Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 20/05/2021, 07:57 (GMT+7)
Chiều hướng chính sách của Mỹ đối với Iran hiện nay

Quan hệ Mỹ - Iran vẫn chưa có chuyển biến đáng kể nào từ khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) và tái áp đặt, bổ sung các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này. Việc Tổng thống Joe Biden tiếp tục thực thi các chính sách của người tiền nhiệm hay lựa chọn hướng đi mới cho vấn đề Iran được dư luận nước Mỹ và thế giới hết sức quan tâm.

Chính sách “gây sức ép tối đa” khiến kinh tế Iran suy yếu

Tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do: Thỏa thuận này không những không đủ mạnh để vô hiệu hóa hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran và xử lý các thách thức an ninh khác do Iran tạo ra, mà còn mở rộng vai trò ảnh hưởng của nước này tại một số quốc gia như Yemen, Syria và Iraq. Ông Trump cũng từng chỉ trích Iran sử dụng nguồn tiền từ việc xuất khẩu dầu mỏ để hỗ trợ các nhóm khủng bố trong khu vực, điều mà Mỹ không thể chấp nhận xét từ khía cạnh an ninh quốc gia.

Ngay sau khi rút khỏi JCPOA, Mỹ đã tái áp đặt và bổ sung các lệnh trừng phạt nhằm “gây sức ép tối đa”, bóp nghẹt nền kinh tế, buộc Iran phải đồng ý đàm phán một thỏa thuận mới, đáp ứng yêu cầu do phía Mỹ đưa ra. Ngoài ra, để cắt nguồn tài chính của Iran dành cho chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như hỗ trợ các tổ chức khủng bố, đồng thời loại nước này ra khỏi hệ thống tài chính thế giới và không thể giao thương được với nước ngoài, Mỹ thực hiện tương đối triệt để lệnh trừng phạt trên các lĩnh vực: năng lượng, tài chính, ngân hàng, sản xuất vũ khí, công nghệ ô tô, kim loại quý, đá quý và ngành công nghiệp. Nhiều nước lo ngại trở thành đối tượng bị trừng phạt nên đã hạn chế giao dịch với Iran, việc này đã làm cho nền kinh tế của Iran suy giảm nghiêm trọng. Cùng với đó, đại dịch Covid-19, giá dầu xuống thấp khiến Iran phải đối mặt thêm với nhiều thách thức. Năm 2020, sản lượng sản xuất dầu thô, nguồn thu chính của nền kinh tế Iran giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua, chỉ còn dưới 02 triệu thùng/ngày, bằng một nửa sản lượng năm 2018; GDP giảm 6,8%; lạm phát tăng 46% và khoảng 55% người dân Iran sống dưới mức nghèo khổ, tăng 05 lần so với thời điểm năm 2018, trước khi Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt.

Thế khó của chính quyền Tổng thống Joe Biden

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran, ông Joe Biden đã chỉ trích hành động này là sai lầm, mở đường cho Iran khởi động lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, việc đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn chỉ là “ảo tưởng”. Trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống năm 2020, ông Joe Biden nhiều lần khẳng định sẽ quay trở lại JCPOA nếu Iran tuân thủ đầy đủ nội dung Thỏa thuận. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện đang phải đối mặt với một số áp lực từ cả trong nước và ngoài nước trong xử lý vấn đề Iran.

Thứ nhất, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran đã quay lại làm giàu uranium vượt ngưỡng theo thoả thuận 3,67%. Gần đây, nước này còn tuyên bố sẽ làm giàu uranium lên mức 20%. Các chuyên gia Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng, mức 20% là hết sức nguy hiểm vì sau mức này Iran sẽ dễ dàng làm giàu uranium để phục vụ phát triển vũ khí hạt nhân. Theo một số chuyên gia, hiện Iran đang có khoảng 20 kg uranium 20% và có đến 3.000 kg uranium làm giàu ở mức thấp hơn. Ngoài ra, IAEA cũng cho biết, Iran đang sản xuất uranium metal, nguồn nhiên liệu quan trọng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Đầu tháng 02/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, chỉ vài tháng nữa là Iran sản xuất đủ vật liệu phân hạch, nếu dỡ bỏ trừng phạt, quá trình này sẽ được đẩy nhanh lên trong vài tuần. Mới đây, Tehran có động thái sẽ hạn chế thanh sát viên quốc tế đến thăm, thanh tra đột xuất các cơ sở hạt nhân và chỉ tiến hành đàm phán nếu Washington dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Trong khi đó, lập trường của Washington đến nay là chỉ tiến hành dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau khi Tehran ngưng làm giàu uranium và quay trở về ngưỡng 3,67%. Trong cuộc đối thoại trực tuyến với các nước Anh, Pháp và Đức hồi tháng Hai vừa qua, Mỹ đồng ý nối lại đối thoại với Iran và nhóm P5+1, song Iran đã từ chối lời đề nghị này, đồng thời tái khẳng định lập trường yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi tiến hành đàm phán.

Thứ hai, chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện đang gặp khó khăn về vấn đề Iran trong việc đưa ra chính sách đối với lưỡng đảng. Một bộ phận nghị sĩ cấp tiến trong đảng Dân chủ đang thành lập liên minh để gây sức ép buộc Tổng thống Joe Biden sớm khôi phục JCPOA. Ngoài ra, rất nhiều quan chức đối ngoại cao cấp trong chính phủ Mỹ hiện nay như Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu John Kerry, Giám đốc CIA William Burns, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã từng tham gia vào quá trình đàm phán Thỏa thuận này dưới thời Tổng thống Obama.

Ngược lại, hầu hết các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và thậm chí một số thành viên chủ chốt của Đảng Dân chủ, như các Thượng nghị sĩ: Charles Schummer, Bob Mendenev, Joe Manchin phản đối JCPOA vì cho rằng, Thỏa thuận này còn nhiều “lỗ hổng”, có thể giúp Iran đủ năng lực để phát triển vũ khí hạt nhân ngay sau khi JCPOA hết hạn; không xử lý được chương trình tên lửa của Iran và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ cũng tạo điều kiện cho nước này có nguồn tài chính để hỗ trợ các hành vi gây bất ổn trong khu vực. Đầu tháng 3/2021, 43 Thượng nghị sĩ lưỡng đảng gửi thư lên Tổng thống Joe Biden đề nghị phối hợp với một số nước cùng xử lý nhiều vấn đề của Iran chứ không chỉ tập trung vào chương trình hạt nhân.

Thứ ba, các đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông, nhất là Israel và Ả Rập Xê Út phản đối gay gắt việc Mỹ quay lại JCPOA; yêu cầu tìm kiếm một thỏa thuận mạnh hơn, có sự tham gia của một số nước trong khu vực để xử lý các mối đe dọa an ninh do Iran tạo ra. Thủ tướng Israel Netanyahu phản đối kịch liệt JCPOA vì cho rằng, Thỏa thuận giúp Iran rút ngắn thời gian làm giàu uranium tới ngưỡng phát triển vũ khí hạt nhân. Ông từng vận động cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và hiện nay đang vận động Tổng thống Joe Biden cùng Quốc hội Mỹ không quay lại Thỏa thuận, tiếp tục duy trì trừng phạt Iran. Lãnh đạo một số quốc gia trong vùng Vịnh cho rằng, Thoả thuận này giúp Iran củng cố tham vọng bá quyền khu vực, không xử lý được việc Iran hỗ trợ các nhóm chiến đấu ủy thác gây ra các cuộc xung đột tại Trung Đông.

Chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden

Việc đạt được đột phá trong quan hệ Mỹ - Iran là một bài toán khó đối với hai nước; bởi, hai bên thiếu lòng tin nghiêm trọng, mỗi bên đều coi sự nhượng bộ trước của đối phương là thể hiện thiện chí đàm phán. Việc Washington quay lại JCPOA với các điều khoản như năm 2015 cũng ít khả thi do Tehran đã làm giàu uranium vượt ngưỡng Thỏa thuận. Bên cạnh đó, với sức ép từ nội bộ nước Mỹ và sự phản đối gay gắt của đồng minh, đối tác trong khu vực, đặc biệt là Israel, đang tạo lực cản không nhỏ đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Mặt khác, Mỹ cũng phải tính tới ảnh hưởng của các nước lớn, nhất là Nga và Trung Quốc. Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Nga đã tận dụng tốt “con bài” Iran để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Nga được coi là nhân tố đóng vai trò kiến tạo hòa bình, trung gian hòa giải giữa Iran và khối Ả Rập. Hiện nay, Nga chưa có động thái cản trở Mỹ quay trở lại JCPOA, song rõ ràng Nga được hưởng lợi từ việc Mỹ không phải là một bên của Thỏa thuận. Bên cạnh Nga, Trung Quốc cũng đang tranh thủ thời cơ để tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông. Trung Quốc vừa ký Hiệp ước hợp tác chiến lược kéo dài 25 năm với Iran. Theo Hiệp ước, Trung Quốc sẽ kết nối Iran vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” thông qua khoản đầu tư 400 tỉ USD trên các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, công nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng và hóa dầu của Iran; đổi lại, họ sẽ có được nguồn cung dầu thường xuyên với giá thấp. Việc Iran hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp nước này tìm ra hướng đi mới, phần nào giảm bớt áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và cũng là cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quân sự, tình báo, chống khủng bố. Tuy nội bộ Iran vẫn tranh cãi việc Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và quân sự tại nước này, song các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến Iran không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc xích lại với Trung Quốc và Nga.

Vì vậy, trước mắt, nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục áp dụng chính sách “gây sức ép tối đa” về kinh tế thông qua các biện pháp trừng phạt để làm suy yếu Iran; tăng cường hợp tác với các đồng minh châu Âu, các nước có liên quan như Nga, Trung Quốc để thúc ép Iran trong vấn đề hạt nhân. Việc Mỹ quay lại JCPOA không giống việc Mỹ quay lại Tổ chức Y tế thế giới hay Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nên Washington phải cân nhắc rất kỹ và có thể thúc đẩy đàm phán sửa đổi Thỏa thuận nhằm đáp ứng các yêu cầu hiện nay của Mỹ.

Cùng với vấn đề hạt nhân, đối phó với hành vi mở rộng ảnh hưởng của Tehran cũng là ưu tiên hàng đầu của Mỹ khi Iran đang đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Yemen. Vì thế, trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump đã đưa Israel vào khu vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ chỉ huy Trung tâm chuyên trách khu vực Trung Đông (trước Israel thuộc phạm vi của Bộ chỉ huy châu Âu chuyên trách khu vực châu Âu). Sự kiện này cùng với việc Israel bình thường hóa quan hệ với Bahrain, UAE, Sudan và Maroc đã mở đường cho Israel tham gia sâu hơn vào các cơ chế hợp tác an ninh trong khu vực, tăng khả năng phối hợp với các nước Ả Rập để đối phó với mối đe dọa an ninh mà Iran tạo ra. Washington cũng thể hiện quyết tâm, sẵn sàng đáp trả tương xứng trong trường hợp quân đội Mỹ bị tấn công, song sẽ tránh các hành động làm leo thang căng thẳng như sự kiện sát hại tướng Soleimani hồi tháng 01/2020. Ngoài ra, vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng là một nội dung được ưu tiên xử lý trong quan hệ với Iran. Điều này được thể hiện trong phát biểu của ông Jake Sullivan cho rằng, việc sát hại nhà báo Ruhllah Zam (12/2020) là vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Như vậy, khả năng Washington quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân như đã cam kết rất khó xảy ra, mà thay vào đó là sự tranh thủ ảnh hưởng của đồng minh, đối tác và các cường quốc nhằm tiếp tục gây sức ép tối đa với Tehran. Ngày 06/4 vừa qua, tại Vienna (Áo), Mỹ và Iran đã khởi động chương trình đối thoại không trực tiếp thông qua trung gian là EU. Hai bên đã thành lập 02 nhóm làm việc, cùng thảo luận bước đi tiếp theo trong vấn đề: Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran; Iran quay trở lại và tuân thủ các điều khoản quy định tại JCPOA. Cuộc họp được cho là có tính xây dựng, có thể giúp quan hệ Mỹ - Iran giảm căng thẳng và khởi động lại các đối thoại trong thời gian tới, song khó có khả năng hai bên sớm đạt được thỏa thuận thực chất trong ngắn hạn.

MỸ CHÂU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...