Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 03/01/2019, 15:50 (GMT+7)
10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018

Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật.

1. Cơ hội hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Xin-ga-po. Ảnh: Reuters

Ngày 12-6-2018, tại Xin-ga-po, thế giới đã chứng kiến cuộc gặp lịch sử cùng những thay đổi to lớn khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký văn kiện chung Mỹ - Triều sau gần 7 thập niên thù địch. Theo đó, Bình Nhưỡng đồng ý hướng tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, còn Oa-sinh-tơn cam kết “bảo đảm an ninh” cho Bình Nhưỡng. Cùng với đó, các cuộc gặp cấp cao liên Triều với nhiều kết quả tích cực đã, đang mở ra trang sử mới trên bán đảo Triều Tiên. Ngay sau khi diễn ra các sự kiện, từng bên đã có những bước đi tích cực. Về phía Mỹ đã quyết định ngừng vô thời hạn các cuộc tập trận có lựa chọn với Hàn Quốc; đáp lại, Triều Tiên cam kết ngừng tất cả các vụ thử hạt nhân. Triều Tiên và Hàn Quốc cũng quyết định nối lại quan hệ hợp tác giữa hai miền, giảm mức độ căng thẳng ở biên giới, loại bỏ nguy cơ chiến tranh và hướng tới mục tiêu chung: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu cuối cùng, các bên còn phải trải qua chặng đường dài, với nhiều chông gai, thử thách.

2. Bùng phát căng thẳng Mỹ - Trung Quốc trên nhiều phương diện

Phái đoàn Mỹ - Trung Quốc thảo luận trong bữa tối làm việc tại Bu-ê-nốt Ai-rét, Ác-hen-ti-na bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Nikkei

Đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm bất ngờ phát động chiến dịch cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Về lĩnh vực kinh tế - thương mại, Mỹ đã áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và thời gian tới có thể lên tới 25% đối với 267 tỷ USD hàng hóa còn lại. Về quân sự, Mỹ chỉ trích Trung Quốc mua sắm vũ khí trang bị hiện đại nhất của Nga và yêu cầu Trung Quốc phải tham gia cùng với các quốc gia khác đàm phán về một hiệp ước tên lửa tầm trung toàn cầu. Gần đây, thông qua việc bắt giữ một lãnh đạo chóp bu của Huawei - tập đoàn viễn thông lớn nhất và là nhà thầu thiết bị chính cho Quân đội Trung Quốc - cho thấy cách Mỹ và một số nước phương Tây “đối phó” với gián điệp công nghệ, cũng như hạ thấp năng lực quân sự của Bắc Kinh, v.v. Đáp trả, Trung Quốc đã áp thuế 10% đối với 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ; chỉ trích mạnh mẽ chính sách can thiệp, bá quyền của Oa-sinh-tơn và tuyên bố, sẽ không lùi bước trước bất cứ sức ép nào từ bên ngoài. Đây là động thái cạnh tranh chiến lược gay gắt nhất giữa hai bên trong suốt mấy thập niên qua, tác động mạnh mẽ đến môi trường an ninh quốc tế.

3. Mỹ công bố các chiến lược và có nhiều động thái mới, tác động đến an ninh toàn cầu

Lãnh đạo Liên Xô Mi-kha-in Goóc-ba-chốp và Tổng thống Mỹ Rô-nan Ri-gân ký kết INF vào ngày 08-12-1987. (Ảnh: Reuters)

Ngày 19-01-2018, Mỹ công bố Chiến lược Quốc phòng mới, trong đó xác định kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất thế giới, nhằm đối phó với hai “địch thủ chiến lược” là Nga và Trung Quốc. Tiếp đó, trong chiến lược toàn cầu mới về chống khủng bố (công bố vào tháng 10-2018), Mỹ xác định các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa hàng đầu đối với các lợi ích của Oa-sinh-tơn cả ở trong và ngoài nước. Đây là lần đầu tiên Mỹ công bố chiến lược chống khủng bố, kể từ năm 2011, gây quan ngại đối với nhiều nước trên thế giới. Cùng với công bố các chiến lược, Mỹ quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký giữa I-ran và nhóm P5+11, nối lại các lệnh trừng phạt Tê-hê-ran và thành lập Quân chủng Vũ trụ của nước này, v.v. Đặc biệt, Mỹ đe dọa rút khỏi Hiệp ước về Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1987. Điều này nếu xảy ra sẽ là cú giáng mạnh nữa vào toàn bộ hệ thống chiến lược ổn định toàn cầu.

4. Tấn công mạng quy mô lớn, ảnh hưởng tới an ninh của nhiều nước

Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein phát biểu tố cáo tin tặc đánh cắp thông tin trong cuộc họp báo tại Bộ Tư pháp Mỹ ngày 20-12-2018. Ảnh: AP

Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với nhiều quốc gia trong năm 2018 là các vụ tấn công mạng có chủ đích, kỹ thuật cao, trên quy mô lớn. Trung tuần tháng 7-2018, một vụ tấn công mạng làm rung chuyển quốc đảo Xin-ga-po, khi 1,5 triệu dữ liệu hồ sơ y tế, trong đó có cả dữ liệu của Thủ tướng Lý Hiển Long bị tin tặc đánh cắp. Đầu tháng 8-2018, ngân hàng Thái Lan (BOT) thông báo đã bị tin tặc tấn công và lấy đi toàn bộ thông tin của hơn 120.000 khách hàng, chủ yếu là khách hàng đăng ký trực tuyến. Nguy cơ tấn công mạng càng gia tăng khi cuối tháng 8-2018, Bộ Tư pháp Mỹ bắt giữ một loạt đối tượng tấn công mạng nhằm vào hơn 100 công ty của nước này. Điều đáng nói là, các đối tượng trên đều là thành viên cao cấp của nhóm tội phạm quốc tế (FIN7), được bố trí ở khắp nơi trên thế giới và đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công vào hệ thống máy tính của Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a,… gây thiệt hại cho mỗi vụ lên đến hàng chục triệu USD.

5. Đụng độ giữa Nga và U-crai-na tại eo biển Kếch

Hai máy bay chiến đấu của Nga được điều đến khu vực xảy ra va chạm tại eo biển Kếch sáng 26-11. Ảnh: Reuters.

Ngày 25-11, lực lượng biên phòng Nga đã nổ súng và bắt giữ 03 tàu của U-crai-na được cho là đi vào lãnh hải Nga tại eo biển Kếch (Kerch). Ngay sau khi đụng độ xảy ra, Tổng thống U-crai-na Pô-rô-sen-cô đã tuyên bố “tình trạng chiến tranh”, áp dụng các quy chế về “tình trạng khẩn cấp” trên toàn quốc và báo động toàn bộ lực lượng vũ trang. Về phía Nga cho rằng, Ki-ép đã cố tình tạo ra tình huống nhằm khiêu khích nước này; đồng thời, triển khai nhiều tàu chiến, tàu hàng, kể cả không quân, để phong tỏa eo biển Kếch. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, một mặt hối thúc châu Âu hỗ trợ U-crai-na, áp đặt thêm biện pháp trừng phạt Nga; mặt khác, tuyên bố hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga V. Pu-tin dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao G20 tại Ác-hen-ti-na để phản đối vụ việc. Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc kêu gọi Nga thả các tàu và thủy thủ U-crai-na bị bắt giữ. Thủ tướng Anh T. Mây kêu gọi các bên kiềm chế và nhấn mạnh, các tàu phải được tự do đi qua eo biển Kếch đến các hải cảng của U-crai-na. Giới phân tích nhận định, đây là vụ việc nguy hiểm, nếu không được kiểm soát, có thể châm ngòi cho chiến tranh cục bộ.

6. Cuộc chiến ở Xy-ri chưa thể đi đến hồi kết

Cảnh đổ nát sau các vụ tấn công tại Ít-líp. Ảnh: AFP

Năm 2018, mặc dù Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cơ bản bị đánh bại, nhưng chiến trường Xy-ri chưa thể im tiếng súng, bởi đây là tâm điểm trong chiến lược của nhiều nước. Đêm 14-4, lấy cớ Quân đội Chính phủ Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ, Anh, Pháp đã đồng loạt không kích vào lãnh thổ nước này, song không thể thay đổi được tình hình. Vì thế, việc tồn tại của các tay súng đối lập bị dồn về tỉnh Ít-líp là cơ hội để Mỹ và một số nước đồng minh hiện diện quân sự hợp pháp tại Xy-ri. Trong khi đó, Quân đội Xy-ri (dưới sự hỗ trợ của Nga, I-ran) chủ trương giải phóng hoàn toàn đất nước. Tuy nhiên, với khoảng 3 triệu dân thường và hơn 60.000 tay súng đối lập tại Ít-líp, Liên hợp quốc cảnh báo, một cuộc tấn công quân sự sẽ dẫn tới thảm họa nhân đạo tại Xy-ri. Để giải quyết mâu thuẫn này, một khu vực phi quân sự ở Ít-líp đã được thiết lập. Lợi dụng tình hình đó, tàn quân tại Ít-líp (được sự hậu thuẫn của nhiều thế lực) ra sức củng cố lực lượng, đẩy mạnh các hoạt động khủng bố trên nhiều địa bàn, khiến cuộc chiến ở Xy-ri còn phức tạp, kéo dài, chưa thể đi đến hồi kết.

7. Xung đột quân sự ở Y-ê-men diễn biến phức tạp

Lực lượng ủng hộ chính phủ Y-ê-men tại khu vực ngoại ô Hô-đây-đa ngày 14-11-2018. Ảnh: TTXVN

Diễn biến xung đột quân sự căng thẳng ở Y-ê-men đã lên đến đỉnh điểm khi tháng 6 vừa qua, liên minh do A-rập Xê-út đứng đầu2 và các lực lượng thân Chính phủ Y-ê-men mở nhiều đợt tấn công quân sự quy mô lớn nhằm giành lại thành phố cảng Hô-đây-đa từ tay phiến quân Hu-thi (được một số thế lực bên ngoài hậu thuẫn). Theo đánh giá của các nhà quan sát, tình trạng xung đột gia tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình hòa bình và khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Trung Đông này. Tuy vậy, chiến sự vẫn tiếp tục tăng cao, khi cuối tháng 11-2018, hàng loạt cuộc đụng độ đẫm máu giữa hai bên tại thành phố cảng Hô-đây-đa liên tiếp nổ ra, bất chấp kêu gọi ngừng bắn của Liên hợp quốc. Theo các số liệu thống kê được công bố, xung đột tại Y-ê-men trong gần 4 năm qua đã khiến gần 10.000 người thiệt mạng; hơn 22 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ, trong đó có gần 10 triệu người có nguy cơ chết đói.

8. Hoạt động khủng bố tiếp tục lan rộng, khó lường

Hiện trường vụ đánh bom tự sát bằng xe gắn máy tại nhà thờ Santa Maria, In-đô-nê-xia. Ảnh: AP

Năm 2018, mặc dù có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia ứng phó với chủ nghĩa khủng bố, song vấn nạn này tiếp tục lan rộng, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Theo đó, thay vì tổ chức hoạt động quy mô lớn, chúng tổ chức thành các nhóm nhỏ, sử dụng phụ nữ, trẻ em,… kể cả dạng “sói đơn độc” để tấn công các mục tiêu từ dân thường đến cơ quan công quyền, thậm chí cả vào lực lượng an ninh của nhiều nước. Điển hình là vụ tấn công vào Lực lượng vệ binh cách mạng I-ran đang tổ chức diễu binh vào ngày 22-9-2018, làm 29 người thiệt mạng và 70 người khác bị thương; tấn công liều chết vào Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Ka-ra-chi, Pa-ki-xtan (hôm 23-11); hoặc vụ đánh bom liên hoàn hồi tháng 5-2018 ở In-đô-nê-xi-a, khiến gần 100 người chết và bị thương. Đặc biệt, chỉ trong ngày 20-10, tại Áp-ga-ni-xtan đã xảy ra 168 vụ khủng bố, làm hơn 130 chết và bị thương. Đây là biểu hiện thay đổi phương thức hoạt động mới, phức tạp của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

9. Gia tăng các cuộc tập trận quân sự trên thế giới

Cuộc tập trận Trident Juncture của NATO. Ảnh: AFP

Đầu tháng 6-2018, bất chấp phản đối của Nga, lực lượng Mỹ ở châu Âu cùng 19 quốc gia khác tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn trên lãnh thổ các nước: E-xtô-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va và Ba Lan. Để tăng khả năng tự vệ, tháng 9-2018, Nga tổ chức cuộc tập trận “Vostok-2018” với sự tham gia của 300.000 binh sĩ, gần 36.000 xe tăng, hơn 1.000 máy bay, 80 chiến hạm, v.v. Đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất, kể từ cuộc tập trận Zapad-1981 dưới thời Liên Xô. Đáp trả, tháng 10-2018, NATO tổ chức cuộc tập trận Trident Juncture với sự tham gia của 250 máy bay chiến đấu, 65 tàu chiến, 10.000 phương tiện cơ giới mặt đất cùng 50.000 binh sĩ của tất cả 29 nước thành viên cùng các đối tác Phần Lan và Thụy Điển, nhằm đánh giá khả năng sẵn sàngchiến đấu của Khối trong khôi phục chủ quyền của một đồng minh. Ở bên kia bán cầu, ngày 21-11, tại Bra-xin đã diễn ra cuộc tập trận của 14 quốc gia (trong đó có Mỹ, Pháp) nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên không và trong điều kiện chiến tranh phi thông thường.

10. Đối thoại Shangri-La 2018 và những thách thức an ninh mới ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Ma-tít phát biểu trong hội nghị Shangri-La năm 2018. Ảnh: Reuters

Từ ngày 31-5 đến 03-6-2018, Đối thoại Sangri-La lần thứ 17 diễn ra tại Xin-ga-po đã quy tụ gần 600 đại biểu, trong đó có 40 Bộ trưởng Quốc phòng tham dự. Các vấn đề: hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; hợp tác chống khủng bố,… là những ưu tiên trong chương trình nghị sự. Mặc dù không có phiên thảo luận riêng, vấn đề Biển Đông vẫn được đề cập trong hầu hết các phiên toàn thể và phiên đặc biệt đồng thời của Đối thoại. Tại các diễn đàn, nhiều đại biểu đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ủng hộ tự do hàng hải, phản đối quân sự hóa ở Biển Đông. Đặc biệt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Ma-tít đã công khai chỉ trích hành động lắp đặt các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, các thiết bị gây nhiễu điện tử,… trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trong thời gian qua. Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Pháp và một số nước tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tự do hàng hảng trên vùng biển quốc tế tại Biển Đông. Động thái đó cho thấy, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn định, khó lường.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân
____________

1 - Gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức.

2 - Gồm: A-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Cô-oét, Ba-ranh, Ca-ta, Ai Cập, Xu-đăng, Mô-rô-cô, Pa-ki-xtan, Áp-ga-ni-xtan, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...