Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 27/12/2013, 10:01 (GMT+7)
Thế giới năm 2013 – nhìn từ góc độ kinh tế - chính trị - quân sự

Năm 2013, tuy vẫn còn xung đột, nội chiến ở đâu đó trên thế giới, nhưng nhân loại đã không phải chứng kiến thêm một cuộc chiến tranh tàn khốc và thế giới bình lặng hơn so với nhiều năm trước. Cái gọi là “Mùa xuân A-rập” khiến một loạt quốc gia Trung Đông, Bắc Phi rơi vào hỗn loạn rút cuộc cũng đến hồi lắng xuống. Mặc dù vậy, nhìn lại những gì đã diễn ra và sắp qua đi, thế giới cũng để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

1. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thiếu vững chắc và chưa thoát khỏi nguy cơ suy thoái toàn cầu. Vật vã với cơn khủng hoảng tài chính - kinh tế trong suốt 5 năm qua, trong năm 2013 , kinh tế thế giới vẫn đứng trước 3 mối đe dọa lớn: cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, kinh tế Mỹ suy giảm và kinh tế các nước thuộc nhóm BRICS1 tăng trưởng chậm lại. Liên hợp quốc (LHQ) nhận định: mỗi mối đe dọa này đều có thể khiến tổng sản phẩm toàn cầu mất đi khoảng 1% - 3% và tình huống xấu nhất, nó chính là “ngòi nổ” dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong đó, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu là nguy cơ lớn nhất làm cho nền kinh tế của “châu lục già” này phải lụi bại; thậm chí một số nước, như: Hy Lạp, Ai-len, Bồ Đào Nha, Síp,… phải xin cứu trợ của cộng đồng quốc tế để tránh vỡ nợ. Hiện nay, tuy một số quốc gia đã có những tín hiệu le lói về tăng trưởng kinh tế, rõ nhất là Đức và Anh, song tất cả các dấu hiệu đó vẫn chưa đủ khả năng làm cho kinh tế châu Âu thoát khỏi tình trạng trầm trọng. Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra, nạn thất nghiệp vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng,… Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều đáng quan ngại và nặng nề nhất đang hiện hữu trên khắp châu lục là mức nghèo khổ “chưa từng thấy” kể từ những năm 1930 đến nay.

Kinh tế Mỹ tiếp tục suy giảm. A. Blin-đơ, chuyên gia kinh tế Mỹ, cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ còn tồi tệ hơn cả “mong manh” và hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy nó đang được nuôi dưỡng để “phục hồi trở lại”. Quả là A. Blin-đơ có lý! Thực tiễn những thập kỷ gần đây cho thấy, hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế của Mỹ chỉ kéo dài 2 - 3 năm; sau đó, lại tăng trưởng khoảng 5% - 6%. Còn 5 năm qua, tăng trưởng của Mỹ chỉ đạt khoảng 2%. Mặc dù, các chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ đã có những tác động tích cực tới nền kinh tế, nhưng nó chưa đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế nước này. Cũng theo A. Blin-đơ, không có sự đổi mới nào có vẻ sắp xuất hiện để có thể đẩy Mỹ vào một sự bùng nổ kinh tế như cách mà Mỹ đã làm trong Chiến tranh thế giới thứ hai vào cuối thời kỳ “Đại suy thoái”2; do đó, tình trạng suy giảm của nền kinh tế Mỹ có thể sẽ kéo dài nhiều năm nữa.

Kinh tế Nhật Bản lần đầu tiên có dấu hiệu hồi sinh kể từ năm 2008; hiện nay, chỉ số xuất khẩu và tiêu dùng của nước này đang tăng mạnh, cho thấy nền kinh tế đang chuyển mình. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đó chỉ là tăng trưởng trong ngắn hạn, phải mất nhiều năm nữa kinh tế xứ “Phù Tang” mới có thể thoát khỏi cơn “hôn mê sâu” đã kéo dài suốt hơn 20 năm qua.

 Các nước thuộc nhóm BRICS đều không giữ được “phong độ” về kinh tế. Những năm trước, nhóm này là đầu tàu thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng đến nay cơ bản đều giảm. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2013 chỉ đạt khoảng 7% - mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Ấn Độ cũng rơi vào tình trạng tương tự, tăng trưởng năm 2013 chỉ ước đạt khoảng 5%. Với Nga, Bra-xin và Nam Phi thì mức tăng trưởng kinh tế chưa đến mức lo ngại, song thiếu ổn định vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trung hạn.

Như vậy có thể thấy, do tăng trưởng của các khu vực kinh tế “động lực” đều giảm, dẫn đến hệ lụy là nền kinh tế thế giới rất có thể sẽ bước vào thời kỳ suy thoái lâu dài. Theo đó, tốc độ phát triển, đầu tư, việc làm trong tương lai sẽ tiếp tục giảm và khả năng mâu thuẫn chính trị sẽ tăng cao. Tuy nhiên, các nhà phân tích theo trường phái lạc quan lại đưa ra một kịch bản mới cho nền kinh tế thế giới những năm tới là, các quốc gia sẽ dần thích nghi với khủng hoảng, biết tự điều chỉnh để giữ được đà hồi phục và thoát khỏi vòng suy thoái lâu dài.

2. Siêu cường Mỹ gặp chuỗi “đại hạn” và Oa-sinh-tơn tự trói tay mình. Năm 2013, cả thế giới “chấn động” khi E. Xnâu-đơn (cựu nhân viên tình báo Trung ương Mỹ) tiết lộ với báo giới việc cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bí mật giám sát toàn bộ hoạt động của một số nước trên thế giới. Đỉnh cao là tháng 9 và tháng 10 vừa qua, thế giới “dậy sóng” phản đối vụ bê bối nghe lén điện thoại của Mỹ. Thậm chí, Tổng thống Bra-xin Đ. Rút-xép còn tuyên bố hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào ngày 23-10 do NSA của Mỹ đã theo dõi các cuộc đàm thoại và thư điện tử của Bà. Thái độ của Tổng thống Đ. Rút-xép được giới truyền thông cho rằng, đó chính là cái giá “đắt đắng” mà Mỹ phải trả cho hành động vô lý trong chiến lược ngoại giao của mình.

Theo Tuần báo Panorama của I-ta-li-a ra ngày 30-10, NSA có thể đã nghe lén trong thời gian các “Hồng y giáo chủ” bắt đầu mật nghị bầu Giáo hoàng mới vào cuối năm 2012. Vẫn là hệ lụy của trò nghe lén trên, Chính phủ Đức hôm 24-10 cáo buộc Mỹ nghe lén cả điện thoại của Thủ tướng Đức A. Méc-ken bằng việc gài “bọ” vào điện thoại của Bà. Ngay sau vụ việc này, Đức đã triệu hồi Đại sứ Mỹ tại Béc-lin để phản đối. Đích thân Thủ tướng A. Méc-ken cũng đã điện thoại cho Tổng thống B. Ô-ba-ma để bày tỏ cảm giác bị xúc phạm. Còn rất nhiều nước phản đối Mỹ xung quanh vụ việc tai tiếng này. Đúng là “cái sảy nảy cái ung”. Mỹ ngụy biện rằng việc nghe lén các nước là nhằm mục đích “ngăn ngừa khủng bố”. Điều đó là không thể chấp nhận được, bởi, không lẽ việc Mỹ nghe lén Thủ tướng A. Méc-ken và các “Hồng y giáo chủ”,… cũng là để ngăn ngừa khủng bố? 

Tháng 10 cũng là tháng Chính phủ Mỹ rơi vào cảnh hỗn loạn. Do không thông qua được ngân sách cho năm tài khóa 2014, ngày 01-10-2013, các cơ quan của Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa. Sau 16 ngày u ám, cuối cùng Chính phủ Mỹ cũng mở cửa trở lại. Song cuộc khủng hoảng này đã làm giảm lòng tin của người dân vào Chính phủ và gây hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này. Cùng với đó, việc A-rập Xê-út thông báo từ chối nhận chức thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2015 ngày 18-10 vừa qua là sự kiện chưa từng xảy ra đối với LHQ, kể từ khi thành lập (năm 1945) đến nay. Điều đó gây một “cú sốc” lớn trong giới quan chức Mỹ và có thể làm lung lay vị trí điều khiển thế giới mà Mỹ đang theo đuổi. Về bề ngoài, A-rập Xê-út đưa ra lý do là LHQ thất bại trong việc giải quyết xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, cuộc nội chiến tại Xy-ri và không ngăn chặn được sự phổ biến vũ khí giết người hàng loạt trong khu vực; nhưng thực chất là A-rập Xê-út nhằm vào Mỹ. Thông qua hàng loạt vụ bê bối trên, siêu cường Mỹ đang thể hiện sự suy giảm nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa. Không ai khác, chính người Mỹ đã tự trói tay mình; tự cô lập, hạ thấp mình đối với thế giới.

3. Xy-ri thoát khỏi một cuộc can dự quân sự tàn khốc. Nội chiến ở Xy-ri kéo dài đã trên 2 năm, với khoảng 1.200 phiến quân nổi dậy chống lại Chính quyền Đa-mát, làm cho khoảng 5.000 người thiệt mạng mỗi tháng. Những tưởng như thế là quá khủng khiếp đối với người dân Xy-ri, song nhiều thế lực hiếu chiến bên ngoài lại cố tình đổ thêm dầu vào lửa. Trong nỗ lực tìm ra “bằng chứng” để trừng phạt Đa-mát, Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây đã cáo buộc quân đội chính phủ Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học (ngày 21-8-2013) để chống lại dân thường. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc cáo buộc quân đội chính phủ Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học vào thời điểm trên là hoàn toàn vô căn cứ. Bởi, thời điểm đó gần với thời điểm các thanh sát viên LHQ đến Xy-ri và Quân đội Xy-ri đang giành lợi thế trước lực lượng nổi dậy. Hơn nữa, rất vô lý khi khẳng định rằng, Quân đội Xy-ri lại sử dụng vũ khí hóa học ngay trên khu vực quản lý của mình. Song bất chấp dư luận, Mỹ và một số quốc gia kiên quyết khẳng định: Chính phủ Xy-ri phạm tội chiến tranh. Ngay sau cáo buộc này, Mỹ, Anh và Pháp đã có hàng loạt động thái sẵn sàng can thiệp quân sự để trừng phạt Xy-ri.

Trong bối cảnh Xy-ri sắp phải chịu một cuộc chiến tranh cận kề, Nga đã đề xuất sáng kiến: giải trừ vũ khí hóa học thay vì can thiệp quân sự từ bên ngoài để ổn định tình hình. Đề xuất của Nga không chỉ được Xy-ri nhất trí mà còn được LHQ và nhiều nước ủng hộ, hoan nghênh. Chính Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng cho rằng, kế hoạch của Nga về việc Xy-ri giao nộp kho vũ khí hóa học là “tích cực”; đồng thời, cam kết sẽ cân nhắc nghiêm túc ý tưởng này. Cùng với đó, Nga và Mỹ đề xuất tiếp một kế hoạch mới về Xy-ri gồm hai điểm: (1) Xy-ri gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hóa học để giảm thiểu các mối đe dọa có thể tạo ra từ sự sụp đổ của Chính quyền Đa-mát và đề phòng quân đội chính phủ hay lực lượng nổi dậy tiếp cận sử dụng các kho vũ khí hóa học này; (2) Các kho vũ khí hóa học của Xy-ri phải được bàn giao cho LHQ, sau đó chúng sẽ được tiêu hủy. Cuối cùng, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết đầu tiên về Xy-ri (Nghị quyết 2118). Với Mỹ, việc chấp nhận nghị quyết này cho thấy phần nào Oa-sinh-tơn đã “biết mình, biết người, biết thời” hơn. Có lẽ, điều này cũng gỡ cho Tổng thống B. Ô-ba-ma ra khỏi một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Với Nga, đây là một thắng lợi, đánh dấu sự trở lại vị thế của một siêu cường. Sau câu chuyện Xy-ri, nhiều nhà quan sát nhận định rằng thế giới đang hình thành một thế giới lưỡng cực, chứ không phải là đơn cực hay đa cực vẫn tồn tại trong quan hệ quốc tế đương đại. Như vậy, rõ ràng sáng kiến của Nga là một bước đi quan trọng, không chỉ ngăn chặn một cuộc tiến công quân sự phi đối xứng vào Xy-ri, mà còn ngăn ngừa một cuộc chiến tranh lan rộng trên toàn bộ Trung Đông. Đó là lý do tại sao sáng kiến của Nga được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ như vậy. Vẫn biết, con đường đi đến hòa bình, ổn định của Xy-ri cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông còn nhiều chông gai; nhưng duy trì được trạng thái của các bên như hiện nay, thì sớm muộn Trung Đông cũng sẽ thoát khỏi vòng xoáy bạo lực.

4. Thay vì đối đầu, xu thế đối thoại, hòa dịu tiếp tục chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu. Mỹ và I-ran vốn là kẻ thù của nhau từ sau cách mạng Hồi giáo năm 1979, giờ đây đang thực hiện các bước đi thận trọng đầu tiên hướng tới hình thành mối quan hệ hòa dịu. Dù Tổng thống hai nước không gặp nhau bên lề cuộc họp thường niên Đại hội đồng LHQ vào cuối tháng 9-2013, nhưng họ đã có cuộc điện đàm kéo dài 15 phút. Đây cũng là cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống I-ran và Tổng thống Mỹ kể từ năm 1979. Theo giới quan sát, động thái này của hai nước mới chỉ là khúc dạo đầu, nó còn phải trải qua rất nhiều thử thách nữa. Tuy nhiên, dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ Mỹ – I-ran cũng bắt đầu với thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán hạt nhân giữa I-ran với nhóm P5+1 vào ngày 24-11 vừa qua; theo đó, I-ran ngừng làm giàu u-ra-ni trên 5% trong vòng 6 tháng, đổi lại được Mỹ nới lỏng trừng phạt,… Các nhà phân tích cho rằng, việc tái lập quan hệ giữa Mỹ với I-ran sẽ mang lại cho các bên 3 lợi ích lớn.

Thứ nhất, đạt được thỏa thuận giữa hai bên về vấn đề hạt nhân làm giảm nguy cơ Mỹ phát động chiến tranh chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo. Thứ hai, đối với I-ran, việc đạt được thỏa thuận với Mỹ và các cường quốc sẽ tạo ra triển vọng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vốn đã bóp nghẹt nền kinh tế nước này trong nhiều năm qua. Thứ ba, đối với Oa-sinh-tơn, việc tái lập quan hệ với I-ran sẽ tạo thêm trọng lực trong mối quan hệ của Mỹ với đồng minh A-rập Xê-út và I-xra-en. Về Quan hệ Nga - Nhật, trên lý thuyết, Nga và Nhật Bản vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi hai nước chưa ký được hiệp ước hòa bình từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hơn 6 thập kỷ qua, quan hệ hai nước vẫn căng thẳng xung quanh việc tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, năm 2013, hai nước đã có hai cuộc gặp quan trọng giữa Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê với Tổng thống Nga V. Pu-tin và cuộc họp đầu tiên theo phương thức “2+2” giữa Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Tại cuộc họp “2+2”, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác về an ninh, quốc phòng, kinh tế; trong đó, nhấn mạnh việc tổ chức các cuộc diễn tập chung về chống khủng bố, cướp biển; giảm nhẹ thiên tai, nhằm hướng tới một hiệp ước hòa bình thật sự. Sự kiện này cho thấy, thay vì đối đầu, hai cường quốc đã thể hiện quyết tâm đối thoại, hợp tác, vì hòa bình, ổn định, phát triển của mỗi nước cũng như của khu vực và thế giới.

Như vậy, toàn cảnh thế giới trong năm 2013 tiếp tục chứa đựng các gam màu sáng - tối đan xen, trong đó, tránh được một cuộc chiến tranh thảm khốc là gam màu tươi sáng nhất. Hy vọng gam màu đó không phải là giải pháp tình thế, càng không phải là nước cờ chính trị của các nước lớn, mà nó là giải pháp hiện thực, trở thành một tiền lệ tốt cho cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề trong tương lai.

ĐỨC LÊ
_____

1 - Nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm: Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

2 - Thuật ngữ chỉ thời kỳ nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng sâu và kéo dài từ năm 1929 đến năm 1933.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...