QPTD -Thứ Hai, 07/08/2023, 16:11 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Tây Bắc vững vàng trên địa bàn chiến lược

LTS: Tây Bắc là địa bàn chiến lược trọng yếu về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái của cả nước. Sự ổn định, phát triển của Tây Bắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã và đang phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng đưa các tỉnh Tây Bắc bứt phá vươn lên, hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) đề ra: xây dựng Tây Bắc “xanh, bền vững, toàn diện”.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu chùm bài viết: “Lực lượng vũ trang Tây Bắc vững vàng trên địa bàn chiến lược” của nhóm tác giả: Đức Phú - Hoàng Trường - Viết Vương.

I. Tây Bắc - địa bàn chiến lược trọng yếu của Tổ quốc

Tây Bắc hào hùng, tiềm năng và bản sắc

Tây Bắc1, là địa bàn chiến lược trọng yếu quốc gia; “phên giậu”, cửa ngõ, địa đầu của Tổ quốc. Nơi đây có bề dày lịch sử với truyền thống cách mạng vẻ vang, di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số và nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững. Địa hình Tây Bắc chủ yếu là rừng núi, diện tích rộng (khoảng 39.184 km2), được ví là “lá phổi” của miền Bắc và cả nước, với dãy núi Hoàng Liên Sơn, Pu Đen Đinh trùng điệp và án ngữ đầu nguồn nhiều sông, suối lớn, như: sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Chảy, sông Nậm Na,... tạo cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, vừa có giá trị để phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, vừa có giá trị về quốc phòng, an ninh. Đây cũng là nơi có nhiều tài nguyên, khoáng sản quý, giá trị cao, trữ lượng khá lớn, như: sắt, chì, kẽm, titan, đất hiếm,… là lợi thế để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Bên cạnh đó, Tây Bắc còn có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc (gần 500 km) và với Lào (gần 700 km), lại án ngữ nhiều tuyến giao thông huyết mạch, với hệ thống cửa khẩu, đường bộ, đường sắt, là cửa ngõ, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam với vùng Tây Nam Trung Quốc, Đông Bắc Lào, các nước ASEAN và có thể mở rộng, kết nối liên vùng, liên quốc gia, liên châu lục trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Trên địa bàn Tây Bắc có hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống2; trong đó có trên 70% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhân dân các dân tộc Tây Bắc luôn đoàn kết, gắn bó, chung sức, đồng lòng xây dựng, bảo vệ vững chắc địa bàn, đất nước. Trong các thời kỳ lịch sử, nhất là trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Tây Bắc đã tích cực đóng góp sức người, sức của, cùng quân dân cả nước tiến hành nhiều chiến dịch, trận đánh hào hùng đi vào sử sách, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “vang vọng núi sông, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tây Bắc không chỉ là xứ sở hùng vĩ, thơ mộng, “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” với những cánh rừng đại ngàn, những dãy núi điệp trùng, xen kẽ những cánh đồng bao la, rộng lớn cùng những triền ruộng bậc thang uốn lượn, mà còn là một kho trầm tích văn hóa dân gian được hình thành, lưu giữ và phát triển từ ngàn đời. Từ lâu, những tên đất, tên làng, như: Mường Thanh, Tuần Giáo, Than Uyên, Mai Châu, Mộc Châu, Bắc Hà, Sa Pa, bản Lác; cùng với “Nghệ thuật Xòe Thái” - hồn cốt văn hóa của người Thái Tây Bắc - được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hình thức sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng, không chỉ là niềm tự hào của đồng bào người Thái, mà còn là niềm vui chung của các dân tộc Tây Bắc và người dân Việt Nam, đã hòa quyện tạo tác một không gian văn hóa Tây Bắc đặc sắc và độc đáo.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII). Ảnh: baochinhphu.vn

Quyết sách của Đảng, Nhà nước - yếu tố quyết định để Tây Bắc phát triển

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Tây Bắc và những khó khăn, thách thức mà đồng bào các dân tộc Tây Bắc phải đối mặt, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt bằng những chủ trương, định hướng chiến lược và những cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiêu đầu tư phát triển toàn diện vùng trung du và miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, các tỉnh Tây Bắc nói riêng. Điển hình là, Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”, Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, v.v. Qua gần 20 năm triển khai thực hiện, diện mạo của Vùng có nhiều thay đổi, khởi sắc, đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân khoảng 08% - 09%/năm, có tỉnh đạt hơn 10%/năm trong giai đoạn 2005 - 2010 và 8,15% giai đoạn 2011 - 2020, cao hơn mức trung bình cả nước (5,9%)3. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; công tác dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội, chính sách với người có công được thực hiện tốt; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh4; công bằng xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên, v.v.

Tuy nhiên so với mục tiêu mà Nghị quyết số 37 và Kết luận số 26 đề ra, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn; quy mô kinh tế Vùng còn nhỏ bé, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo còn khá cao; chưa tạo được sự chuyển biến đột phá, căn bản, toàn diện trong xây dựng, phát triển “nhanh, bền vững”; vấn đề an ninh nông thôn, an ninh biên giới còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định, v.v.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá đúng thực trạng kết quả các mục tiêu, chỉ tiêu đạt được trên các lĩnh vực, ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị ban hành, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng trung du, miền núi Bắc Bộ nói chung, các tỉnh Tây Bắc nói riêng - một vùng có vị trí chiến lược, vai trò quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước; với mong muốn, quyết tâm của Đảng, Nhà nước là “từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của nhân dân trong vùng so với các vùng khác trong cả nước”, để đồng bào, nhân dân các tỉnh Tây Bắc được thụ hưởng những thành quả cách mạng. Mục tiêu trong Nghị quyết xác định, xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành vùng phát triển “xanh, bền vững, toàn diện”, hình mẫu phát triển xanh của cả nước. Như vậy, mục tiêu phát triển Tây Bắc có sự đổi mới, sáng tạo, từ “vững mạnh toàn diện”, “nhanh, bền vững” trước đây sang “xanh, bền vững, toàn diện”, thể hiện bước tiến vượt bậc, đột phá trong tư duy của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với xu thế của quốc tế. Trong đó, phát triển “xanh” là yếu tố được bổ sung, đặt lên vị trí hàng đầu, là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Đó là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội với bảo vệ môi trường, đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai. Đồng thời, bảo đảm cân đối, hài hòa, toàn diện ở các cấp (xã, huyện, tỉnh), các ngành (công, nông, lâm nghiệp, xây dựng, thủy sản, dịch vụ,…) và các lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,…), v.v.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Đảng, Nhà nước xác định chủ trương, biện pháp trên từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực kinh tế, hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư,... nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Tây Bắc cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phải tập trung nguồn lực xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ sản xuất, sinh kế, hỗ trợ nhà ở. Tăng cường chăm lo người có công; thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu quốc gia về an sinh xã hội, giáo dục, y tế, v.v. Coi trọng công tác giáo dục, đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững của Vùng; ưu tiên bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, các di tích lịch sử, di sản văn hóa và thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phát huy hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng; tiếp tục đầu tư và triển khai việc sắp xếp, bố trí dân cư tuyến biên giới. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Phát huy vai trò người đứng đầu, có uy tín, chức sắc tôn giáo trong giải quyết các vấn đề phức tạp, nảy sinh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội và các loại tội phạm. Cùng với đó, chăm lo xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở; chăm lo xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực cho xây dựng, phát triển của Vùng.

Những định hướng, chủ trương chiến lược nêu trên không chỉ là chìa khóa, yếu tố mở đường cho các tỉnh Tây Bắc phát triển thời gian qua, mà còn là bệ đỡ, là điểm tựa - ánh sáng soi đường cho Tây Bắc hiện thực hóa mục tiêu thu hẹp, rút ngắn khoảng cách và từng bước bứt phá vươn lên sánh vai cùng các địa phương khác thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng, phát triển, đổi mới đất nước trong thời gian tới. Đây là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trước hết và trực tiếp là của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các tỉnh Tây Bắc; trong đó, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn có vai trò quan trọng, là điểm tựa vững chắc, đồng hành cùng các địa phương, nhân dân, đồng bào các dân tộc vươn lên.

(Số sau: II. Vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trên địa bàn - kết quả và vấn đề đặt ra)

ĐỨC PHÚ - HOÀNG TRƯỜNG - VIẾT VƯƠNG
_____________________

1 - Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La; có 95 xã (phường, thị trấn) thuộc khu vực biên giới (Lào Cai 26 xã; Lai Châu 23 xã; Điện Biên 29 xã; Sơn La 17 xã).

2 - Nhóm Việt - Mường có 02 tộc người: Kinh, Mường; nhóm Mô - Khmer có 04 tộc người: Khơ Mú, Xinh Mun, Mảng, Kháng; nhóm Mông - Dao có 02 tộc người: Mông, Dao; hóm Thái có 08 tộc người: Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Giáy, Lào, Lự, Bố Y; nhóm Ka Đai có 02 tộc người: La Chí, La Hủ; nhóm Hán có tộc người Hoa; nhóm Tạng - Miến có các tộc người: Hà Nhì, Phù Lá, Lô Lô, Cống, Si La.

3 - Lai Châu đạt 12,6% giai đoạn (2006 - 2020); Lào Cai đạt 9,2% giai đoạn (2011 - 2020); Điện Biên đạt 9,11% giai đoạn (2011 - 2015), 6,83% giai đoạn (2016 - 2020), v.v.

4 - Giai đoạn 2018 - 2022, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Điện Biên giảm 4,0% - 5,0%; Lào Cai giảm 5,17%; Sơn La giảm 2,41%. Trong 16 năm (2006 - 2021), tỷ lệ hộ nghèo của Lai Châu giảm 30,3%, nhanh nhất cả nước.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.