QPTD -Thứ Sáu, 28/04/2023, 07:36 (GMT+7)
Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.

Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại

Nhìn lại lịch sử nước nhà, dù ở thời kỳ nào, nhân dân ta luôn khao khát hòa bình, độc lập, tự do của đất nước và dân tộc. Thế nhưng lịch sử cứ “giao phó” cho dân tộc ta phải chấp nhận đương đầu với nhiều đế quốc ở nhiều thời đại. Quy luật phát triển không đồng đều giữa các quốc gia đã đưa tới kẻ lớn người nhỏ, kẻ mạnh người yếu và khi kẻ lớn, mạnh muốn cưỡng bức nước khác, thuần phục theo mình, muốn dùng cường quyền để áp đặt nước khác thì sẽ sinh ra chủ nghĩa đế quốc. Những loại đế quốc nảy ra như thế lúc đầu bao giờ cũng cực mạnh, khuynh đảo và chinh phạt khắp Nam, Bắc, Tây, Đông, nhưng nhiều khi lại bị thất bại thê thảm ở những nơi không ngờ tới. Một trong những nơi đó là Việt Nam! Mỗi lần buộc phải đứng dậy tự vệ, đánh đuổi quân xâm lược là mỗi lần dân tộc ta đồng lòng, chung sức tạo thành một khối thống nhất vững mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chấp nhận mọi mất mát hy sinh để bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, đồng thời kết thúc chặng đường 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chiến thắng 30 tháng Tư là bài ca về sự tài tình của Đảng ta trong việc nhận định thời cuộc, nắm chắc tình hình và chớp thời cơ; của ý Đảng gắn với lòng dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kiểu mẫu của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại thành sức mạnh phi thường cuốn phăng mọi trở lực, đánh thắng kẻ thù hung hãn nhất. Đây là thắng lợi to lớn nhất, toàn vẹn nhất, triệt để nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc, chấm dứt hoàn toàn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta, thực hiện trọn vẹn lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đất nước thống nhất tiến vào kỷ nguyên độc lập - tự do, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, ý nghĩa của Chiến thắng 30 tháng Tư nói riêng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) của Đảng đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”1.

Chiến thắng 30 tháng Tư tạo tiền đề vững chắc và xung lực mạnh mẽ cho những chặng đường tiếp theo của Cách mạng Việt Nam

Bằng Chiến thắng 30 tháng Tư, Tổ quốc ta thống nhất về một mối, khát vọng về đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực. Điều đó tạo ra một sức mạnh to lớn, toàn diện về chính trị và kinh tế, vật chất và tinh thần, bảo đảm cho cách mạng nước ta có điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển. Phát huy tinh thần của Chiến thắng 30 tháng Tư, trong gần nửa thế kỷ qua, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước thực hiện những nhiệm vụ to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Thứ nhất, khẳng định rõ mục tiêu cao cả của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi thống nhất, tên nước được đổi thành Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, uy tín và địa vị quốc tế của nước ta không ngừng được nâng cao. Đại hội IV của Đảng xác định nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam là: “Xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”2. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) nêu rõ: nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Từ đó, trong nhiều văn kiện của Đảng ta, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn được khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát. Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”3; “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”4.

Sự lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta, xét về lôgic là một tất yếu khách quan; xét về lịch sử, là hoàn toàn phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; xét về nhu cầu, là hoàn toàn xuất phát từ điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa nửa phong kiến và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam; xét về mặt xã hội, đó là hệ giá trị cơ bản nhất quyết định sự phát triển của đất nước Việt Nam hôm nay và mai sau. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì vậy không chỉ là mục tiêu, nhu cầu, cương lĩnh hành động, ngọn cờ hiệu triệu, mà còn là động lực, niềm tin son sắt của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, tiến hành công cuộc đổi mới sáng tạo, bắt nhịp bước đi của thời đại. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) là sự kiện đặc biệt quan trọng, quyết định đường lối đổi mới, mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam. Đổi mới là cuộc vận động mang tính chất cách mạng, sáng tạo, khoa học, toàn diện, tổng thể sâu sắc, liên tục và bài bản. Đổi mới là công việc của chúng ta, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng lòng hưởng ứng và được triển khai một cách sâu, rộng, đồng bộ, có bước đi cụ thể, chắc chắn, hiệu quả. Đổi mới để phát triển, đồng nghĩa với phát triển, nhưng là sự phát triển hài hòa, theo đúng định hướng và con đường chúng ta đã chọn.

Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta phát động và lãnh đạo đã tổ chức thực hiện gắn chặt với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và mở cửa, hội nhập quốc tế. Đó là bản đại hòa tấu của bài ca phát triển đất nước nhanh và bền vững; để xây dựng và tăng cường lực lượng sản xuất, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất phù hợp; để nâng tầm đất nước lên trình độ mới, tầm cao mới, bắt kịp sự phát triển của khu vực và quốc tế. Vậy nên, đổi mới, sáng tạo chính là để hiện thực hóa quá độ lên chủ nghĩa xã hội một cách rõ ràng, hiệu quả.

Từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, Đảng ta đều khẳng định tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sáng tạo toàn diện, đồng bộ để đưa đất nước phát triển không ngừng. Lời hiệu triệu và chủ trương của Đảng rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn và ý nguyện của nhân dân. Đại hội XIII của Đảng đã nhận định, qua 35 năm đổi mới, “đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đấy là niềm tự hào, là động lực, là nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước”5.

Thứ ba, tầm nhìn phát triển sáng tạo, khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”6.

Với tầm nhìn phát triển sáng tạo, Đại hội đề ra những phương pháp phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm và 25 năm tới với các mục tiêu:

Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”7.

Để thực hiện các mục tiêu cao cả đó, Đảng ta xác định động lực và nguồn lực phát triển chính là: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”8.

Bốn tám năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mà đỉnh cao là Chiến thắng 30 tháng Tư lịch sử đã, đang cổ vũ, tạo xung lực mạnh mẽ cho cách mạng nước ta hiện nay và mai sau. Phát huy khí phách kiên cường, khát vọng về đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc của chiến thắng kỳ vĩ đó, kiên định vững vàng trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy ý chí khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đất nước ta nhất định thực hiện thành công mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

GS, TS. VŨ VĂN HIỀN
_________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 471.

2 - Sđd, tr. 652 - 653.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 69.

4 - Sđd, tr. 70.

5 - ĐCSVN – Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 103 - 104.

6 - Sđd, tr. 14.

7 - Sđd, tr. 112.

8 - Sđd, tr. 34.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.