Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:42 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Hơn một thập kỷ kể từ khi chính quyền Tổng thống Muammar Gaddafi sụp đổ đến nay, Libya vẫn là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng “Mùa xuân Arab”. Bạo lực, loạn lạc, chia rẽ, nghèo đói, khủng bố,… khiến cho đất nước Bắc Phi này vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng toàn diện mà mọi con đường dẫn tới hòa bình và ổn định đều bế tắc.
Đông - Tây phân tranh
Là quốc gia giàu có với nền kinh tế ổn định và đáng ngưỡng mộ bậc nhất khu vực Bắc Phi, chắc chắn chính quyền của Tổng thống quá cố Muammar Gaddafi không thể nghĩ được rằng đất nước mà ông đã cầm quyền trong suốt 42 năm lại không thể chống đỡ được những “rung lắc” từ các cơn sóng của “Mùa xuân Arab” tràn qua khu vực. Bắt đầu từ vụ một nhà đấu tranh nhân quyền bị bắt tại thành phố Benghazi vào ngày 26/02/2011, cuộc nổi dậy tại Libya bùng phát như một hiệu ứng của các phong trào dân chủ ở các quốc gia láng giềng là Tunisia và Ai Cập. Cuộc nổi dậy không những không bị chặn đứng bởi các biện pháp mạnh tay của chính quyền ở Tripoli mà còn nhanh chóng lan tràn khắp đất nước và làm lung lay dinh Tổng thống của ông Muammar Gaddafi. Sau khi Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 1973 vào ngày 17/3/2011 cho phép quốc tế can thiệp vào Libya để bảo vệ thường dân, các cuộc tập kích của liên minh quân sự do phương Tây dẫn đầu được tiến hành rầm rộ nhằm vào Libya, báo hiệu một tương lai “lành ít dữ nhiều” cho Đại tá Muammar Gaddafi. Chỉ vài ngày sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Hillary Clinton vào tháng 10/2011 rằng, thời gian cho chế độ của nhà lãnh đạo Libya chỉ còn được tính trên đầu ngón tay, ông Muammar Gaddafi đã bị sát hại tại thành phố Syrte, cách thủ đô Tripoli 450 km về phía Đông. Cái chết bất ngờ của vị tổng thống từng nắm giữ quyền lực một thời không chỉ kết thúc hơn bốn thập kỷ cầm quyền của Ông mà còn khép lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt ở quốc gia Bắc Phi; đồng thời, chính thức mở ra một trang sử mới cho Libya.
Tuy nhiên, mọi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn thời “hậu Gaddafi” đã dần tan biến. Thay vì được tận hưởng những thành quả không thể chối cãi của sự thịnh vượng sau khi cải thiện mối quan hệ với phương Tây khiến các doanh nhân châu Âu ồ ạt tới làm ăn, người dân Libya đã oằn mình gánh chịu những hệ lụy khủng khiếp của làn sóng bạo lực mới. Tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ chỉ tạo ra được sự yên ổn không bao lâu. Thậm chí, cuộc bầu cử tự do được tổ chức ở nước này trong vòng hơn 40 năm diễn ra vào ngày 07/7/2012, nhằm chọn ra 200 nghị sĩ Quốc hội lập hiến đầu tiên cuối cùng chỉ mang ý nghĩa biểu trưng. Libya rơi vào vòng xoáy nội chiến lần thứ hai khi đất nước bị chia cắt do được điều hành bởi hai chính quyền cùng tồn tại song song. Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu ở thủ đô Tripoli nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc và được Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Trong khi đó, chính quyền ở miền Đông do Tướng Khalifa Haftar “cai quản”. Bị thất sủng dưới chế độ Gaddafi, vị tướng này sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1987. Khi Libya trong tâm bão “Mùa Xuân Arab”, ông Khalifa Haftar trở về nước tham gia cuộc nổi dậy. Tận dụng sự hỗn loạn lúc đó, ông chiêu dụ được một số cựu sĩ quan dưới trướng của Tổng thống Muammar Gaddafi và thành lập Lực lượng quân đội quốc gia Libya (LNA) chiếm giữ khu vực phía Đông. Chính quyền của ông được Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia ủng hộ; đồng thời, nhận được sự trợ giúp về chính trị từ một số nước, như: Mỹ, Nga và Pháp, v.v.
Tình trạng mỗi người “hùng cứ” một phương tạo nên cục diện chính trị phức tạp và hỗn loạn tại Libya. Bên cạnh cuộc đọ sức giữa hai miền Đông - Tây chia cắt đất nước và đẩy quốc gia này chìm vào bạo lực triền miên giữa các phe phái, sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài cũng khiến cuộc xung đột vũ trang tại Libya mang màu sắc của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Là quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ, với trữ lượng được kiểm chứng hơn 46 tỉ thùng, Libya có vị trí địa chính trị rất quan trọng tại Bắc Phi - Trung Đông và khu vực vành đai Địa Trung Hải mà các cường quốc khu vực và thế giới luôn đặt mục tiêu mở rộng ảnh hưởng. Khoảng trống quyền lực tại nước này vô tình đã trở thành lời mời gọi đầy hấp dẫn để mỗi thế lực có những tính toán riêng. Nga không che giấu cảm tình với Tướng Khalifa Haftar và đã có sự hỗ trợ nhất định, trong khi Anh, Pháp,… hy vọng vị Tổng tư lệnh quân đội tại miền Đông này có thể giúp kiểm soát dòng người di cư đổ về châu Âu. Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ đó, Thống chế tự phong Khalifa Haftar tăng cường mở rộng tầm kiểm soát tới vùng Tripolitaine ở Tây Bắc Libya đang trong sự quản lý của Thủ tướng Fayez al-Sarraj. Nhận thấy đồng minh lâm nguy, Thổ Nhĩ Kỳ nhập cuộc với quyết định điều 7.000 dân quân sang Libya, trang bị quân sự và máy bay tự hành đến hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết dân tộc ở Tripoli giữa lúc lực lượng này thường xuyên nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Qatar trong suốt cuộc chiến. Bên cạnh mục tiêu làm đối trọng với sự hiện diện của Nga và giành quyền kiểm soát một phần nguồn dầu mỏ quý giá của Libya ở ngoài khơi Địa Trung Hải, một chiến thắng của Chính phủ Đoàn kết dân tộc ở Tripoli không chỉ tạo điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có chỗ đứng ở quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn này mà còn mang lại cho họ vai trò chiến lược, gia tăng ảnh hưởng với các nước khác tại khu vực, như: Tunisia và Ai Cập. Về phần mình, đương nhiên, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất không dễ dàng để một quốc gia có khả năng sản xuất tới 2,5 triệu thùng dầu/ngày rơi vào tay những đối thủ trong khu vực. Sự thắng thế của Chính phủ Đoàn kết dân tộc đồng nghĩa với việc vị thế của Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tại Trung Đông và Bắc Phi bị suy yếu nghiêm trọng. Vì vậy, vấn đề Libya càng trở nên phức tạp và khó giải quyết khi đã vượt qua khuôn khổ của một cuộc nội chiến để trở thành sàn đấu quyền lực quốc tế, nơi tranh giành ảnh hưởng của các quốc gia.
Chưa thấy ánh sáng
Sau hơn một thập kỷ “Mùa Xuân Arab” đi qua, xung đột và bạo lực đã đẩy cuộc sống của người dân tại đất nước từng được xem là thịnh vượng tại Bắc Phi này vào cảnh khốn cùng, chưa có được một ngày bình yên thực sự. Bất ổn liên miên cũng đã biến Libya thành mảnh đất màu mỡ cho các nhóm khủng bố và cực đoan, trong đó có tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bén rễ và hoành hành, gây bất ổn cho toàn khu vực 09 nước trong vùng Sahel ở châu Phi: Senegal, Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Sudan, Eritrea. Những lỗ hổng về an ninh tại Libya cũng là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới Thứ hai khi hàng triệu người tị nạn tràn vào quốc gia Bắc Phi từ các nước trong khu vực để vượt biển đến với miền đất hứa bên kia Địa Trung Hải.
Với bối cảnh lộn xộn như vậy, điểm bắt đầu cho con đường hòa bình tại Libya là phải thành lập được một chính phủ hợp pháp duy nhất và thống nhất để lãnh đạo đất nước. Dưới sự nỗ lực của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, một thoả thuận ngừng bắn giữa các phe phái tham chiến tại Libya đã được ký kết vào tháng 10/2020, nhằm tạo điều kiện cho lộ trình khó khăn trên. Vài tháng sau, chính phủ lâm thời mang tên Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) lên nắm quyền với nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 24/12/2021. Thế nhưng, sự kiện lịch sử rất được mong đợi này lại lỗi hẹn với các cử tri Libya do bị dời vô hạn định vào phút chót. Những tranh chấp nội bộ tiếp tục cản trở Libya tái lập trật tự chính trị khi các phe phái tại nước này vẫn bất đồng sâu sắc về cơ sở hiến pháp để tổ chức các cuộc bầu cử cũng như chưa có sự đồng thuận về cơ cấu quyền lực. Những người đang nắm quyền trong cái gọi là thể chế chính trị lâm thời do Liên hợp quốc và các cường quốc phương Tây bảo trợ tại Tripoli không mấy mặn mà với việc tổ chức bỏ phiếu xuất phát từ nỗi lo sợ sẽ không còn được ngồi trên chiếc ghế quyền lực sau bầu cử. Hiện chính phủ lâm thời của Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibeh và cá nhân ông cũng đứng trước nguy cơ bị loại khỏi chính trường bằng một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội khi nhà lãnh đạo này bị cáo buộc đang tận dụng các nguồn lực của chính phủ để duy trì quyền lực và gia tăng lợi thế trong các cuộc bầu cử sắp tới, sự kiện mà ông từng cam kết sẽ không tham gia với vai trò một ứng viên tổng thống. Tiến trình dân chủ còn bị đe dọa nghiêm trọng khi Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh ký phê chuẩn Luật bầu cử tổng thống vào tháng 9/2021 mà không thông qua bỏ phiếu. Lực lượng đối địch cho rằng quyết định vội vàng này của ông nhằm hợp thức hóa hành động tự ý sửa đổi Luật bầu cử để mở đường cho đồng minh thân cận là Tướng Khalifa Haftar có cơ hội quay trở lại vị trí lãnh đạo lực lượng quân đội ở miền Đông nếu thất bại trong Cuộc bầu cử Tổng thống.
Sự chia rẽ, tư tưởng phe phái nặng nề tới mức không ứng cử viên nào trong số những nhân vật tiềm năng nhất nhận được sự thừa nhận một cách rộng rãi. Ứng viên Seif al-Islam, con trai của cố lãnh đạo Muammar Gaddafi bị cho là một tội phạm khi đang bị Tòa án Hình sự quốc tế truy nã liên quan đến hoạt động đàn áp người biểu tình trong cuộc nổi dậy ở Libya từ tháng 02 đến tháng 10/2011. Nếu ông này giành chiến thắng thì sẽ lập tức kích hoạt cuộc chiến do phe chống Gaddafi khởi động hay một cuộc tổng tấn công nhằm vào Tripoli do Tướng Khalifa Haftar dẫn đầu. Trong khi đó, cho dù là anh hùng một phương, có thể “hô mưa gọi gió” ở miền Đông nhưng đối với dân cư vùng Tripolitaine, Tướng Khalifa Haftar vẫn bị coi là kẻ thù số một. Trong trường hợp quyền lực về tay Thủ tướng lâm thời Abdulhamid Dbeibah, Ông này cũng không dễ dàng ngồi vào chiếc ghế cao nhất một cách êm ái khi từng là một doanh nhân thân cận với chế độ Gaddafi.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh bạo lực tràn lan hiện nay, sẽ rất khó để tổ chức được một cuộc bầu cử an toàn tại Libya. Không những vậy, nếu có tổ chức được thì việc hiện thực hóa một cách đúng nghĩa kết quả của các vòng bỏ phiếu còn khó khăn hơn nhiều. Sau hơn 10 năm thay đổi thể chế, chia cắt, cát cứ, bè phái trong hàng ngũ quân đội, cảnh sát, các định chế của nhà nước,… đã trở thành một căn bệnh thâm căn cố đế của quốc gia Bắc Phi này. Có lẽ phải còn rất lâu nữa, đất nước đầy tiềm năng kinh tế này mới có thể dần chữa lành những di chứng của “Mùa Xuân Arab” để xác lập được quỹ đạo hòa bình, ổn định.
VÂN KHANH
Libya,cuộc khủng hoảng,“Mùa xuân Arab”
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ