QPTD -Thứ Ba, 21/05/2019, 08:57 (GMT+7)
Dựng “phên giậu” nơi đầu sóng, ngọn gió

I. Biển, đảo Tây Nam Bộ - tiềm năng và lợi thế

Tiếp theo*

II. Dựng “phên giậu” trên nền nhân dân

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, “bám dân, bám chính quyền”, chủ động tham mưu trúng, đúng, kịp thời, hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển. Việc xây dựng “thế trận lòng dân”, giữ vững ổn định chính trị, đấu tranh với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển của Bộ đội Biên phòng đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế biển bền vững nói riêng.

Theo dõi hoạt động của tàu cá từ Trung tâm giám sát đặt tại trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau. Ảnh: Đăng Bảy

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Việc làm trên được thực hiện tích cực, thường xuyên thông qua công tác vận động quần chúng của toàn lực lượng, nhất là đội ngũ cán bộ tăng cường cho các xã biên giới và các tổ, đội chuyên trách làm công tác vận động quần chúng. Tại các địa phương, Bộ đội Biên phòng luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nắm chắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử,… khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Từ đó, xây dựng ý thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị trong xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo thành “phên giậu” vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để đạt hiệu quả cao, Bộ đội Biên phòng sử dụng nhiều hình thức, biện pháp, kết hợp tuyên truyền miệng với in tờ gấp, tờ rơi, pa-nô, áp-phích, phát đến từng khu dân cư; tổ chức hội thi, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật về biên giới, biển, đảo; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tuyên giáo, truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng báo cáo viên, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với nhân dân sinh sống ở các địa phương ven biển, ngư dân làm ăn trên biển, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài về vai trò, vị trí của biển, đảo và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của Việt Nam theo luật pháp và thông lệ quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo”; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn và hoàn thiện câu lạc bộ tư vấn pháp luật, xây dựng trên 150 ngăn sách, tủ sách pháp luật tại các xã biên giới biển, đảo. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng luôn chú trọng tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân khi khai thác hải sản trên các vùng biển giáp ranh; tôn trọng chủ quyền vùng biển các nước và chấp hành nghiêm các điều ước quốc tế; không vi phạm vùng biển nước ngoài. Điển hình như: Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng, hai năm qua đã tổ chức được 5.452 buổi tuyên truyền cho 420.940 lượt người; Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau vận động 206 người từ bỏ cái gọi là Hội Thánh Đức Chúa Trời, tổ chức cho 1.541 chủ phương tiện tàu thuyền ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu tổ chức cho 969 hộ gia đình ký cam kết thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, v.v. Những việc làm đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ biên giới; tạo được sự tin tưởng vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước nói chung, của cấp ủy, chính quyền địa phương nói riêng.

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, muốn quản lý, bảo vệ được biên giới quốc gia, phải củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh về mọi mặt. Do vậy, đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng xây dựng địa bàn biên giới, hải đảo vững mạnh về mọi mặt. Trong đó, quan tâm xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, đẩy mạnh công tác phát triển Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ, kiện toàn tổ chức chính quyền và đoàn thể quần chúng. Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, gắn liền với thực tiễn cơ sở, những năm qua, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đã tham mưu, hỗ trợ cho địa phương thành lập 18 đảng bộ cơ sở; củng cố 96 chi bộ, bồi dưỡng 212 đảng viên; củng cố 890 chi hội phụ nữ, hội nông dân và tổ chức đoàn thanh niên; kiện toàn 158 đội dân phòng, 108 tổ tự quản trên biển và 804 tổ an ninh tự quản. Đồng thời, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho 1.968 lượt tổ và 35.700 lượt tổ trưởng an ninh nhân dân, dân phòng. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đặc biệt chú trọng việc tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã biên giới và giới thiệu đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ ấp, khóm ven biển, v.v. Đây là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có năng lực phẩm chất, đạo đức tốt, có quá trình lâu dài gắn bó với địa bàn, am hiểu phong tục tập quán, có uy tín trong quần chúng nhân dân. Do được tín nhiệm cao, nhiều đồng chí được bầu, phân công giữ các chức danh chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, thực sự trở thành cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với ngư dân, đồng bào các dân tộc. Với phương châm “hướng về cơ sở, tôn trọng cơ sở”, nhờ chủ động, tích cực, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đã cùng các ngành, lực lượng, xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở chính trị và đội ngũ cán bộ địa phương, giúp họ chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở. Điển hình là Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã tham mưu cho địa phương tuyên truyền, tấn công chính trị được 52 cuộc, giải quyết tốt các điểm phức tạp về vấn đề dân tộc; vô hiệu hóa hàng trăm đối tượng thuộc các tổ chức phản động nước ngoài về địa phương câu móc, chống phá; giải quyết 122 lần/858 lượt người khiếu kiện vượt cấp liên quan đến đất đai, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

Bộ đội Biên phòng Cà Mau, tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt quy chế vùng biển. Ảnh: Lê Khoa

Thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ luôn tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Bộ đội Biên phòng đã chủ động tham gia thẩm định các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực cảng, cửa khẩu, như: trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu, tránh trú bão, công trình phòng thủ bờ biển, hệ thống kết cấu hạ tầng, đường giao thông ven biển. Đồng thời, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo phương châm “Ba bám, bốn cùng” với nhân dân, bằng những nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Đáng chú ý là, Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, lực lượng, doanh nghiệp, thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển; triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng còn giúp dân làm thủ tục vay vốn sản xuất, đóng mới tàu thuyền công suất lớn để đánh bắt xa bờ kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thực hiện có hiệu quả các phong trào, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, như: “Dân vận khéo”, “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, khóm (ấp) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”; xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, “Nâng bước em tới trường”, “Hãy làm sạch biển”, v.v. Bộ đội Biên phòng còn thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc, tiêm chủng miễn phí cho nhân dân, gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn; đồng hành cùng 37 xã, phường biên giới xây dựng nông thôn mới; đỡ đầu trên 400 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó có 10 học sinh Cam-pu-chia); giúp gần 500 gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau tham gia xây dựng 3 dự án nước sạch trị giá 3,2 tỷ đồng, phục vụ nước sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ và hàng ngàn hộ dân ở thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) và xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời); triển khai 22 dự án xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ việc làm với tổng số vốn trên 1,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho 356 hộ/1.168 lao động; tặng 268 căn nhà trị giá trên 10 tỷ đồng cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều dự án điện, đường, trường, trạm, xây dựng hàng trăm công trình hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ. Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu đã đưa vào sử dụng 28 công trình điện phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân; tặng các gia đình chính sách 260 căn nhà, tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tặng 173 căn “Nhà đại đoàn kết”, 06 công trình dân sinh và hàng trăm con bò giống, v.v. Những việc làm trên của Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đã góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh cho nhân dân ven biển, tạo điều kiện để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Với tư cách là lực lượng nòng cốt, cơ quan trung tâm hiệp đồng, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 09-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng có liên quan trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển. Bám sát đặc điểm địa bàn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác phối hợp với lực lượng Quân sự, Công an, Hải quan, Hải quân, Cảnh sát biển để xây dựng quy chế hoạt động trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển; quản lý phương tiện thủy nội địa, quản lý, xuất nhập cảnh trên khu vực biên giới biển. Bộ đội Biên phòng đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ biên phòng; duy trì nghiêm chế độ giao ban địa bàn, nâng cao chất lượng công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động xâm phạm chủ quyền, buôn lậu, đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của ta. Đồng thời, nắm chắc tình hình nhân dân để phát hiện những mâu thuẫn trong nội bộ, từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết, không để xảy ra điểm nóng. Đến nay, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đã tham mưu cho các địa phương thành lập 512 tổ tàu thuyền an toàn, với 3.152 phương tiện; thành lập 3.176 tổ tự quản an ninh, với 315.000 thành viên và 75 bến bãi an toàn. Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã vận động xây dựng được 20 ấp điểm đăng ký không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Bộ đội Biên phòng Kiên Giang vận động 22 ấp/190 hộ/722 người đăng ký tự quản 57 km đường biên giới và 131 mốc quốc giới.

Những việc làm trên của Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ không những tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường mối quan hệ máu thịt quân - dân, mà còn thiết thực củng cố lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở. Đó cũng là nhân tố cơ bản để Bộ đội Biên phòng hoàn thành nhiệm vụ chính trị: cùng toàn dân dựng “phên giậu”, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

ĐÌNH KHÁNG - HỒ ĐĂNG - ĐĂNG BẢY

___________

* - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 4-2019.

(Kỳ sau: III. Ý nghĩa và những vấn đề đặt ra (Xem phần III tại đây)

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.