QPTD -Thứ Hai, 24/02/2025, 07:42 (GMT+7)
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội

Công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội là một bộ phận trong công tác chính sách của Đảng, Nhà nước; một nội dung quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, góp phần tạo động lực chính trị tinh thần to lớn để toàn quân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Phát huy kết quả đạt được, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh công tác quan trọng này đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”1 và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, ổn định hậu phương, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đoàn công tác Bệnh viện Quân y 103 khám bệnh, cấp thuốc cho các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Thanh Hua, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Những năm qua, công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội không ngừng được đổi mới. Cùng với nắm và dự báo đúng tình hình, kịp thời phát hiện những bất cập, Cục Chính sách đã lựa chọn, xác định các vấn đề cần nghiên cứu; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội tập trung nghiên cứu, thể chế hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, quan tâm nghiên cứu, đề xuất các chính sách phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại; trong đó, chú trọng đến lực lượng mới, lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù, ở các địa bàn chiến lược và chính sách để thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ trong Quân đội, v.v. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đã ban hành bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Tích cực chỉ đạo thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; chính sách đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, huy động các nguồn lực hỗ trợ, điều trị người hiếm muộn, vô sinh đang công tác trong Quân đội; các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng tại ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có quân nhân hy sinh, bị thương; tuyển dụng, giải quyết việc làm cho con thương binh nặng, vợ, con liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cùng với đó, ngành Chính sách Quân đội đã tập trung giải quyết cơ bản các chính sách tồn đọng sau chiến tranh (thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng) bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc2. Qua đó, đã thiết thực góp phần động viên về vật chất, tinh thần đối với quân nhân, gia đình quân nhân và các đối tượng chính sách, tạo động lực, niềm tin trong xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là  yêu cầu, nhiệm vụ điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị gắn với tinh, gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Nghị định số 177/2024/NĐ-CP và Nghị định số 178/2024/NĐ-CP3 của Chính phủ đã và đang đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội với đồng bộ các chủ trương, giải pháp; trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, các ngành, các lực lượng về công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Đây là giải pháp có tính chất nền tảng, làm xuất phát điểm cho toàn bộ các hoạt động tiếp theo, quyết định đến quá trình đổi mới, chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội trong tình hình mới. Vì vậy, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên tuyền, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; các luật, các văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc,… làm cho các cấp, các ngành thấy rõ tính tất yếu, tầm quan trọng, nội dung cơ bản, yêu cầu và những khó khăn, thách thức mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; những phát triển mới trong chức năng, nhiệm vụ của Quân đội. Trên cơ sở đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của việc ban hành, thực hiện chính sách xã hội đối với “Ngành lao động đặc biệt” và hậu phương Quân đội, cũng như phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong tình hình mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm khoa học, “đúng ý Đảng”, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn của đất nước, Quân đội và đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, phát huy cao nhất hiệu lực của chính sách đối với quá trình xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, làm cho đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quân đội được thực hiện đầy đủ, đúng đắn và đạt hiệu quả thiết thực.

Tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ do Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tìm kiếm, quy tập.

Hai là, đổi mới việc xây dựng kế hoạch; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, tổ chức thực hiện công tác chính sách. Đây là một chuỗi các khâu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau; là hoạt động trung tâm, thường xuyên, trực tiếp quyết định đến việc đẩy mạnh công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Theo đó, để đổi mới, nâng cao chất lượng kế hoạch, phải chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin một cách toàn diện và thực chất; chú trọng xây dựng các kế hoạch công tác: 05 năm, hằng năm, quý, tháng; kế hoạch theo nhiệm vụ; kế hoạch theo nội dung chuyên đề,… bảo đảm khoa học, tính khả thi cao. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận về công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, tổ chức thực hiện; giải quyết tốt mối quan hệ giữa mục tiêu cơ bản, lâu dài với yêu cầu trước mắt. Tập trung nghiên cứu, đề xuất, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với Quân đội và hậu phương Quân đội bằng các chính sách trong các bộ luật, luật có liên quan đến Quân đội và hậu phương Quân đội; nắm vững tình hình, chủ động, tích cực xây dựng các chế độ, chính sách đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của Quân đội. Trước mắt, cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các chế độ, chính sách phục vụ quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” theo Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị và tinh, gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII). Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung đề xuất thực hiện cải cách tiền lương, chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang và các chế độ, chính sách có liên quan theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII); nghiên cứu đề xuất bổ sung chế độ, chính sách đối với các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ mới, làm nhiệm vụ ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, quốc tế; cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích, trọng dụng nhân tài, có nhiều cống hiến, cán bộ khoa học, đội ngũ thợ lành nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong Quân đội. Nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với lực lượng vũ trang, phù hợp với đặc thù hoạt động của Quân đội; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, v.v.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong đổi mới và nâng cao chất lượng công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Đây là giải pháp quan trọng, đòi hỏi khách quan và là động lực của quá trình đổi mới chính sách xã hội nói chung và công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội nói riêng. Vì vậy, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm chính trị, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành của hệ thống chính trị, không ngừng chăm lo, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng được thụ hưởng, tạo động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước mắt, cần chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, hoạt động  “Đền ơn đáp nghĩa”; quan tâm chăm sóc người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, v.v. Thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, của Quân đội, cũng như khả năng, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị để phối hợp với các tổ chức, lực lượng, địa phương trong xác định nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp, các mô hình hay trong tổ chức thực hiện, bảo đảm phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương, sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác chính sách; tập trung làm tốt công tác phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, giải quyết những vấn đề chính sách sau chiến tranh; trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ mới và hỗ trợ công cụ, phương tiện cần thiết để tiến hành công tác chính sách.

Bốn là, tiếp tục xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ chính sách đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Phải khẳng định rằng, xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ chính sách vững mạnh luôn là vấn đề khách quan, cốt lõi, tác động hữu cơ tới toàn bộ quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính sách. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên củng cố, kiện toàn cơ quan, cán bộ làm công tác chính sách các cấp về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo quy định về tổ chức, biên chế. Thông qua thực hiện công tác cán bộ, giáo dục, đào tạo, hoạt động thực tiễn; gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về nêu gương, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách có phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực, trình độ chuyên sâu, bảo đảm đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy, người chủ trì; hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cơ quan chính sách, đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách các cấp nêu cao tinh thần tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực; nắm vững phương hướng, quan điểm, nguyên tắc chung và pháp luật về chính sách xã hội; có trải nghiệm thực tiễn; thấu hiểu, chia sẻ sâu sắc với hoàn cảnh, nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của đối tượng chính sách, tận tụy, tâm huyết, chu đáo, tận tình; tuyệt nhiên không được nề hà, vụ lợi; tất cả vì mục tiêu chung là phục vụ cán bộ, chiến sĩ, đối tượng chính sách và nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, chuẩn hóa quy trình công tác,… để thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Công tác kiểm tra, thanh tra là một khâu, nội dung hoạt động có vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính sách. Vì vậy, cần tập trung kiểm tra, thanh tra những vấn đề về nhận thức, trách nhiệm, năng lực tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện; nhiệm vụ, quyền hạn, phương pháp, tác phong công tác của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính sách và cán bộ chính sách các cấp. Việc kiểm tra, thanh tra phải có nền nếp, giữ vững nguyên tắc, bám sát cơ sở, kết hợp kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ với đột xuất, giữa các cơ quan chuyên môn trong và ngoài Quân đội. Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, giải quyết dứt điểm đơn thư, khiếu nại, không để tồn đọng, kéo dài, ảnh hưởng xấu đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với Quân đội và hậu phương Quân đội.

Chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội là một bộ phận quan trọng trong công tác chính sách; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, chiến sĩ, công chức quốc phòng, công nhân, viên chức quốc phòng tại ngũ, các đối tượng chính sách hậu phương Quân đội và những người đã có cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, cấp ủy, các cơ quan, đơn vị cần đề cao trách nhiệm, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội, không ngừng chăm lo, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng được thụ hưởng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thiếu tướng ĐOÀN QUANG HÒA, Cục trưởng Cục Chính sách
___________________
                 

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 483.

2 - Đến nay, đã xác nhận hơn 834.000 liệt sĩ, 690.000 thương binh, bệnh binh; tìm kiếm, quy tập được hơn 958.975 hài cốt liệt sĩ; tuyên dương danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 139.750 mẹ; giải quyết chế độ, chính sách đối với hơn 4,6 triệu đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Từ năm 2014 đến nay, toàn quân đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 920 tỉ đồng, xây dựng được 11.618 căn nhà tình nghĩa, phụng dưỡng gần 3.000 Mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống là 678 mẹ); nhận đỡ đầu, tuyển dụng, giải quyết việc làm cho 1.122 con thương binh nặng, vợ, con liệt sĩ; tặng hơn 6.000 sổ tiết kiệm, v.v.

3 - Nghị định số 177/2024/NĐ-CP, ngày 31/12/2024 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng; Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.