QPTD -Thứ Hai, 14/04/2025, 08:43 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Lục quân 1 nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Trường Sĩ quan Lục quân 1 tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, xứng đáng là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của Quân đội.

Ban Giám hiệu Nhà trường tham quan khu trưng bày mô hình học cụ tại Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025.

Nhìn lại chặng đường 80 năm (15/4/1945 - 15/4/2025) xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, khởi đầu từ Trường Quân chính kháng Nhật, đến Trường Quân chính Việt Nam, Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn, Trường Lục quân Việt Nam,… và Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) ngày nay, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nhà trường cũng luôn quán triệt, nắm vững đường lối chính trị, quân sự của Đảng, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bám sát thực tiễn huấn luyện, chiến đấu của đơn vị, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ. Đến nay, Nhà trường đã đào tạo, cung cấp cho Quân đội gần 12 vạn cán bộ chỉ huy, tham mưu binh chủng hợp thành và hơn 05 nghìn cán bộ quân sự cho 14 nước trên thế giới. Cán bộ được đào tạo tại Nhà trường các thời kỳ luôn giữ vững bản chất truyền thống, phát huy tốt vai trò trên các cương vị, chức trách công tác, thực sự là lực lượng nòng cốt về chỉ huy, tham mưu binh chủng hợp thành cấp chiến thuật. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp, tướng lĩnh, nhà khoa học giữ những cương vị, trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Cùng với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường cũng đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển lý luận khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, lý luận về huấn luyện, xây dựng lực lượng vũ trang. Với những thành tích đã đạt được, Nhà trường vinh dự được Nhà nước phong tặng “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, 03 Huân chương Hồ Chí Minh, 05 Huân chương Quân công cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhà trường vinh dự được Bác Hồ 09 lần về thăm và nhiều lần gửi thư động viên, huấn thị. Đặc biệt, ngày 26/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Lễ Khai giảng Khóa 1, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đã trao cho Nhà trường lá cờ thêu sáu chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” và trở thành phương châm hành động của lớp lớp thế hệ cán bộ, học viên của Nhà trường.

Thành tích, kết quả đạt được trong 80 năm qua là nền tảng vững chắc, nguồn cổ vũ động viên to lớn để Nhà trường tiếp tục phát huy, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong thời kỳ mới, Nhà trường xác định, tập trung vào một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Đây là giải pháp bảo đảm cho Nhà trường thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quan trọng này, góp phần đào tạo đội ngũ sĩ quan có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, đạo đức trong sáng, năng lực toàn diện, tác phong công tác khoa học. Do đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục và đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022, của Quân ủy Trung ương “về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, các phòng, khoa, đơn vị phối hợp chặt chẽ xây dựng kế hoạch tổng thể cùng nhiều giải pháp thiết thực đối với công tác giáo dục, đào tạo, với lộ trình và bước đi phù hợp để tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung đào tạo; bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; phát huy trách nhiệm, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên trong học tập, rèn luyện và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, v.v. Để đạt hiệu quả, cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục tăng cường quán triệt các nội dung cốt lõi, yêu cầu cần phải đạt được trong công tác giáo dục, đào tạo đến toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, đặc biệt là vai trò cấp ủy, cán bộ chủ trì, chỉ huy các cấp trong triển khai thực hiện. Đồng thời, coi trọng phân công rõ trách nhiệm và kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo.

Hướng dẫn luyện tập vượt vật cản cho học viên.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Bám sát Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, khoa, đơn vị phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ các đối tượng đào tạo. Trên cơ sở đó, chủ động chuẩn hóa chương trình đào tạo phù hợp với bậc học, ngành học, nhận thức của từng đối tượng. Kịp thời rà soát, xây dựng, bổ sung, điều chỉnh chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo bảo đảm thiết thực, nhất quán với mục tiêu đào tạo và liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo ở bậc học cao hơn; tạo cơ hội liên thông giữa chương trình đào tạo cùng trình độ, nhóm ngành, đáp ứng yêu cầu sử dụng linh hoạt cán bộ, học viên khi tốt nghiệp ra trường. Để đạt hiệu quả, Nhà trường chủ trương đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian huấn luyện thực hành, thực tập tại đơn vị, tự học của học viên; bảo đảm tính hệ thống trong từng môn học, khóa học. Chủ động cập nhật những vấn đề mới về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, sự phát triển của khoa học quân sự, nhất là các hình thái, phương thức tác chiến trong các cuộc xung đột, chiến tranh xảy ra gần đây trên thế giới; cũng như trang bị, vũ khí thế hệ mới vào nội dung đào tạo. Coi trọng kết hợp giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống với huấn luyện quân sự; trang bị kiến thức với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, huấn luyện và rèn luyện bộ đội; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cho học viên. Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế, tiêu cực trong thi, kiểm tra nhằm thực hiện tốt mục tiêu “dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả thực chất”.

Ba là, tập trung bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Đây là nội dung quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”, Nhà trường tập trung bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, với mục tiêu đủ về số lượng, cân đối về độ tuổi, có năng lực toàn diện, chuẩn hóa về trình độ, có tác phong, phương pháp làm việc mẫu mực, mô phạm trên mọi lĩnh vực, v.v. Để đạt mục tiêu đề ra, Nhà trường yêu cầu các phòng, khoa, đơn vị chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục về phương pháp, tác phong công tác, kỹ năng đề xuất phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, kỹ năng nghiên cứu khoa học; về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kiến thức thực tiễn, tâm lý trong giáo dục, đào tạo; kỹ năng quản lý giáo dục, quản trị nhà trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội và hội nhập quốc tế. Đồng thời, quan tâm tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ sau đại học, giảng viên chính, giảng viên cao cấp; cán bộ, giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Quá trình triển khai, kết hợp chặt chẽ giữa gửi đi đào tạo tại các nhà trường trong và ngoài Quân đội với tự đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tại chức và luân chuyển cán bộ đi đơn vị cơ sở để tích lũy kinh nghiệm. Phấn đấu hằng năm, có từ 05 - 06 cán bộ, giảng viên được công nhận chức danh phó giáo sư, đạt danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; từ 15% đến 20% đi luân chuyển, thực tế ở đơn vị cơ sở.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên trong học tập, rèn luyện. Cấp ủy, chỉ huy các cấp, đội ngũ cán bộ, giảng viên thường xuyên giáo dục, quán triệt để học viên nâng cao nhận thức về chức trách, nhiệm vụ; chủ động tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trở thành người cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”; không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đáp ứng tốt mục tiêu đào tạo. Đồng thời, biết tối ưu hóa mọi điều kiện, tiền đề khách quan của quá trình đào tạo để học tập, rèn luyện, tạo bước nhảy vọt về phẩm chất, năng lực khi tốt nghiệp ra trường. Cùng với đó, đội ngũ học viên cần không ngừng rèn luyện phương pháp tác phong công tác để có khả năng làm việc độc lập, tác phong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, tổ chức thực tiễn chính quy, mẫu mực, khoa học, đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Năm là, bảo đảm đầy đủ, kịp thời cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Theo đó, cùng với đẩy nhanh tiến độ khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, Nhà tường tích cực huy động các nguồn lực bảo đảm đầy đủ vật chất huấn luyện, tài liệu, giáo trình dạy học; xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập. Trong đó, ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ dạy học theo hướng thiết thực, hiệu quả, bảo đảm tính kế thừa, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế hoạch tổng thể, phù hợp với khả năng kinh phí bảo đảm, tiếp cận công nghệ mới, chống dàn trải, kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học. Trước mắt, Nhà trường tập trung xây dựng, hoàn thiện trung tâm điều hành huấn luyện, hệ thống thao trường, bãi tập, phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm. Tăng cường phối hợp khai thác, sử dụng chung thao trường, bãi tập và các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật giữa đơn vị và Nhà trường để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hiện Đề án “Quy hoạch phát triển Trường Sĩ quan Lục quân 1 đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045”.

Phát huy truyền thống 80 năm xây dựng, giáo dục, đào tạo, chiến đấu và trưởng thành, Trường Sĩ quan Lục quân 1 tiếp tục chủ động đổi mới, sáng tạo, phát huy dân chủ, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN TRUNG HIẾU, Phó Hiệu trưởng, Phụ trách Nhà trường

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.