Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:34 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
NATO vừa kỷ niệm 70 năm thành lập trong bối cảnh nội bộ bị chia rẽ, bất đồng sâu sắc. Điều đó khiến cho tương lai của NATO - tổ chức chính trị, quân sự quy mô rất lớn, duy nhất hành tinh càng khó đoán định.
Thành lập năm 1949, NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) là liên minh chính trị, quân sự của phương Tây, do Mỹ đứng đầu với mục tiêu chính là ngăn chặn sự phát triển mạnh mẽ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Để đối trọng với NATO, năm 1955, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thành lập khối Hiệp ước Vác-sa-va. Sự đối đầu quân sự giữa NATO và khối Vác-sa-va đã trở thành “mặt trận chính yếu” trong cục diện đối đầu hai cực Mỹ - Liên Xô suốt thời kỳ “Chiến tranh lạnh”.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình chính trị thế giới có những biến động sâu sắc, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, cùng với việc khối Hiệp ước Vác-sa-va giải thể được coi là “cơn địa chấn” của thế kỷ, làm cho trật tự thế giới hai cực cũng sụp đổ theo. Là bên giành chiến thắng mà không tốn một “mũi tên, viên đạn” nào, nhưng trên thực tế, do không còn đối thủ “xứng tầm” nên NATO cũng lâm vào tình trạng “dở khóc, dở cười”, nội bộ lục đục, bất đồng, mâu thuẫn gay gắt, khiến cho Liên minh này “đông mà không mạnh” hơn là một Liên minh chính thống, như nhiều chuyên gia nhận định.
Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong các nước thành viên NATO
Sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, thực hiện kế hoạch “Đông tiến”, NATO đã lôi kéo, kết nạp nhiều nước vốn là “địch thủ” trước đây ở Trung Âu và Đông Âu, nhằm đạt mục tiêu chiến lược là mở rộng tầm ảnh hưởng ra hầu hết không gian “hậu Xô-viết”. Nếu như trong suốt thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, NATO chỉ kết nạp 04 nước, thì sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, NATO kết nạp thêm 13 nước, nâng tổng số thành viên lên 29 nước. Theo đó, biên giới NATO cũng mở rộng tiến sát Liên bang Nga - nước mà NATO coi là “đối thủ” thế chân Liên Xô. Tuy nhiên, số lượng thành viên tăng nhanh cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp; trong đó, sự “gắn kết”, “thống nhất”, vốn được coi là nhân tố “sống còn” của NATO thì ngày càng bị suy giảm. Nếu cuộc chiến chống tổ chức khủng bố khét tiếng An Kê-đa (Al-Qaeda) ở Áp-ga-ni-xtan (2001), Mỹ nhận được sự đồng thuận cao, thì cuộc chiến dưới danh nghĩa “chống khủng bố” nhằm vào I-rắc (2003) đã làm NATO bị chia rẽ “chưa từng thấy” giữa một bên ủng hộ và một bên gồm nhiều đồng minh chủ chốt của Mỹ (Đức, Pháp, I-ta-li-a) kịch liệt phản đối, coi hành động quân sự chống Bát-đa là “không thuyết phục” và “không cần thiết”. Giới hoạch định chiến lược của NATO khi đó đã thừa nhận rằng, cuộc chiến chống Bát-đa đã gây một cuộc “khủng hoảng” niềm tin trong NATO.
Trong mối quan hệ với “địch thủ” Nga, các nước NATO cũng bộc lộ những bất đồng khó có thể “dung hòa”. Một số nước thành viên ở Trung Âu và Đông Âu tích cực ủng hộ chủ trương trừng phạt “cứng rắn” để trả đũa việc Nga sáp nhập Crưm (năm 2014) cùng với lo ngại cái mà họ gọi là “mối đe dọa” từ “Gấu Nga”. Chính quyền một số nước còn đồng ý cho Mỹ triển khai các hệ thống vũ khí chiến lược để tạo thế “bao vây” quân sự chống Nga, khiến cho quan hệ giữa họ với Nga “giá lạnh”. Ngược lại, nhiều thành viên chủ chốt của NATO lại cho rằng, những đòn trừng phạt của Khối đối với Krem-li (Kremli) thời gian vừa qua đều “phản tác dụng”. Theo họ, NATO cần có quan niệm và cách tiếp cận “linh hoạt” hơn đối với Nga. Phớt lờ sức ép từ Mỹ, Đức vẫn gia tăng hợp tác với Nga, phát triển dự án “Dòng chảy phương Bắc”; đồng thời khẳng định, không chỉ Đức, Nga mà cả châu Âu đều được hưởng lợi từ “Dự án” chiến lược này. Cùng với Đức, Pháp cũng đề cao vai trò của Nga trong lĩnh vực an ninh và phát triển của châu Âu và Pa-ri. Vì vậy, Mát-xcơ-va đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác về kinh tế, chính trị và an ninh với các quốc gia này.
Giữa lúc những tranh cãi gay gắt về đường hướng quan hệ với Nga còn “chưa có hồi kết”, thì nội bộ NATO lại “dậy sóng” khi nhiều thành viên lên án cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ (nước thành viên) vào cộng đồng người Cuốc (Kurd) ở miền Bắc Xy-ri - đây được coi là hành động gây trở ngại cho cuộc chiến chống Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS của NATO. Đặc biệt, một số nước thành viên NATO còn cấm xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ - việc làm được cho là chưa có tiền lệ - khiến cho quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước này “xấu đi” nghiêm trọng. Nhiều chính khách NATO ca thán rằng, những “bất đồng”, “mâu thuẫn” đang làm xói mòn sự “gắn kết” và “thống nhất” trong Khối.
Rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương ngày càng lớn
Với khẩu hiệu nổi tiếng “nước Mỹ trên hết”, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Đô-nan Trăm đã có những tuyên bố và chính sách “gây sốc”, không chỉ đảo ngược 1800 so với những người tiền nhiệm, mà còn làm cho các đồng minh NATO ở châu Âu “lo ngại”. Giới quan sát quốc tế cho rằng, ông Đô-nan Trăm là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên “công kích” kịch liệt liên minh xuyên Đại Tây Dương - vốn được họ coi là “biểu tượng” của phương Tây. Tổng thống Đô-nan Trăm đã tuyên bố: trong NATO thật phi lý khi Mỹ là nước phải gánh vác quá nhiều gánh nặng tài chính còn các đồng minh châu Âu được hưởng lợi. Ông chỉ trích các đồng minh châu Âu là “những kẻ ăn bám”, đồng thời đe dọa, nếu các nước NATO không tăng chi tiêu quốc phòng (lên 02% GDP) thì Mỹ sẽ không đảm bảo an ninh cho họ. Tổng thống Đô-nan Trăm còn cho áp thuế cao đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu, đáp lại, châu Âu (trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ) cũng đánh thuế cao nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, khiến cho quan hệ Mỹ và châu Âu đứng bên bờ của “cuộc chiến thương mại”. Không chỉ vậy, Oa-sinh-tơn luôn thể hiện vai trò “ông chủ” độc đoán, quyết định các vấn đề quốc tế mà không đếm xỉa đến an ninh, lợi ích của các nước đồng minh. Nhiều nước NATO ở châu Âu đã phản đối gay gắt việc chính quyền Mỹ không tham khảo ý kiến của các đồng minh trước khi quyết định đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) được ký vào năm 2015; tiếp đó, là rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ và Nga (Liên Xô) đã ký năm 1987. Theo các nước này, việc Mỹ hủy bỏ các cơ chế kiểm soát “vũ khí hạt nhân” quốc tế sẽ đẩy thế giới vào nguy hiểm; trong đó, châu Âu có thể trở thành “chiến địa” đối đầu của các cường quốc hạt nhân - viễn cảnh làm cả châu Âu “lo sợ”. Ngoài ra, nhiều đồng minh NATO cũng phê phán các quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm ở Trung Đông, nhất là việc rút quân khỏi Xy-ri là “khó hiểu” và “đi ngược lại các cam kết của Mỹ đối với họ”.
Theo nhiều chuyên gia phân tích quốc tế, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương từ lâu vốn đã không yên ả, nhưng sự “rạn nứt” manh nha từ thời Tổng thống Ô-ba-ma, khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang châu Á - Thái Bình Dương, quyết định mà nhiều nước phương Tây lo ngại là Mỹ “bỏ rơi” châu Âu, đến nay đã hiện hữu. Kế nhiệm ông Ô-ba-ma, Tổng thống Đô-nan Trăm đặt ưu tiên vào các chính sách “nước Mỹ trên hết”, điều đó đã và đang làm cho “vết nứt” trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu ngày càng lớn hơn. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu cho rằng, dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm, họ đang bị Mỹ đối xử như các công dân “Hạng 2” và Mỹ đang biến châu Âu thành “con tin” an ninh của Mỹ. Do lo ngại những “bất ổn” trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu (EU), trong đó nhiều nước thành viên NATO là chủ chốt đã chủ trương xây dựng nền quốc phòng tự chủ, “độc lập” nhằm giảm sự phụ thuộc vào “chiếc ô” an ninh của Mỹ. Nhiều nhà bình luận quốc tế nhận định, nếu Mỹ và châu Âu cứ tiếp tục các hành động “thêm dầu vào lửa” như vừa qua thì sau Brexit của Anh sẽ đến “Đại Brexit” của hai bờ Đại Tây Dương.
NATO đang “chết não”
Giới bình luận của nhiều nước cho rằng, những “lục đục” trong nội bộ NATO vừa qua phản ánh một thực tế là Liên minh này đang thiếu định hướng chiến lược, bất đồng trong việc chia sẻ trách nhiệm và thiếu vắng sự phối hợp ở tầng vĩ mô. Việc thực thi các điều khoản “cốt yếu” của NATO, như Điều 5 về quyền phòng vệ tập thể, quy định “một cuộc tấn công vào đồng minh là cuộc tiến công vào toàn bộ liên minh” cũng bị “lệch chuẩn”. Hay vụ I-ran bắt giữ tàu chở dầu của Anh ở eo biển Hoóc-mút (Hormuz) vào tháng 7-2019, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã nêu rõ rằng, Oa-sinh-tơn không ký một thỏa thuận nào với Anh có quy định Mỹ phải hỗ trợ Anh trong trường hợp này, là một ví dụ điển hình gây tranh cãi trong NATO.
Lý giải về tình trạng NATO đang “chết não” - như cách gọi của Tổng thống Pháp E. Mác-rôn, giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính là do các quan điểm, đường hướng chính trị, quân sự liên quan đến phòng thủ tập thể mà NATO áp dụng từ thời kỳ “Chiến tranh lạnh” đã “lỗi thời”, khi tổ chức này đã “hoán đổi” hoàn toàn từ một liên minh phòng thủ trong phạm vi châu Âu sang một liên minh tiến công trên phạm vi toàn cầu. Bởi vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập, lãnh đạo các nước thành viên NATO coi việc định ra đường hướng chiến lược “phù hợp với hoàn cảnh mới” là nhiệm vụ “cấp bách”, việc mà nhiều người coi là để cứu NATO thoát khỏi tình trạng “chết não”. Hội nghị đã đề ra một số định hướng chiến lược: bên cạnh nhiệm vụ “chống khủng bố”, NATO sẽ chú trọng đến lĩnh vực không gian; phát triển năng lực bảo vệ các vệ tinh quân sự và dân sự; cạnh tranh chiến lược với Nga và Trung Quốc. Như vậy, về mặt chiến lược, NATO đã chính thức xếp Trung Quốc vào hàng “đối thủ cạnh tranh”; đồng thời, Khối cũng chủ trương thành lập nhóm nghiên cứu về học thuyết chính trị, quân sự mới của Liên minh cho phù hợp với thực tế. Đây có phải là cuộc “cải tổ” mà NATO đang cần và kết quả của nó ra sao vẫn còn là câu hỏi bị “bỏ ngỏ”.
Dư luận quốc tế cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giảm đối đầu, giải quyết bất đồng, mâu thuẫn bằng đối thoại hòa bình, hợp tác cùng phát triển đang là xu thế chủ đạo của thời đại, thì NATO cần phát huy vai trò tích cực của một liên minh chính trị, quân sự hàng đầu thế giới trong việc duy trì luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Hợp tác chặt chẽ với các nước để đối phó, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức, xây dựng thế giới hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng, tuyệt đối không được ỷ vào sức mạnh để răn đe hoặc sử dụng vũ lực nhằm đạt mục tiêu cường quyền, bá quyền khu vực và thế giới. Chỉ có như vậy, NATO mới tồn tại và phát triển.
MINH ĐỨC
Nato,Quốc phòng,quân sự nước ngoài
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ