Thứ Sáu, 22/11/2024, 19:29 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
I. Không gian mạng - vùng “lãnh thổ đặc biệt” của Tổ quốc
II. Quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, kết quả bước đầu và vấn đề đặt ra.
III. Những giải pháp cơ bản bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên không gian mạng
Từ vị trí, vai trò, thực trạng và những vấn đề đặt ra cho thấy: để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên không gian mạng đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, ngành, địa phương, lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân với tổng thể các giải pháp thống nhất, đồng bộ. Trong tình hình hiện nay, cần tập trung nắm vững và thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản dưới đây.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Đây vừa là nguyên tắc, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Vì vậy, thời gian tới, cùng với phát triển, hoàn thiện phương thức, cơ chế lãnh đạo của Đảng, các cấp, ngành, lực lượng, địa phương,... cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ quan trọng này; đồng thời, thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết số 30-NQ/TW về Chiến lược an ninh mạng quốc gia, v.v. Trên cơ sở đó, chủ động đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ; chú trọng tận dụng thế mạnh của không gian mạng để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng tự bảo vệ cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân; thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; đồng thời, phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là lực lượng nòng cốt, chuyên trách.
Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, việc tổ chức triển khai thực hiện của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về lĩnh vực thông tin, truyền thông và an ninh mạng; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, răn đe những hành vi, thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Bổ sung, điều chỉnh các quy chế, quy định về bảo vệ, quản lý, sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu của quốc gia, người dân và doanh nghiệp; các văn bản quy phạm pháp luật về chống thông tin giả, xấu, độc hại; các quy định, chính sách liên quan đến công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối,... phù hợp với truyền thống văn hoá Việt Nam và bối cảnh mới. Đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về không gian mạng và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, mạng truyền hình và các dịch vụ mạng xã hội, cũng như các hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ và khai thác hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia. Thường xuyên định hướng hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, nhất là trang thông tin điện tử, báo điện tử theo quy định của pháp luật; đồng thời, phát huy tốt vai trò của các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử trong tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Kịp thời bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin và quy trình phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương; giữa các cơ quan, tổ chức và người dân; giữa Việt Nam với các nước trong xử lý các tình huống trên không gian mạng. Thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, an toàn, lành mạnh, tạo lập niềm tin số, xã hội số, công dân số. Đẩy mạnh đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhất là sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, nhằm không ngừng bổ sung, phát triển lý luận trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Hai là, đẩy mạnh phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, rộng khắp gắn với nâng cao năng lực phòng, chống tấn công mạng, tội phạm mạng. Đây là giải pháp rất quan trọng, trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nội dung bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Bởi vì, xây dựng cũng là cách tốt nhất để bảo vệ; ngược lại, bảo vệ cũng góp phần xây dựng, phát triển không gian mạng an toàn, lành mạnh, rộng khắp, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của đất nước. Thực hiện giải pháp này, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng không gian mạng quốc gia hiện đại, đồng bộ, kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương; giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh. Ưu tiên phát triển hệ thống thông tin phục vụ cho hạ tầng thiết yếu, quan trọng của quốc gia. Tiếp tục phát triển siêu xa lộ thông tin trong nước và kết nối băng thông rộng quốc tế gắn với bảo đảm an toàn thông tin. Đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia toàn diện; xây dựng và thực hiện tốt cơ chế cung cấp, chia sẻ, khai thác thông tin gắn với nhu cầu sử dụng, xác thực, bảo mật thông tin; phát triển hạ tầng chứng thực số và mật mã quốc gia đáp ứng yêu cầu bảo vệ an toàn thông tin cho hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Có chính sách động viên, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển công nghệ mạng, mở rộng thị trường dịch vụ viễn thông, Internet cả ở trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, gián điệp mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Muốn vậy, cần nâng cao hiệu quả ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho phát triển, làm chủ, quản lý, bảo vệ không gian mạng quốc gia. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhất là Quân đội, Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan Tuyên giáo và các lực lượng khác trong xác lập, quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; đồng thời, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Có cơ chế kiểm soát hữu hiệu đối với một số trang mạng xã hội dựa trên nền tảng xuyên biên giới, như: Facebook, YouTube, TikTok,… để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Xây dựng và tổ chức luyện tập thuần thục các phương án điều phối, xử lý sự cố mất an toàn thông tin mạng theo phân cấp, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, đúng chức năng, thẩm quyền. Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng, an ninh đồng bộ, hiện đại, độc lập và có khả năng kết nối linh hoạt với hạ tầng thông tin quốc gia. Tăng cường ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, số hóa, thông minh hóa, hiện đại hóa trang thiết bị nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự, an ninh, tự động hóa chỉ huy, góp phần hiện đại hóa lực lượng vũ trang, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động cài cắm gián điệp, tấn công mạng, xâm phạm an ninh quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo tình hình; kết hợp phòng thủ tích cực, vững chắc với tiến công đáp trả kịp thời các hoạt động chống phá, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng và các loại hình chiến tranh, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Ba là, xây dựng và phát huy tốt vai trò của lực lượng chuyên trách trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”1. Trong khi đó, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi không chỉ có trang thiết bị hiện đại mà cần có con người với chất lượng toàn diện để hình thành lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, lực lượng chuyên trách được bố trí chủ yếu ở Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngoài ra còn có lực lượng đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng thuộc các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có năng lực về công nghệ thông tin, an ninh mạng. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên không gian mạng, thời gian tới, lực lượng chuyên trách ở các cơ quan, địa phương, đơn vị cần chủ động liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau trong hoạt động tác chiến, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Theo đó, Quân đội, mà nòng cốt là lực lượng tác chiến không gian mạng, bao gồm lực lượng tác chiến không gian mạng cấp chiến lược, chiến dịch; lực lượng công nghệ thông tin các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội có vai trò quan trọng hàng đầu trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, lực lượng này cần được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại với sự đồng bộ cả về con người, vũ khí, trang bị và phương thức tác chiến không gian mạng phù hợp với nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, cần bám sát phương châm: “Trinh sát kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, phòng thủ vững chắc”, bảo vệ tuyệt đối an toàn hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng và hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp xử lý các lỗ hổng bảo mật, phần mềm gián điệp, mã độc, các hoạt động tấn công mạng. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ, sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng nếu xảy ra.
Bộ Công an, trực tiếp là lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ an ninh mạng quốc gia, phòng, chống tội phạm. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, lực lượng này cần được tiếp tục đầu tư phương tiện kỹ thuật hiện đại; tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan nắm chắc tình hình trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các nguy cơ, sự cố an ninh mạng, tội phạm mạng, các lỗ hổng bảo mật, phần mềm độc hại; bảo vệ tuyệt đối an toàn hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia. Chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với những tổ chức, cá nhân lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm hại lợi ích của cá nhân, tổ chức. Thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống gián điệp mạng, khủng bố mạng, tội phạm mạng; thường xuyên thiết lập và duy trì có hiệu quả hệ thống đường dây nóng, hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin về tội phạm mạng từ quần chúng nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số quốc gia; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm quốc gia để kịp thời phát hiện, điều phối, ứng cứu với các sự cố an ninh mạng, bảo vệ an ninh, an toàn vùng lãnh thổ đặc biệt của Tổ quốc.
Các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, thúc đẩy phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, rộng khắp, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ an toàn cho cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng; tiếp tục phát triển các phần mềm ứng dụng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin cho người sử dụng; hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, bao gồm: Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Quy tắc Lành mạnh; Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin; Quy tắc Trách nhiệm.
Tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt của Ban chỉ đạo 35 các cấp, cơ quan tuyên giáo, hệ thống báo chí, cơ quan đấu tranh tư tưởng, đồng thời mở rộng các kênh, lực lượng thông tin rộng khắp, làm chủ không gian mạng; xây dựng cơ chế chỉ đạo thông tin thống nhất, hiệp đồng thông tin đồng bộ, tác chiến thường trực, đa dạng, đa tuyến. Kết hợp thông tin phản bác của các cơ quan báo chí chính thống với các kênh truyền thông khác, theo phương thức lấy thông tin chủ đạo từ các cơ quan báo chí chính thống làm thông tin nguồn để lan tỏa trên không gian mạng.
Bốn là, phát huy sức mạnh của toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên không gian mạng. Đảng ta khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”2. Với ý nghĩa đó, việc phát huy sức mạnh của toàn dân bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng hiện nay sẽ tạo ra bức tường thành vững chắc để ngăn chặn, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Theo cơ quan chức năng, tính đến tháng 6/2023, Việt Nam có khoảng 78,59% người dân sử dụng Internet; 101,12 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh; là một trong những quốc gia có số lượng người sử dụng Facebook, YouTube và TikTok nhiều nhất thế giới3. Đây là thuận lợi lớn để chúng ta tận dụng cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, mức độ “sát thương” do các cuộc tấn công mạng gây ra cũng sẽ rất lớn, bởi vì nhân dân chính là đối tượng chủ yếu mà các thế lực thù địch hướng đến để tuyên truyền, chuyển hóa tư tưởng, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, kích động, gây rối, biểu tình, bạo loạn lật đổ. Để mỗi người dân Việt Nam là một chiến sĩ, mỗi tài khoản của người dân là một phần trong thế trận quốc phòng toàn dân, mỗi nhóm tài khoản là một khu vực phòng thủ, mỗi một bài viết đấu tranh với những quan điểm sai trái là một mũi tiến công trên không gian mạng,… đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của không gian mạng đối với sự phát triển của cá nhân, cộng đồng, quốc gia - dân tộc; đồng thời, cũng nhận biết rõ những nguy cơ, thách thức hiện hữu từ không gian mạng, nhất là âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, nguy cơ chiến tranh mạng, gián điệp mạng, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mạng,... từ đó, giúp mọi người đề cao cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, bảo vệ hiệu quả.
Cùng với tuyên truyền để toàn dân nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, cần tiếp tục phổ biến sâu rộng về những hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng, nhất là các hành vi sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; tổ chức, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; các hành vi tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi. Quan tâm bồi dưỡng kỹ năng nhận diện và biện pháp phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn tấn công mạng, lừa đảo trên mạng; kiến thức, kỹ năng phòng tránh, tự vệ và đấu tranh trên không gian mạng, cũng như biện pháp kỹ thuật để khắc phục hậu quả bị tấn công mạng. Đặc biệt, quan tâm xây dựng, củng cố thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên không gian mạng. Đồng thời, chú trọng nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, như mô hình: “Hội nhóm, trang mạng xã hội vì môi trường mạng an toàn, lành mạnh” (ở Đà Nẵng); Cuộc vận động: “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp trên mạng xã hội” (ở Bình Phước, Trung ương Đoàn); hay hoạt động của Lực lượng 47 trong Quân đội,… đã và đang góp phần tích cực bảo vệ không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, rộng khắp. Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp, phù hợp với từng đối tượng, như: thông qua sinh hoạt các tổ chức; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; nói chuyện chuyên đề, phổ biến pháp luật; các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin, an ninh mạng tại các cơ quan, địa phương, đơn vị, v.v.
Năm là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, tiến tới chủ động về công nghệ, trang thiết bị và dịch vụ mạng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế về an ninh mạng. Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải “lấy con người, trí tuệ con người làm trung tâm, là nhân tố quyết định, đồng thời tranh thủ tối đa những thành tựu khoa học, công nghệ”4. Theo đó, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là kỹ sư hệ thống thông tin, viễn thông, chuyên gia an ninh mạng, v.v. Muốn vậy, cần ưu tiên đầu tư, nâng cấp các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ mạng, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, “giữ chân”, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực này. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với lực lượng tác chiến không gian mạng, an ninh mạng và các lực lượng tham gia bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, công nghệ nền tảng, cốt lõi về viễn thông và công nghệ thông tin, công nghệ mạng. Tăng cường đầu tư, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, tiến tới tự chủ trong bảo đảm trang bị các hệ thống tự động hóa chỉ huy và điều khiển vũ khí, tác chiến không gian mạng, tác chiến điện tử trong lực lượng vũ trang. Ưu tiên phát triển và sử dụng các công cụ, dịch vụ trên không gian mạng do Việt Nam sản xuất. Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo, sớm đưa Việt Nam trở thành một “cường quốc mạng”, góp phần gia tăng sức mạnh quốc gia, nâng cao vị thế quốc tế. Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế về đảm bảo an toàn, an ninh mạng; tích cực tham gia, tiến tới chủ trì các diễn đàn khu vực và quốc tế về không gian mạng, nhằm lan tỏa những quan điểm tích cực của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, sớm phát hiện và triệt tiêu các nguy cơ, thách thức, nhằm xây dựng không gian mạng quốc gia hòa bình, ổn định, an toàn, rộng khắp, vì người dân, doanh nghiệp và sự phát triển an toàn, bền vững của đất nước; đồng thời, góp phần tích cực kiến tạo môi trường hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực và thế giới, v.v. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả những giải pháp nêu trên sẽ thiết thực góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên không gian mạng trong thời kỳ mới./.
CAO THÀNH - PHẠM CƯỜNG ____________________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H.2021, tr.156.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQGST, H. 2011, tr. 65.
3 - Trương Ngọc Vĩnh, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương – Những thách thức đối với an ninh tư tưởng - văn hóa ở nước ta hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN trên môi trường mạng xã hội - thực trạng và giải pháp, Hà Nội, ngày 31/8/2023, Quyển 1, tr. 61.
4 - Bộ Chính trị khóa XII - Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, tr. 3.
Bảo vệ Tổ quốc,không gian mạng,nhiệm vụ chiến lược,cấp bách,Nghị quyết số 29-NQ/TW,
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng