Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 28/03/2024, 08:33 (GMT+7)
Về phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ tiến hành chiến dịch phản công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ trong chiến dịch phản công sẽ tạo sức mạnh tổng hợp, đảm bảo cho chiến dịch giành thắng lợi. Đây là vấn đề không mới, nhưng rất quan trọng, bởi nó diễn ra trong điều kiện mới của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nên cần được nghiên cứu toàn diện trên nhiều khía cạnh. Bài viết trao đổi một số giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp tác chiến giữa các lực lượng này.

Chiến dịch phản công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có thể được quân khu hoặc Bộ tổ chức ở các quy mô, ngay từ đầu hoặc trong quá trình tác chiến, nhằm đánh trả, ngăn chặn, tiêu hao, sát thương lớn, tiêu diệt một bộ phận quân địch ở trạng thái tiến công; bảo vệ, khôi phục các khu vực, mục tiêu, địa bàn trọng yếu; tạo thế, thời cơ chuyển sang tiến công, thúc đẩy tác chiến phòng thủ phát triển, tiến tới đánh bại tiến công của địch. Chiến dịch có tính tổng hợp cao, tiến hành trong điều kiện mới, dựa trên nền tảng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) được chuẩn bị từ thời bình nên có nhiều điểm khác với chiến dịch phản công trong chiến tranh giải phóng trước đây. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm nhiều thành phần, nòng cốt là các đơn vị chủ lực của Bộ hoặc quân khu và lực lượng tại chỗ trong khu vực phòng thủ địa phương thuộc địa bàn chiến dịch.

Đối tượng tác chiến chủ yếu và trực tiếp của chiến dịch thường là cụm lực lượng tác chiến trong đội hình tiến công của địch đã bị các lực lượng phòng thủ, phòng ngự của ta ngăn chặn; lực lượng, phương tiện bị tiêu hao, tổn thất, có lực lượng phải tạm dừng, nhưng khả năng, sức tiến công vẫn mạnh. Địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; có ưu thế về hỏa lực, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng rộng rãi, khả năng cơ động nhanh, chuyển hóa thế trận linh hoạt. Vì vậy, quá trình tác chiến chiến dịch sẽ rất ác liệt, tính biến động cao, nhiều tình huống đột biến phức tạp. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi chiến dịch phải giải quyết nhiều vấn đề cả trong tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến. Trong đó, chỉ huy, điều hành phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ là vấn đề rất quan trọng, nhằm phát huy sở trường, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, cùng phối hợp, hỗ trợ nhau lập thế, tạo lực, tạo thời cơ, tiến hành các biện pháp chiến dịch, hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, tích cực tiêu hao, tiêu diệt địch. Để nâng cao hiệu quả phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ, đòi hỏi tư lệnh và cơ quan chiến dịch thực hiện một số giải pháp sau.

Một là, nắm chắc và đánh giá đúng tình hình địch. Đây là cơ sở để xác định nội dung, hình thức, phương án, kế hoạch, biện pháp phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ, giành quyền chủ động, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, nhanh chóng hoàn thành mục đích chiến dịch.

Cùng với nắm đầy đủ về ta, môi trường tác chiến, chỉ huy và cơ quan chiến dịch cần nắm chắc tình hình địch; chú trọng nắm về tổ chức, biên chế, trang bị, mức độ thiệt hại, trạng thái của địch, các thủ đoạn đối phó và đánh giá, kết luận rõ mạnh, yếu của chúng. Đánh giá về địch phải toàn diện, cả địch trên không, mặt đất; mục đích, mục tiêu tiến công; khả năng lực lượng, đội hình tiến công; hướng tiến công chủ yếu, thứ yếu, hướng địch có thể ứng cứu đường bộ, đường sông và các khu vực đổ bộ đường không. Nắm địch liên tục từ trước, trong suốt quá trình tổ chức và thực hành tác chiến, cũng như khả năng hoạt động tiếp theo của chúng.

Để nắm chắc, đánh giá đúng về địch, tư lệnh và cơ quan chiến dịch có thể nghiên cứu khai thác, thu thập, tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là tận dụng thông tin của các lực lượng trong khu vực phòng thủ địa phương trên địa bàn tác chiến. Trên cơ sở đó, sàng lọc thông tin, rút ra kết luận những điểm mạnh, yếu của địch để dự kiến các phương án tổ chức phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ phù hợp với địa bàn, tình hình địch; đồng thời, có biện pháp hạn chế điểm mạnh, khoét sâu điểm yếu của chúng, bảo đảm khi thực hành phối hợp giữa hai lực lượng đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Hai là, triệt để tận dụng thế trận phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ địa phương. Chiến dịch phản công ở các quy mô trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dù được tiến hành trong trường hợp nào cũng phải dựa vào thế trận tác chiến phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ địa phương. Đây cũng là chỗ dựa vững chắc, căn bản nhất để lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ phối hợp tác chiến, phát huy sức mạnh tổng hợp đánh địch.

Theo đó, thế trận tác chiến phòng thủ quân khu tạo điều kiện thuận lợi về thế trận, nhân lực, vật lực trong suốt quá trình phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ. Thế bố trí và hoạt động tác chiến của các lực lượng trên địa bàn quân khu sẵn sàng đánh địch ở các hướng, khu vực đã tạo thế và thời cơ, bảo đảm cho lực lượng cơ động chiến dịch tập trung lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác phản công tiêu diệt địch trong khu vực đã dự kiến chuẩn bị trước. Trong thế trận khu vực phòng thủ địa phương, lực lượng cơ động triệt để dựa vào các khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, làng xã chiến đấu, bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật được các địa phương chuẩn bị trước một bước từ thời bình, nâng cao hiệu quả phối hợp tác chiến với lực lượng tại chỗ.

Hiện nay và trong tương lai, lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ địa phương được tổ chức, biên chế, trang bị phù hợp, thường xuyên luyện tập, diễn tập theo các phương án tác chiến trên từng khu vực, địa bàn trọng điểm, nên chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu không ngừng đươc nâng lên. Vì vậy, trong giai đoạn tổ chức chuẩn bị, lực lượng cơ động có thể phối hợp với các lực lượng này chuẩn bị đường cơ động, xây dựng trước một phần công sự, trận địa. Khi tác chiến xảy ra, lực lượng cơ động có thể được phối thuộc hoặc hiệp đồng với các lực lượng trong khu vực phòng thủ để nắm địch, đánh cắt giao thông, đẩy mạnh các hoạt động tác chiến rộng khắp, quần lộn, cài xen kẽ,… liên tục đánh vào bên sườn, phía sau đội hình tiến công, buộc địch phải phân tán đối phó, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cơ động phản công tiêu diệt địch, nhất là trong tổ chức đánh chắc thắng các trận then chốt, then chốt quyết định.

Ba là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ. Đây là nội dung quan trọng trong phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ, nhằm tạo mối quan hệ chặt chẽ, hài hòa giữa các lực lượng tham gia tác chiến; đồng thời, phát huy được tính tích cực, chủ động khi phối hợp tác chiến, tạo sức mạnh tổng hợp đánh địch. Về nguyên tắc, lực lượng tại chỗ sẽ đảm nhiệm tác chiến nhỏ lẻ, rộng khắp, nhằm căng kéo, phân tán, tiêu hao địch, tạo thế, thời cơ cho lực lượng cơ động bước vào chiến đấu. Lực lượng cơ động là nòng cốt của chiến dịch được sử dụng tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng, các trận tiêu diệt lớn quân địch, nhất là các trận then chốt, then chốt quyết định của chiến dịch.

Do địa bàn tác chiến của chiến dịch rộng, địa hình phức tạp, có thể bị chia cắt bởi sông ngòi, đồi núi, khe sâu;… có nhiều lực lượng cùng tham gia; vì vậy, tư lệnh và cơ quan chiến dịch cần xây dựng kế hoạch hiệp đồng tác chiến cụ thể, thống nhất, phù hợp với thực tiễn chiến trường; quy định rõ hành động chiến đấu và chỉ huy chiến đấu của các lực lượng. Khi hiệp đồng hành động phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ phải chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ,… để thực hiện đúng ý định, kế hoạch tác chiến của chiến dịch, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót mục tiêu.

Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ, căn cứ vào tình hình cụ thể, chiến dịch phải tổ chức giao nhiệm vụ, hiệp đồng chặt chẽ hoạt động tác chiến của các lực lượng theo một kế hoạch cụ thể, quy định rõ phạm vi nhiệm vụ, mốc thời gian, ký tín ám hiệu chỉ huy, hiệp đồng. Hoạt động tác chiến của lực lượng tại chỗ và cơ động có thể diễn ra đồng thời, kế tiếp hoặc liên kết với nhau theo một kế hoạch thống nhất dưới sự chỉ huy tập trung, thống nhất của bộ tư lệnh chiến dịch. Trong đó, hoạt động tác chiến của lực lượng tại chỗ phải hướng vào phục vụ hoạt động tác chiến của lực lượng cơ động. Đặc biệt, cần linh hoạt nhưng kiên quyết trong chỉ huy, xử trí hiệu quả các tình huống diễn ra trong quá trình phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ, nhất là khi phối hợp thực hành đánh các trận then chốt, then chốt quyết định của chiến dịch.

Bốn là, thực hiện tốt công tác bảo đảm. Thực hiện tốt giải pháp này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo thuận lợi cho lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ phối hợp tác chiến đúng thời cơ, phát huy được sức mạnh tổng hợp đánh địch, hạn chế thương vong, tổn thất.

Chiến dịch cần tập trung bảo đảm đầy đủ đường cơ động cho lực lượng tại chỗ tác chiến rộng khắp trên địa bàn; lực lượng cơ động tham gia trận đánh then chốt, then chốt quyết định; các lực lượng di chuyển từ khu vực trận đánh này sang khu vực trận đánh khác. Chủ động phòng tránh, đánh trả, chế áp vũ khí công nghệ cao của địch, bảo vệ an toàn cho hoạt động phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ. Cùng với đó, cần bảo đảm thông tin cho nắm địch, chỉ huy, thông báo, báo động phòng tránh địch tiến công hỏa lực hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt lớn; phòng, chống địch chế áp điện tử, gây nhiễu phá hoại mạng thông tin vô tuyến điện; duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt trong chuẩn bị và thực hành phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ.

Để hoạt động phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ đạt hiệu quả cao, chiến dịch có thể tổ chức cơ động lực lượng bằng nhiều trục đường; nắm chắc khả năng, âm mưu, thủ đoạn, quy luật sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch; triệt để tận dụng thế trận phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ địa phương, nhất là địa hình che khuất, che đỡ, các công trình để bố trí, cơ động lực lượng, triển khai đội hình phối hợp tác chiến chặt chẽ, linh hoạt, liên tục, bí mật, bất ngờ. Cùng với các biện pháp duy trì vững chắc mạng thông tin liên lạc cho chỉ huy, hiệp đồng, chiến dịch cần tổ chức hiệp đồng chặt chẽ hành động cho các bộ phận, quy định cụ thể ký tín ám hiệu hiệp đồng theo từng giai đoạn, nhiệm vụ để phòng, chống tác chiến điện tử của địch; ngụy trang, nghi binh các tổng trạm vô tuyến điện, tránh bị địch phát hiện, đánh phá khi thực hành phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ.

Phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ tiến hành chiến dịch phản công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được diễn ra trong điều kiện mới, với các yếu tố về địch, ta luôn vận động, phát triển nên cần tiếp tục được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn để không ngừng nâng cao hiệu quả phối hợp tác chiến giữa hai lực lượng này, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Trung tá, ThS. NGUYỄN TRUNG HIỀN

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.