Thứ Năm, 24/04/2025, 03:41 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2024, cục diện chính trị, quân sự thế giới trải qua những biến chuyển lớn bởi tác động của các điểm nóng, xung đột và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine, chiến sự lan rộng ở Trung Đông, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cùng những dấu hiệu gia tăng cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có lối thoát
Dư luận quốc tế cho rằng, sau gần 03 năm, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã biến thành cuộc chiến tranh toàn diện của Mỹ và phương Tây, nòng cốt là NATO với Nga nhằm mục tiêu như họ đã từng tuyên bố công khai là buộc Nga phải chịu “thất bại chiến lược”, với toan tính đẩy Nga lâm vào khủng hoảng toàn diện và duy trì trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh.
Diễn biến cuộc xung đột Nga - Ukraine trong năm 2024 chứng tỏ, toan tính của phương Tây gần như đã bị phá sản. Nga đang từng bước đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt, kinh tế vẫn phát triển ổn định và vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 04 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP). Nga không những không bị cô lập mà còn phát huy ảnh hưởng rộng khắp trên thế giới. Hội nghị thượng đỉnh BRICS do Nga đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên trong năm 2024 có sự tham dự của gần 20.000 đại biểu đến từ 35 quốc gia và được tổ chức rất thành công. Tuyên bố chung của Hội nghị BRICS năm nay chứng tỏ xu hướng hình thành trật tự thế giới đa cực là không thể đảo ngược, trong đó Nga đóng vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, ngày 06/8/2024, Ukraine đã bất ngờ đưa quân xâm nhập lãnh thổ Nga ở tỉnh Kursk và sau đó đưa ra “Kế hoạch chiến thắng”; trong đó, có 02 điểm then chốt là đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay lập tức kết nạp Ukraine làm thành viên và cho phép nước này sử dụng vũ khí tầm xa được Mỹ và một số nước NATO viện trợ để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Với kế hoạch này, Tổng thống V. Zelensky toan tính lôi kéo NATO trực tiếp tham chiến và biến cuộc chiến trở thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.
Ngày 19/11/2024, Ukraine sử dụng 06 tên lửa tầm xa ATCMS do Mỹ viện trợ để tấn công vào lãnh thổ tỉnh Bryansk của Nga. Đây là bước leo thang chiến tranh nguy hiểm có thể dẫn đến cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Nga, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến Chiến tranh thế giới lần thứ ba. Để sẵn sàng đáp trả, ngày 19/11/2024 Tổng thống Nga V. Putin phê duyệt học thuyết hạt nhân mới. Theo đó, Nga vẫn giữ nguyên 04 tình huống cơ bản cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng bổ sung thêm 02 tình huống. Thứ nhất, Nga nhận được thông tin đáng tin cậy về việc đối phương tiến hành cuộc tấn công ồ ạt nhằm vào Nga bằng các phương tiện đường không, vũ trụ, bao gồm máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, vũ khí siêu vượt âm và các phương tiện bay khác. Thứ hai, đối phương phát động hành động xâm lược chống lại Belarus - thành viên của Nhà nước liên minh với Nga. Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng, “sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ” nhưng chưa cho biết sẽ kết thúc như thế nào. Phía Nga cho rằng chỉ có thể phản ứng trước tuyên bố của Donald Trump sau khi ông chính thức nhậm chức trong tháng 01/2025.
Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc có dấu hiệu gia tăng
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ - Trung Quốc sa vào cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện, trong đó nổi lên và gai góc nhất là cuộc chiến thương mại. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Mỹ vẫn tiếp tục đường lối cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc nhưng dành ưu tiên cho cạnh tranh địa chính trị theo hướng mở rộng NATO về châu Á. Nếu NATO ở châu Âu nhằm kiềm chế Nga thì “NATO châu Á” được cho là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Theo định hướng đó, ngày 11/4/2024, Tổng thống Joe Biden chủ trì Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines được tổ chức tại Nhà Trắng, chính thức thiết lập liên minh ba bên; đồng thời, đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc vào cuối năm 2024. Động thái này minh chứng luận điểm đề ra trong Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden coi Trung Quốc là nguy cơ mang tính cơ bản, hệ thống và lâu dài.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ứng cử viên Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục chủ trương cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ áp đặt mức thuế lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ tới mức 60% thay vì 10% như trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump (2017 - 2021). Ngay sau khi Donald Trump tuyên bố đắc cử, ngày 07/11/2024 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi điện chúc mừng và nhấn mạnh lịch sử đã chỉ ra rằng, Trung Quốc và Mỹ được hưởng lợi từ hợp tác và chịu tổn hại khi đối đầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cảnh báo rằng sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại mà Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ thực hiện; đồng thời, lưu ý Đài Loan là “vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất” trong quan hệ Trung - Mỹ và Washington nên tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”. Trong vấn đề Đài Loan, ông Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế tới 200% lên hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ nếu Bắc Kinh “tiến vào” Đài Loan; đồng thời, tuyên bố Đài Loan phải trả tiền để được Mỹ bảo vệ, cũng như cáo buộc hòn đảo này đã từng “đánh cắp” ngành công nghiệp chip của Mỹ. Trong bối cảnh đó, ngày 08/11/2024, Đài Loan cam kết sẵn sàng ký kết các hợp đồng vũ khí lớn để “xoa dịu” phản ứng từ phía Tổng thống đắc cử Donald Trump. Do đó, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến những điểm nhạy cảm, như: công nghệ và vấn đề Đài Loan.
Vòng xoáy bất ổn ở Trung Đông chưa hạ nhiệt
Cạnh tranh địa chính trị là đặc điểm nổi bật trong cục diện chính trị, quân sự thế giới trong năm 2024 và được thể hiện rất rõ trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát vào ngày 07/10/2023 và trong năm 2024 đã leo thang thành cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel với Hamas, tổ chức Hezbollah ở Lebanon, Iran, Syria và lực lượng Houthi của người Shiite ở Yemen. Trong đó, đáng chú ý nhất là ngày 31/7/2024, Israel tấn công tiêu diệt thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ngay tại thủ đô Tehran của Iran. Đáp trả hành động của Israel, ngày 02/10/2024, Iran tiến hành cuộc tấn công bằng 200 tên lửa vào các mục tiêu trên lãnh thổ Israel. Trong đó, một số lượng đáng kể tên lửa của Iran đã xuyên thủng hệ thống phòng thủ đa tầng của Israel. Hành động theo kiểu “ăn miếng trả miếng”, ngày 26/10/2024, không quân Israel ồ ạt tấn công hàng chục nhà máy sản xuất tên lửa, trung tâm nghiên cứu phát triển và cơ sở sản xuất máy bay không người lái, nhà máy điện và các căn cứ phóng tên lửa của Lực lượng vệ binh cách mạng Iran. Đồng thời, Israel còn tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự ở miền trung và miền nam Syria, lực lượng Hezbollah ở Beirut và miền nam Lebanon.
Giới quan sát quốc tế cho rằng, với diễn biến tình hình trong năm 2024 chứng tỏ Israel đang lợi dụng cuộc tấn công của Hamas ngày 07/10/2023 không chỉ nhằm giành quyền kiểm soát Dải Gaza mà còn muốn xóa sổ vĩnh viễn dự án thành lập nhà nước Palestine; đồng thời, giành quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Lebanon, Syria và tàn phá tiềm lực kinh tế và quân sự của Iran. Chủ trương này của Israel được thể hiện trong tuyên bố của Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Bộ Tài chính Bezalel Smotrich: “Tương lai của Jerusalem sẽ mở rộng đến Damascus”. Theo ông, Israel theo đuổi mục tiêu giành quyền kiểm soát “miền đất hứa” bao gồm tất cả các vùng đất của Palestine và các vùng lãnh thổ của Jordan, Syria, Lebanon, Iraq, Ai Cập và Arab Saudi. Trước mắt, Israel cần tiêu diệt Hamas, vô hiệu hóa sức mạnh của Hezbollah là lực lượng vũ trang được Iran hậu thuẫn tại Lebanon. Còn mục tiêu lâu dài là hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran, giành và duy trì ưu thế chính trị và quân sự trong khu vực Trung Đông. Đây cũng là mục tiêu của Mỹ nhằm “xóa sổ” chính thể nhà nước Iran mà Washington coi là một trong ba quốc gia hình thành nên tam giác chiến lược Nga - Trung Quốc - Iran. Trong đó, cả Trung Quốc và Nga đều thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Iran.
Bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng lên mức đáng báo động
Năm 2024 chứng kiến quan hệ liên Triều leo thang căng thẳng đến mức chưa từng có kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, được đánh dấu bởi quyết định của Bình Nhưỡng sửa đổi Hiến pháp theo hướng chính thức từ bỏ mục tiêu thống nhất hai miền Triều Tiên và coi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”. Cùng với quyết định có ý nghĩa lịch sử này, Triều Tiên đã phá hủy các tuyến đường bộ và đường sắt nối liền với Hàn Quốc. Sự leo thang căng thẳng và đối đầu trên bán đảo Triều Tiên xuất phát từ nhiều lý do lịch sử, chính trị và quân sự. Lý do lịch sử trước hết là di sản từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) đã gây ra sự thù địch sâu sắc, hai miền bị chia cắt và thiết lập các chính phủ đối lập với hệ thống chính trị và kinh tế hoàn toàn khác biệt. Mặc dù đã ngừng bắn từ hơn nửa thế kỷ, nhưng hai nước chưa bao giờ chính thức ký hiệp ước hòa bình. Ngoài ra, Hàn Quốc là đồng minh chiến lược của Mỹ - quốc gia luôn theo đuổi mục tiêu xóa bỏ thể chế chính trị của Triều Tiên và duy trì sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc với hàng chục nghìn binh sĩ được trang bị vũ khí tiên tiến. Bình Nhưỡng cho rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc là tiềm ẩn nguy cơ xâm lược Triều Tiên. Mối lo ngại này của Bình Nhưỡng ngày càng gia tăng khi Mỹ cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn sát biên giới Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, Triều Tiên quyết định phát triển vũ khí hạt nhân làm phương tiện răn đe các thế lực xâm lược. Ngược lại, Hàn Quốc coi Triều Tiên phát triển hạt nhân là “mối đe dọa nghiêm trọng”. Nhìn chung, sự thù địch của Triều Tiên và Hàn Quốc là kết quả của sự pha trộn giữa các yếu tố lịch sử, an ninh, ý thức hệ và được củng cố bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Để sẵn sàng đối phó với nguy cơ xâm lược từ liên minh quân sự Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản, Triều Tiên đã ký kết Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện với Nga trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống V. Putin ngày 18/6/2024. Hiệp định này đã được quốc hội hai nước phê chuẩn. Điều 4 của Hiệp định này xác định nếu Nga hoặc Triều Tiên bị xâm lược thì hai bên có nghĩa vụ giúp đỡ nhau chống xâm lược. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian qua.
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Tuy nhiên, với sự chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế, hy vọng rằng, các điểm nóng, xung đột trên thế giới sẽ sớm được giải quyết, các nước lớn sẽ ngày càng có trách nhiệm hơn trong giữ gìn hòa bình thế giới.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
Cục diện chính trị,quân sự thế giới năm 2024; xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc; vòng xoáy bất ổn ở Trung Đông; bán đảo Triều Tiên
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
BRICS mở rộng - cơ hội và thách thức đối với ASEAN 24/03/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
Đôi nét về “học thuyết hạt nhân” mới của Liên bang Nga 23/01/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng mới của Canada 23/12/2024
Bước phát triển mới trong quan hệ quốc phòng song phương Việt Nam - Chile 13/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực