QPTD -Thứ Hai, 08/04/2019, 13:37 (GMT+7)
Dựng “phên giậu” nơi đầu sóng, ngọn gió

LTS - Vệt bài “Xây cột mốc lòng dân nơi đại ngàn Tây Nguyên” của nhóm tác giả: Đình Kháng - Hồ Đăng - Đăng Bảy đã giúp độc giả hiểu thêm về mảnh đất, con người cũng như vai trò quan trọng của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng “thế trận lòng dân” ở Tây Nguyên. Tiếp theo, Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài: “Dựng “phên giậu” nơi đầu sóng, ngọn gió” cũng của nhóm tác giả trên. Qua đó, sẽ đưa chúng ta về miền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc và hoạt động của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên vùng biển, đảo giàu đẹp này.

I. Biển, đảo Tây Nam Bộ - tiềm năng và lợi thế

Vùng biển Tây Nam Bộ có diện tích khoảng hơn 300.000km2, ranh giới tiếp giáp với các nước: Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a; với gần 200 đảo. Một số đảo lớn, như: Phú Quốc, Hòn Rái, Hòn Tre, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai; trong đó, đảo Phú Quốc rộng 589,23km², xấp xỉ diện tích quốc đảo Xin-ga-po. Một số đảo nằm khá gần với đường hàng hải quốc tế thông ra vịnh Thái Lan, nhiều vị trí rất thuận lợi để xây dựng cảng biển, kết nối với các nước trong khu vực và quốc tế, tạo thế tiến ra biển lớn. Biển, đảo Tây Nam Bộ là căn cứ tiền tiêu vô cùng quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là cửa ngõ của Việt Nam hội nhập với thế giới.

Tây Nam Bộ có bờ biển dài 743km, chủ yếu là dạng bồi tụ từ nhiều cửa sông lớn, tạo nên các bãi phù sa màu mỡ; môi trường thuận lợi phát triển rừng ngập mặn và nuôi trồng thủy hải sản. Hệ sinh thái vùng biển Tây Nam Bộ rất đặc thù, như: hệ sinh thái san hô, cỏ biển và vùng triều. Nguồn lợi thủy hải sản đa dạng về giống loài, giàu về trữ lượng. Đây là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, trữ lượng khai thác hằng năm có thể trên 300.000 tấn. Trong những năm gần đây, ngư dân chú trọng phát triển khai thác, đánh bắt xa bờ, đẩy mạnh nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; giá trị sản phẩm tăng từ 7% - 15% mỗi năm, có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nổi tiếng, như: tôm đông lạnh, cá basa, nước mắm Phú Quốc, v.v.

Phối hợp tuần tra nơi Đất Mũi Cà Mau. Ảnh: Đăng Bảy

Với khí hậu ôn hòa quanh năm, có nhiều bãi biển đẹp, nước trong xanh, nhiều đảo còn lưu giữ được vẻ hoang sơ, rừng nguyên sinh chiếm 75% diện tích đảo, với tổng diện tích khoảng 47.000 ha. Nơi đây có rừng ngập mặn Mũi Cà Mau, U Minh Hạ, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Vườn quốc gia Phú Quốc. Rừng ở vùng hải đảo có vai trò quan trọng trong việc giữ nguồn nước ngọt cho đảo, bảo vệ môi trường sinh thái, có giá trị lớn về mặt nghiên cứu, bảo toàn gen động - thực vật tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, v.v. Bên cạnh đó, hệ thống quần đảo và đảo trên biển cùng các khu rừng ven biển rất thuận lợi để xây dựng căn cứ, thế trận quân sự - an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền trên một hướng chiến lược của Tổ quốc.

Vùng biển, đảo Tây Nam Bộ không chỉ có phong cảnh đẹp, người dân chất phác, thân thiện, hiếu khách mà còn chứa đựng nhiều di tích, di sản, những trầm tích lịch sử - văn hóa độc đáo. Các di sản thuộc về tín ngưỡng của cư dân biển, như: Lăng Ông và lễ hội Lăng Ông ở Vàm Láng (Tiền Giang), Lăng Ông - Miếu Bà ở thị trấn Trần Đề (Sóc Trăng), Quán Âm Phật Đài ở Nhà Mát (Bạc Liêu), Lăng Ông Nam Hải ở Rạch Gốc (Cà Mau),… với các lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng xung quanh các di sản này. Nơi đây còn có di tích Đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển ở các xã Thạnh Phong (Bến Tre), Trường Long Hòa (Trà Vinh) và Rạch Gốc (Cà Mau). Có thể khẳng định rằng, phát huy tốt những giá trị của tự nhiên, con người, văn hóa - lịch sử sẽ biến vùng biển, đảo Tây Nam Bộ thành những khu du lịch biển có tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Điều đó không những góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là động lực tinh thần to lớn để người dân nơi đây vươn lên trong lao động sản xuất, nâng cao ý thức bảo vệ biển, đảo quê hương.

Tây Nam Bộ cũng là vùng biển đảo giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu khí. Bể trầm tích dầu khí Mã Lai - Thổ Chu nằm ngoài khơi khu vực biển Cà Mau - Hà Tiên, diện tích khoảng 80.000km2. Đã phát hiện nhiều mỏ dầu khí, như: Kim Long, Ác Quỷ, Cá Voi, Sông Đốc - Năm Căn,... trữ lượng khí đốt khoảng 138,2 tỷ m3 (tương đương với 200 - 500 triệu tấn dầu quy đổi), chiếm 35% trữ lượng của cả nước. Hiện nay, mỗi năm ngành dầu khí Việt Nam đã khai thác hơn 2 tỷ m3 khí. Được thiên nhiên ưu đãi, vùng biển, đảo Tây Nam Bộ có nguồn năng lượng gió, mặt trời dồi dào, lại nằm trên đường hàng hải giao thương quốc tế, nhiều vị trí có thể xây dựng cảng biển hiện đại. Những điều kiện đó, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông, vận tải biển, cung cấp dịch vụ logistics, xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên vùng biển, đảo giàu tiềm năng này.

Kết quả bước đầu quan trọng

Những năm qua, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng biển, đảo Tây Nam Bộ đã nhận thức đúng đắn về quan điểm phát triển bền vững kinh tế, gắn với tăng cường quốc phòng và an ninh biển, đảo. Từ đó, đã nỗ lực phấn đấu thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Trước hết, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung vào việc bố trí lại dân cư trên các vùng ven biển, đảo. Các địa phương đã có nhiều giải pháp, chính sách đặc thù theo các chương trình kết hợp kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng và an ninh, khuyến khích nhân dân ra các vùng ven biển, đảo sinh sống. Trong đó, chú trọng bảo đảm các điều kiện sinh hoạt thiết yếu và việc làm ổn định bền vững cho cư dân. Nếu trước năm 1980, dân số trên các đảo Tây Nam Bộ khoảng 8.000 người, thì năm 2018 đã tăng trên 200.000 người. Đến nay, trong số gần 200 đảo, đã có 46 đảo có dân cư sinh sống. Đặc biệt, đảo Phú Quốc đã và đang được đầu tư xây dựng với mục tiêu phát triển trở thành đô thị hiện đại - trung tâm du lịch, hội nghị quốc tế tầm cỡ khu vực và quốc tế. Những thay đổi đó, đã tạo điều kiện để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; bố trí triển khai lực lượng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc.

Cùng với phân bố dân cư, các địa phương tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng. Bằng nhiều nguồn vốn, các địa phương đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng vào xây dựng kết cấu hạ tầng. Riêng đảo Phú Quốc đã được đầu tư gần 30 nghìn tỷ đồng. Đến nay, vùng biển, đảo Tây Nam Bộ đã xây dựng, nâng cấp và mở rộng hàng loạt các cảng biển, cảng cá, như: nâng cấp Cảng cá An Thới trở thành Cảng nước sâu quốc tế; xây dựng mới cảng cá Thổ Chu, Nam Du, Hòn Ngang, v.v. Bên cạnh đó, các địa phương còn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình ven biển, hệ thống đê, kè ngăn mặn, lấn biển, hình thành những khu dân cư, đô thị mới, khu công nghiệp kinh tế biển. Thời gian qua, Sân bay Quốc tế Phú Quốc được đầu tư bước đầu, tổng vốn hơn 16 nghìn tỷ đồng, với thiết kế, điều hành hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế được đưa vào sử dụng, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội Phú Quốc và kết nối toàn Vùng. Hệ thống cung cấp điện, cơ sở hạ tầng thông tin - truyền thông cũng được đầu tư phát triển đồng bộ. Đến nay, hầu hết các đảo có dân sinh sống trong vùng biển Tây Nam Bộ đều được phủ sóng di động và được cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; bảo đảm quốc phòng và an ninh, tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Với tiềm năng, lợi thế của mình, các địa phương đã đột phá phát triển bền vững các ngành kinh tế biển mũi nhọn, như: nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản, dịch vụ biển, khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản biển và năng lượng tái tạo, v.v. Trong đó, phát triển toàn diện ngành khai thác, chế biến hải sản, xây dựng thành tiểu vùng kinh tế hải sản trọng điểm của cả nước; đẩy mạnh phát triển nghề đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy hải sản tập trung theo quy trình hiện đại. Đồng thời, tích cực đổi mới, áp dụng quy trình, phương pháp tiên tiến trong bảo quản, chế biến thủy hải sản, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm; kết hợp chặt chẽ giữa khai thác với phát triển mạng lưới cơ sở chế biến và hậu cần phục vụ nghề cá trên một số đảo quan trọng, như: Rạch Giá, Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Năm Căn, Gành Hào, Hòn Khoai,… góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng biển đảo Tây Nam Bộ nhiều năm liền đạt trên 10%/năm. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư và từng bước hoàn thiện; văn hóa, xã hội có tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện; chính sách an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Với kết quả bước đầu, đảm bảo cho vùng biển, đảo Tây Nam Bộ phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ môi trường và tăng cường quốc phòng - an ninh.

Những khó khăn, thách thức

Tuy đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên vùng biển, đảo Tây Nam Bộ hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững; công nghệ và cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành khai thác thủy, hải sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Ngư dân khai thác thủy hải sản theo kiểu tận thu, hủy diệt, không quan tâm đến bảo vệ hệ sinh thái, môi trường biển. Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ ngư trường của các cơ quan chức năng còn hạn chế. Một số ngư trường có dấu hiệu cạn kiệt, ngư dân không muốn ra khơi hoặc phải đưa tàu đi khai thác ở vùng biển khác, vi phạm Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản, Quy định của Ủy ban châu Âu về chống đánh bắt cá bất hợp pháp mà chúng ta đã thỏa thuận. Trong khai thác tài nguyên biển còn nghiêng về ưu tiên khai thác những tài nguyên ở dạng vật chất, các tài nguyên phi vật chất ít được chú trọng, như: không gian biển, ven biển và đảo; sự đa dạng của hệ sinh thái; giá trị văn hóa - lịch sử biển, đảo. Ở các địa phương, việc quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế biển thiếu đồng bộ, chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong vùng hay trong từng lĩnh vực, ngành, nghề, dẫn đến phân tán, thiếu tập trung nguồn lực, thậm chí còn xung đột lợi ích, v.v.

Để vùng biển, đảo Tây Nam Bộ khẳng định được vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp, ngành, lực lượng phải bằng các biện pháp toàn diện, đồng bộ để vừa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, vừa khắc phục khó khăn, thách thức để nơi đây thực sự là “phên giậu” vững chắc của Tổ quốc.

ĐÌNH KHÁNG - HỒ ĐĂNG - ĐĂNG BẢY

(Số sau: II. Dựng “phên giậu” trên nền nhân dân (Xem phần II tại đây)

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.