Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 10/02/2025, 08:21 (GMT+7)
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới

Tại Trung Đông, Syria được coi là tâm điểm cạnh tranh địa chính trị của nhiều nước, nhất là giữa các nước lớn với nhau. Vì thế, sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Assad đã tạo ra cơn địa chấn chính trị, tác động rất lớn đối với an ninh khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết, chiến sự tại Trung Đông diễn biến phức tạp, thì ngày 27/11/2024, phe đối lập tại Syria, với lực lượng nòng cốt là tổ chức hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham bất ngờ tấn công dồn dập vào các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Syria. Sau hơn 10 ngày tấn công, thủ lĩnh Muhammad al-Julani của Hayat Tahrir al-Sham tuyên bố, chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ. Mặc dù vậy, lực lượng đối lập chưa vội điều hành các cơ quan trực thuộc chính phủ mà chờ đến khi Thủ tướng Muhammad Ghazi Al-Jalali chính thức chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho chính phủ chuyển tiếp. Việc chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ được ví như cơn địa chấn chính trị, gây bất ngờ lớn cho cả khu vực và thế giới, đánh dấu sự sụp đổ của một chế độ, khiến cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn bước sang một ngã rẽ mới.

Lực lượng đối lập kiểm soát thủ đô Damascus, Syria. Nguồn: Getty

Nguyên nhân khiến chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ

Chính quyền của Tổng thống Syria Assad từng đứng vững trước sức ép của biến động chính trị - “Mùa xuân Arab” và tiến hành thành công cuộc chiến chống khủng bố khốc liệt từ năm 2011 đến năm 2017, nhưng lại sụp đổ “chóng vánh” trước lực lượng đối lập. Theo các nhà nghiên cứu, sự sụp đổ này có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.

Về nguyên nhân chủ quan, mặc dù được Nga, Iran và Hezbollah giúp đỡ đánh bại lực lượng khủng bố vào năm 2017, nhưng chính quyền của Tổng thống Assad chỉ kiểm soát khoảng 65% lãnh thổ đất nước và không có chủ trương đối thoại với các lực lượng đối lập, gồm: Hayat Tahrir al-Sham, Quân đội quốc gia Syria, Lực lượng dân chủ Syria - những lực lượng đang kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở Đông Bắc đất nước để thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng thống Assad cũng chậm trễ trong việc tiến hành các biện pháp cải cách cần thiết để tập hợp các phe phái đối lập vào hệ thống quản lý nhà nước và thành lập một chính phủ đại diện cho tất cả các đảng phái chính trị, tôn giáo ở Syria. Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh tế nên Quân đội Syria cũng không được Damascus quan tâm xây dựng và cũng không có động cơ chiến đấu do mục tiêu chính trị không rõ ràng. Đây chính là nguyên nhân khiến Quân đội Syria nhanh chóng buông súng trước “sức ép” của lực lượng đối lập, đứng đầu là Hayat Tahrir al-Sham.

Về phương diện khách quan, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc chính quyền Damascus sụp đổ xuất phát từ các lý do sau.

Thứ nhất, loại bỏ chính quyền của Tổng thống Assad là chủ trương chiến lược xuyên suốt của Mỹ. Năm 2001, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ G.W.Bush đã triển khai đề án “Đại Trung Đông” với tâm điểm là Syria. Theo đó, Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để “xúc tiến dân chủ”, giành quyền kiểm soát vành đai địa chính trị kéo dài từ Afghanistan qua Trung Á, Balkan, Bắc Phi và Trung Đông, tiến tới thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ lục địa Á - Âu. Tuy nhiên, chủ trương này bước đầu bị phá sản khi Tổng thống G.W.Bush phát động cuộc chiến tại Afghanistan (năm 2001) và Iraq (năm 2003). Đến năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã thay đổi chiến lược theo hướng, không ưu tiên sử dụng “sức mạnh quân sự” mà tập trung sử dụng “sức mạnh mềm” đối với khu vực Trung Đông. Thực hiện sự điều chỉnh này, từ năm 2011, Mỹ châm ngòi cho các biến động chính trị tại Trung Đông thông qua làn sóng “Mùa xuân Arab”. Với làn sóng này, chính phủ nhiều nước ở Bắc Phi - Trung Đông nhanh chóng bị lật đổ trước sức ép của lực lượng đối lập. “Mùa xuân Arab” cũng dẫn tới cuộc chiến tại Libya (do NATO phát động) khiến chính phủ của Tổng thống Muammar Gaddafi bị “xóa sổ”. Sau cuộc chiến tại Libya, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain tuyên bố, kịch bản Libya sẽ lặp lại ở Syria. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, làn sóng “Mùa xuân Arab” sẽ là phương thức được Mỹ sử dụng nhằm loại bỏ chính quyền của Tổng thống Assad để dựng lên ở Damascus một chính quyền khác, đáp ứng lợi ích của Washington tại Trung Đông. Vì thế, từ năm 2011 đến năm 2024, Mỹ và phương Tây áp đặt nhiều biện pháp cấm vận ngặt nghèo nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Syria. Bên cạnh đó, Washington vẫn duy trì lực lượng quân sự hiện diện trên lãnh thổ Syria dưới chiêu bài “chống khủng bố”.

Thứ hai, vai trò của Nga và Iran tại Syria bị suy giảm. Năm 2017, sau khi giúp Syria đánh bại lực lượng khủng bố, Nga và Iran giữ vai trò quan trọng trong tiến trình chính trị ở Damascus. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vai trò, tầm ảnh hưởng của Nga và Iran không còn như trước do bối cảnh địa chính trị có sự thay đổi. Trong khi Nga phải dốc toàn lực cho chiến dịch “quân sự đặc biệt” ở Ukraine, thì lực lượng Hezbollah và Hamas,... lại bị suy yếu do cuộc xung đột kéo dài với Israel. Vì thế, khi lực lượng đối lập mở chiến dịch tấn công lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad, Nga chỉ có thể hỗ trợ Quân đội Syria một lực lượng không quân tương đối nhỏ đang hoạt động tại căn cứ Hmeimim.

Thứ ba, theo các nhà nghiên cứu, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine diễn biến ngày càng gay gắt thì Syria được coi là “mặt trận thứ hai” mà Mỹ và Ukraine khiến Nga phải phân tán lực lượng đối phó, qua đó làm giảm bớt áp lực tiến công của Quân đội Nga trên chiến trường. Vì thế, Mỹ cùng với Ukraine đã hỗ trợ Hayat Tahrir al-Sham về lực lượng và phương tiện để lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad.

Tác động tới an ninh khu vực, thế giới

Việc chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ nhanh chóng được coi là cơn địa chấn chính trị, tác động rất lớn đối với an ninh khu vực và thế giới. Trước hết là tác động tới cuộc chiến chống khủng bố. Bởi kể từ khi triển khai chiến dịch chống khủng bố tại Syria (30/9/2015), Nga đã tiến hành khoảng 92.000 cuộc không kích, tiêu diệt 96.000 mục tiêu khủng bố; trong đó có hơn 53.000 nhóm khủng bố; 970 trại huấn luyện; 6.769 kho vũ khí, đạn dược; 184 cơ sở khai thác dầu, v.v. Đến ngày 06/12/2017, Moscow tuyên bố, về cơ bản, lực lượng khủng bố ở Syria bị đánh bại. Kể từ đây, Quân đội Syria với sự giúp đỡ của Nga, Iran và lực lượng Hezbollah tiến hành truy quét tàn quân của các tổ chức khủng bố, buộc chúng phải tụ tập về sào huyệt ở Idlip, Tây Bắc Syria.

Tuy nhiên, sau chính biến này, hoạt động khủng bố có thể sẽ diễn biến phức tạp do vai trò và tầm ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông bị giảm sút. Để thích ứng với bối cảnh địa chính trị mới, Nga sẵn sàng đối thoại với các lực lượng đối lập ở Syria, kể cả tổ chức Hayat Tahrir al-Sham - lực lượng trước đây Moscow coi là tổ chức khủng bố. Ở chiều ngược lại, Hayat Tahrir al-Sham cũng thay đổi quan điểm về Nga. Theo thủ lĩnh Abu Mohammed al-Julani của Hayat Tahrir al-Sham, chính phủ mới của Syria sẵn sàng thiết lập quan hệ với Nga nếu nước này có thiện chí thúc đẩy quan hệ. Đáp lại, ngày 10/12/2024, Duma quốc gia Nga thông qua nghị quyết loại trừ Hayat Tahrir al-Sham ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Hiện Nga và Hayat Tahrir al-Sham đang thảo luận về việc đảm bảo an ninh cho phái bộ ngoại giao, công dân Nga cũng như việc duy trì 02 căn cứ quân sự của Nga ở Syria.

Với Mỹ, bên cạnh việc duy trì liên lạc thường xuyên với Hayat Tahrir al-Sham và các lực lượng khác, Washington tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria. Theo Phó Cố vấn an ninh quốc gia John Feiner, sau khi chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ, Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Syria để “chống khủng bố”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc Mỹ muốn duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài ở Syria là nhằm mục đích loại bỏ ảnh hưởng của Nga, Iran và Trung Quốc tại Trung Đông, hay nói cách khác là phá vỡ tam giác chiến lược Nga - Trung Quốc - Iran. Bởi trước đó, cả Nga và Trung Quốc đều ký hiệp định đối tác chiến lược với Iran trong thời hạn 20 năm.

Ở một góc nhìn khác, sau khi chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ, tình hình an ninh khu vực có nguy cơ gia tăng bất ổn khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thực hiện chủ trương loại bỏ lực lượng người Kurd đang hiện diện trên lãnh thổ Syria - lực lượng mà Ankara coi là “tổ chức khủng bố”. Trong khi đó, Israel - đồng minh thân cận luôn ủng hộ Mỹ lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad và thực hiện đề án “Đại Trung Đông” lập tức đưa quân đánh chiếm Cao nguyên Golan nhằm mục tiêu kiểm soát vĩnh viễn vùng đất này, hướng tới xây dựng một Nhà nước Do Thái rộng lớn. Tính đến ngày 10/12/2024, Quân đội Israel đã tiến hành khoảng 350 cuộc không kích, phá hủy nhiều cơ sở công nghiệp quốc phòng, hệ thống phòng không và vũ khí, trang bị của Syria, với lý do không để những cơ sở, phương tiện này rơi vào tay lực lượng hồi giáo cực đoan có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn tuyên bố, chính quyền Tel-Aviv muốn xây dựng mối quan hệ ổn định với chính phủ mới ở Syria nếu họ không chấp nhận vị thế của Iran và không cho phép Iran vận chuyển vũ khí cho lực lượng Hezbollah.

Dư luận quốc tế cho rằng, chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ làm “đứt gãy” một mắt xích quan trọng và cũng là tổn thất lớn đối với “trục kháng chiến” nói chung, Iran nói riêng. Với Tehran, giờ đây đang ở trong tình thế chờ đợi và phải rút lực lượng vũ trang cũng như công dân khỏi Syria, bởi không tổ chức nào có thể đảm bảo an toàn cho họ. Trong bài phát biểu trước người dân, lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei khẳng định, Mỹ và Israel đã lên kế hoạch loại bỏ chính quyền của Tổng thống Assad, đồng thời ám chỉ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò then chốt trong chính biến ở Syria. Hiện Iran đang cố gắng đạt được thỏa thuận với chính quyền mới ở Damascus. Các quan chức Iran tuyên bố sẵn sàng đàm phán với lực lượng đối lập nếu họ tôn trọng các nguyên tắc của Tehran và không cho phép Israel mở rộng các cuộc tấn công. Trước đó, một kênh truyền hình của Iran đưa tin, nước này đã đổi tên tổ chức Hayat Tahrir al-Sham thành “lực lượng bán quân sự” và không gọi Hayat Tahrir al-Sham là “tổ chức khủng bố”.

Theo các nhà nghiên cứu, Nhà nước Syria dưới thời Tổng thống Assad được xây dựng dựa trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc Arab như tên gọi của quốc gia này - Cộng hòa Arab Syria. Syria cũng là nơi định cư của cộng đồng người Kurd, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Armenia và nhiều nhóm sắc tộc khác. Sau khi Hayat Tahrir al-Sham lên nắm quyền, có thể tổ chức này sẽ xây dựng chế độ Cộng hòa Hồi giáo ở Syria, nhằm đáp ứng lợi ích của các nhóm sắc tộc khác nhau. Hiện Hayat Tahrir al-Sham vẫn đang duy trì nguyên trạng hệ thống chính quyền dưới thời Tổng thống Assad để từng bước xây dựng chính quyền mới. Tuy nhiên, dưới tác động cạnh tranh địa chiến lược của nhiều chủ thể chính trị trong và ngoài khu vực, đất nước Syria sẽ còn phải trải qua một thời gian dài mới có thể phát triển ổn định. Dư luận quốc tế hy vọng rằng, cho dù dưới chế độ nào hay sự tác động của chủ thể chính trị nào, cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria sẽ sớm chấm dứt, người dân Syria được sống trong hòa bình, ổn định và phát triển toàn diện.

THÙY DƯƠNG - VŨ TRANG

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...