Thứ Năm, 24/04/2025, 03:30 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Để tái thiết lực lượng vũ trang thành lực lượng chiến đấu tiên tiến về công nghệ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia tại Bắc Cực, ngày 08/4/2024, Chính phủ Canada công bố “Chính sách quốc phòng mới”. Đây được xem là động thái mới, khẳng định và củng cố vai trò chiến lược của nước này trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.
Năm 2017, Canada công bố chính sách quốc phòng “Mạnh mẽ, an toàn và can dự”, với mục tiêu tập trung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ trên cơ sở khuôn khổ hợp tác phòng thủ chung Bắc Mỹ (NORAD - cơ quan quân sự phối hợp của Hoa Kỳ và Canada nhằm cảnh báo và bảo vệ không phận của hai quốc gia) và duy trì sự hiện diện toàn cầu thông qua các nhiệm vụ quốc tế nhằm khẳng định vai trò của Canada trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Sau khi triển khai thực hiện, Chính sách quốc phòng 2017 đã cơ bản đạt được các mục tiêu đặt ra, song cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định, như: thiếu các biện pháp cụ thể để đối phó với thách thức an ninh mới; không cung cấp đủ nguồn lực để hiện đại hóa hệ thống giám sát và khả năng phòng thủ; chậm trễ trong triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự; hệ thống cảnh báo phía Bắc (NWS) chưa đủ khả năng phát hiện các mối đe dọa mới (tên lửa hành trình, đạn đạo) và đặc biệt là chưa có kế hoạch bảo vệ khu vực Bắc Cực. Bên cạnh đó, Chính sách quốc phòng 2017 còn không theo kịp tốc độ biến đổi khí hậu và sự phát triển nhanh của khoa học, công nghệ - vấn đề giúp Canada dễ dàng tiếp cận và gia tăng ảnh hưởng để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia tại Bắc Cực.
Nguyên nhân điều chỉnh
Bắc Cực là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, chưa được khai thác, với trữ lượng rất lớn dầu mỏ, khí đốt, niken, bạch kim, palađi, đất hiếm, v.v. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ toàn cầu dần nóng lên dẫn tới hiện tượng tan băng ở các vùng cực và Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận hơn, thu hút hoạt động thăm dò tài nguyên, mở ra các tuyến đường hàng hải chiến lược mới. Với Canada, những tiềm năng tại Bắc Cực không chỉ hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế to lớn (thông qua hoạt động khai thác và vận chuyển tài nguyên qua tuyến đường biển mới), mà còn giúp nước này củng cố vị thế chiến lược tại khu vực. Đây chính là động lực to lớn thúc đẩy chính phủ Canada điều chỉnh chính sách quốc phòng.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu quốc tế, nguyên nhân sâu xa khiến chính quyền của Thủ tướng Trudeau phải điều chỉnh chính sách quốc phòng là do chủ quyền và lợi ích quốc gia của Canada tại Bắc Cực đang bị đe dọa, bởi sự gia tăng ảnh hưởng của các cường quốc. Trên thực tế, từ lâu, Nga luôn coi Bắc Cực là phần không thể tách rời lợi ích quốc gia và Moscow liên tục duy trì sự hiện diện quân sự cũng như đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng tại đây. Điều này được minh chứng thông qua việc Nga đang duy trì đội tàu phá băng lớn nhất thế giới tại Bắc Cực với hơn 40 chiếc, trong đó có tàu hạt nhân; hoàn thành khu phức hợp quân sự trên đảo Alexandra (năm 2016), gồm: căn cứ không quân, nhà ở, sân bay, hệ thống kiểm soát không lưu, phòng không và rađa. Bên cạnh đó, Nga còn nâng cấp căn cứ không quân Nagurskoye và thành lập sư đoàn phòng không mới, biến hai địa điểm này thành cứ điểm để triển khai sức mạnh quân sự hướng vào Trung Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương. Nga cũng tiến hành các cuộc tập trận, thử nghiệm tên lửa siêu thanh và thiết bị không người lái tại khu vực này nhằm khẳng định năng lực kiểm soát không phận và vùng biển. Đáng chú ý, tháng 8/2023, Nga triển khai cuộc tập trận quy mô lớn nhằm bảo vệ các tuyến hàng hải qua “Hành lang Đông Bắc”, với sự tham gia của 8.000 binh sĩ, 20 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, 50 máy bay cùng nhiều phương tiện hỗ trợ mặt đất.
Cùng với Nga, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu trở thành “cường quốc vùng cực” và đang gia tăng ảnh hưởng tại Bắc Cực. Tháng 01/2018, nước này ra mắt chương trình “Con đường tơ lụa Bắc Cực”; đồng thời tuyên bố là quốc gia “gần Bắc Cực” (Near - Arctic State). Năm 2019, Bắc Kinh hạ thủy tàu phá băng nội địa đầu tiên Xuelong 2 (Rồng tuyết 2), có khả năng phá băng hai chiều với mục tiêu tăng cường năng lực hoạt động ở các vùng cực, trong đó có Bắc Cực. Tính đến tháng 7/2021, tàu Xuelong 2 đã thực hiện 12 chuyến thám hiểm Bắc Cực. Hiện Trung Quốc coi Bắc Cực là “biên giới chiến lược mới” nên nước này đang tăng cường sự hiện diện quân sự, đồng thời coi đây là khu vực cạnh tranh trong tương lai. Để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại các vùng cực, Bắc Kinh có ý định triển khai đội tàu và xây dựng hạ tầng nghiên cứu ở Iceland và Na Uy; sử dụng các dự án hạ tầng tại vùng cực với mục đích lưỡng dụng. Trung Quốc cũng muốn tận dụng sự thay đổi ở Bắc Cực để gia tăng ảnh hưởng và khẳng định quyền tiếp cận đối với khu vực quan trọng này.
Ngoài ra, sự hợp tác gần đây giữa Nga với Trung Quốc tại Bắc Cực cũng khiến Canada lo ngại. Sự hợp tác Nga - Trung tại Bắc Cực tập trung vào lĩnh vực: quân sự, năng lượng, khoa học, phát triển tuyến đường biển phía Bắc, xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển. Năm 2019, hai nước thành lập “Trung tâm nghiên cứu Bắc Cực Trung Quốc - Nga”; năm 2022 và 2023, hải quân hai nước hoạt động cùng nhau trong vùng biển quốc tế ngoài khơi Alaska. Gần đây nhất, tháng 10/2024, lần đầu tiên một hạm đội hải cảnh Trung Quốc cùng với đối tác Nga tiến hành tuần tra chung tại khu vực biển Bắc Cực.
Một nguyên nhân khác khiến Canada phải điều chỉnh chính sách quốc phòng đó là chịu áp lực từ Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc nâng mức chi tiêu cho quốc phòng lên 02% GDP theo cam kết. Hiện Canada là quốc gia có mức đóng góp cho quốc phòng thấp trong NATO, khiến Mỹ và các nước đồng minh lo ngại về khả năng đảm bảo an ninh và chia sẻ gánh nặng khu vực. Vấn đề này càng trở nên cấp bách khi mà cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc tại Bắc Cực đang có dấu hiệu nóng lên, đòi hỏi Canada phải có các giải pháp nâng cao năng lực quốc phòng nhằm đáp ứng kỳ vọng của các đối tác chiến lược cũng như bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia tại khu vực quan trọng này.
Nội dung điều chỉnh
Ngày 08/4/2024, chính quyền của Thủ tướng Trudeau công bố Chính sách quốc phòng mới với tên gọi “Phương Bắc của chúng ta, mạnh mẽ và tự do”. Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, Chính sách quốc phòng mới này cơ bản khắc phục triệt để những hạn chế của Chính sách quốc phòng 2017; đồng thời, có tính định hướng cao trong những thập niên tới, với 04 nội dung đáng chú ý.
Thứ nhất, nâng cao năng lực cho quân đội để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia tại Bắc Cực. Theo đó, chính phủ Canada dự kiến đầu tư khoảng 73 tỉ USD trong vòng 20 năm để củng cố và nâng cao sức mạnh của lực lượng vũ trang Canada. Trong 05 năm tới, nước này sẽ chi 8,1 tỉ USD để tăng cường khả năng giám sát từ xa, nâng cao khả năng phản ứng của lực lượng vũ trang nhằm bảo vệ các vùng lãnh thổ xa xôi của Bắc Cực - khu vực đang phải đối mặt với các thách thức an ninh phi truyền thống và hoạt động gia tăng ảnh hưởng của các cường quốc.
Thứ hai, nâng cao năng lực hệ thống phòng thủ Bắc Mỹ và thúc đẩy hợp tác với Mỹ. Theo chính sách quốc phòng mới, Canada sẽ phân bổ khoản ngân sách lên tới 6,38 tỉ USD để bổ sung số lượng tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung; mua tên lửa không đối không tầm xa để trang bị cho máy bay chiến đấu CF-18 và F-35 (mới) nhằm chống lại các mối đe dọa từ tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh. Bên cạnh đó, cùng với Mỹ tập trung nâng cao khả năng phối hợp phòng thủ và răn đe thông qua việc hiện đại hóa NORAD nhằm ứng phó với các mối đe dọa tiềm tàng. Phạm vi hợp tác với Mỹ sẽ được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực: không, bộ, biển, vũ trụ và môi trường mạng. Năm 2022, Canada thông qua khoản đầu tư trị giá 38,6 tỉ USD để nâng cấp hệ thống chỉ huy, giám sát, phòng thủ hàng không và xây dựng cơ sở hạ tầng của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ, nhằm đối phó với các thách thức từ biến đổi khí hậu, địa chính trị và bảo vệ chủ quyền Bắc Cực. Khoản đầu tư này sẽ được giải ngân trong 20 năm tới và coi như một phần trong chính sách quốc phòng mới của Canada.
Thứ ba, định hướng phát triển và áp dụng các công nghệ mới, như: trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị bay không người lái (UAV). Canada sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để nâng cao khả năng nhận diện và quản lý thông tin trên không gian mạng, giúp đẩy nhanh quá trình ra quyết định và cải thiện khả năng nhận dạng mục tiêu. AI sẽ hỗ trợ trong việc kiểm soát các hệ thống tự động và nâng cao khả năng phản ứng đối với các cuộc tấn công, hoạt động gây nhiễu từ xa nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh môi trường chiến lược thay đổi nhanh chóng. Hệ thống UAV và công nghệ chống lại các mối đe dọa từ UAV cũng sẽ được Canada tập trung phát triển trong thời gian tới nhằm đảm bảo sự an toàn cho các lực lượng. Ngoài ra, nước này cũng thúc đẩy việc đổi mới công nghệ quốc phòng thông qua hợp tác với khu vực tư nhân, doanh nghiệp mới khởi nghiệp để duy trì lợi thế về công nghệ và tăng cường an ninh quốc gia.
Thứ tư, coi trọng hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, chính quyền của Thủ tướng Trudeau sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực, gia tăng sự hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cam kết tham gia các cuộc tập trận quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải, quyền con người cũng như hệ thống luật pháp quốc tế.
Khó khăn và triển vọng
Theo các chuyên gia, Chính sách quốc phòng mới của chính quyền Thủ tướng Trudeau phản ánh chiến lược phòng thủ đa chiều của Canada. Nó là động lực để Ottawa củng cố, tăng cường quan hệ với các quốc gia, đồng minh chiến lược, hướng tới mục tiêu bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia tại Bắc Cực cũng như duy trì sự ổn định trong khu vực. Bên cạnh đó, còn là sự bổ sung cần thiết cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (công bố năm 2022) - một chiến lược toàn diện giúp Canada khẳng định vị thế, vai trò và sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Canada tăng cường sức mạnh để bảo vệ Bắc Cực sẽ làm giảm năng lực, hiệu quả triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do phải dàn trải nguồn lực trong bối cảnh ngân sách hạn chế. Ngoài ra, việc phân bổ tài chính và dàn trải lực lượng cho nhiều khu vực khác nhau cũng khiến nước này đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, Chính sách quốc phòng mới của Canada có đạt được mục tiêu đặt ra hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Ngoài ra, các nước trong khu vực, thế giới hy vọng rằng, Chính sách quốc phòng mới của Canada sẽ không gây ảnh hướng xấu đến hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới.
HỒNG QUANG - THÁI LINH1 _______________________
1 - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang - Thạc sĩ Trần Thái Linh, Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao.
điều chỉnh,chính sách quốc phòng,Canada,tái thiết lực lượng vũ trang,tiên tiến về công nghệ
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
BRICS mở rộng - cơ hội và thách thức đối với ASEAN 24/03/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
Đôi nét về “học thuyết hạt nhân” mới của Liên bang Nga 23/01/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 30/12/2024
Bước phát triển mới trong quan hệ quốc phòng song phương Việt Nam - Chile 13/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực