Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 03/01/2014, 13:36 (GMT+7)
10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2013

Thế giới đã trải qua năm 2013 với nhiều sự kiện tác động nhiều chiều tới đời sống của cả nhân loại. Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn, giới thiệu 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trong năm.

1. Khủng hoảng trầm trọng và triển vọng hòa bình sau thỏa thuận giải trừ vũ khí hóa học ở Xy-ri

Ngày 21-8-2013, với cáo buộc Chính quyền Đa-mát sử dụng vũ khí hóa học giết hại hơn 1.400 dân thường, Mỹ đã tuyên bố sẵn sàng mở cuộc tiến công quân sự để trừng phạt Xy-ri. Đây là bước leo thang căng thẳng nhất kể từ đầu cuộc khủng hoảng tới nay ở quốc gia Trung Đông này. Trong bối cảnh một cuộc chiến đã cận kề, ngày 09-9-2013, Nga đã đưa ra sáng kiến giải trừ vũ khí hóa học để đổi lấy hòa bình ở Xy-ri; đồng thời, hối thúc các bên tổ chức Hội nghị quốc tế (Giơ-ne-vơ 2) tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở nước này. Tuy thoát khỏi “miệng hố” chiến tranh, nhưng cơ hội hòa bình cho người dân Xy-ri vẫn còn nhiều chông gai phía trước.

Nhân viên Tổ chức Cấm vũ khí hóa học triển khai công việc ở Xy-ri. (Ảnh: in-tơ-nét)

2. Cuộc chính biến ngày 03-7 ở Ai Cập

Với sự hậu thuẫn của hàng triệu người biểu tình, ngày 03-7-2013, Quân đội Ai Cập đã làm cuộc chính biến phế truất vị Tổng thống dân bầu đầu tiên M. Mơ-xi. Kể từ đây, các cuộc biểu tình, đụng độ giữa hai phe ủng hộ và phản đối việc phế truất Tổng thống M. Mơ-xi liên tiếp nổ ra đẩy nước này rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài. “Sức nóng” từ cuộc chính biến đã lan ra, tác động đến nhiều nước trong khu vực. Sau nhiều tháng xung đột, ngày 02-12-2013, Ai Cập cũng hoàn tất Dự thảo Hiến pháp sửa đổi để trưng cầu ý dân. Đây là cơ hội để nước này khôi phục sự ổn định, song nguy cơ xung đột phe phái vẫn luôn rình rập quốc gia Bắc Phi này.

3. Bước ngoặt trong vấn đề hạt nhân của I-ran qua đàm phán “P5 + 1”

Cuối tháng 11 vừa qua, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), các cuộc đàm phán về hạt nhân giữa 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) và I-ran đã đạt được thỏa thuận có tính lịch sử sau 10 năm bế tắc và đình trệ. Theo thỏa thuận tạm thời này, Tê-hê-ran cam kết, trong vòng 6 tháng tới sẽ ngừng làm giàu u-ra-ni trên mức 5%; ngừng xây dựng lò phản ứng tại A-rắc và cho phép một chương trình kiểm soát chặt chẽ của quốc tế do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) điều phối. Đổi lại, Mỹ và các cường quốc phương Tây sẽ nới lỏng trừng phạt trên một số lĩnh vực đối với I-ran. Theo các nhà phân tích, tuy đạt được thỏa thuận quan trọng, nhưng hệ quả của nó đối với khu vực chưa thể lường hết.

4. Tiết lộ “động trời” của E. Xnâu-đơn

Trung tuần tháng 7-2013, “cơn chấn động thế giới” đã nổ ra khi E. Xnâu-đơn - cựu nhân viên Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - tiết lộ với báo giới về các hoạt động do thám bí mật, quy mô lớn của Mỹ đối với các nước trên thế giới. Theo đó, hằng năm, Mỹ có thể “thu gom” đến 850 tỷ “sự kiện điện thoại” và 150 tỷ thông tin in-tơ-nét,… của các nước vào kho lưu trữ của họ. Nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có cả một số lãnh đạo là đồng minh thân cận của Mỹ phản ứng dữ dội việc do thám và bị nghe lén điện thoại di động, thậm chí Tổng thống Bra-xin Đ. Rút-xép tuyên bố hủy chuyến thăm cấp nhà nước đến Oa-sinh-tơn vào ngày 23-10. Bê bối do thám trên đã làm tổn thương quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và ảnh hưởng xấu cả về đối nội và đối ngoại của Mỹ.

5. Tổng thống Mỹ công bố Chiến lược chống khủng bố mới

Ngày 23-5-2013, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma công bố Chiến lược chống khủng bố mới. Điểm nổi bật của Chiến lược là Mỹ chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn với đồng minh trên “mặt trận” này và tiếp tục sử dụng máy bay không người lái tiến hành các cuộc tiến công chống khủng bố. Tuy nhiên, sau khi công bố Chiến lược trên, hoạt động khủng bố không những không giảm mà còn gia tăng, buộc Mỹ phải đóng cửa tạm thời hơn 20 đại sứ quán và cơ quan ngoại giao ở nước ngoài. Tình hình đó khiến dư luận hoài nghi về Chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ.

6. Diễn biến phức tạp trên biển Hoa Đông

Những sự kiện liên tiếp diễn ra trên biển Hoa Đông vào cuối năm 2013 đã làm quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản trở nên căng thẳng. Ngày 23-11, Trung Quốc bất ngờ thông báo Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ) bao gồm cả quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Xên-ca-cư. Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Ô-xtrây-li-a đã kịch liệt phản đối. Nhật Bản coi đó là “một hành động nguy hiểm”; còn Hàn Quốc cũng ngay sau đó tuyên bố mở rộng Vùng nhận dạng phòng không, bất chấp nó chồng lấn với ADIZ mà Trung Quốc thông báo trước đó. Những động thái này cho thấy, tình hình biển Hoa Đông còn diễn biến phức tạp.

7. Quan điểm “xây dựng lòng tin chiến lược” tại Đối thoại Shangri-La 12

Tại Đối thoại Shangri-La 12, ngày 31-5-2013 (ở Xin-ga-po), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu dẫn đề khai mạc với chủ đề: “Xây dựng lòng tin chiến lược, vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương”. Đại diện các nước tham dự Đối thoại và báo giới quốc tế đánh giá cao thông điệp của Thủ tướng Việt Nam và cho rằng, Việt Nam đã thẳng thắn và thể hiện rõ quan điểm đối với an ninh khu vực.

8. Đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin

Sau 3 năm đình trệ và bế tắc, ngày 29-7-2013, tại Oa-sinh-tơn, các cuộc gặp đầu tiên giữa đại diện Pa-le-xtin và I-xra-en được nối lại. Để tỏ thiện chí, trước thềm cuộc gặp đầu tiên, I-xra-en đã trả tự do cho hàng trăm tù nhân Pa-le-xtin. Theo giới phân tích, các cuộc thương lượng vào thời điểm này mang lại cho I-xra-en nhiều lợi ích: tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột với Pa-le-xtin; ngăn chặn xu hướng chống Nhà nước Do Thái trên trường quốc tế và tạo cơ hội cho nước này giải quyết những thách thức đang nổi lên ở khu vực. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông không hoàn toàn suôn sẻ, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ khi I-xra-en tiếp tục khởi động xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem.

9. Diễn biến phức tạp trên bán đảo Triều Tiên

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đột ngột tăng cao khi ngày 12-02-2013, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Tình hình càng trở nên nóng hơn khi Hàn Quốc và Mỹ tổ chức tập trận chung, dài ngày, quy mô lớn cùng sự phô diễn nhiều vũ khí, trang bị quân sự mới, hiện đại. Đáp trả, Bình Nhưỡng đã công bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến đã ký với Xơ-un và đặt nước này trong tình trạng chiến tranh. Mới đây, Triều Tiên tuyên bố sẽ tấn công Hàn Quốc mà “không báo trước”, gây thêm căng thẳng trên bán đảo này. Động thái trên khiến dư luận lo ngại.

10. ADMM+ lần thứ hai và vai trò trung tâm của ASEAN

Cuối tháng 8-2013, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ hai được tổ chức và ra Tuyên bố chung Bê-ga-oan (Bru-nây). Theo đó, ADMM+ nhất trí thiết lập các biện pháp thực tiễn nhằm tránh hiểu lầm và các biến cố ở vùng biển trong khu vực; phản đối đe dọa và sử dụng đe dọa trong giải quyết các vấn đề an ninh; thúc đẩy tinh thần trách nhiệm tập thể đối với các thách thức an ninh, quốc phòng; cam kết phản ứng hiệu quả trước các thách thức trên nguyên tắc không can thiệp, đồng thuận trong quyết định và tôn trọng chủ quyền quốc gia; thiết lập nhóm công tác về chương trình Hành động mìn nhân đạo. Như vậy, từ một diễn đàn mang tính tượng trưng, ADMM+ đã có bước đi tích cực, hiệu quả, thể hiện vai trò trung tâm trong định hình cấu trúc an ninh khu vực, được dư luận đánh giá cao.

TẠ QUANG

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...