Tây Bắc vững vàng trên địa bàn chiến lược

I. Tây Bắc - địa bàn chiến lược trọng yếu của Tổ quốc

II. Vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trên địa bàn - kết quả và vấn đề đặt ra

Trước quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển toàn diện khu vực Tây Bắc, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn nhận thức rõ đây không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn là tình cảm thiêng liêng, trọng trách lớn lao của mình đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Với nhận thức đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi đây đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, nỗ lực, bền bỉ bằng những việc làm thiết thực của mình, cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân Tây Bắc bứt phá vươn lên, sánh vai cùng các địa phương trên cả nước.

Khai giảng Lớp bồi dưỡng tiếng H’Mông cho cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379  (năm 2022)

Kết quả quan trọng từ sự nỗ lực, bền bỉ của “Bộ đội Cụ Hồ”

Với vai trò, chức năng là “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”, các đơn vị lực lượng vũ trang Tây Bắc đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng liên quan, tổ chưc bám địa bàn, bám dân, nhất là ở địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn1, thực hiện “3 bám, 4 cùng”2 để tuyên truyền đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động, làm cơ sở cho tổ chức, thực hiện. Chỉ tính giai đoạn 2018 - 2022 các đơn vị lực lượng vũ trang đã tổ chức hàng trăm lượt “hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”, hàng nghìn lượt tổ, cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện đến từng thôn, bản, gia đình làm công tác tuyên truyền3, vận động nhân dân. Trong đó, riêng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 đã cử 1.010 lượt tổ, 3.380 lượt cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, trí thức trẻ tình nguyện trực tiếp đến các xã, bản làm công tác dân vận. Điều đáng nói là, quá trình đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào đời sống của đồng bào, các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ các hình thức tuyên truyền, vận động, dân vận, giáo dục quốc phòng và an ninh,... với giúp dân nâng cao đời sống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, ổn định cuộc sống, xây dựng nếp sống mới. Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù; nâng cao nhận thức chính trị, không nghe theo sự xúi bẩy, kích động của các thế lực phản động, phần tử xấu.

Trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các đơn vị đã tham mưu và trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; gắn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thực hiện mỗi bước tăng trưởng là một bước bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động, các chương trình, mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo; giáo dục, y tế, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới,... với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, có sức lan tỏa và đạt hiệu quả quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, thực sự là chỗ dựa tin cậy, giúp nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, với tinh thần vì nhân dân phục vụ, cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, tích cực cùng nhân dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy rừng, cứu hộ cứu nạn; nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thường xuyên ăn lán, ngủ rừng tuần tra kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới theo quy định phòng, chống dịch, góp phần quan trọng không để xâm nhập vào địa bàn, cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động là điểm sáng của lực lượng vũ trang Tây Bắc. Các đơn vị đã luôn nắm vững tình hình, chủ động cử cán bộ, đảng viên tham gia cấp ủy các xã, sinh hoạt tại các chi bộ, tổ đảng, tạo nguồn phát triển Đảng, xóa tình trạng “trắng” đảng viên ở các thôn, bản; trên cơ sở đó, lựa chọn, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho cơ sở. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giúp cấp ủy cơ sở, chi bộ, chính quyền, nhất là nơi mới chia tách, sáp nhập, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, hiệu lực quản lý, điều hành; xây dựng các đoàn thể quần chúng vững mạnh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, v.v. Trong giai đoạn 2015 - 2020, các đơn vị trên địa bàn, nhất là các đoàn kinh tế - quốc phòng4 đã tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở 1.236 lượt xã. Riêng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 đã giúp địa phương mở 03 lớp đối tượng Đảng cho 183 đoàn viên ưu tú; bồi dưỡng kết nạp được 103 đảng viên mới, góp phần xóa 28 bản trắng chưa có đảng viên; kiện toàn 15 tổ chức đảng, củng cố 45 tổ chức dân quân; 23 hội cựu chiến binh; 89 tổ hòa giải đi vào hoạt động nền nếp, v.v.

Tây Bắc là địa bàn chiến lược, với nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn, nhất là các nguy cơ đe dọa sự ổn định của địa bàn. Vì vậy, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là đối với khu vực biên giới cũng thể hiện sự vững vàng, vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trên địa bàn trọng yếu. Với quyết tâm, trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã thường xuyên bám, nắm địa bàn; lăn lộn trên các tuyến biên giới; xây dựng, triển khai thực hiện thành công nhiều chuyên án phức tạp; huy động sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, dân quân tự vệ tuần tra bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các tội phạm, âm mưu, thủ đoạn chống phá, của các thế lực thù địch. Đây là vấn đề rất quan trọng, tạo môi trường thuận lợi để Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững.

Với sự nỗ lực, cống hiến cả về sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết cách mạng, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã góp phần xứng đáng vào sự phát triển của Tây Bắc. Nhiều vùng đất nơi đây vốn trước kia khô cằn, nghèo khó, nay trở thành những điểm sáng về quốc phòng, an ninh và sự phát triển, mang lại cuộc sống ấm no, đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh cho đồng bào các dân tộc. Qua đó, niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và lực lượng vũ trang được nâng lên, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để Tây Bắc tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

Thủ trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379, Quân khu 2 trao quà cho học sinh hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Xuân biên giới”

Những vấn đề đặt ra

Mặc dù được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư; sự vào cuộc tận tụy, trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng vũ trang cùng sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân trên địa bàn, song đến nay các tỉnh Tây Bắc vẫn là “vùng trũng”, “lõi nghèo”5 của cả nước; phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đặt ra. Về kinh tế, tuy đã có sự chuyển mình, khởi sắc, song quy mô sản xuất về cơ bản còn nhỏ, lẻ, theo tập quán vẫn là chủ yếu, nhất là ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, do địa hình chia cắt, lưu thông khó khăn; thời tiết khắc nghiệt, bất lợi cho chăn nuôi, trồng trọt; tình trạng mưa lũ, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhà nước, việc khắc phục hậu quả khó khăn, tốn kém,… cũng là nguyên nhân cản trở sự phát triển của địa bàn. Các chế độ, chính sách đối với Tây Bắc, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ, song vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu mang tính hỗ trợ, chưa chú trọng kích thích phát triển nguồn lực tại chỗ, chưa tạo sự thay đổi căn bản về sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế chất lượng còn thấp, thiếu sự liên kết, đồng bộ, thống nhất, thậm chí còn xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế với hạ tầng các ngành, lĩnh vực khác; chưa có chính sách hiệu quả về phân vùng sản xuất, bảo vệ, tái tạo môi trường, khôi phục cảnh quan, giữ gìn không gian sinh tồn cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội còn tồn tại nhiều bất cập. Chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn mức trung bình toàn quốc; nhiều hủ tục còn tồn tại. Đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục và đào tạo, nước sạch,… các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn thấp; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, hiệu quả sử dụng chưa cao. Đặc biệt, tình trạng di cư diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều biến tướng, xu hướng từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, cải đạo theo Tin Lành,… có chiều hướng gia tăng, gây nhiều hệ lụy phức tạp trong xã hội.

Hệ thống chính trị cơ sở ở một số địa phương biên giới còn nhiều hạn chế; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đội ngũ cán bộ, đảng viên còn hạn chế về trình độ lý luận và chuyên môn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác và năng lực vận động quần chúng nhân dân.

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại về cơ bản được giữ vững và tăng cường, song cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kích động sự mặc cảm, tự ti dân tộc; tổ chức truyền đạo trái pháp luật; lôi kéo, tập hợp đông người chống đối chính quyền, mưu đồ “ly khai”, tổ chức “xưng vua, đón vua”, lập cái gọi là “Nhà nước Mông” tự trị. Bên cạnh đó, tội phạm hình sự: vượt biên, buôn bán ma túy, buôn người, gian lận thương mại, tội phạm xuyên biên giới diễn biến phức tạp,… đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như củng cố, tăng cường mối quan hệ truyền thống láng giềng tốt đẹp giữa các tỉnh Tây Bắc với các địa phương biên giới của Lào và Trung Quốc.

Thực trạng trên đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn cần phải nghiên cứu nắm chắc thực trạng, nhất là những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc, bất cập; đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan, các yếu tố tác động, cản trở, ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến quá trình xây dựng, phát triển Vùng; trên cơ sở đó xác định đúng những vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đó là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm, tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm; sự chống phá của các thế lực thù địch, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh quan hệ, đối ngoại với các địa phương biên giới nước Bạn, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển. Đây là những vấn đề căn cốt nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương, trong đó có lực lượng vũ trang trên địa bàn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về phát triển Tây Bắc “xanh, bền vững và toàn diện”.

(Số sau - tiếp theo và hết: III. Quyết tâm chung sức, đồng lòng cùng nhân dân phát triển Tây Bắc “xanh, bền vững và toàn diện”)

ĐỨC PHÚ - HOÀNG TRƯỜNG - VIẾT VƯƠNG
___________________

1 - Bát Xát, Mường Khương, tỉnh Lào Cai; Phong Thổ, Mường Tè, tỉnh Lai Châu; A Pa Chải, Mường Nhé, Mường Chà và Điện Biên, tỉnh Điện Biên; Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu, tỉnh Sơn La, v.v.

2 - 3 bám: bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào.

3 - Từ năm 2019 - 2022, các đơn vị trên địa bàn đã phối hợp tuyên truyền được hơn 3.500 buổi/250.000 lượt người (tăng gần 1,5 lần so với giai đoạn 2013 - 2018).

4 - Các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng: 379 (Mường Chà), 356, 345, 326, 313.

5 - Thống kê năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo các tỉnh Tây Bắc chiếm 29,5%, cao gấp 2,7 lần trung bình cả nước.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.