Thứ Năm, 24/04/2025, 02:39 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 19/11/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân mới - nền tảng chính sách nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân. So với học thuyết hạt nhân năm 2020, học thuyết mới có nhiều bổ sung, sửa đổi quan trọng, hướng đến mục tiêu bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền lãnh thổ của Nga và liên minh, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, mối đe dọa mới.
Thông điệp “sắc lạnh”
Trả lời câu hỏi tại sao Nga công bố học thuyết hạt nhân mới vào thời điểm này, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết, học thuyết hạt nhân được Tổng thống Putin ký thông qua ngày 19/11/2024 là công việc được thực hiện theo kế hoạch của Liên bang Nga. Trước đó, Tổng thống Putin đã đưa ra các chỉ thị, thông báo liên quan đến vấn đề này, như: việc chuẩn bị các nội dung sửa đổi đang ở giai đoạn cuối; tài liệu cập nhật đã trải qua quá trình phân tích chuyên sâu ở cả Nga và nước ngoài; học thuyết sẽ được công bố đúng thời hạn. Ông Dmitry Peskov nêu rõ, sự xuất hiện các mối đe dọa quân sự và rủi ro mới là cơ sở để Nga tiến hành điều chỉnh các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân. Nga có quyền cân nhắc phản ứng hạt nhân đối với các mối đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia của Nga và liên minh. Theo Hiến pháp Nga, quyền quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân phải do chính tổng thống đưa ra.
Phân tích về quyết định công bố học thuyết hạt nhân mới của Nga, nhiều chuyên gia cho rằng, Tổng thống Putin ký sắc lệnh vào thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukraine trải qua hơn 1.000 ngày với quy mô và cường độ ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự điều này là việc Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm - Joe Biden “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí tiến công chính xác tầm xa (do Mỹ viện trợ) để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga - hành động mà Nga đã nhiều lần cảnh báo là “vượt lằn ranh đỏ” và có thể dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga với Mỹ. Với học thuyết này, Nga có nhiều “lựa chọn” hơn trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Đây cũng được xem là quyết định nghiêm túc, thông điệp “sắc lạnh” mà người đứng đầu Điện Kremlin muốn gửi tới Mỹ và các nước phương Tây - những quốc gia đã đưa ra các quyết định mà phía Nga cho rằng rất “sai lầm” và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Những điều chỉnh quan trọng
Theo các chuyên gia quân sự, so với học thuyết hạt nhân năm 2020, học thuyết hạt nhân mới có những bổ sung, sửa đổi quan trọng. Đầu tiên, học thuyết mở rộng phạm vi cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Học thuyết điều chỉnh từ việc sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả những “hành động gây hấn nhằm vào Nga” thành “hành động gây hấn nhằm vào thành viên khác trong liên minh”, gồm cả Nga và Belarus. Nghĩa là, học thuyết đã đưa Belarus vào “chiếc ô hạt nhân” của Nga và coi bất cứ đòn tấn công nào vào Belarus cũng là hành động tấn công Nga. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy Nga sẵn sàng đảm nhận các nghĩa vụ cần thiết để trở thành một cường quốc toàn cầu.
Thứ hai, ngoài 04 tình huống sử dụng vũ khí hạt nhân được nêu trong học thuyết năm 2020 thì học thuyết mới bổ sung thêm tình huống: Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này nhận được “thông tin đáng tin cậy” về một vụ triển khai máy bay hoặc phóng tên lửa hay máy bay không người lái cũng như các loại máy bay khác của đối phương trên diện rộng nhằm vào lãnh thổ Liên bang Nga, vượt qua biên giới Nga hoặc đồng minh Belarus. Bên cạnh đó, học thuyết cũng hạ ngưỡng kích hoạt sử dụng vũ khí hạt nhân. Trước đây, Nga xác định chỉ dùng vũ khí hạt nhân đáp trả “nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa”, thì nay điều chỉnh thành “khi có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Nga và Belarus”. Nga cũng coi hành động tấn công từ một quốc gia thành viên trong một liên minh là hành động tấn công của cả liên minh đó.
Thứ ba, học thuyết mới mở rộng danh sách các yếu tố mà Moscow coi là mối đe dọa quân sự, có thể cần phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Theo học thuyết, Nga coi bất kỳ bên nào sở hữu các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể được dùng để nhắm vào Nga, tập trận gần biên giới Nga và âm mưu tấn công các cơ sở, gây nguy hiểm cho môi trường hoặc cô lập một phần lãnh thổ Nga là mối đe dọa quân sự nghiêm trọng. Điện Kremlin bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm vào lãnh thổ Nga và liên minh. Học thuyết cũng bổ sung thêm trường hợp đối phương nhằm vào các lực lượng vũ trang hoặc căn cứ của Nga ở bên ngoài lãnh thổ.
Thứ tư, học thuyết mới không chỉ coi vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe, mà còn bổ sung thêm nội dung để Nga có thể sử dụng chúng nhằm vào kẻ địch “tiềm tàng”. Bất kỳ cuộc tấn công nào của một quốc gia phi hạt nhân mà nhận được sự hỗ trợ từ một cường quốc hạt nhân cũng bị coi là cuộc tấn công chung và Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa. Nga sẽ kích hoạt sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào các quốc gia cho phép một bên sử dụng lãnh thổ, không phận, hải phận cùng nguồn lực khác mà họ kiểm soát để chuẩn bị và phát động các đòn tấn công vào Nga.
Tuy nhiên, về quan điểm, Nga xác định vũ khí hạt nhân là một phương tiện răn đe và phải sử dụng chúng là biện pháp bắt buộc. Moscow sẽ nỗ lực thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân; ngăn chặn sự “leo thang” trong quan hệ với các quốc gia có thể gây ra xung đột quân sự và xung đột hạt nhân. Với Moscow, hoạt động răn đe hạt nhân chỉ nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn đối thủ tiềm tàng, tránh “leo thang” căng thẳng, ngăn ngừa xung đột quân sự và chấm dứt chúng theo các điều kiện mà Nga có thể chấp nhận được. Tổng thống Nga có thể thông báo cho lãnh đạo của các quốc gia và tổ chức quốc tế về sự sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc đã quyết định sử dụng chúng.
Như vậy, học thuyết hạt nhân mới của Nga có sự bổ sung, sửa đổi theo hướng mở rộng hơn về đối tượng, phạm vi răn đe và hạ thấp ngưỡng kích hoạt. Điều đó giúp Moscow sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân; đồng thời, là cơ sở quan trọng để Nga bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, chủ quyền lãnh thổ của mình và liên minh trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức cũng như mối đe dọa quân sự nghiêm trọng.
Dư luận quốc tế về học thuyết hạt nhân mới của Nga
Ngay sau khi Nga công bố học thuyết hạt nhân mới đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận quốc tế. Theo các chuyên gia quân sự, trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, khó lường; Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ đang gia tăng sức ép chống Nga trên nhiều mặt, nhất là về quân sự, với quyết tâm “đánh bại Nga về chiến lược”, thì việc Nga điều chỉnh, sửa đổi học thuyết, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân là việc làm cần thiết. Nó không những giúp Moscow nâng cao khả năng răn đe hạt nhân trước các mưu đồ chống phá, mà còn bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, chủ quyền lãnh thổ của Nga và liên minh. Tuy nhiên, việc điều chỉnh đó cũng khiến Nga phải đối diện với nhiều “rủi ro”, như: cục diện xung đột Nga - Ukraine thêm khốc liệt; quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO có khả năng leo thang căng thẳng; an ninh khu vực và quốc tế biến động khó đoán định. Các nhà quân sự cũng cho rằng, nếu Mỹ và NATO tiếp tục hậu thuẫn cho Ukraine sử dụng các loại tên lửa tầm xa (được Mỹ, Anh viện trợ) tập kích các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Liên bang Nga; hay triển khai tên lửa tầm trung ở Đức và Nhật Bản nhằm phong tỏa, kiềm chế, đe dọa an ninh, chủ quyền lãnh thổ của Nga và liên minh, khi đó Moscow có thể sẽ vận dụng các điều khoản trong học thuyết hạt nhân mới để đáp trả, thì cuộc xung đột hạt nhân toàn cầu có nguy cơ hiện hữu. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, để đáp trả hành động Kiev sử dụng tên lửa chính xác tầm xa ATACMS của Mỹ và tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh tiến công vào lãnh thổ Nga, Moscow sẽ tiến hành hàng loạt cuộc tập kích quy mô lớn bằng các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và UAV, gây thiệt hại nặng cho cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Đồng thời, đưa ra tín hiệu rất rõ ràng: “Hãy dừng lại. Các vị không nên tiếp tục hành động như vậy. Đừng cung cấp mọi thứ Ukraine yêu cầu và đừng khuyến khích Kiev thực hiện các cuộc phiêu lưu quân sự mới vì chúng cực kỳ nguy hiểm”. Còn Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev thì tuyên bố, “không loại trừ khả năng Moscow sẽ phải tấn công các căn cứ quân sự của NATO trong trường hợp leo thang căng thẳng vì việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây chống Nga”. Giáo sư Sean McFate - chuyên gia quân sự của Mỹ thì cho rằng, “không dễ để đoán được ý đồ của ông Putin. Nhưng điều rõ ràng là ông Biden đang tung một ván “xúc xắc hạt nhân” ngay vào thời điểm chuyển giao quyền lực. Thật liều lĩnh”.
Trước động thái ngày càng “cứng rắn” của Nga, Mỹ đang ráo riết điều chỉnh chiến lược hạt nhân, theo hướng: (1). Ngăn chặn nhiều đối thủ. Theo Washington, ngoài Nga, Trung Quốc cũng là “đối thủ tiềm tàng” nguy hiểm đối với Mỹ, khi cho rằng nước này đang đầu tư rất lớn để phát triển kho vũ khí hạt nhân với nhiều chủng loại hiện đại vào năm 2030; (2). Tích hợp năng lực phi hạt nhân. Nếu khả thi, sẽ tích hợp các năng lực phi hạt nhân để hỗ trợ nhiệm vụ răn đe hạt nhân; (3). Quản lý leo thang. Nhà trắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý leo thang trong ứng phó với các cuộc tấn công hạn chế hoặc các cuộc tấn công chiến lược phi hạt nhân. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tập trung hiện đại hóa kho vũ khí, nhất là vũ khí chủ chốt, như: bom trọng lực B61-13, tàu ngầm lớp Ohio,… để nâng cao khả năng răn đe và tác chiến. Nhiều quốc gia phương Tây cũng đang tập trung phân tích và theo dõi sát sao động thái của Nga sau khi nước này công bố học thuyết hạt nhân mới, để từ đó nghiên cứu sửa đổi chính sách quốc phòng nhằm thích ứng với những kịch bản xung đột hạt nhân có thể nổ ra. Một số nước thành viên NATO tập trung nghiên cứu, cải tạo công trình công cộng thành các khu trú ẩn có thể chống được phóng xạ; phát triển các loại hầm chống bom hạt nhân di động; tổ chức diễn tập đối phó các tình huống phóng xạ hạt nhân, v.v.
Với những gì đang diễn ra, dư luận quốc tế bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa các cường quốc, có thể đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn và sự tồn vong của cả nhân loại. Dư luận mong muốn các bên cần bĩnh tĩnh, kiềm chế, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, hiến chương Liên hợp quốc, hợp tác thông qua đối thoại, tham vấn để giải quyết các bất đồng, tranh chấp; kiên quyết ngăn ngừa không để xảy ra xung đột hạt nhân, tiến tới giải trừ toàn bộ loại vũ khí nguy hiểm này, cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh, an toàn và phát triển.
MINH ĐỨC - VĂN CƯƠNG1 ________________________
1 - Nguyễn Văn Cương – Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp
Học thuyết hạt nhân mới,Liên bang Nga,thông điệp “sắc lạnh”,kho vũ khí hạt nhân,dư luận quốc tế
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
BRICS mở rộng - cơ hội và thách thức đối với ASEAN 24/03/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 30/12/2024
Những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng mới của Canada 23/12/2024
Bước phát triển mới trong quan hệ quốc phòng song phương Việt Nam - Chile 13/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực