Thứ Năm, 24/04/2025, 02:31 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới trật tự đa cực, việc BRICS - Nhóm các nền kinh tế mới nổi mở rộng thêm thành viên là một trong những vấn đề rất đáng chú ý. Theo đó, nhiều quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bày tỏ ý định tham gia Nhóm này với tư cách thành viên chính thức. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới lợi ích và vai trò của Hiệp hội, được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm.
Sự mở rộng của BRICS
BRICS - Nhóm các nền kinh tế mới nổi được ra đời vào đầu thế kỷ XXI do Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là các thành viên sáng lập. Từ khi ra đời đến nay, BRICS không ngừng phát triển, mở rộng và ngày càng phát huy vai trò là một trong những đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, được cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) quan tâm, kỳ vọng và mong muốn tham gia.
Tháng 01/2025, Indonesia là quốc gia đầu tiên của ASEAN chính thức gia nhập BRICS với tư cách thành viên đầy đủ. Hai thành viên ASEAN khác là Thái Lan và Malaysia cũng công khai mong muốn gia nhập BRICS; Lào và Myanmar cũng được cho là đang có ý định; còn Singapore và Philippines vẫn chưa chính thức thể hiện quan điểm về việc có tham gia BRICS hay không. Trước khi kết nạp Indonesia, năm 2024, BRICS đã kết nạp thêm 05 thành viên mới là Ai Cập, Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ethiopia. Như vậy, sau gần 15 năm thành lập, số thành viên chính thức của BRICS đã tăng từ 04 lên 11. Trong khi đó, Nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển (G7) phải mất hơn 20 năm mới có thêm một thành viên mới là Nga để trở thành G8. Tuy nhiên, sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và bị loại khỏi G8, Khối này lại trở về với con số 07 thành viên ban đầu.
Trong bối cảnh hiện nay, quan điểm của các nước đang phát triển chưa được phản ánh đầy đủ do hệ thống quốc tế chịu nhiều ảnh hưởng hoặc bị chi phối bởi Mỹ và phương Tây. Đáng chú ý là, nhiều nước đang phát triển và mới nổi tỏ thái độ không đồng thuận, thậm chí bất mãn với hiện trạng phân bổ quyền lực trong hệ thống quốc tế hiện hành vốn được “thiết kế” bởi các nước lớn sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Chính vì vậy, cơ chế hợp tác của BRICS đã tạo cơ hội cho các quốc gia này thể hiện quan điểm. Đây cũng là lý do mà hiện nay có khoảng 40 quốc gia bày tỏ ý định tham gia BRICS và con số này có thể vẫn chưa dừng lại.
Xét về sức nặng kinh tế, năm 2025, mặc dù dự báo GDP danh nghĩa của cả BRICS và G7 vẫn ở khoảng cách tương đối xa: 31.700 tỉ USD so với 51.500 tỉ USD; tính theo tỷ trọng trong nền kinh tế toàn cầu là 27% và 45%; song GDP tính theo sức mua của BRICS đã vượt G7 với tỷ lệ tương ứng là 35% và 30% trong tổng GDP toàn cầu. Cùng với xu thế dịch chuyển quyền lực thế giới từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, thì việc G7 bị BRICS “qua mặt” về quy mô kinh tế chỉ còn là vấn đề thời gian.
Từ góc độ địa chính trị, theo nhìn nhận của một số chính khách có tên tuổi ở các cường quốc phương Tây, BRICS là một khối chính trị mang tính đối trọng với Mỹ và phương Tây. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Nga và Mỹ - Trung càng gay gắt thì Washington càng có cơ sở cho rằng BRICS đang bị Moscow và Bắc Kinh thao túng vì động cơ chính trị. Trong khi đó, đối với các quốc gia thành viên và các nước muốn tham gia Nhóm này, BRICS là một tập hợp lực lượng phản ánh nhu cầu cải cách trật tự thế giới hiện hành - một trật tự vốn đã trở nên bất cập so với tương quan lực lượng mới.
Cơ hội đối với ASEAN
Với tổng GDP chiếm khoảng 04% GDP toàn cầu và hiện là nền kinh tế lớn thứ 05 thế giới, cộng thêm khả năng can dự của tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào các cơ chế hợp tác của Hiệp hội, ASEAN được xem là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới. Tuy nhiên, quy mô dân số, thị trường của ASEAN chưa thể sánh nổi với BRICS. Chỉ tính riêng hai nền kinh tế mới nổi quan trọng hàng đầu trong BRICS là Trung Quốc và Ấn Độ đã có thị trường gần 03 tỉ dân và sức mua ngày càng lớn với tầng lớp trung lưu đang bùng nổ. Do đó, việc các nước thành viên của ASEAN muốn gia nhập BRICS, trước hết, xuất phát từ mục tiêu tranh thủ nguồn lực đang lên từ BRICS để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đối với Indonesia, trước khi gia nhập BRICS, quốc gia này cũng đã chính thức nộp đơn xin tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì thế, quan điểm cho rằng Indonesia hoặc các nước thành viên ASEAN tham gia BRICS thể hiện sự “chọn bên” là không có cơ sở.
Về lĩnh vực năng lượng, nếu chưa tính Indonesia, 10 quốc gia thành viên còn lại của BRICS đã chiếm khoảng 36% lượng xuất khẩu dầu thô và 34% lượng xuất khẩu dầu tinh chế trên toàn thế giới. Các công cụ kinh tế do BRICS thành lập từ năm 2015, như: Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Thỏa thuận dự trữ dự phòng (CRA) là những lựa chọn khá hấp dẫn, làm giảm sự phụ thuộc của các nước ASEAN đang “đói vốn” vào các cơ chế do phương Tây chi phối, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đến nay, Ngân hàng Phát triển mới của BRICS đã phê duyệt khoản tài trợ trị giá khoảng 32,8 tỉ USD; Thỏa thuận dự trữ dự phòng sở hữu quỹ khoảng 100 tỉ USD. Đối với các nền kinh tế ASEAN, đây là những nguồn lực đáng kể, nhất là khi chúng không bị gắn với các tiêu chuẩn về “chính trị”, “dân chủ”, “nhân quyền”,… những vấn đề mà Mỹ và các nước phương Tây thường dùng làm công cụ cho các khoản vay của WB và IMF.
Bên cạnh đó, sức nặng chính trị của BRICS cũng sẽ tạo thêm đòn bẩy cho các quốc gia thành viên ASEAN. Mặc dù chưa trở thành thành viên chính thức mà mới chỉ là đối tác của BRICS, nhưng các nước ASEAN đã có thể tham gia các hội nghị quan trọng của nhóm này, như: Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Kazan (Nga) tháng 10/2024. Điều này góp phần nâng cao vị thế quốc tế của các nước ASEAN nói riêng cũng như vai trò của ASEAN với tư cách một tổ chức khu vực nói chung. Trước đây, nhiều chiến lược gia của ASEAN đã bàn luận về một “ASEAN toàn cầu” với vai trò và ảnh hưởng vượt ra ngoài khu vực. Việc tham gia tích cực hơn trên “sân khấu chính trị” thế giới, trong đó có việc các nước thành viên ASEAN đã và sẽ tham gia BRICS góp phần thúc đẩy mục tiêu đầy tham vọng này của Hiệp hội.
Trong một thế giới đa cực hóa và cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt như hiện nay, hầu hết các nước thành viên ASEAN đều có nhu cầu phòng bị “nước đôi” và đa dạng hóa các lựa chọn chiến lược của mình. Không quốc gia vừa và nhỏ nào ở khu vực muốn “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, nên việc tham gia BRICS là một phần quan trọng để hiện thực hóa chủ trương đó.
Thách thức với ASEAN
Mặc dù được xem là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới, nhưng ASEAN cũng đang đối mặt với không ít thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài. Không ít chuyên gia, học giả cho rằng việc 06 nước thành viên ASEAN bày tỏ ý định tham gia BRICS sẽ ảnh hưởng nhất định đến tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như vai trò trung tâm của Hiệp hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dư luận quốc tế còn cho rằng, với việc ngày càng nhiều nước khu vực, thậm chí ngay cả các thành viên ASEAN muốn tham gia BRICS, chắc chắn BRICS sẽ có sự hiện diện và ảnh hưởng lớn hơn tại châu Á - Thái Bình Dương. Ngay cả khi BRICS chưa “lấn sân” vào khu vực, vai trò của ASEAN đã phần nào bị cạnh tranh bởi một số nhóm “tiểu đa phương” như Bộ Tứ: Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản (QUAD), Thỏa thuận an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) hay nhiều cơ chế hợp tác ba bên, bốn bên khác do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt. Sân chơi đa phương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ “chật chội” hơn nữa với nhiều cơ chế, diễn đàn cạnh tranh lẫn nhau, khi đó ASEAN có thể sẽ không còn giữ vai trò không thể thay thế.
Một rủi ro nữa đối với các nước thành viên ASEAN muốn gia nhập BRICS là nguy cơ bị “vạ lây” từ các biện pháp trả đũa của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump 2.0. Dưới góc nhìn của Mỹ, BRICS đang bị chi phối bởi Trung Quốc và Nga - hai “đối thủ” chiến lược lớn nhất của Washington. Tháng 12/2024, trước khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã “dọa” sẽ áp thuế 100% đối với các quốc gia BRICS muốn tìm cách thay thế đồng USD. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng, trong bối cảnh Nga đang đẩy mạnh tập hợp lực lượng trong BRICS, tìm cách biến nhóm này thành một khối chính trị để đối trọng với Mỹ và phương Tây, rất có thể những lợi ích do BRICS mang lại sẽ không bù đắp được cái giá phải trả đối với một số nước thành viên ASEAN khi tham gia vào nhóm này.
Bên cạnh đó, cũng có học giả, chuyên gia cho rằng, việc tham gia BRICS chỉ khiến ASEAN phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc về kinh tế. Hiện nay, Trung Quốc chiếm khoảng 72% GDP, 80% tăng trưởng và thặng dư thương mại trong BRICS. Thậm chí khi chưa có thành viên ASEAN nào gia nhập BRICS, ảnh hưởng và quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với ASEAN đã mất đối xứng. Một khi các nền kinh tế hàng đầu của ASEAN, như: Indonesia, Thái Lan hay Malaysia tham gia BRICS, cán cân kinh tế, thương mại giữa hai bên sẽ còn mất cân bằng hơn nữa.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng cảnh báo trật tự thế giới hậu Chiến tranh lạnh đã chấm dứt và thế giới đang bước vào một kỷ nguyên đa cực mới, được đánh dấu bằng mức độ căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt nhất trong nhiều thập niên. Với những gì đang diễn ra, các thể chế cũ có thể đang dần mất vai trò, còn các thể chế, tập hợp lực lượng mới như BRICS đang trở nên ngày càng hấp dẫn. Trong bối cảnh đó, hầu hết các quốc gia vừa và nhỏ đều thực hiện chiến lược kép: một mặt tìm cách gia tăng sự tự chủ chiến lược, mặt khác duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên, tránh ngả về một bên hay bất cứ phe nào. Không phải ngẫu nhiên mà Indonesia, cường quốc khu vực vốn trung thành với tôn chỉ nổi tiếng “không liên kết” nay bắt đầu cho thấy những điều chỉnh quan trọng theo hướng “đa liên kết”. Việc Indonesia gia nhập BRICS là biểu hiện sinh động nhất của chủ trương này.
Với các nước thành viên ASEAN còn lại, việc tham gia BRICS với tư cách thành viên chính thức hoặc đối tác hợp tác là gần như không thể đảo ngược. Đến nay, còn quá sớm để lượng hóa, so sánh thiệt hơn những lợi ích và bất lợi đối với ASEAN nói chung và các nước thành viên nói riêng khi tham gia BRICS. Do đó, trong bối cảnh thế giới đang hướng tới trật tự đa cực, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc tham gia BRICS song song với thái độ cởi mở đối với các sáng kiến của Mỹ và phương Tây, cũng như tiếp tục củng cố đoàn kết và nâng cao hiệu quả hợp tác ngay trong nội khối là hướng đi đúng đắn của các nước ASEAN để phục vụ tốt nhất lợi ích của mỗi nước thành viên cũng như lợi ích chung của Hiệp hội.
TS. VŨ DUY THÀNH, Bộ Ngoại giao
BRICS mở rộng,cơ hội,thách thức,ASEAN,trật tự đa cực,thành viên
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
Đôi nét về “học thuyết hạt nhân” mới của Liên bang Nga 23/01/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 30/12/2024
Những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng mới của Canada 23/12/2024
Bước phát triển mới trong quan hệ quốc phòng song phương Việt Nam - Chile 13/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực