Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Bảy, 11/09/2021, 10:32 (GMT+7)
Cuộc chiến của Mỹ và NATO tại Afghanistan - những sai lầm về chiến lược

Mỹ quyết định rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan khép lại cuộc chiến gần hai mươi năm tại quốc gia Nam Á này. Điều gì đã khiến cuộc chiến trở nên “hao người tốn của” và “kéo dài nhất” trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ?(!) Bài viết đi sâu phân tích những sai lầm chiến lược của Mỹ và NATO trong cuộc chiến tại Afghanistan.

Mặc dù luôn có ưu thế tuyệt đối về lực lượng và phương tiện, nhưng Mỹ cùng một số nước đồng minh NATO vẫn không thể giành kết quả như mong muốn trong cuộc chiến tưởng chừng chỉ “diễn ra một chiều” tại Afghanistan. Theo nhiều chuyên gia phân tích quốc tế, cuộc chiến mà Mỹ và NATO tiến hành tại quốc gia Nam Á này đã phạm phải không ít sai lầm về chiến lược:

Trước tiên, Mỹ và NATO đã mượn danh “chống khủng bố” để tiến hành cuộc chiến nhằm thực hiện mưu đồ bá quyền thế giới. Ngay sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Tổng thống George W. Bush đã ký thông qua Đạo luật Ủy quyền Chiến tranh (AUMF); theo đó, Mỹ có thể sử dụng vũ lực để chống lại các quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân đứng sau vụ khủng bố 11/9/2001 và Đạo luật chính là cơ sở pháp lý để Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự tại Afghanistan (tuy nhiên, các đời Tổng thống Mỹ sau này đã dựa vào AUMF để tiến hành can thiệp quân sự tại nhiều quốc gia khác trên thế giới). Sau khi lật đổ chính quyền Taliban, đánh cho Al-Qaeda “tan tác”, Mỹ và các đồng minh tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại đây, đồng thời gia tăng ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị, quân sự, an ninh và đối ngoại đối với nước này. Về kinh tế, Mỹ chi hàng trăm tỉ USD và gia tăng sức ép với các đồng minh cùng một số nước để viện trợ “tái thiết” Afghanistan, thực chất là để chi phối nền kinh tế. Về chính trị, tháng 12/2001, Mỹ tiến hành xây dựng chính

quyền dân sự (thân Mỹ) do ông Hamid Karzai đứng đầu, đồng thời cử chuyên gia sang giúp Kabul xây dựng bộ máy chính quyền từ trung ương tới các địa phương; xây dựng hệ thống luật pháp; cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo, thông tin, truyền thông cùng các vấn đề khác có liên quan, với hy vọng hệ thống chính quyền mới có thể bảo vệ lợi ích lâu dài của Mỹ ở Afghanistan và khu vực. Tuy nhiên, do khả năng quản lý yếu kém, nạn tham nhũng tràn lan, bộ máy mà Tổng thống Hamid Karzai “chỉ huy” trở thành vấn đề gây nhức nhối, đe dọa sinh mệnh chính trị của chính quyền do Mỹ dựng lên. Về quân sự và an ninh, Mỹ cùng các đồng minh đã thiết lập nhiều căn cứ quân sự để khống chế và kiểm soát các khu vực trọng yếu của Afghanistan, trong đó phải kể đến căn cứ không quân chiến lược Bagram, nơi được cho là trung tâm chỉ huy tác chiến của quân đội Mỹ và NATO tại khu vực Trung Á cũng như Trung Đông. Ngoài ra, Mỹ còn viện trợ vũ khí, trang bị và tổ chức huấn luyện cho quân đội, lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan theo mô hình phương Tây, nhằm biến đội quân này thành lực lượng bảo vệ an ninh cũng như lợi ích cốt lõi của Mỹ ở khu vực Nam Á. Về đối ngoại, Mỹ tiến hành gây sức ép để Liên hợp quốc cùng các nước công nhận chính quyền Afghanistan do Mỹ dựng lên và từng bước lôi kéo nước này vào quỹ đạo của phương Tây.

Afghanistan là quốc gia nằm án ngữ ngã tư giao lộ quốc tế Á - Âu, có vị trí địa chính trị quan trọng đối với khu vực. Theo các chuyên gia quốc tế, nếu nắm giữ được Afghanistan thì từ đây có thể khống chế được khu vực Trung, Nam Á và Trung Đông. Vì vậy, quốc gia này luôn được xem là “miếng mồi ngon” mà các cường quốc thường xuyên “dòm ngó” và tranh giành. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan, Mỹ và phương Tây đã hậu thuẫn tài chính, vũ khí, trang bị cho các “lực lượng thánh chiến” địa phương, trong đó có Taliban và Al-Qaeda để các lực lượng này chống lại đội quân viễn chinh của Liên Xô, gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô rút quân, lực lượng Taliban do Giáo chủ Mohammed Omar cầm đầu đã giành được quyền lãnh đạo đất nước Afghanistan. Chính quyền Taliban lại đề cao tư tưởng “bài ngoại” cực đoan khiến cho kế hoạch can dự vào Afghanistan của Mỹ bị phá sản. Sự kiện “Al-Qaeda” tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 chính là “cái cớ” để Mỹ trực tiếp can thiệp quân sự, hiện thực hóa mưu đồ kiểm soát quốc gia Nam Á có vị trí chiến lược trọng yếu này. Dư luận Afghanistan cũng như nhiều nước trên thế giới đã vạch trần mưu đồ của Mỹ và NATO, đồng thời lên án, phản đối cuộc chiến tranh dưới danh nghĩa “chống khủng bố” để đánh chiếm Afghanistan, thực hiện tham vọng bá quyền khu vực và thế giới.

Thứ hai, Mỹ và NATO tiến hành cuộc chiến tranh mà không hiểu rõ đối phương. Theo các chuyên gia quân sự, cuộc chiến do Mỹ và NATO tiến hành tại Afghanistan được chia thành hai giai đoạn nối tiếp nhau, đó là giai đoạn “lật đổ” chính quyền Taliban và giai đoạn “bình định” Afghanistan. Trong giai đoạn đầu, Mỹ và NATO đã sử dụng ưu thế tuyệt đối về không quân, hải quân và sức mạnh của vũ khí, trang bị hiện đại để tiến hành các chiến dịch tiến công đường không vào những mục tiêu trọng yếu của Taliban trên toàn lãnh thổ Afghanistan. Sau khi làm “mềm” chiến trường, các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ và NATO phối hợp với Liên quân phương Bắc tiến hành các chiến dịch tiến công trên bộ “lật đổ chính quyền Taliban”. Giới chức quân sự Mỹ và NATO khi đó đã ca ngợi việc đánh bại chính quyền Taliban là “chiến thắng” khẳng định sức mạnh vô địch của siêu cường Mỹ và NATO. Ngoài ra, họ cũng kỳ vọng Mỹ có thể phát triển phương thức tiến hành chiến tranh mới - chiến tranh công nghệ cao trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, trên thực tế, việc lật đổ chính quyền Taliban chỉ là “màn khởi đầu” cho cuộc chiến “tồi tệ”, kéo dài suốt hai thập kỷ giữa một bên là Mỹ và NATO còn bên kia là tàn quân Taliban.

Trong giai đoạn “bình định” Afghanistan và chống lại tàn quân Taliban đang “trỗi dậy”, Washington tuy đã có những chính sách riêng biệt, nhưng vẫn không tránh khỏi “vết xe đổ”, đó là sử dụng sức mạnh quân sự một cách “tuyệt đối” trước một đối thủ mà họ cho là rất “cứng đầu” và “khó chịu”. Nhiều quan chức Nhà Trắng đã thừa nhận, Mỹ phạm sai lầm “đáng tiếc” khi quá đề cao sức mạnh quân sự và “đức tin” mù quáng, đồng thời cho rằng, tàn quân Taliban chỉ là những kẻ bại trận, cuồng tín và ô hợp. Trên thực tế, đa số tàn quân Taliban là những chiến binh bản địa, thông thạo địa hình và giỏi tác chiến du kích, cho nên Mỹ và NATO dù đã thay đổi nhiều chiến thuật, sử dụng nhiều loại vũ khí tiên tiến, nhưng hiệu quả tác chiến vẫn rất thấp. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2011, khi Tổng thống Barack Obama tăng quân lên đến mức kỷ lục (hơn 100.000 quân), thì Mỹ và NATO vẫn không đánh bại được Taliban, trái lại số binh lính Mỹ thương vong còn tăng cao (trên 1.000 người). Trong khi đó, quân đội và lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan tuy được trang bị vũ khí hiện đại, huấn luyện bài bản, nhưng tinh thần chiến đấu không cao nên thường thất bại khi đối đầu với tàn quân Taliban. Theo một số báo cáo, chỉ một năm sau khi “Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế” do NATO đứng đầu chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh (2014), lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan đã để mất nhiều địa bàn chiến lược vào tay Taliban. Ngoài ra, Mỹ, NATO và chính quyền Kabul cũng bất lực do không thể ngăn chặn được các nguồn tiếp tế của Taliban, nhất là nguồn cung cấp ma túy - nguồn lợi nhuận khổng lồ giúp Taliban mua sắm vũ khí và tuyển mộ chiến binh.

Đánh giá về cuộc chiến ở Afghanistan, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng: Mỹ đã không hiểu và không thể hiểu những phức tạp trong xã hội, văn hóa, lịch sử và con người ở đây, nên các chiến lược đưa ra đều không hiệu quả, quân đội bị “sa lầy”; “Mỹ giỏi lật đổ các chính phủ nhưng không biết làm thế nào để thay thế họ”.

Thứ ba, Mỹ và NATO tiến hành cuộc chiến tranh vi phạm nhân quyền, nhân đạo. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu quốc tế, việc Mỹ và NATO áp đặt mô hình dân chủ, nhân quyền hòng “phương Tây hóa” Afghanistan thực chất là chính sách thực dân kiểu mới, vi phạm luật pháp quốc tế về quyền tự quyết định lựa chọn con đường phát triển của các quốc gia, dân tộc. Nhiều quan chức Mỹ cũng đã thừa nhận, những nỗ lực biến Afghanistan thành quốc gia có nền dân chủ ổn định, an toàn, thịnh vượng theo kiểu phương Tây đã bị “đổ bể”. Ngoài ra, chiến thuật sử dụng máy bay không người lái, lực lượng tác chiến đặc biệt để tiến hành các đòn “phẫu thuật ngoại khoa”, “tiến công từ xa” với phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót” tuy tiêu diệt được nhiều chỉ huy cấp cao của Taliban và Al-Qaeda, trong đó có Trùm khủng bố Bin Laden,… nhưng cũng làm hàng chục nghìn thường dân vô tội chết hoặc bị thương. Bên cạnh đó, việc Mỹ sử dụng nhiều loại bom và tên lửa thế hệ mới, trong đó có bom GBU-43 - bom “mẹ các loại bom” đã vấp phải sự phản đối quyết liệt về ý đồ “man rợ”, biến Afghanistan thành nơi phô trương sức mạnh và thử nghiệm vũ khí nguy hiểm. Mặt khác, chính sách “chia để trị”, hậu thuẫn cho Liên minh phương Bắc và các lãnh chúa chống lại Taliban càng làm sâu sắc thêm các cuộc xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo ở Afghanistan. Hơn hết, số lượng bom đạn khổng lồ mà Mỹ và NATO trút xuống Afghanistan trong hai thập niên đã tàn phá đất nước này với những hệ lụy nặng nề, khiến hàng trăm nghìn gia đình phải ly tán, tình trạng bạo lực, bệnh tật, đói nghèo, mù chữ tăng cao, tệ nạn xã hội khó kiểm soát, v.v. Trên thực tế, Mỹ và NATO cũng phải trả giá đắt cho những sai lầm chiến lược, khi mà cuộc chiến tại Afghanistan đã trở thành cuộc chiến “hao người tốn của” bậc nhất của Mỹ, với chi phí ước tính khoảng 2.200 tỉ USD, hơn 2.400 binh lính thiệt mạng, hàng chục nghìn lính bị thương. “Sa lầy” suốt hai thập niên tại Afghanistan, tiếp theo là Iraq và Trung Đông đã làm cho sức mạnh quân sự của Mỹ bị suy giảm đáng kể, các cường quốc khác đã lợi dụng cơ hội này để vươn lên, thách thức vị trí siêu cường số 1 của Mỹ.

MINH ĐỨC

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...