Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Chủ Nhật, 24/09/2023, 22:22 (GMT+7)
Australia điều chỉnh chiến lược quốc phòng

Tháng 4 vừa qua, chính quyền của Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố bản Đánh giá Chiến lược quốc phòng năm 2023 với nội dung được cho là khá toàn diện và đầy tham vọng, khi đưa ra định hướng chiến lược cụ thể, nhằm củng cố và nâng cao năng lực quốc phòng của đất nước. Vậy, nguyên nhân, nội dung điều chỉnh, triển vọng và ảnh hưởng của nó ra sao đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.

Australia là quốc gia thuộc châu Đại Dương, được bao quanh bởi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nằm tách biệt với các châu lục khác, nên có lợi thế không nhỏ về quốc phòng, an ninh. Theo đánh giá quốc phòng của nước này, từ những năm 80 của thế kỷ trước thì Australia là một trong số những quốc gia an toàn nhất thế giới do nằm xa các trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, cũng như cách xa các khu vực xảy ra xung đột quân sự ở châu Âu và Bắc bán cầu. Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, nước này hầu như không phải đối mặt với bất kỳ một mối đe dọa nào về quốc phòng, an ninh, ngay cả khi cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu diễn ra căng thẳng nhất. Mặc dù vậy, lợi thế này của Australia đang dần mất đi do những thay đổi nhanh chóng của môi trường chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nguyên nhân điều chỉnh

Các nhà hoạch định chiến lược của Australia cho rằng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện đang là “điểm nóng” về tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên thiên nhiên, phổ biến vũ khí hạt nhân và thách thức an ninh phi truyền thống, v.v. Đây cũng là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi mà cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao,... đang có xu hướng gia tăng. Cũng tại khu vực này, sức mạnh và vai trò của Mỹ đang có dấu hiệu suy giảm, trong khi Trung Quốc đang dần vươn lên thách thức vị thế siêu cường của “xứ cờ hoa”. Còn Nga, mặc dù phải tập trung sức mạnh vào “chiến dịch quân sự đặc biệt”, song nước này vẫn tìm cách mở rộng ảnh hưởng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc phòng, quân sự quốc tế, sau nhiều năm nỗ lực hiện đại hóa quân đội, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã có sự tiến bộ vượt bậc. Tổ chức phân tích quốc phòng Global Firepower cho rằng, Trung Quốc hiện đứng thứ ba thế giới về sức mạnh quân sự, chỉ sau Mỹ và Nga; đồng thời, là quốc gia có lực lượng lục quân, hải quân thường trực lớn nhất thế giới và là một trong bốn quốc gia sở hữu bộ ba răn đe hạt nhân hoàn thiện, gồm: tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay mang vũ khí hạt nhân.

Các nhà nghiên cứu quân sự quốc tế chỉ ra rằng, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc gia tăng; sự cải thiện về năng lực quân sự, nhất là khả năng tấn công tầm xa của một số quốc gia trong khu vực cùng các vấn đề về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu,… là những nguyên nhân khiến Australia có thể sẽ phải đối mặt với các rủi ro chiến lược ở mức cao hơn. Trước những chuyển động của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng các thách thức an ninh phi truyền thống, Australia tất nhiên phải điều chỉnh chiến lược quốc phòng nhằm đối phó với những thách thức mới về mặt an ninh, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Nội dung điều chỉnh

Trong suốt 05 thập niên vừa qua, Australia luôn duy trì chính sách quốc phòng nhằm ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa tiềm ẩn mức độ thấp từ các nước nhỏ hoặc trung bình ở trong khu vực; đồng thời, duy trì cơ cấu lực lượng và nguồn lực tương đối cân bằng giữa các quân chủng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và khu vực có sự thay đổi thì cách tiếp cận này không còn phù hợp, lợi thế về khoảng cách địa lý cũng sẽ không còn phát huy tác dụng trong việc bảo vệ đất nước và người dân. Chính vì vậy, ngày 24/4/2023, chính quyền của Thủ tướng Anthony Albanese đã công bố bản Đánh giá Chiến lược quốc phòng năm 2023. Theo nội dung Đánh giá này, tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ không còn là nhà lãnh đạo đơn cực duy nhất; sự cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ là yếu tố quyết định môi trường chiến lược và cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn tại khu vực nếu không được kiểm soát rất có thể dẫn đến xung đột, khi đó an ninh, lợi ích quốc gia của Australia sẽ bị đe dọa. Đánh giá cũng mô tả không mấy tích cực về các ý định chiến lược quân sự của các đối thủ chủ yếu và Canberra coi đó như một lý do để mở rộng sức mạnh quân sự. Bên cạnh đó, Đánh giá cũng đề cập đến một số lĩnh vực mà Chính phủ Australia cần ưu tiên thực hiện trong thời gian tới, như: trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân; phát triển năng lực của lực lượng quốc phòng Australia (ADF); cải thiện khả năng triển khai của ADF tại các căn cứ quân sự phía Bắc; phát triển và duy trì lực lượng tay nghề cao cho ngành công nghiệp quốc phòng; hợp tác chặt chẽ giữa công nghiệp quốc phòng với các ngành công nghiệp khác; làm sâu sắc quan hệ ngoại giao và quốc phòng với các đối tác quan trọng trong khu vực. Các chuyên gia nghiên cứu quân sự cho rằng, so với các đánh giá quốc phòng trước đây, Đánh giá Chiến lược quốc phòng năm 2023 của Australia được cho là cơ bản, toàn diện và phù hợp hơn với xu thế hiện nay, với ba điều chỉnh lớn:

Thứ nhất, tăng cường năng lực quốc phòng nhằm răn đe đối thủ. Theo đó, Australia sẽ tập trung phát triển năng lực tấn công tầm xa, nâng cao khả năng phản ứng nhanh của ADF thông qua việc sử dụng các loại vũ khí thế hệ mới, như: vũ khí tự chủ sử dụng trí tuệ nhân tạo, vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, tác chiến dưới biển, v.v. Và thông qua việc trang bị, sử dụng các loại vũ khí này, đối phương sẽ phải cân nhắc hệ lụy nếu có ý định làm phương hại lợi ích quốc gia của Australia. Bản Đánh giá Chiến lược cũng nêu rõ, vũ khí tấn công tầm xa sẽ được trang bị cho các tàu chiến có năng lực tấn công của lực lượng hải quân; hệ thống pháo phản lực cơ động cao của Mỹ (HIMARS) và tên lửa tấn công chính xác sẽ được trang bị cho lục quân; đồng thời, tích hợp tên lửa chống hạm tầm xa vào máy bay chiến đấu của lực lượng không quân. Cùng với đó, Canbera sẽ đầu tư khoản ngân sách khoảng 268 tỉ USD nhằm củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng hải quân thông qua dự án trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nằm trong khuôn khổ AUKUS. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào một dự án quốc phòng của Australia từ trước đến nay.

Thứ hai, quan hệ đồng minh với Mỹ trở lại vị trí tâm điểm trong chiến lược quốc phòng. So với tài liệu Cập nhật Chiến lược quốc phòng năm 2020, vai trò của Mỹ trong Đánh giá Chiến lược quốc phòng năm 2023 được thể hiện rõ hơn, khi nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh giữa hai nước ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với việc duy trì trạng thái cân bằng và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo bản Đánh giá, hai nước sẽ tăng cường các cuộc tập trận chung nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến và Australia sẽ tập trung phát triển khoa học, công nghệ, công nghiệp quốc phòng nhằm tranh thủ ưu thế vượt trội về quân sự của Mỹ để đẩy nhanh nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ và Australia đã có sự gắn kết chặt chẽ từ trước đó. Tháng 9/2021, trong Đối thoại 2+21, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về lực lượng đồn trú, qua đó mở đường cho Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự tại Australia. Đầu năm 2022, phía Mỹ cũng tuyên bố sẽ điều thêm khoảng 2.200 lính hải quân luân phiên tới các căn cứ ở phương Bắc và Lầu Năm Góc cũng lên kế hoạch chi tiết về bảo đảm hạ tầng cơ sở phục vụ hoạt động của máy bay ném bom chiến lược B-52 tại các căn cứ quân sự của Australia. Tháng 7 vừa qua, Australia đã cùng với Mỹ, Đức (lần đầu tiên Đức tham gia) tổ chức cuộc tập trận quân sự Talisman Sabre với quy mô lớn. Trong cuộc tập trận này, các bên tiến hành tấn công các mục tiêu giả định bằng tên lửa chính xác và ra mắt hệ thống HIMARS.

Thứ ba, đẩy nhanh khả năng tự chủ chiến lược theo hướng thúc đẩy công nghiệp quốc phòng và tăng cường quan hệ với các đối tác. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Donald Marles, nước này sẽ bắt đầu sản xuất tên lửa điều hướng ở trong nước vào năm 2025 (sớm hơn 02 năm so với dự kiến), một số dự án quốc phòng ưu tiên thấp sẽ bị hủy bỏ để dành nguồn lực cho kế hoạch sản xuất tên lửa điều hướng và dự kiến phân bổ gấp đôi ngân sách cho dự án này lên mức 1,7 tỉ USD. Hiện chính phủ Australia cũng đang tích cực đàm phán với các công ty Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ về việc thiết lập cơ sở sản xuất tên lửa tại Australia; đàm phán với công ty Kongsberg của Na Uy để mua tên lửa tấn công, qua đó tạo tiền đề để có thể sản xuất dòng tên lửa này ở trong nước; chính quyền của Thủ tướng Anthony Albanese cũng đẩy nhanh khả năng tự chủ về đạn dược trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, Australia tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với các quốc gia trong khu vực, nhất là các đồng minh và đối tác. Đáng chú ý, trong quan hệ với Ấn Độ, bên cạnh việc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện, hai bên còn ký Hiệp định quốc phòng, Thỏa thuận hậu cần tương hỗ (MLSA) và các thỏa thuận về khoa học, công nghệ quốc phòng; với Philippines, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh, ký Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần, Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác công nghiệp quốc phòng và hậu cần; với Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ chiến lược hướng đến hợp tác tại các chuỗi đảo ở Nam Thái Bình Dương, v.v.

Triển vọng và ảnh hưởng

Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Australia có sự điều chỉnh căn bản về chiến lược quốc phòng phù hợp với nhận thức mới về nguy cơ và môi trường an ninh khu vực. Chiến lược mới này sẽ được chính quyền của Thủ tướng Anthony Albanese tích cực triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội, tăng cường khả năng răn đe và phản ứng nhanh, chính xác, hiệu quả với các xung đột quân sự, đảm bảo an toàn các tuyến vận tải thương mại trọng yếu, ứng phó với biến đổi khí hậu và an ninh mạng, v.v. Bên cạnh đó, việc củng cố và thắt chặt hơn nữa quan hệ đồng minh với Mỹ cũng sẽ giúp nước này nâng cao khả năng bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, theo giới quan sát quốc tế, sự đánh giá không mấy tích cực về ý định chiến lược quân sự của Trung Quốc cùng phản ứng của một số quốc gia trong khu vực đối với Thỏa thuận AUKUS cũng sẽ khiến Australia đối mặt với các rủi ro chiến lược. Ngoài ra, việc chính quyền của Thủ tướng Anthony Albanese dự kiến trang bị cho quân đội các loại vũ khí, khí tài hiện đại, nhất là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng có thể là “chất xúc tác” thúc đẩy quá trình chạy đua vũ trang tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

MỸ CHÂU
_________________

1 - Đối thoại Ngoại giao và Quốc phòng (Ausmin) giữa Mỹ với Australia.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...