Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:32 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
LTS - Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, dịch vụ Internet, mạng xã hội,… đã hình thành nên một không gian xã hội mới - không gian mạng với nguồn tài nguyên số cực lớn, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của cá nhân, cộng đồng, quốc gia - dân tộc. Tuy nhiên, cùng với mặt tích cực, không gian mạng cũng đặt ra không ít thách thức đối với quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là tất yếu khách quan, nhiệm vụ chiến lược, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị.
Để góp phần làm rõ hơn vấn đề này, Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu chùm bài viết “Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng - nhiệm vụ chiến lược, cấp bách hiện nay" của nhóm tác giả Cao Thành - Phạm Cường.
I. Không gian mạng – vùng “lãnh thổ đặc biệt” của Tổ quốc
Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện đại, đặc biệt là phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xuất hiện một không gian xã hội mới - không gian mạng. Đây là phần không gian đặc thù, được hình thành từ cơ sở hạ tầng thông tin và hoạt động của các thành phần xã hội trên đó, dần trở thành không gian chiến lược mới - vùng “lãnh thổ đặc biệt”, gắn kết chặt chẽ với các môi trường tự nhiên (đất liền, biển, đảo, trên không, vũ trụ) để các quốc gia khai thác, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Thực chất, không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian1. Không gian mạng được hình thành và phát triển trên cơ sở hai yếu tố cơ bản: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và hoạt động, tương tác của các thành phần xã hội ở trên đó. Chính vì điều này mà không gian mạng đã, đang trở thành không gian xã hội đặc biệt, bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội và không bị giới hạn bởi các yếu tố: không gian, thời gian.
Khác với không gian vật lý (luôn gắn liền với từng cộng đồng người và bị giới hạn bởi một không gian, thời gian nhất định), không gian mạng là không gian ảo - môi trường thông tin do con người tạo lập, phát triển, không có biên giới rõ ràng; ở đó, thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi trên nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nơi mà mọi thông tin, hoạt động của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội đã được số hóa. Mặc dù là không gian ảo, song không gian mạng cũng mang yếu tố thực, bởi nó diễn ra các hoạt động giao tiếp, làm việc, giải trí của con người; phản ánh đầy đủ các hoạt động, sinh hoạt của xã hội; tác động đến mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,…; gắn kết chặt chẽ với các môi trường tự nhiên, trở thành không gian sinh tồn rộng mở và có khả năng kiến tạo và gia tăng sức mạnh quốc gia với nguồn tài nguyên số cực lớn để các quốc gia khai thác, phát triển.
Tuy là không gian kết nối toàn cầu, song nó luôn gắn liền với chủ quyền của mỗi quốc gia. Vì vậy, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng được các quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm. Ở Việt Nam, từ năm 1997, khi chúng ta kết nối mạng internet toàn cầu, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng nhanh chóng được xác lập. Theo quan điểm của Đảng, Nhà nước ta: Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền tối cao, tuyệt đối, đầy đủ và riêng biệt của quốc gia đối với các vùng thông tin do Nhà nước quản lý, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bằng chính sách, pháp luật và năng lực công nghệ phù hợp với luật pháp quốc tế. Cũng giống như chủ quyền lãnh thổ truyền thống, Nhà nước ta có quyền tối cao, tuyệt đối, hoàn toàn và riêng biệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình; xác lập và thực thi quyền quản lý, kiểm soát, phát triển, khai thác đối với toàn bộ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia cũng như thông tin được tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền đưa trên đó; đồng thời, mã hóa thông tin số, truyền đưa trên không gian mạng toàn cầu và kiểm soát toàn bộ các hoạt động trên vùng “lãnh thổ đặc biệt” thuộc quyền quản lý của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Đặc tính ưu việt của không gian mạng
Từ thực tiễn cho thấy, với những đặc tính cơ bản của một kho tri thức khổng lồ; có tốc độ truyền tải, lan truyền, tìm kiếm thông tin nhanh; lưu trữ thông tin cực lớn; tính liên kết cộng đồng cao,... không gian mạng đã trở thành một phần của đời sống xã hội và là “không gian chiến lược mới”, mang đến nhiều cơ hội cho sự phát triển của cá nhân, cộng đồng và quốc gia - dân tộc; trong đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Trước hết, không gian mạng góp phần phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người ở mọi quốc gia, nhất là đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Được xem là cuốn “bách khoa toàn thư” khổng lồ của nhân loại mà ai cũng có thể tiếp cận, không gian mạng đã thực sự mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội học tập và phát triển bản thân. Chỉ với những thao tác đơn giản, người dùng có thể thu thập và sử dụng vô số tài nguyên thông tin phục vụ cho nhu cầu học tập, làm việc và cuộc sống của mình.
Thứ hai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước. Không chỉ tạo ra môi trường làm việc, không gian mạng còn là môi trường giao tiếp vô cùng thuận lợi giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan công quyền; nhiều thủ tục hành chính, nghĩa vụ kinh tế, hợp tác kinh tế,… được thực hiện thông qua không gian mạng; nhiều ngành nghề mới được ra đời, giúp gia tăng việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, không gian mạng ở nước ta đang là nền tảng quan trọng trong chương trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”2, không gian mạng là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên môi trường số; các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp cơ bản diễn ra trên không gian mạng. Điều này sẽ góp phần quan trọng giảm chi phí cho cá nhân, tổ chức, nâng cao năng suất lao động; đồng thời, giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phát triển.
Thứ ba, không gian mạng góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục và hội nhập quốc tế của đất nước. Với đặc tính “xuyên biên giới”, tốc độ truyền tải, tìm kiếm thông tin nhanh, không gian mạng là môi trường lý tưởng để mỗi cá nhân, cộng đồng, quốc gia - dân tộc kết nối, chia sẻ, giao lưu, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; đồng thời, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, cùng nhau giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng, quốc gia, quốc tế,... qua đó, thúc đẩy mở rộng hợp tác giữa nước ta với các nước. Hiện nay, với nhiều phần mềm quản lý, dạy học; nhiều hình thức dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa, hợp tác đào tạo,... đã và đang được triển khai trên phạm vi quốc gia và quốc tế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo. Thực tế cho thấy, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nếu không có không gian mạng thì các kết nối cộng đồng, giáo dục đào tạo, thương mại,... sẽ bị ngừng trệ.
Thứ tư, không gian mạng ra đời đã làm xuất hiện hình thái chiến tranh trong môi trường mạng, hình thành loại hình và lực lượng tác chiến không gian mạng; làm thay đổi học thuyết, tư duy và phương thức tiến hành chiến tranh, bảo vệ an ninh quốc gia. Không gian mạng còn cho phép lực lượng vũ trang thiết lập, phát triển, sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin, tình báo, quản lý điều hành, hệ thống điều khiển vũ khí, tự động hóa chỉ huy để tương tác, nâng cao hiệu quả hoạt động tác chiến; là nền tảng để lực lượng Quốc phòng, An ninh triển khai hệ thống phần mềm quản lý con người, kiểm soát, cập nhật thường xuyên tình hình, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực, tội phạm, khủng bố,... góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới rất coi trọng tác chiến không gian mạng, coi đó là phương thức chủ yếu nhằm kiểm soát không gian mạng của đối phương, bảo vệ không gian mạng của mình; là hoạt động đối kháng máy tính, gồm các hoạt động giám sát, bảo vệ và tiến công mạng; đồng thời, kết hợp với khả năng chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, tình báo, trinh sát, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho tác chiến liên hợp.
Thứ năm, ở nước ta, không gian mạng còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, tăng cường sự gắn kết và đồng thuận trong nhân dân. Thông qua không gian mạng, nhiều hội nghị, lớp học được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng được truyền tải đến với mọi cá nhân, tổ chức, giúp họ nắm bắt nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, đó còn là môi trường thuận lợi để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao chất lượng dịch vụ công,… góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Từ những lợi ích to lớn mà không gian mạng mang lại, ngày 25/7/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Trong đó, xác định: không gian mạng là “vùng lãnh thổ đặc biệt” để các quốc gia khai thác, phục vụ cho phát triển,... Việt Nam chủ trương xây dựng không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế,… góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những nguy cơ, thách thức
Bên cạnh những mặt tích cực, cũng như các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít những nguy cơ, thách thức trên không gian mạng.
Một là, không gian mạng là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Với tính chất mở, ẩn danh và lan truyền nhanh, không gian mạng đang được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng thường xuyên sử dụng mạng xã hội, phổ biến là Facebook, YouTube, TikTok,…để tuyên truyền, xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc thành tựu của cách mạng, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Lợi dụng tính xác thực thông tin trên không gian mạng còn yếu, chúng thường xuyên kích động các phần tử cực đoan, bất mãn phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật,… nhằm tạo ra các đợt “khủng hoảng truyền thông” để thu hút sự quan tâm của dư luận, hướng lái dư luận theo mục đích chính trị của chúng. Từ đó, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ. Điển hình như, chúng lợi dụng không gian mạng, tuyên truyền, kích động, xúi giục tụ tập đông người bất hợp pháp, gây mất an ninh, trật tự nhân việc Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển (năm 2016); xuyên tạc Quốc hội khóa XIV thông qua Luật An ninh mạng, v.v. Những hoạt động này rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Hai là, không gian mạng là “mảnh đất” màu mỡ để các thế lực thù địch triển khai hoạt động gián điệp. Ra đời cùng với sự xuất hiện của không gian mạng, gián điệp mạng có thể gây ra những tổn thất lớn về nhiều mặt thông qua tấn công vào hệ thống máy tính của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an, tập đoàn kinh tế lớn, hệ thống ngân hàng, sân bay, bến cảng,... để đánh cắp dữ liệu, thông tin bí mật hoặc tấn công mã độc, chiếm quyền kiểm soát, điều khiển hệ thống thông tin, v.v. Thời gian qua, một số cơ quan đặc biệt của nước ngoài đã và đang đẩy mạnh các hoạt động do thám, xâm nhập gián điệp để đánh cắp thông tin, bí mật quốc gia, bí mật quân sự nhằm tạo lợi thế trong quan hệ hợp tác quốc tế; tác động vào đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại; đưa thông tin sai lệch, truyền bá quan điểm phản động nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội, phá hoại kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh; âm thầm, bí mật kiểm soát hệ thống mạng, tạo thế trận, xâm hại chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc của ta. Các hoạt động này thường được tiến hành thông qua các mã độc, phần mềm gián điệp được cài sẵn trong các phần mềm, ứng dụng, các thiết bị số bán ra thị trường, làm quà tặng hoặc có thể cài đặt từ xa qua mạng Internet. Theo Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam năm 2021, số cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam không ngừng gia tăng, năm 2019 là 5.176 cuộc, năm 2020 là 6.829 cuộc. Sự nguy hiểm của gián điệp mạng đã được thế giới biết đến qua việc WikiLeaks cho công bố hàng loạt tài liệu mật, trong đó có nhiều tài liệu mật của Mỹ, bao gồm cả tài liệu phản ánh hoạt động giám sát các thiết bị di động của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khoảng từ năm 2006 đến 2017. Năm 2013, Edward Snowden cũng đã tiết lộ thông tin mật về chương trình do thám toàn cầu do tình báo Mỹ và Anh thực hiện. Năm 2016, có đến 11,5 triệu tài liệu mật cũng đã được công khai cho báo chí trong vụ “Hồ sơ Panama” gây chấn động thế giới.
Ba là, nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng. Đây là một hình thái chiến tranh mới - chiến tranh phi đối xứng, diễn ra thường xuyên, liên tục, trong cả thời bình và thời chiến. Chiến tranh mạng không sử dụng khí tài quân sự truyền thống mà sử dụng lực lượng tinh nhuệ để lập trình, chế tạo, sản xuất và nhân bản hàng loạt vũ khí mạng, như: mã độc, hệ thống công cụ tấn công mạng, hệ thống công cụ tình báo mạng; hậu quả gây ra có thể vượt xa chiến tranh truyền thống. Vào tháng 4/2007, thế giới đã chứng kiến hàng loạt trang thông tin điện tử các cơ quan chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ Internet, ngân hàng của Estonia bị tấn công, làm cho hầu hết các website của nước này bị tê liệt trong khoảng 3 tuần, gây nhiều thiệt hại. Năm 2009, hàng loạt website của Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc cũng bị tấn công, trong đó nhiều website quan trọng của hai nước này phải tạm ngừng hoạt động. Hiện nay, một số quốc gia đang bí mật triển khai các hoạt động trinh sát, giám sát, tình báo, bố trí hệ thống vũ khí mạng, sẵn sàng tiến công, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng. Trước những nguy cơ và nguy hại của chiến tranh mạng, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của Đảng khẳng định, nguy cơ xảy ra khủng bố, chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng gia tăng. Mục tiêu tấn công của kẻ địch trong trường hợp xảy ra chiến tranh mạng đối với Việt Nam là hệ thống hạ tầng truyền dẫn vật lý, đó có thể là cáp truyền dẫn quốc tế, trục truyền dẫn nội bộ quốc gia; các hạ tầng dịch vụ lõi, như: router, thiết bị mạng,...; các hệ thống cơ sở dữ liệu, mạng máy tính nội bộ; hệ thống điều khiển tự động hóa của các cơ sở quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, như hệ thống thông tin chỉ huy, giám sát, điều khiển vũ khí của Quân đội, nhà máy lọc dầu, thủy điện, nhiệt điện, giàn khoan, sân bay, bến cảng, v.v. Trên thực tế, từ ngày 08/3 - 10/3/2017, chúng ta đã chứng kiến tin tặc tấn công, thay đổi giao diện website Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá3,… đe dọa lớn đến an ninh hàng không. Thực tế đó cho thấy, nếu chiến tranh mạng xảy ra, hậu quả sẽ rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp phòng, tránh hiệu quả, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Bốn là, tội phạm công nghệ cao. Với đặc tính ảo, không gian mạng là môi trường thuận lợi để tội phạm công nghệ cao lợi dụng tiến hành các hoạt động gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và lợi ích quốc gia. Chúng thường giả danh các cơ quan thực thi pháp luật để tiến hành các hoạt động lừa đảo qua mạng; lừa đảo qua phương thức kinh doanh đa cấp trên mạng; giả mạo website của các ngân hàng để lừa người truy cập, chiếm đoạt tài sản; tổ chức các hoạt động đánh bạc, “tín dụng đen”, v.v. Cùng với đó, mạng xã hội còn được các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma túy lợi dụng để làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán, vận chuyển các loại hàng cấm như: ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác, v.v. Riêng năm 2019, các đơn vị chức năng Bộ Công an đã khởi tố hơn 1.000 bị can; bắt và bàn giao cho cảnh sát các nước trên 500 đối tượng sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi phạm tội4. Cũng theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm (2017-2022), đã phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 2.300 chuyên án, khởi tố hơn 1.100 vụ với hơn 1.000 đối tượng và xử phạt hành chính 51 vụ liên quan tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng5. Hoạt động trên của các đối tượng đã gây nhiều thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và lợi ích quốc gia - dân tộc.
Không gian mạng quốc gia là vùng “lãnh thổ đặc biệt" của Tổ quốc, vừa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển an toàn, bền vững của đất nước nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với quốc phòng, an ninh cũng như sự ổn định và phát triển của đất nước. Do vậy, không gian này cần được quản lý, định hướng, phát triển bằng những chủ trương, chiến lược, đề án,... bảo đảm chặt chẽ, khoa học, nhằm phát huy những đặc tính ưu việt, hạn chế tác động tiêu cực, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Số sau: II. Quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, kết quả bước đầu và vấn đề đặt ra.
CAO THÀNH - PHẠM CƯỜNG __________________
1 - Luật An ninh mạng Việt Nam năm 2018, Chương 1, Điều 2, Điểm 3.
2 - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia xác định, mục tiêu đến năm 2025: kinh tế số chiếm 20% GDP; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Mục tiêu đến năm 2030 là: 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ tại cấp huyện và 70% hồ sơ tại cấp xã sẽ được xử lý trên môi trường mạng.
3 - Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng - những yêu cầu đảm bảo các chỉ số an ninh - an toàn trong bối cảnh hiện nay, Trang Thông tin điện tử Trường Đại học An ninh nhân dân.
4 - Sđd.
5 - Hùng Quân - 3 yếu tố then chốt trong đảm bảo an ninh mạng, Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 22/6/2023.
Không gian mạng,nhiệm vụ chiến lược,“lãnh thổ đặc biệt”,bảo vệ Tổ quốc
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng