Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 20/03/2017, 08:42 (GMT+7)
Một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển

Những năm qua, công tác tổ chức và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các mặt và đạt được kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, cũng còn một số hạn chế bất cập, cần khắc phục nhằm phát huy vai trò quan trọng của lực lượng này đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.260 km, diện tích vùng biển trên một triệu ki-lo-mét vuông (gấp ba lần diện tích đất liền); có khoảng trên 3 nghìn đảo lớn, nhỏ và có quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa), quần đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng); có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 125 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, 616 xã, phường, thị trấn ven biển, 12 huyện và 77 xã đảo. Biển Việt Nam chứa nhiều tài nguyên, khoáng sản có giá trị lớn về kinh tế và có tuyến hàng hải quốc tế.

Dân quân biển Sơn Trà (Đà Nẵng) huấn luyện nội dung bắn súng.
(Ảnh: baodanang.vn)

Dân quân tự vệ biển là thành phần quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân, vừa trực tiếp sản xuất trên biển, vừa tham gia giữ gìn an ninh, trật tự và bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Thấy rõ vị trí, vai trò của dân quân tự vệ biển và tầm quan trọng của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách tổ chức xây dựng và hoạt động của dân quân tự vệ biển. Ngày 15-10-2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng mô hình điểm tổ chức, huấn luyện, hoạt động và những biện pháp quản lý lực lượng dân quân tự vệ” - Đề án 1902. Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản (Kế hoạch 1641/KH-TM của Bộ Tổng Tham mưu, Hướng dẫn 880/HD-DQ, ngày 16-11-2010 của Cục Dân quân tự vệ) liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn. Theo đó, các địa phương ven biển, các bộ, ngành Trung ương và doanh nghiệp có lực lượng hoạt động trên các vùng biển, đảo đã tích cực tổ chức xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển đạt được kết quả nhất định. Từ năm 2009 đến tháng 9-2016, tổng số dân quân tự vệ biển không ngừng tăng, chiếm tỷ lệ 0,08% so với tổng số dân quân tự vệ toàn quốc và chiếm 1,22% so với tổng số lao động trên biển. Trong đó gần 08 nghìn tàu, thuyền có tổ chức dân quân tự vệ, chiếm 1,07% số tàu thuyền hoạt động trên biển. Dân quân tự vệ biển đã phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Kiểm ngư giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Quá trình hoạt động, lực lượng này đã cung cấp 13.460 tin có giá trị liên quan đến quốc phòng, an ninh trên biển cho các cơ quan chức năng, trực tiếp đấu tranh 1.563 vụ với các hành vi hoạt động trái phép trên biển; đóng góp 87.998 lượt người với 435.862 ngày công tuần tra, 134.784 lượt người với 206.058 ngày công tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về biển, đảo, v.v. Đặc biệt, trong tháng 6, 7-2016, dân quân tự vệ biển đã phối hợp với các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn máy bay Su30 - MK, máy bay Casa - 212 bị nạn, được các cấp đánh giá cao.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng tổ chức và chỉ đạo hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về mô hình tổ chức và điều kiện hoạt động; nhận thức của một số địa phương, ngành về vai trò, vị trí của dân quân tự vệ biển chưa đầy đủ. Việc tổ chức sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu, v.v. Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển, cần nghiên cứu làm rõ vấn đề tổ chức và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển.

Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển trong việc tổ chức xây dựng và hoạt động của dân quân tự vệ biển. Đây là nguyên tắc có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả tổ chức xây dựng và hoạt động của dân quân tự vệ biển. Vấn đề quan trọng hàng đầu là, tăng cường giáo dục, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trọng tâm là các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư (Chỉ thị 20/CT-TW, ngày 22-9-1997 về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Kết luận 41-KL/TW, ngày 31-3-2009 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW,...), Luật Dân quân tự vệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho các đối tượng, nhất là lực lượng dân quân tự vệ biển. Qua đó, làm cho mọi người nhận thức rõ vai trò, vị trí chiến lược của dân quân tự vệ biển trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Hằng năm, các cấp ủy địa phương ven biển, đảo cần đưa nội dung công tác dân quân tự vệ biển vào nghị quyết lãnh đạo về công tác quân sự, quốc phòng. Gắn liền với đó, phải xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết chuyên đề về công tác dân quân tự vệ trong đó có dân quân tự vệ, biển và nhất thiết phải ban hành đề án, kế hoạch tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động, cũng như bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng này. Chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ sở, cơ quan, tổ chức có lực lượng, phương tiện hoạt động trên biển phải đăng ký và có kế hoạch tổ chức tự vệ biển theo quy định. Cơ quan quân sự các cấp với chức năng là cơ quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác quân sự, quốc phòng, cần phải đề cao trách nhiệm, chủ động đề xuất chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Hai là, tích cực nghiên cứu tổ chức xây dựng dân quân tự vệ biển, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trong thời bình và thời chiến. Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc, cần kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế biển với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trên biển, đảo. Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, tổ chức và cơ quan có lực lượng hoạt động trên biển phải tổ chức xây dựng dân quân tự vệ biển theo đúng quy định. Các xã ven biển, xã đảo tổ chức dân quân biển với quy mô phù hợp, phổ biến là cấp tiểu đội, trung đội; các doanh nghiệp có tàu, thuyền, phương tiện hoạt động trên biển cần căn cứ vào khả năng thực tế để tổ chức đơn vị tự vệ biển cấp tiểu đội, trung đội, hải đội hoặc hải đoàn. Lực lượng dân quân tự vệ biển phải được tuyển chọn từ ngư dân ở địa phương, lao động hợp đồng (từ 6 tháng trở lên) trên các tàu, thuyền (chủ yếu ở tuyến khơi). Các thành phần trong tổ chức dân quân là những người trong dòng họ hoặc cùng nơi cư trú xóm (làng) hoặc tổ dân phố (phường). Các địa phương động viên, khuyến khích ngư dân trong cùng địa bàn cư trú thành lập mô hình “tổ đoàn kết”, “hợp tác xã”, “tập đoàn đánh cá”, “nghiệp đoàn nghề cá”, tạo cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng dân quân biển. Riêng các xã đảo, dân quân biển được tổ chức theo tỷ lệ so với dân số cao hơn tỷ lệ chung của toàn lực lượng. Các doanh nghiệp nhà nước đều phải tổ chức tự vệ biển theo quy định. Những doanh nghiệp nhà nước có quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện (chưa có tổ chức đảng) thì chủ doanh nghiệp phải tạo thuận lợi để người lao động trong độ tuổi quy định tham gia các đơn vị dân quân tự vệ biển ở địa phương, cơ sở, phù hợp với ngành, nghề kinh doanh, ngư trường đánh bắt. Đối với những doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có năng lực hoạt động, nhưng chưa có đủ điều kiện để tổ chức lực lượng tự vệ thì cơ quan quân sự địa phương cần nghiên cứu, phối hợp với chủ doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ theo luật định. Thực tiễn đã chứng minh, mô hình dân quân tự vệ biển hiện nay, về cơ bản là phù hợp, nhờ đó đã phát huy khá tốt vai trò quan trọng trong tham gia hoạt động đấu tranh với các hành vi xâm phạm chủ quyền, an ninh trên các vùng biển của Tổ quốc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mô hình tổ chức đó cần có sự ổn định, vững chắc; đồng thời, cần có hướng mở rộng quy mô tổ chức phù hợp, nhằm không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của dân quân tự vệ biển trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc. Đây là vấn đề không dễ thực hiện, nhưng cần thiết và nên làm. Muốn thế, cần thấu suốt quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng và an ninh trên biển, theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, cần phải gắn chặt tổ chức hoạt động sản xuất trên biển với tổ chức lực lượng dân quân tự vệ. Để làm được điều đó, cơ quan quân sự các cấp cần nghiên cứu, rà soát nắm chắc năng lực hoạt động sản xuất trên biển (con người, phương tiện) của các xã, phường, doanh nghiệp để trên cơ sở đó có hướng xây dựng và mở rộng quy mô tổ chức lực lượng dân quân tự vệ phù hợp.

Ba là, nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của dân quân tự vệ biển. Nội dung hoạt động thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên biển của dân quân tự vệ biển rất rộng, gồm: sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, bảo vệ biển, đảo; tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ yếu là tham gia đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền, đấu tranh với các loại tội phạm; vận động nhân dân và tham gia xây dựng cơ sở; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường, v.v. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, dân quân tự vệ biển cần phải phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và lực lượng liên quan khác bảo vệ biển, đảo theo quy định. Cơ quan quân sự địa phương phải chỉ đạo, hướng dẫn ban chỉ huy quân sự xã, phường, cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chủ phương tiện quản lý dân quân tự vệ biển xây dựng kế hoạch hoạt động và chủ động triển khai thực hiện. Các cơ quan này phải chủ động phối hợp xây dựng và thực hiện đúng quy chế hoạt động giữa dân quân tự vệ biển với các lực lượng khác trên địa bàn, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ biển đảo, tạo niềm tin, điểm tựa vững chắc cho ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản. Khi hoạt động trên các tuyến biển, nhất là tuyến khơi, dân quân tự vệ biển phải vừa đánh bắt hải sản, vừa theo dõi, nắm bắt tình hình an ninh, quốc phòng để kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời, thông tin cho các tàu bạn, tạo mối liên kết bảo vệ hỗ trợ nhau hoạt động đấu tranh trên biển. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải đảm bảo tốt chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ.

Bốn là, cần bảo đảm trang thiết bị thông tin liên lạc và công cụ cho dân quân tự vệ biển. Các địa phương và cơ quan chức năng cần bảo đảm từng bước thiết bị thông tin, liên lạc hiện đại, áo phao, hỗ trợ xăng, dầu, trang bị công cụ hỗ trợ cho dân quân tự vệ biển. Làm được như vậy, một mặt nhằm phục vụ thiết thực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý lực lượng dân quân tự vệ biển trong quá trình hoạt động thực hiện nhiệm vụ trên biển; mặt khác, tạo thuận lợi cho lực lượng này phát huy tốt trách nhiệm phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng hoạt động bảo vệ biển, đảo. Các cấp, các ngành cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trang bị cho dân quân tự vệ biển bảo đảm đúng pháp luật và quy ước quốc tế. Hiện nay, tổ chức dân quân tự vệ biển hoạt động ở tuyến khơi đang là vấn đề đặt ra và còn nhiều bất cập. Thực hiện được nhiệm vụ này thì phải có tàu thuyền vỏ sắt công suất lớn để vươn khơi, bám biển dài ngày. Đây là nhân tố quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ biển, đảo. Vì thế, các cơ quan chức năng và các địa phương cần có sự phối hợp, nhất là việc tháo gỡ những ách tắc trong triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt, công suất lớn có khả năng vươn khơi xa để đánh bắt hải sản, kết hợp bảo vệ vùng biển, đảo Tổ quốc.

Nâng cao chất lượng tổ chức xây dựng và hoạt động của dân quân tự vệ biển vừa là vấn đề cấp thiết, vừa có ý nghĩa cơ bản lâu dài. Thực tiễn luôn phát triển, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, thực hiện bằng những giải pháp đồng bộ phù hợp nhằm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển vững mạnh, rộng khắp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” với định hướng “mạnh về biển, giàu lên từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển”.

Đại tá, TS. NGUYỄN PHƯƠNG HÒA

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.