Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:00 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
I. Biển, đảo Tây Nam Bộ - tiềm năng và lợi thế
II. Dựng “phên giậu” trên nền nhân dân
Tiếp theo và hết*
III. Ý nghĩa và những vấn đề đặt ra
Từ bao đời nay, nhân dân ta đã bám biển, dựa vào biển, vừa khai thác tiềm năng to lớn từ biển, phục vụ cho “quốc kế, dân sinh”, vừa khẳng định chủ quyền, dựng “phên giậu” chống ngoại xâm từ hướng biển. Là lực lượng nòng cốt bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển, đảo tuyến Tây Nam Tổ quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng luôn chỉ đạo các đơn vị tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đẩy mạnh xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, giữ gìn môi trường sinh thái trên vùng biển, đảo. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của Bộ đội Biên phòng; nét đẹp thuộc về bản chất, truyền thống của quân đội cách mạng. Bằng những nội dung, hình thức, cách làm cụ thể, thiết thực, việc xây dựng “thế trận lòng dân”, giữ vững ổn định chính trị khu vực biên giới của Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ có ý nghĩa quan trọng; phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng với ngư dân và đồng bào ở khu vực biên giới biển, cùng chung tay dựng “phên giậu” vững chắc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói chung, vùng biển Tây Nam Bộ nói riêng có ý nghĩa và vai trò rất to lớn trong sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ quốc gia dân tộc, nên yêu cầu đặt ra rất cao, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Cùng với đó, là sự bất cập giữa yêu cầu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo Tây Nam Bộ với trình độ, khả năng của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo; ý thức pháp luật của ngư dân và nhân dân khu vực biên phòng có mặt, có lúc còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng đó, tăng cường “thế trận lòng dân”, giữ vững “phên giậu” vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc, đòi hỏi phải giải quyết tốt các giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng của hệ thống chính trị trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở khu vực Tây Nam Bộ nói riêng. Giữ vững “phên giậu” của Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; trong đó, Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, nhân dân là lực lượng đông đảo, thường xuyên, trực tiếp. Vì vậy, tin vào dân, dựa vào dân, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, tạo cơ sở, nền tảng nhằm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là vấn đề quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để làm được điều đó, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ cần tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội Trung ương và địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam; truyền thống vươn khơi bám biển, đánh giặc giữ nước khẳng định chủ quyền của dân tộc, v.v. Từ đó, xây dựng ý thức, trách nhiệm, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nội dung giáo dục, tuyên truyền thường xuyên được đổi mới, bám sát quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên biển; lập trường, phương châm, biện pháp giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới trên biển; Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, quy định của địa phương; quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và ngư dân đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, bám sát thực tiễn, phù hợp đặc điểm địa bàn, bảo đảm tính toàn diện, hấp dẫn, thu hút đông đảo bà con ngư dân. Trong quá trình thực hiện, cần quán triệt quan điểm: thường xuyên, kiên trì, liên tục, ở đâu có ngư dân ở đó có công tác tuyên truyền; phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, lực lượng trên địa bàn để lựa chọn, cụ thể hóa nội dung tuyên truyền, giáo dục phù hợp; kết hợp tuyên truyền, giáo dục thường xuyên với tuyên truyền, giáo dục theo chuyên đề, chủ đề và đối tượng; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, v.v. Qua đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu biển, lòng tự hào tự tôn dân tộc, ý thức quốc gia, quốc giới, để mỗi ngư dân trở thành một “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền trên biển, sẵn sàng vươn khơi bám biển, đóng góp sức người, sức của, thậm chí cả tính mạng của mình vì sự bình yên và chủ quyền biển, đảo.
Hai là, Bộ đội Biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với địa phương và các lực lượng hoạt động trên biển, ven biển để đẩy mạnh xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với phát triển kinh tế biển, giữ gìn môi trường sinh thái trên vùng biển, đảo. Đây là nội dung cơ bản, cốt lõi nhất trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tập trung đầu tư có hiệu quả các chương trình, dự án kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình, dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển cho tuyến biển, đảo Tây Nam Bộ và cuộc mưu sinh của ngư dân cũng như đồng bào ven biển. Bộ đội Biên phòng cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch phát triển các khu công nghiệp, cảng, cửa khẩu, khu kinh tế biển, các thị trấn, khu kinh tế - quốc phòng và các cơ sở chế biến hải sản; phát huy thế mạnh từng địa phương để đầu tư đủ điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, lực lượng xây dựng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có chủ trương, triển khai nhiều dự án hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, như: chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng của Nghiệp đoàn nghề cá, hỗ trợ ngư dân nâng cấp công suất tàu, tăng cường đầu tư xây dựng các cụm, khu kinh tế - quốc phòng; gắn xây dựng các khu kinh tế ven biển với đầu tư xây dựng trên đảo các dịch vụ hàng hải, cơ sở hậu cần biển.
Để phát triển kinh tế gắn chặt với tăng cường quốc phòng, thế trận khu vực phòng thủ, các đơn vị Biên phòng cần đẩy mạnh công tác dân vận, chủ động tham gia với cấp ủy, chính quyền xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; làm tốt các hoạt động, như: dạy chữ, xây dựng khóm, ấp, gia đình văn hóa; hướng dẫn ngư dân áp dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi nuôi, trồng thủy, hải sản, phát triển sản phẩm truyền thống có giá trị kinh tế cao. Thực hiện tốt các đề án, dự án xây dựng, phát triển khu kinh tế - quốc phòng, quân - dân y kết hợp,… đã được phê duyệt, bảo đảm cho đồng bào có thể sinh sống ổn định và làm giàu ngay trên biển, đảo quê hương mình. Ngoài việc trực tiếp tham gia thực hiện các dự án đưa dân ra sinh sống ở các đảo, Bộ đội Biên phòng các tỉnh cần chủ động tham mưu, đề xuất chính sách khuyến khích ngư dân làm kinh tế xa bờ, hỗ trợ xây dựng mô hình mới, như: “Tổ tàu thuyền đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ”, “Tổ an ninh trật tự hỗ trợ ngư dân trên biển”, “Đội tự quản ngư trường”, v.v. Các loại tàu thuyền đánh cá phải được sắp xếp thành những cụm, có tổ chức dân quân tự vệ, bảo đảm vừa đánh bắt thủy sản, hải sản, vừa có khả năng chống cướp biển và tàu thuyền nước ngoài xâm nhập trái phép vùng biển của ta hoặc những tàu thuyền có vũ trang đe dọa ngư dân khi lao động, sản xuất trên biển; thực hiện vừa sản xuất, vừa cung cấp thông tin và trực tiếp tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại chỗ, kịp thời, có hiệu quả.
Ba là, nâng cao hiệu quả các mặt công tác biên phòng, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo và xây dựng ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân, nhân dân các khu vực biên phòng. Vùng biển, đảo Tây Nam là ngư trường rộng lớn, với hàng nghìn tàu thuyền các loại, hàng vạn lao động, trong đó có nhiều tàu cá công suất lớn thường xuyên đánh bắt xa bờ. Đây là lực lượng luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, trực tiếp khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Trong khi đó, địa bàn biên phòng nơi đây còn tiềm ẩn nhiều biến động phức tạp, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề ô nhiễm môi trường, dân tộc, tôn giáo để chống phá, gây mất ổn định về an ninh, trật tự; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, cướp biển, tranh chấp ngư trường thường xuyên xảy ra. Do vậy, Bộ đội Biên phòng các tỉnh trên địa bàn cần phối hợp với các lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển làm tốt công tác tuần tra, trinh sát, bám sát địa bàn, bảo vệ, hỗ trợ kịp thời ngư dân; nâng cao khả năng dự báo, chủ động phòng ngừa từ xa, chuẩn bị các phương án xử lý có hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Đồng thời, thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong hoạt động quản lý, kiểm tra, kiểm soát biên phòng, nhất là tại các cảng, cửa khẩu cảng; chủ động phối hợp với các lực lượng tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xua đuổi, bắt giữ và xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm phạm; thiết lập, duy trì hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc trên các phương tiện của ngư dân để nắm tình hình trên biển.
Cùng với chú trọng làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, Bộ đội Biên phòng cần đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới biển, đảo”; phối hợp tuyên truyền, phổ biến các hiệp định về biên giới biển, Luật Biển Việt Nam, các văn bản pháp luật mới, liên quan đến biên giới quốc gia, chủ quyền biển, đảo, như: quản lý, bảo vệ và khai thác hải sản; hệ thống dấu hiệu mốc quốc giới; quy định buôn bán, thương mại trên biên giới biển, đăng ký, bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, v.v. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn ngư dân đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nước ta trên biển và chống buôn lậu, đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy, hải sản, phá hoại môi trường, sinh thái biển.
Với trách nhiệm, tình cảm cao, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đã và đang triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần “dựng phên giậu” vững chắc nơi đầu sóng, ngọn gió, cùng nhân dân bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
ĐÌNH KHÁNG - HỒ ĐĂNG - ĐĂNG BẢY __________
* - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 4-2019.
nơi đầu sóng,phên giậu,ngọn gió
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng