Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:17 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Thực tiễn các cuộc xung đột, chiến tranh gần đây cho thấy, việc sử dụng rộng rãi thiết bị bay không người lái của các bên không chỉ tạo ra mối đe dọa, thách thức mới, mà còn thúc đẩy sự phát triển mang tính đột phá về phương thức, thủ đoạn tác chiến tiến công đường không trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả tác chiến phòng, chống thiết bị bay không người lái là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Chúng ta biết, sự ra đời của thiết bị bay không người lái (UAV) đã, đang đánh dấu một bước ngoặt phát triển trong thời đại công nghệ. Gần đây, nhờ ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ định vị toàn cầu (GPS), loại phương tiện bay này có bước phát triển nhảy vọt, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Với ưu điểm vượt trội, như: chi phí sản xuất thấp, dễ cải hoán, sử dụng linh hoạt, đa nhiệm, hiệu quả cao nên thiết bị bay không người lái được nhiều quốc gia nghiên cứu, phát triển, đưa vào biên chế của quân đội và sử dụng rộng rãi trong các nhiệm vụ: trinh sát, cảnh báo sớm, chỉ thị mục tiêu, làm mồi bẫy và tiến công, v.v. Thực tiễn các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang trên thế giới gần đây, nhất là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã cho thấy tính chất nguy hiểm, phức tạp và vai trò rất lớn của thiết bị bay không người lái trong thực chiến trên chiến trường.
Hiện nay, thiết bị bay không người lái đang bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày càng tinh vi, hiện đại hơn khi được chế tạo bằng các loại vật liệu mới và tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trên thực tế, nhiều loại thiết bị bay không người lái thế hệ mới với các tính năng vượt trội về phạm vi hoạt động, tốc độ bay, khả năng tàng hình, mang được nhiều loại vũ khí, bay ở chế độ tự hoạt, cấu trúc mở, dễ cải tiến,... được nghiên cứu, phát triển. Đáng chú ý là xu hướng chế tạo các mẫu thiết bị bay không người lái hiện đại cỡ nhỏ và siêu nhỏ, rất khó phát hiện và tiêu diệt, tạo ra những phương thức, thủ đoạn tác chiến mới khó đối phó, nhất là chiến thuật tiến công cảm tử kiểu bầy đàn. Đây là nhân tố mới trong tiến công đường không; gây ra mối đe dọa đầy thách thức với quốc phòng, an ninh và mở ra một cuộc cách mạng trong tác chiến đối không.
Vì vậy, tác chiến phòng, chống thiết bị bay không người lái đã, đang là vấn đề cấp thiết, được các quốc gia hết sức quan tâm và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trên cơ sở nhận thức đúng về nhiệm vụ tác chiến đối không, trong đó có tác chiến phòng, chống thiết bị bay không người lái, chúng ta đã thực hiện đồng bộ các biện pháp xây dựng lực lượng, thế trận, duy trì nền nếp, chế độ canh trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời, không để bị động, bất ngờ. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ quân sự, âm mưu, thủ đoạn, phương thức sử dụng thiết bị bay không người lái của đối phương đã và đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao cùng những khó khăn, thách thức mới. Phạm vi bài viết tập trung nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả tác chiến phòng, chống thiết bị bay không người lái, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
1. Khẩn trương nghiên cứu xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu về thiết bị bay không người lái. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tài liệu, giáo trình về thiết bị bay không người lái của chúng ta chưa nhiều, chưa sâu, chưa thành hệ thống và cập nhật kịp sự phát triển mới. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp thu thập tình hình, cập nhật kịp thời chiến lược phát triển, đặc điểm kỹ thuật, chiến thuật các loại thiết bị bay không người lái và vũ khí chống thiết bị bay không người lái của các nước. Đặc biệt, đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết chiến lệ sử dụng và biện pháp phòng, chống phương tiện bay này trong các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang,... nhất là thực tiễn chiến trường Ukraine. Qua đó, đúc rút phương thức, thủ đoạn, chiến thuật sử dụng thiết bị bay không người lái, kinh nhiệm phòng, chống; dự báo đối tượng, thủ đoạn sử dụng thiết bị bay không người lái trong các trạng thái quốc phòng và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các quy mô chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đây là cơ sở để biên soạn giáo trình, tài liệu nhằm bổ sung, phát triển lý luận nghệ thuật tác chiến đối không, nhất là nghiên cứu nghệ thuật tác chiến, cách đánh, giải pháp phòng, chống thiết bị bay không người lái, đảm bảo phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị của các lực lượng, nghệ thuật quân sự Việt Nam, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
2. Chú trọng xây dựng lực lượng và đầu tư mua sắm, nghiên cứu cải tiến, chế tạo, hiện đại hóa vũ khí, khí tài phòng, chống thiết bị bay không người lái phù hợp với tiến trình hiện đại hóa Quân đội. Đây là vấn đề vừa cấp thiết trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, bởi xu hướng, tốc độ phát triển cũng như khả năng sử dụng và hiệu quả của phương tiện bay này ngày càng được khẳng định trong thực tiễn, làm xuất hiện lý luận, phương thức tác chiến hoàn toàn mới. Vì vậy, trước mắt, cùng với nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến trên mặt trận đối không nói chung, cách đánh thiết bị bay không người lái nói riêng,... cần nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống đủ mạnh, hiện đại. Trong đó, xây dựng lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân, tác chiến điện tử,... làm nòng cốt; lực lượng phòng không nhân dân rộng khắp làm nền tảng. Về lâu dài, cần tập trung nghiên cứu, tổ chức các đơn vị tác chiến điện tử chống thiết bị bay không người lái chuyên trách, đa năng, hiện đại, nhằm đối phó hiệu quả với loại phương tiện bay này trong mọi tình huống.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, lựa chọn đầu tư mua sắm, nghiên cứu chế tạo, hiện đại hóa vũ khí, khí tài, trang bị của các lực lượng, đảm bảo phát hiện, bắt, bám và chế áp, tiêu diệt các loại thiết bị bay không người lái, nhất là loại siêu nhỏ, bay ở độ cao cực thấp, có khả năng tàng hình, v.v. Trong đó, ưu tiên mua sắm, cải tiến, chế tạo các loại vũ khí, khí tài chế áp điện tử; nghiên cứu phát triển các loại UAV có thể tấn công tiêu diệt thiết bị bay không người lái của địch, v.v. Thực tế cho thấy, các hệ thống chế áp điện tử là phương tiện hiệu quả nhất chống lại thiết bị bay không người lái. Do đó, cùng với cải tiến hiện đại hóa vũ khí phòng không, cần lựa chọn mua sắm, chế tạo thiết bị, vũ khí có thể chế áp các kênh điều khiển, dẫn đường phương tiện bay này của đối phương ở dải tần rộng, cự ly xa. Trên cơ sở đó, tổ chức liên kết chặt chẽ hệ thống phòng không và tác chiến điện tử, đảm bảo đối phó có hiệu quả với thiết bị bay không người lái ở mọi quy mô, thủ đoạn và hình thức tiến công.
3. Tổ chức rà soát, quy hoạch xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc. Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi tác chiến trên mặt trận đối không nói chung, phòng, chống các thiết bị bay không người lái nói riêng, bởi thực tiễn cho thấy, việc đối phó với phương tiện bay này ngày càng trở nên khó khăn và đứng trước nhiều thách thức. Để kịp thời phát hiện, chế áp, tiêu diệt các loại thiết bị bay không người lái xâm nhập, phải tập trung xây dựng cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận; trong đó, việc xây dựng thế trận phòng không vững mạnh, rộng khắp cả ở quy mô chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không là vấn đề rất quan trọng. Theo đó, thế trận phòng, chống thiết bị bay không người lái phải nằm trong tổng thể thế trận phòng không các cấp, gắn kết chặt chẽ với thế trận chiến tranh nhân dân trong các khu vực phòng thủ, tạo thế chủ động phòng, chống, đánh từ xa đến gần, vừa đánh rộng khắp, vừa có thể đánh tập trung, vừa phòng tránh, bảo toàn lực lượng. Trước thực tế hiện nay, cần rà soát, quy hoạch, điều chỉnh thế bố trí các đài, vọng trinh sát, quan sát phòng không, nhất là trên các địa bàn, hướng trọng điểm; thiết lập hệ thống trinh sát, quan sát mặt đất, trên không với nhiều thành phần, phương tiện, đảm bảo khép kín vùng trời, theo dõi, cảnh báo sớm sự xuất hiện của thiết bị bay không người lái, tổ chức thông báo, báo động kịp thời. Đồng thời, xây dựng thế trận tác chiến phòng không rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng phòng không quốc gia với phòng không lục quân, phòng không nhân dân và lực lượng tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng,... sẵn sàng ngăn chặn, vô hiệu hóa, tiêu diệt mọi loại thiết bị bay không người lái xâm phạm vùng trời Tổ quốc.
Cùng với đó, tăng cường các biện pháp xây dựng “thế trận phòng không lòng dân” vững mạnh, phát huy tai mắt của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo, báo động và tham gia ngăn chặn, đón đánh thiết bị bay không người lái trên mọi địa bàn.
4. Xây dựng chương trình, nội dung huấn luyện, diễn tập tác chiến phòng, chống thiết bị bay không người lái trong các nhà trường, đơn vị. Tác chiến phòng, chống thiết bị bay không người lái là vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả của nhiều nhân tố; trong đó, huấn luyện, đào tạo, diễn tập là những nội dung trọng yếu. Vì vậy, cùng với nghiên cứu, biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu huấn luyện, tài liệu tham khảo về kỹ thuật, chiến thuật tác chiến phòng, chống thiết bị bay không người lái và các mặt bảo đảm cho hoạt động tác chiến này, cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình, thời gian huấn luyện, đào tạo cho các đối tượng, từ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đến hạ sĩ quan, binh sĩ và lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên. Chương trình, nội dung đào tạo, huấn luyện phải được thẩm định kỹ lưỡng, đảm bảo cập nhật những vấn đề mới về tác chiến phòng, chống thiết bị bay không người lái, giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra trong tác chiến đối không,... phù hợp với tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị, phương pháp tác chiến, cách đánh của từng lực lượng.
Trước mắt, cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, thông tin để bộ đội nắm chắc các kiểu, loại thiết bị bay không người lái, tính năng, thủ đoạn, chiến thuật sử dụng của địch,... xây dựng ý chí, niềm tin vào cách đánh, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Cùng với đó, duy trì thực hiện tốt các nội dung huấn luyện về trinh sát, quan sát, sử dụng trang bị, vũ khí, khí tài bắn máy bay bay thấp, thiết bị bay không người lái loại nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, bắn đêm, trong điều kiện chuẩn bị gấp. Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng tưởng định, tổ chức các cuộc diễn tập chuyên ngành về phòng, chống thiết bị bay không người lái ở các quy mô. Hằng năm, các đơn vị cấp chiến thuật, chiến dịch cần đưa nội dung tác chiến phòng, chống thiết bị bay không người lái vào nội dung các cuộc diễn tập. Thông qua đó, góp phần nâng cao năng lực của chỉ huy các cấp, trình độ, khả năng chiến đấu của bộ đội, khả năng phối hợp hiệp đồng của các lực lượng trong tác chiến phòng, chống loại phương tiện này, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tác chiến phòng, chống thiết bị bay không người lái là vấn đề mới, đang vận động, phát triển rất nhanh. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc, toàn diện, thấu đáo để cung cấp luận cứ khoa học cho tham mưu, đề xuất chủ trương, giải pháp phòng, chống có hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
Đại tá, TS. CAO VĂN KẾ
thiết bị bay không người lái,định vị toàn cầu,trí tuệ nhân tạo,thế trận tác chiến phòng không
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc