Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 20/02/2023, 08:43 (GMT+7)
Afghanistan trước vòng xoáy nội chiến

Hơn một năm trở lại nắm quyền điều hành đất nước Afghanistan sau sự sụp đổ nhanh chóng của Chính phủ cựu Tổng thống Ashraf Ghani, chính quyền Taliban cam kết thực thi một phiên bản lãnh đạo “bớt hà khắc” hơn so với thời kỳ cầm quyền giai đoạn 1996 - 2001. Tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng như dự tính trước tình trạng đói nghèo và mâu thuẫn nội bộ. Đây là những nguy cơ có thể đẩy Afghanistan rơi vào vòng xoáy nội chiến mới.

Những thách thức hiện hữu

Cách đây không lâu, Phó thủ tướng Chính phủ Afghanistan Abdul Salam Hanafi (do Taliban thành lập) đã bày tỏ sự tự hào đầy kiêu hãnh về những thành tựu mà chính quyền Taliban mang lại cho người dân, với tuyên bố: Afghanistan hiện là quốc gia có một “hệ thống Hồi giáo, nơi mọi người có đầy đủ các quyền, không có sự bất công và không có tham nhũng”. Những người ủng hộ Taliban thì hoan nghênh sự trở lại của một chính phủ Hồi giáo “chính thống” với những luật lệ Hồi giáo nguyên bản; đồng thời, công khai chỉ trích việc thực thi các quyền tự do quá mức, dẫn đến tội phạm tràn lan và tình trạng mà họ cho là vô trật tự dưới thời chính quyền tiền nhiệm.

Trên thực tế, không thể phủ nhận những khác biệt giữa nhà nước “Taliban 2.0” hiện nay và chính quyền Taliban vô cùng hà khắc của hơn 20 năm trước. Hiện người dân Afghanistan đã được truy cập Internet, đến sân vận động, nghe nhạc,… miễn là các hoạt động này mang tính tôn giáo. Taliban cũng nỗ lực quản lý đất nước một cách trật tự hơn. Vì thế, từ một quốc gia an ninh gần như kém nhất thế giới, bất kỳ ai khi ra khỏi nhà đều mang theo nỗi lo khủng bố thì giờ đây, sự sợ hãi giảm đi. Cho dù cảm giác an toàn thực sự vẫn chưa trở lại bởi hầu như mỗi phút, thứ nhìn thấy nhiều nhất trên đường phố vẫn là các chiến binh với súng máy, súng phóng lựu trên những chiếc xe tải vụt qua.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự trở lại của Taliban cũng đồng nghĩa với sự thụt lùi trong nỗ lực phát triển và hội nhập với cộng đồng quốc tế của Afghanistan; đồng thời, đảo ngược các lợi ích xã hội được thực thi trong hai thập niên qua. Thất bại lớn nhất của Taliban là không thành công trong vực dậy nền kinh tế vốn bị tàn phá bởi chiến tranh giờ tiếp tục lao đao trong đói nghèo với GDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất thế giới, chỉ vào khoảng 500 USD/năm. Afghanistan hầu như không xuất khẩu gì ngoại trừ thuốc phiện, các nguồn tài chính quốc tế cũng phần nhiều bị cắt giảm, chỉ còn lại một số ít viện trợ nhân đạo. Các cuộc đàm phán của Ngân hàng Trung ương nước này với Mỹ để thu hồi 07 tỉ USD dự trữ ngoại hối bị đóng băng không đạt được kết quả. Cuộc khủng hoảng thanh khoản khiến hệ thống ngân hàng Afghanistan tê liệt. Khi nền kinh tế Afghanistan có nguy cơ sụp đổ, Washington đã chuyển sang miễn trừ trừng phạt rộng rãi và triển khai viện trợ nhân đạo khẩn cấp với hy vọng ngăn chặn điều mà các quan chức Liên hợp quốc gọi là thảm họa xảy ra. Tuy nhiên, không có khoản viện trợ nào có thể bù đắp được cho một hệ thống ngân hàng bị cô lập, không thể tiếp cận tiền tệ quốc tế. Trong khi đó, các công ty và tổ chức tài chính nước ngoài vẫn cảnh giác trong việc làm ăn với chính quyền Taliban. Hậu quả của việc bị xa lánh là nền kinh tế Afghanistan suy giảm tới 40% trong năm qua. Liên hợp quốc ước tính, khoảng một nửa dân số nước này (19 triệu người) đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực và phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng; 95% người Afghanistan không đủ ăn; gần 04 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính và gần một nửa dân số phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, hiện có tới 92% hộ gia đình ở Afghanistan đang mắc nợ, 88% hộ gia đình buộc phải đi vay nợ vì giá lương thực đắt đỏ. Xung đột Nga - Ukraine khiến giá lương thực trên thế giới tăng cao, càng làm gia tăng khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan.

Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại Afghanistan là sự quản lý yếu kém của Taliban và tình trạng bị cô lập quốc tế đối với nước này. Hiện tại, chưa có quốc gia nào công nhận chính quyền Taliban, cho dù một số nước phương Tây đã mở lại cơ quan đại diện ở Afghanistan trong những tháng gần đây để duy trì liên lạc với chính quyền đương nhiệm, nhưng cũng chủ yếu để giải quyết các vấn đề về khủng bố, di cư và viện trợ nhân đạo. Bên cạnh đó, đất nước này vốn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ tài chính quốc tế, nay càng trở nên điêu đứng khi gần như bị cắt đứt hoàn toàn những khoản viện trợ nước ngoài. Lý do là chính quyền Taliban đã vội quên lời hứa duy trì các cơ hội học tập, tiếp cận xã hội công bằng đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trên thực tế, không lâu sau khi lên nắm quyền, Taliban đã ra lệnh đóng cửa nhiều trường học, các bé gái bị từ chối cơ hội được đi học sau khi hết lớp 6. Trong khi đó, quyền của phụ nữ một lần nữa lại bị siết chặt, họ chỉ được rời khỏi nhà trong trường hợp cần thiết và bắt buộc phải có người thân là đàn ông đi kèm. Phụ nữ cũng bị cấm làm việc ở hầu hết các cơ quan của chính phủ và buộc phải mặc áo Burqua - loại trang phục che thân từ đầu đến chân và trùm kín mặt khi đến nơi công cộng.

Nguy cơ nội chiến

Không chỉ thất bại trong điều hành nền kinh tế, sau hơn một năm trở lại nắm quyền, Taliban phải đối mặt với một số vấn đề nội bộ nghiêm trọng: các cuộc xung đột phe phái gia tăng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Pashtun và sự rút lui của các nhóm dân tộc thiểu số khỏi phong trào này. Trong đó, việc tăng cường và mở rộng đáng kể vai trò của người Pashtun dù được chính quyền Taliban xem là biện pháp để củng cố quyền lực nhưng trên thực tế có nguy cơ mang lại những rủi ro cho chính sự lãnh đạo toàn diện của chính phủ đương nhiệm. Dẫu rằng Taliban có thể chiêu mộ người Uzbekistan, Tajikistan, Hazara ở phía Bắc và các nơi khác vào hàng ngũ, nhưng lãnh đạo của phong trào vẫn là các thủ lĩnh Pashtun có quan điểm cứng rắn, phản đối việc thỏa hiệp về hệ tư tưởng. Những người này chủ trương xây dựng một hệ thống chính quyền tập trung cao độ bằng cách bổ nhiệm trực tiếp các thủ lĩnh địa phương từ Kabul, chủ yếu là người gốc Pashtun và tạo ra một hệ thống phân cấp theo chiều dọc cứng nhắc. Tuy nhiên, những quyết định như vậy đã phá vỡ sự cân bằng quyền lực hiện có giữa các chỉ huy địa phương và lãnh đạo cao nhất của đất nước. Thực tế này có thể khuyến khích một số nhóm không thuộc dân tộc Pashtun chống lại Taliban. Sự bất hòa đó sẽ làm gia tăng cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái khác nhau của phong trào và một khi Taliban không thể giải quyết được những thách thức mà đất nước đang đối mặt thì sự ủng hộ của dân chúng dành cho các lực lượng đối lập có thể tăng lên đáng kể. Và như vậy, vòng xoáy nội chiến mới xuất phát từ sự đối đầu giữa các sắc tộc hoàn toàn có thể tái diễn.

Trong khi chưa thể tìm ra được một mô hình lãnh đạo hiệu quả và giải quyết những khó khăn cốt yếu thì chính quyền Taliban lại phải đương đầu với những hiểm nguy từ nhiều “kẻ thù” mới. Khi những lá cờ của Taliban tràn ngập thủ đô Kabul, một lượng không nhỏ sĩ quan, binh lính thuộc quân đội Chính phủ của cựu Tổng thống Ashraf Ghani đã tập hợp tại thung lũng Panjshir để gia nhập Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (NRF) do Ahmad Massoud lãnh đạo. Nhân vật này là con trai của Ahmad Shah Massoud, người đứng đầu Liên minh phương Bắc trong những năm 1980 và đã bị một số tay súng Al-Qaeda ám sát chỉ 02 ngày trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001. Với địa hình đồi núi hiểm trở, thung lũng Panjshir là căn cứ lý tưởng cho một cuộc kháng chiến lâu dài. Vì vậy, Ahmad Massoud tuyên bố không công nhận chính quyền Taliban là lực lượng lãnh đạo hợp pháp. Mặc dù thất thủ trong các cuộc giao tranh với Taliban và bị chính quyền trung ương đẩy lui khỏi vùng Panjshir, nhưng NRF vẫn không từ bỏ mưu đồ thâu tóm quyền lực. Hiện Ahmad Massoud đã và đang cùng với cựu Phó tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh và một số thành viên khác trong chính phủ cũ nỗ lực xây dựng lực lượng, quân số hiện nay khoảng 15.000 người. NRF đã mở rộng vùng hoạt động từ 02 tỉnh vào ngày đầu lên 12 tỉnh ở Afghanistan. Không chỉ là một nhóm “phiến quân” nổi dậy, quy mô và vị thế NRF ngày càng được nâng tầm. Một thành công lớn của phong trào này là được Bộ Tư pháp Mỹ cho phép mở một văn phòng liên lạc tại Washington để thực hiện các nhiệm vụ vận động cho cuộc kháng chiến.

Sau NRF, phải kể đến tổ chức do Abdul Hamid Dadgar đứng đầu, ra đời tại tỉnh Baghlan. Chỉ khoảng 10 ngày sau khi xuất hiện, họ đã chiếm được các quận Andarab, Pul-e-Hesar và De Salah thuộc tỉnh này, nhưng sau đó bị Taliban tấn công tái chiếm. Cũng chung mục tiêu lật đổ Taliban còn có nhóm Dostum do Abdul Rashid Dostum và Atta Muhammad Nur lãnh đạo, với khoảng 10.000 tay súng. Tổ chức này có căn cứ tại Uzbekistan và tuyên bố sẵn sàng hợp tác với NRF để giải phóng Afghanistan khỏi Taliban. Cho đến nay, đội quân kháng chiến có vẻ như không ngừng được mở rộng. Nhóm Mặt trận Tự do Afghanistan (AFF) vừa được thành lập và một nhóm khác do cựu chính trị gia Atta Mohammad Noor hậu thuẫn đang thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng ở phía Bắc Afghanistan. Những cuộc đụng độ cũng đã xảy ra ở tỉnh Kapisa, nơi các chiến binh Hazara đẩy lùi nhiều cuộc phản công của Taliban và tiếp tục giữ vững trận địa. Có những nguồn tin cho rằng, các nhóm này đang có xu hướng liên kết lại dưới hình thức của một hội đồng kháng chiến toàn quốc.

Dẫu vậy, những nhóm vũ trang trên vẫn hoạt động tương đối hạn chế, chủ yếu ở Đông Bắc Afghanistan. Trái ngược với điều đó, sức mạnh ngày càng gia tăng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan (IS-K) với việc tổ chức các cuộc tấn công ở Thủ đô Kabul, các tỉnh Nangarhar, Kunar, Balkh, Kunduz thực sự là mối bận tâm lớn nhất của chính quyền Taliban. Lợi dụng sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan tiền nhiệm, IS-K hồi sinh vào năm 2021 và kể từ đó liên tiếp đứng sau nhiều vụ khủng bố đẫm máu ở quốc gia Nam Á này, trong đó có vụ đánh bom tại sân bay Kabul hồi tháng 8/2021 làm 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Nhóm này cũng có chiến lược hoạt động lâu dài khi công bố phần thưởng 300 USD cho bất cứ ai gia nhập tổ chức. Ở nhiều khu vực, IS-K công khai tuyển mộ chiến binh Taliban, các cựu thành viên của Cơ quan Tình báo Afghanistan dưới thời Tổng thống Ashraf Ghani, những chiến binh dày dạn kinh nghiệm thuộc Lực lượng đặc nhiệm Badri. Đặc biệt, IS-K còn có kế hoạch thu hút thành viên các nhóm thánh chiến khác, trong đó có Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP) với mong muốn mở rộng hoạt động sang quốc gia láng giềng.

Dư luận quốc tế cho rằng, với đường lối lãnh đạo và năng lực quản lý đất nước như hiện nay, dường như Taliban vẫn chưa rút ra được nhiều bài học từ lần lãnh đạo đầu tiên cách đây gần ba thập niên trong khi tình hình Afghanistan hiện đã khác biệt rất nhiều so với giai đoạn đó. Có rất nhiều lực lượng đang thách thức sự cầm quyền của Taliban và nếu Chính phủ do lực lượng quân sự này thành lập không thể giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề, từ cải thiện nền kinh tế, giảm bớt sự cô lập quốc tế,... đến duy trì một chính sách xã hội cởi mở hơn thì khả năng xảy ra một cuộc nội chiến ở quốc gia đầy bất ổn này là điều khó tránh khỏi.

VÂN KHANH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...