Thứ Năm, 24/04/2025, 19:36 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Sau thời gian dài đàm phán cam go, ngày 29/02/2020 tại Doha (Qatar), Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận lịch sử về Afghanistan (Thỏa thuận Doha). Dư luận đánh giá, Thỏa thuận là một văn kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử, mở ra triển vọng chấm dứt cuộc chiến tàn khốc kéo dài gần 20 năm, hướng tới thiết lập nền hòa bình ở quốc gia Nam Á này.
Tháng 10/2001, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu mở “cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu” bằng chiến dịch quân sự tấn công Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban - chính quyền mà Mỹ kết tội dung túng tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda (gây ra vụ khủng bố kinh hoàng tại Mỹ ngày 11/9/2001). Kể từ đó đến nay, đã gần 02 thập kỷ, tàn quân Taliban vẫn “trường kỳ” tiến hành “chiến tranh du kích” khiến cho Mỹ và NATO “sa lầy” ở chiến trường Afghanistan với những hệ lụy vô cùng nặng nề. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc chiến ở Afghanistan đã làm hơn 2.400 lính Mỹ thiệt mạng, hàng chục nghìn binh lính bị thương; tiêu tốn hàng nghìn tỷ đô la. Cuộc chiến ở Afghanistan trở thành cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh mà nước Mỹ tiến hành.
Nỗ lực tạo “tiền đề” rút quân khỏi “vũng lầy” Afghanistan của Tổng thống Donald Trump
Sau khi nhậm chức, tháng 8/2017, Tổng thống Mỹ, Donald Trump công bố chiến lược mới ở Afghanistan - chiến lược được các chuyên gia cho là bước then chốt, quyết định để Ông hiện thực hóa lời hứa với cử tri khi tranh cử là, đưa các quân nhân Mỹ trở về quê hương từ những “điểm nóng” không cần thiết (điều mà Donald Trump phê phán người tiền nhiệm chưa làm được). Theo đó, chiến lược tập trung vào hai trọng tâm chính: (1) Tiếp tục cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho chính quyền của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani; (2) Tạo lợi thế quân sự trên chiến trường để đánh bại hoặc buộc Taliban phải ngồi vào bàn đàm phán nhằm giải quyết xung đột.
Thực hiện chiến lược này, chính quyền Mỹ gia tăng viện trợ cả về kinh tế, chính trị và quân sự để “gây dựng” bộ máy chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani. Về kinh tế, Mỹ đốc thúc đồng minh và các nước trong khu vực viện trợ tài chính cho chính quyền Kabul dưới danh nghĩa “tái thiết Afghanistan” nhằm chia sẻ gánh nặng với Washington. Về quân sự, cùng với việc bổ sung thêm hàng nghìn quân hỗ trợ cho quân đội Chính phủ Afghanistan, Mỹ còn tăng cường sử dụng các phương tiện bay không người lái (UAV) được trang bị tên lửa “thông minh” thực hiện những đòn tấn công “điểm huyệt” vào các mục tiêu trọng yếu của Taliban. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng tăng cường đội ngũ cố vấn, trợ giúp cho cơ quan chính phủ, các bộ, ngành và huấn luyện lực lượng an ninh của Afghanistan. Với sự giúp đỡ của Mỹ và các đồng minh, Quân đội Chính phủ Afghanitan đã giải phóng được một số khu vực quan trọng do Taliban quản lý; lực lượng an ninh có “đủ khả năng” bảo đảm an ninh cho Afghanitan (so với thời điểm năm 2015, khi Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO đứng đầu chuyển giao trách nhiệm an ninh thì đến nay lực lượng này đã được trang bị đầy đủ và có trình độ tác chiến tốt hơn). Ông Ashraf Ghani đã tái đắc cử sau khi giành chiến thắng “thuyết phục” trong cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan được tổ chức vào cuối tháng 9/2019. Các chuyên gia phân tích quốc tế chỉ rõ, mục tiêu chiến lược mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực hướng tới ở Afghanistan là xây dựng chính quyền do Mỹ “bảo hộ” có đủ khả năng “tự đứng vững trên đôi chân của mình”. Đây là “tiền đề” quan trọng bậc nhất để Donald Trump có thể đưa ra quyết định rút quân mà vẫn bảo vệ được lợi ích của Mỹ ở quốc gia có vị trí địa chiến lược trọng yếu này. Tuy nhiên, năng lực của chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani có thể đảm đương “trọng trách” mà Nhà Trắng kỳ vọng hay không vẫn còn là câu hỏi “bỏ ngỏ” và nó có thể trở thành “canh bạc hên xui” khó đoán đối với Tổng thống Donald Trump khi nhiệm kỳ gần kết thúc.
Cánh cửa “hòa bình” hé mở ở Afghanistan
Từ năm 2019, Mỹ và Taliban đã nối lại đàm phán nhằm tìm một giải pháp chính trị để giải quyết cuộc xung đột “chưa có hồi kết” ở Afghanistan. Sau nhiều tháng đàm phán đầy cam go, thậm chí có lúc bế tắc, ngày 29/02/2020, tại Doha, với sự chứng kiến của lãnh đạo hơn 30 quốc gia, đại diện của Mỹ và Taliban đã đạt được Thỏa thuận lịch sử (Thỏa thuận Doha). Theo Thỏa thuận: Mỹ cam kết giảm lực lượng của mình từ 13.000 quân hiện nay xuống còn 8.600 quân trong vòng 135 ngày đầu khi Thỏa thuận được ký kết và rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ Afghanistan trong vòng 14 tháng; xem xét và vận động Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa dần các cá nhân Taliban ra khỏi danh sách trừng phạt của Mỹ cũng như của Liên hợp quốc. Đổi lại, Taliban cam kết loại trừ mọi hành vi khủng bố xuất phát từ lãnh thổ Afghanistan trong những khu vực do Taliban kiểm soát; cấm mọi tổ chức, cá nhân trong đó có Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng Afghanistan như một bàn đạp làm phương hại đến an ninh của Mỹ và các nước đồng minh. Về vấn đề trao đổi tù nhân, chính quyền Kabul sẽ trao trả cho Taliban hơn 5.000 tù nhân, đổi lại, Taliban sẽ trao trả cho chính quyền Kabul hơn 1.000 tù nhân. Taliban cũng đồng ý đàm phán với chính quyền Kabul về vấn đề hòa giải dân tộc, lập lại hòa bình ở Afghanistan (điều mà trước đây Taliban kiên quyết từ chối).
Cuộc chiến tàn khốc kéo dài gần 02 thập kỷ ở Afghanistan không chỉ gây “ám ảnh” cho nước Mỹ, mà còn là “điểm nóng” gây nhức nhối cho khu vực và thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế, cuộc chiến Mỹ và NATO tiến hành ở Afghanistan đã giết hại hàng trăm nghìn người dân vô tội; đất nước Afghanistan bị tàn phá nặng nề và hàng vạn gia đình lâm vào cảnh nghèo đói, vô gia cư, sống cảnh “màn trời, chiếu đất”. Mặt khác, diễn biến và cục diện chiến trường Afghanistan thời gian qua đã khẳng định một thực tế: Mỹ, Taliban và các bên liên quan đều không thể giải quyết xung đột ở Afghanistan bằng giải pháp quân sự, mà xung đột này chỉ có thể được giải quyết bằng giải pháp hòa bình. Theo các chuyên gia phân tích, việc Thỏa thuận Doha được ký, trước hết phải nói đến “thiện chí” và những “nỗ lực” đáng ghi nhận của cả Mỹ và Taliban, nhưng ở khía cạnh khác, tuy chưa đáp ứng được hết yêu cầu của các bên, song thông qua Thỏa thuận, Mỹ và Taliban đều đạt được mục tiêu chiến lược “cốt lõi”. Đối với Mỹ, nước này có thể rút quân khỏi “vũng lầy” Afghanistan trong danh dự; đồng thời, nhận được sự cam kết, đảm bảo rằng, không bao giờ các tổ chức khủng bố, cực đoan một lần nữa sử dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa Mỹ hoặc các nước đồng minh; đưa người dân Afghanistan xích lại gần nhau hướng tới xây dựng một nền “hòa bình” ở đất nước bị chiến tranh tàn phá. Thỏa thuận cũng là “điểm cộng” về chính sách đối ngoại cho ông Donald Trump trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào cuối năm nay (11/2020). Về phía Taliban, Thỏa thuận là cơ sở khẳng định tính hợp pháp quốc tế cho Taliban - tổ chức mà trước đây vẫn bị cả thế giới chống đối vì coi là “khủng bố”. Quan trọng hơn là, Mỹ cam kết rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan (Taliban từng tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi quân đội nước ngoài rút hết quân khỏi Afghanistan). Các nhà bình luận quốc tế đánh giá, Thỏa thuận Doha là một văn kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử, mở ra triển vọng chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình bền vững cho Afghanistan.
Phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức
Cùng với việc hoan nghênh những kết quả đạt được trong Thỏa thuận Doha, chính khách của nhiều quốc gia đều nhận định một cách thận trọng: Đây chỉ là bước “khởi đầu” quan trọng cho một chặng đường dài phía trước với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, việc thực thi Thỏa thuận có thể bị trì hoãn hoặc bị đổ vỡ bất cứ lúc nào, bởi cuộc chiến ở Afghanistan đã kéo dài gần 02 thập kỷ, hận thù, mâu thuẫn giữa các bên khó có thể tháo gỡ trong một thời gian ngắn. Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở khi ngày 04/3/2020 (chỉ 4 ngày sau khi Thỏa thuận được ký kết), Mỹ đã tiến hành một loạt vụ không kích nhằm vào tàn quân Taliban với lý do để “trả đũa” việc Taliban tấn công nhiều mục tiêu của Quân đội Chính phủ Afghanistan. Quan chức Lầu Năm Góc cũng tuyên bố cứng rắn rằng, Taliban phải nghiêm chỉnh chấp hành các cam kết và Mỹ sẽ điều chỉnh tiến trình rút quân tùy thuộc vào thái độ thực thi Thỏa thuận của Taliban. Ngược lại, Taliban cũng yêu cầu Mỹ phải tôn trọng và thực hiện nghiêm những cam kết mà hai bên đạt được trong Thỏa thuận. Điều đó cho thấy, sự nghi kỵ giữa hai “đối thủ” vẫn còn rất lớn, chưa thể hóa giải được ngay. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Taliban và chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani cũng bộc lộ những bất đồng về vấn đề trao đổi tù nhân mà Thỏa thuận đề ra. Taliban đã phản đối kế hoạch phóng thích tù nhân Taliban theo hai đợt (đợt 1: 1.500 tù nhân; đợt 2: 3.500 tù nhân) của Tổng thống Ashraf Ghani và cho là “vi phạm Thỏa thuận” khiến cho cam kết trao trả tù nhân giữa hai bên đứng trước nguy cơ rơi vào “bế tắc”. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu chính quyền Kabul và Taliban chừng nào chưa tháo gỡ được “nút thắt” này thì mục tiêu đàm phán hòa giải dân tộc ở Afghanistan càng trở nên xa vời. Mặt khác, dù là nhân vật chính trên chính trường nhưng trong Thỏa thuận Doha chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani chỉ được đề cập đến như một “diễn viên phụ”.
Ngoài ra, vấn đề tranh giành quyền lực trong bộ máy chính quyền Afghanistan giữa một bên là Tổng thống tái đắc cử Ashraf Ghani và đối thủ A. Abdullah (đang giữ chức vụ tương đương Thủ tướng) - người cũng tuyên bố thắng cử Tổng thống và đứng ra thành lập chính phủ riêng, không chỉ đẩy chính trường nước này lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới, mà còn làm cho tiến trình hòa bình giữa Mỹ và Taliban vừa đạt được thêm chồng chất khó khăn. Ngày 22/3/2020, Chính phủ Afghanistan và Taliban đã tiến hành cuộc thảo luận đầu tiên về việc sắp xếp trao đổi tù nhân - bước then chốt trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình tại quốc gia Nam Á này được khởi động. Tuy nhiên, từ 23/3 đến 29/3/2020, Taliban đã tiến hành hơn 300 cuộc tấn công tại hàng chục tỉnh, thành của Afghanistan, trong đó thủ đô Kabul và thành phố Herat thuộc phía Tây Afghanistan là những nơi bị tấn công nhiều nhất (theo New York Times). Những vụ tấn công đẫm máu đã phủ bóng đen lên các nỗ lực ngoại giao đang được xúc tiến nhằm khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, theo nội dung Thoả thuận Doha.
Dư luận quốc tế cho rằng, các bên liên quan cần nhận thức đầy đủ và tận dụng triệt để “cơ hội vàng” mà Thỏa thuận Doha tạo ra, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như nguyện vọng chính đáng được sống trong hòa bình, quyền tự quyết định tương lai đất nước của nhân dân Afghanistan; đẩy nhanh tiến trình hòa hợp dân tộc, xây dựng chính phủ đoàn kết, đủ khả năng lãnh đạo đất nước. Chỉ có như vậy, Thỏa thuận Doha mới thực sự trở thành “văn kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử”, giúp Afghanistan chấm dứt cuộc chiến đau thương đã kéo dài gần 20 năm, lập lại nền hòa bình bền vững để xây dựng và phát triển đất nước.
MINH ĐỨC
Afghanistan,cánh cửa hòa bình
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
BRICS mở rộng - cơ hội và thách thức đối với ASEAN 24/03/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
Đôi nét về “học thuyết hạt nhân” mới của Liên bang Nga 23/01/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 30/12/2024
Những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng mới của Canada 23/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực