Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 17/02/2025, 08:45 (GMT+7)
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ

Nhờ những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho nghiên cứu, thiết kế, phát triển và sản xuất các loại vũ khí, khí tài trong nước, Ấn Độ đã chuyển đổi thành công nền công nghiệp quốc phòng từ chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu sang chiến lược nội địa hóa. Điều đó cho phép quốc gia này vừa nâng cao khả năng tự chủ chiến lược, vừa có thể vươn lên trở thành “trung tâm sản xuất quốc phòng” của thế giới.

Chiến lược nội địa hóa

Việc Chính phủ Ấn Độ tập trung vào chiến lược nội địa hóa thay thế nhập khẩu đã thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của nước này phát triển. Sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” trong những năm gần đây đã thúc đẩy năng lực sản xuất quốc phòng trong nước, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; đồng thời, với chính sách cấm nhập khẩu có thời hạn một số loại vũ khí, trang bị đã thúc đẩy hơn nữa quá trình nội địa hóa. Chỉ trong thời gian ngắn, việc đưa vào sử dụng vũ khí, khí tài sản xuất trong nước không chỉ giúp Quân đội Ấn Độ tăng cường sự tự chủ chiến lược mà còn nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và ứng phó với những thách thức ngày càng gia tăng trong khu vực và quốc tế.

Chiến đấu cơ hạng nhẹ Tejas của Không quân Ấn Độ. Nguồn: vov.vn

Nội địa hóa hiện là trọng tâm chính trong những nỗ lực hiện đại hóa quân đội và chính sách mua sắm vũ khí mới của Ấn Độ. Trước đây, Ấn Độ phần lớn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, không chỉ về nền tảng công nghệ, trang thiết bị và hệ thống vũ khí, trang bị, mà còn cả về công tác bảo dưỡng và duy tu. Điều này có nghĩa là ngay cả trong các tình huống xảy ra khủng hoảng, Quân đội Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc vào vật tư thay thế từ nước ngoài. Những bài học kinh nghiệm từ lịch sử, đặc biệt khi các nhu cầu cấp thiết của Quân đội Ấn Độ đã bị nước ngoài từ chối bảo đảm là yếu tố quan trọng đằng sau quyết định theo đuổi mục tiêu tự lực trong sản xuất vũ khí và hiện đại hóa quốc phòng của nước này trong những năm qua. Bên cạnh đó, thúc đẩy khả năng nội địa hóa trong sản xuất vũ khí còn giảm áp lực chi phí kinh tế mà đất nước phải gánh chịu do nhập khẩu vũ khí ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân đội.

Ấn Độ cho rằng, để có thể tự chủ được bất kỳ lĩnh vực công nghiệp sản xuất vũ khí nào thì điều bắt buộc là phải có các nền tảng công nghệ, hệ thống cốt lõi cũng như các thành phần và hệ thống phụ với công nghệ gốc hoàn toàn. Do đó, New Delhi đã từng bước chuyển trọng tâm từ thiết kế ngược sang phát triển công nghệ cốt lõi, các hệ thống vũ khí phải được thiết kế, phát triển, sản xuất, sau đó được bảo trì và sửa chữa tại Ấn Độ. Cùng với đó, chính phủ Ấn Độ đã phân bổ khoản ngân sách riêng tăng dần theo các năm để mua sắm các loại vũ khí được sản xuất trong nước. Trong năm tài chính 2023, Ấn Độ dành tới 75% ngân sách mua sắm quốc phòng để mua các loại vũ khí từ các nhà sản xuất trong nước. Điều này phản ánh mục tiêu của Ấn Độ muốn tự chủ về sản xuất quốc phòng, vì đây là một tỷ lệ lớn chưa từng có so với các năm tài chính trước đó (năm 2020, 2021 và 2022, tỷ lệ này lần lượt chỉ là 58%, 64% và 68%). Chính phủ Ấn Độ còn thực hiện nhiều chính sách khác để thúc đẩy tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, như: tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ mức 49% lên 74% hay cấm nhập khẩu hàng trăm loại vũ khí do nước ngoài sản xuất.

Chính sách mua sắm vũ khí trong nước là động lực quan trọng đứng sau sự bùng nổ của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ. Trước đây, để đáp ứng các nhu cầu về trang bị quốc phòng, Ấn Độ phụ thuộc khá nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài với khoảng 65% - 70% vũ khí, khí tài được nhập khẩu. Hiện nay, khoảng 65% vũ khí, khí tài của Ấn Độ được sản xuất trong nước, xếp vị trí thứ 04 tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về khả năng tự chủ trong sản xuất vũ khí. Công nghiệp quốc phòng Ấn Độ đã thành công trong sản xuất máy bay tiêm kích hạng nhẹ Tejas, tàu sân bay INS Vikrant, tàu ngầm hạt nhân Arihant, tàu khu trục Leander, xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun. Đặc biệt, Hải quân, Không quân Ấn Độ được cho là rất thành công trong thiết kế, thử nghiệm, xây dựng cũng như đưa vào sử dụng các vũ khí nội địa với hơn 130 tàu chiến và 250 máy bay, dự báo sẽ tăng lên khoảng 175 tàu chiến và 400 máy bay vào năm 2035. Tàu sân bay INS Vikrant do Ấn Độ tự chế tạo đã đạt được trạng thái hoạt động đầy đủ, đưa Ấn Độ vào nhóm các quốc gia ưu tú có khả năng chế tạo và triển khai tàu sân bay. Với sự kiên trì theo đuổi chính sách nội địa hóa trong mua sắm vũ khí, Ấn Độ đã đưa ngành công nghiệp quốc phòng của mình lên một tầm cao mới về năng lực, khả năng và sự tăng trưởng.

Tăng cường xuất khẩu

Quá trình nội địa hóa vũ khí lớn hơn cũng là tiền đề để biến nỗ lực xuất khẩu quốc phòng của chính phủ Ấn Độ trở thành hiện thực, với nhiều sáng kiến, ​​chính sách để thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng và khởi xướng cải cách công nghiệp quốc phòng trong thập niên qua. Các thủ tục xuất khẩu đã được đơn giản hóa với việc cấp phép trực tuyến toàn diện giúp giảm thiểu sự chậm trễ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Chính phủ đã ban hành giấy phép chung, một lần trong xuất khẩu “Các bộ phận và linh kiện/Chuyển giao công nghệ/Phương tiện và thiết bị chính”.

Công nghiệp quốc phòng Ấn Độ đã chứng minh năng lực thiết kế và phát triển vũ khí, với 100 công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng. Trong năm tài chính 2023, xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ đã vượt mức 2,5 tỉ USD, tăng 32,5% so với năm trước đó. Sự tăng trưởng ngoạn mục này phản ánh những nỗ lực phối hợp và sáng kiến chiến lược do Bộ Quốc phòng Ấn Độ thực hiện, nhằm tăng cường khả năng sản xuất quốc phòng. Thành công trong lĩnh vực xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ phần lớn nhờ vào nỗ lực của các doanh nghiệp cả ở khu vực công và khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ đã thể hiện sự đổi mới, hiệu quả và tiêu chuẩn chất lượng đáng khen ngợi, qua đó nâng cao danh tiếng của nước này như là một nhà cung cấp thiết bị và công nghệ quốc phòng đáng tin cậy. Những mặt hàng đóng góp chính cho danh mục xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ, gồm: máy bay tiêm kích hạng nhẹ, trực thăng vũ trang, tàu tuần tra biển xa, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống rađa giám sát ven biển, vũ khí bộ binh, v.v. Gần đây nhất, Ấn Độ đã xuất khẩu thành công hệ thống tên lửa siêu thanh bờ đối hải BrahMos cho Philippine, hệ thống tên lửa phòng không AKASH cho Armenia.

Tại triển lãm quốc phòng Aero India 2023, Ấn Độ kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng với mục tiêu đầy tham vọng là xuất khẩu khí tài quân sự trị giá 05 tỉ USD vào năm 2025. Xuất khẩu quốc phòng tăng và sự tham gia của 104 quốc gia tại Aero India 2023 là bằng chứng cho thấy ngành sản xuất quốc phòng của Ấn Độ đang phát triển tốt đẹp. Thành tựu này chứng minh năng lực và quyết tâm của Ấn Độ đối với chiến lược “Sản xuất tại Ấn Độ”. Nó cũng cho thấy những cải cách trong lĩnh vực này đã và đang mang lại những kết quả tốt. Chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực để biến nước này thành một “trung tâm sản xuất quốc phòng” của thế giới.

Với tỷ lệ doanh thu sản xuất quốc phòng tăng từ 02% trong năm tài chính 2017 lên 15% trong năm tài chính 2023, xuất khẩu quốc phòng tăng 23 lần cho thấy năng lực thiết kế và phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ hiện đã vươn tới gần 100 quốc gia. Những thành công ngoạn mục đó cho phép Ấn Độ tích cực hơn trong việc tìm kiếm thị trường mới ở các quốc gia thân thiện và đặt mục tiêu thiết lập mối quan hệ lâu dài trong lĩnh vực phần cứng quân sự. Do đó, các công ty quốc phòng Ấn Độ đang ngày càng cạnh tranh với các công ty toàn cầu ở nhiều thị trường khác nhau, bao gồm Trung Âu, châu Phi và Đông Nam Á. Tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ trong thị trường vũ khí toàn cầu là minh chứng cho khả năng chuyển đổi và cạnh tranh của công nghiệp quốc phòng nước này trên trường quốc tế.

Đa dạng hóa hợp tác

Hiện nay, Ấn Độ đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự với một số quốc gia trên thế giới, ở cả cấp chính phủ và ngành công nghiệp, thông qua các nhóm làm việc chung, hợp tác công nghệ, liên doanh, chia sẻ thông tin, cùng nhiều hoạt động khác. Những thách thức ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự cạnh tranh ở các lĩnh vực mới của quốc phòng đang tạo ra cơ hội, cũng như những điều kiện mới cho Ấn Độ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Chính vì vậy, Ấn Độ đã tận dụng ngày càng tốt hơn các cơ hội hợp tác công nghệ với các quốc gia thân thiện trong các lĩnh vực, như: trí tuệ nhân tạo, không gian, công nghệ dưới nước, công nghệ không người lái và an ninh mạng.

Những năm gần đây, hợp tác quốc phòng đang ngày càng nổi lên như một trụ cột chính trong quan hệ chiến lược của Ấn Độ với chính phủ các nước. Theo đó, Ấn Độ muốn tích hợp công nghiệp quốc phòng của mình với thị trường toàn cầu thông qua các hội thảo chuỗi cung ứng cùng các nhà sản xuất thiết bị gốc nước ngoài hàng đầu hoặc tạo điều kiện cho các tương tác trực tiếp với chính phủ và lực lượng vũ trang của các chính phủ nước ngoài. Chỉ tính riêng năm 2023, công nghiệp quốc phòng Ấn Độ đã tương tác với 25 quốc gia.

Ấn Độ tiếp tục duy trì hợp tác với tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Nga, đặc biệt là trong sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, đạn chống tăng Mango, súng trường tấn công AK-203. Từ đó, Ấn Độ đã có thể làm chủ và xuất khẩu thành công các hệ thống vũ khí tiên tiến này trên thị trường toàn cầu. Công nghệ hiện cũng là trung tâm của mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ. Sáng kiến hợp tác Ấn Độ và Mỹ về “Công nghệ quan trọng và mới nổi” được công bố ngày 31/01/2022 phù hợp với mục tiêu của New Delhi muốn tăng cường liên kết quân sự, công nghệ và chuỗi cung ứng với các nước đối tác. Lĩnh vực mà Ấn Độ quan tâm là sản xuất động cơ phản lực cho máy bay chiến đấu của nước này. Bên cạnh đó, hợp tác về công nghệ vũ khí pháo binh, xe chiến đấu bọc thép, rađa hải quân, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo cũng được Ấn Độ ưu tiên để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, phục vụ mục đích quốc phòng và xuất khẩu.

Với những chính sách và ngân sách đầu tư đúng đắn, ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ đã đạt được những bước phát triển mới, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và an ninh của nước này. Công nghiệp quốc phòng Ấn Độ cũng đang có tiềm năng lớn để thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực công nghệ trong nước. Những sáng kiến cải cách công nghiệp quốc phòng đã giúp Ấn Độ dần trở thành nhà sản xuất quốc phòng tự cung, tự cấp và là nhà xuất khẩu lớn vũ khí trên thị trường toàn cầu.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...