Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 17/03/2022, 08:32 (GMT+7)
Triển vọng phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran

Sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden được kỳ vọng sẽ làm hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, sau 08 vòng đàm phán tại Vienna (Áo), cả Mỹ và Iran đều chưa giải quyết được những vướng mắc để tiến tới mục tiêu khôi phục thỏa thuận này. Chính vì vậy, tương lai của Thỏa thuận này hiện vẫn là câu hỏi còn để ngỏ?

Là người giữ cương vị Phó Tổng thống Mỹ 02 nhiệm kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama và xem Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 được ký năm 2015 là di sản ngoại giao nổi bật, thì việc Tổng thống Joe Biden có quan điểm gần gũi với cựu Tổng thống Barack Obama là lẽ tự nhiên. Vì vậy, cho dù khá hạn chế trong việc đưa ra những cam kết về chính sách đối ngoại ngoài những hứa hẹn chung chung, như: khôi phục uy tín, vị thế và tiếp thêm sinh khí cho các liên minh của Mỹ vốn trở nên lỏng lẻo dưới thời Tổng thống Donald Trump thì Tổng thống Joe Biden lại thể hiện lập trường khá cụ thể trong vấn đề Iran. Người đứng đầu nước Mỹ hứa sẽ đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm bằng việc đưa nước này trở lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Không ai nghi ngờ thiện chí và quyết tâm của ông chủ Nhà Trắng đối với một trong những vấn đề đối ngoại phức tạp, nhưng cũng rất quan trọng của nước Mỹ. Điều này, không chỉ xuất phát từ sự kế thừa những gì ông đã theo đuổi khi làm Phó Tổng thống, mà còn dựa trên thực tế không thể thay đổi là việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran và duy trì mối quan hệ “không ít sóng gió” với nước Cộng hòa Hồi giáo này nằm trong lợi ích chiến lược và lâu dài của Mỹ tại khu vực Trung Đông.

Trở lại Thỏa thuận Iran - thế khó của Mỹ

Từ nhiều thập kỷ trước, Iran đã nuôi dưỡng ước mơ hạt nhân mà theo họ chỉ dành cho mục đích dân sự. Mặc dù đã phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1970 nhưng chỉ 04 năm sau, nước này đã thành lập cơ quan năng lượng nguyên tử và công bố kế hoạch xây dựng các lò phản ứng hạt nhân. Cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 khiến Iran có sự thay đổi bước ngoặt về chính trị, nhưng các thế hệ lãnh đạo của quốc gia này dù theo quan điểm ôn hòa hay cứng rắn đều nỗ lực thúc đẩy phát triển chương trình hạt nhân. Trước lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân “đầy bí ẩn”, năm 2004, Iran đồng ý tạm dừng các hoạt động liên quan đến việc làm giàu uranium để đàm phán với Mỹ và châu Âu. Dẫu vậy, các cuộc đối thoại đều không mang đến những cam kết cụ thể, nguyên nhân là do Washington không chấp nhận để Tehran được thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến vấn đề nguyên tử. Chỉ đến khi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - Thỏa thuận hạt nhân ra đời, những lo lắng xung quanh tham vọng hạt nhân của Iran mới lắng dịu. Những điều khoản của Thỏa thuận đặt Iran dưới sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức quốc tế với mục tiêu loại bỏ nguy cơ quốc gia này sở hữu vũ khí hạt nhân; đổi lại, Iran có điều kiện phát triển kinh tế thông qua việc Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt. Thỏa thuận “có đi, có lại” được ca tụng không những mở ra “kỷ nguyên mới” cho hai đối thủ Mỹ - Iran, mà sự ổn định trong quan hệ thường xuyên ở trạng thái căng thẳng giữa hai nước được đặt dưới “chiếc ô” JCPOA còn giúp Mỹ tìm ra cơ chế để từng bước giải quyết vấn đề Iran - hồ sơ tồn đọng nhiều thập kỷ.

Được xem là “anh cả” của người Hồi giáo dòng Shiite, cùng với tiềm lực quân sự đáng kể, Iran có ảnh hưởng không nhỏ đối với khu vực từ Lebanon, Yemen đến Syria. Vì thế, mối quan hệ nồng ấm với Tehran sẽ giúp Washington quản lý được những “điểm nóng” tại Trung Đông - khu vực phức tạp nhưng cực kỳ quan trọng với Mỹ. Tổng thống Joe Biden cũng xem việc trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran là một phần của chính sách đối với khu vực này; là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết hàng loạt vấn đề rắc rối. Trong một bài viết trên báo chí, ông chủ Nhà Trắng cho rằng, Mỹ cần nhanh chóng thay đổi đường hướng vì điểm mấu chốt là Iran đang tiến gần hơn tới mục tiêu chế tạo được bom hạt nhân so với thời điểm ông Donald Trump nhậm chức. Thực tế cho thấy, những lo ngại này không phải không có cơ sở khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA năm 2018, cho dù vẫn là một phần của thỏa thuận nhưng Iran đã trả đũa các quyết định tái áp đặt trừng phạt của Mỹ bằng việc tăng tốc, mở rộng chương trình hạt nhân. Theo đó, nước này đã nỗ lực phát triển máy ly tâm tiên tiến làm giàu uranium cao hơn mức 3,67% - mức quy định trong JCPOA, kho dự trữ uranium làm giàu hiện cũng cao hơn 11 lần so với mức trần 300 kg. Các chuyên gia cho rằng, thời gian mà Iran cần để tích lũy đủ urainium làm giàu ở mức cao cho một quả bom hạt nhân ước tính đã giảm từ 01 năm (khi JCPOA được thực hiện đầy đủ) xuống còn khoảng 01 tháng và nếu sức ép tiếp tục gia tăng, Tehran đủ sức để thay đổi mức độ tinh khiết uranium, từ 60% như hiện nay lên mức 90%, tức là cấp độ vũ khí.

Trên bình diện khu vực, Iran cũng cho thấy vai trò và sức ảnh hưởng to lớn khi bị quay lưng hoặc trở thành mục tiêu của sự thù địch. Với Lực lượng Vệ binh cách mạng tinh nhuệ cùng các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, Iran được cho là đứng sau nhiều cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq, các tàu chở dầu ở vùng Vịnh và một số cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở Saudi Arabia, v.v. Có thể khẳng định, Tổng thống Joe Biden hoàn toàn chính xác khi coi việc cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran là một ưu tiên trong nhiệm kỳ vì khu vực Trung Đông luôn có vai trò trọng yếu trong chính sách toàn cầu của Mỹ. Quay trở lại JCPOA không chỉ là vấn đề mang tính biểu tượng, thể hiện sự trở lại với các chính sách truyền thống của xứ Cờ hoa sau những gián đoạn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump mà còn thể hiện quan điểm: Trung Đông sẽ rất khó ổn định nếu không làm dịu bầu không khí căng thẳng với Iran.

Tuy nhiên, sau ứng xử gây choáng của chính quyền tiền nhiệm với JCPOA, Tổng thống Joe Biden không dễ dàng thực hiện những tính toán của mình. Trên thực tế, quyết định của ông Donald Trump đã phản ánh sự thật là nội bộ nước Mỹ có cách nhìn nhận không giống nhau về vấn đề này. Những người thuộc Đảng Dân chủ thì coi đó là một kỳ tích ngoại giao của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, trong khi đó, nhiều nhân vật cánh hữu của Đảng Cộng hòa lại xem đây là một thất bại của Mỹ trước quốc gia Hồi giáo và JCPOA không phải là một thỏa thuận toàn diện như tên gọi, nó chỉ ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran chứ không loại bỏ hoàn toàn chương trình này. Ngoài ra, JCPOA cũng không đề cập đến kho tên lửa ngày càng mở rộng và hiện đại của Iran - công cụ có thể sử dụng để phóng một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân trong tương lai nếu những ràng buộc giữa Iran và các cường quốc bị phá vỡ. Chính vì vậy, có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề này như là một yếu tố cần thiết của Thỏa thuận hạt nhân “phiên bản 2.0” giữa Washington với Tehran trong tương lai. Đề xuất này chắc chắn sẽ là gánh nặng cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden vì thuyết phục Iran tuân thủ trở lại những cam kết trong JCPOA là điều không hề đơn giản sau hành động của ông Donald Trump mà Tehran coi như sự bội ước, chứ chưa nói tới một thỏa thuận mở rộng. Mấu chốt nằm ở chỗ niềm tin của chính quyền Tehran vào một lời hứa từ Washington hiện đã xuống thấp chưa từng có.

Con đường gian truân

Thực ra, ngay khi chính phủ ôn hòa của cựu Tổng thống Iran Hassan Rouhani hân hoan với hy vọng JCPOA sẽ mở ra “kỷ nguyên mới” cho đất nước Hồi giáo thì Đại giáo chủ Ali Khamenei đã ngờ vực sự chân thành của Mỹ - quốc gia mà nhà lãnh đạo tối cao Iran cho rằng có thái độ thù địch vĩnh viễn với đất nước ông. Ông cũng đưa ra những dự báo về sự đổ vỡ ngay khi Thỏa thuận còn chưa ráo mực và những “cảnh báo” của lãnh tụ tinh thần Iran là hoàn toàn chính xác. Vậy nên, những kinh nghiệm “thương đau” sau cái bắt tay “dang dở” với Washington buộc Tehran phải thận trọng hơn trong những bước đi tiếp theo. Tháng 8/2021, Tehran có sự thay đổi chính phủ với việc ông Ebrahim Raisi lên nắm quyền điều hành đất nước, điều đó khiến cục diện “xoay chiều”. Khác với người tiền nhiệm có quan điểm ôn hòa khi xem những cơ hội kinh tế trong khuôn khổ JCPOA là một thắng lợi chính trị thì Tổng thống đương nhiệm Ebrahim Raisi lại chủ trương theo đường lối cứng rắn và có thái độ bi quan sâu sắc với Mỹ và phương Tây. Minh chứng là những bước tiến của 06 cuộc đàm phán vào nửa đầu năm 2021 giữa các quan chức Mỹ và Iran nhằm cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân đều trở nên vô nghĩa, mọi đối thoại giữa các bên bị đình trệ kể từ khi ông Ebrahim Raisi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống (05/8/2021). Tuy nhiên, “tình huống ngặt nghèo” đó đã có sự biến chuyển và “lạc quan” khi chính quyền của Tổng thống Ebrahim Raisi quyết định quay trở lại bàn đàm phán vào cuối tháng 11/2021 với các đề xuất mới. Theo đó, Iran yêu cầu Mỹ cam kết bằng văn bản là sẽ không hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân như cựu Tổng thống Donald Trump đã từng làm cho dù ai nắm quyền điều hành đất nước. Đứng trên lập trường của Iran thì ý tưởng đó không có gì là phi lý, nhưng với Mỹ, văn kiện hạt nhân với nước Cộng hòa Hồi giáo chỉ là một thỏa thuận hành pháp chứ không phải là một hiệp ước, nên về nguyên tắc nó có thể bị thay đổi bởi bất kỳ Tổng thống nào. Do đó, đây là một đề nghị tương đối rõ ràng với chính quyền Tehran, nhưng lại “bất khả thi” đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Ngoài ra, Iran vẫn duy trì lập trường không thay đổi là: mọi biện pháp trừng phạt gây tổn hại đến hoạt động kinh tế đều phải được dỡ bỏ trước khi nước này hướng tới mục tiêu tiếp theo trong Thỏa thuận. Với một nền kinh tế bị bao vây, cô lập và bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt, những thành tựu về hạt nhân mà Iran có được chính là đòn bẩy hiệu quả để nước này duy trì vị thế trong đàm phán với các cường quốc cũng như bảo vệ sự tồn vong của chế độ. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden lại cho rằng, việc Tehran thực hiện đầy đủ các cam kết của JCPOA là điều kiện tiên quyết để Washington quay trở bàn đàm phán về các nội dung của thỏa thuận hạt nhân mới. Điều này cũng giúp chính quyền của ông Joe Biden tránh được mọi chỉ trích từ dư luận trong nước là đã mềm yếu trước Tehran.

Ngày 05/02/2022 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã khôi phục quyết định miễn trừng phạt Iran, đây thực sự là tín hiệu tích cực đối với những “người hâm mộ” JCPOA. Quyết định này cũng tạo điều kiện để các công ty của Nga, Trung Quốc và châu Âu thực hiện các dự án hợp tác với mục đích đảm bảo Iran không phát triển vũ khí hạt nhân. Động thái này được tin rằng sẽ tạo ra cú hích thúc đẩy các cuộc đàm phán tiếp theo tại Vienna nhằm cứu vãn JCPOA. Tuy nhiên, con đường đi tới đích còn rất nhiều gian truân khi cả hai bên đều đòi hỏi quá nhiều ở đối phương trong khi thực tế kết quả chưa có nhiều tiến triển thực chất và niềm tin dành cho nhau đã xuống thấp trầm trọng.

VÂN KHANH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...