Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 07/03/2024, 10:20 (GMT+7)
Giải pháp giữ vững thông tin liên lạc trong tác chiến bảo vệ biển, đảo

Giữ vững “mạch máu” thông tin liên lạc là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi trong tác chiến. Đặc biệt khi tác chiến ở môi trường biển, đảo, nhiệm vụ này càng có ý nghĩa quan trọng và gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, cần được quan tâm, nghiên cứu.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) tác chiến bảo vệ biển, đảo là một loại hình tác chiến chiến lược nhằm ngăn chặn địch tiến công trên hướng biển, bảo vệ vững chắc các đảo, quần đảo và vùng biển của Tổ quốc. Đối tượng tác chiến trực tiếp trên chiến trường biển, đảo là lực lượng liên hợp của địch sử dụng vũ khí, trang bị hiện đại, công nghệ cao và tác chiến không gian mạng, tác chiến điện tử quy mô lớn. Do vậy, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, vững chắc cho các lực lượng tham gia tác chiến là yêu cầu hàng đầu mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa quyết định giành thắng lợi. Nhận thức rõ điều đó, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Quân đội đã tập trung xây dựng thế trận tác chiến bảo vệ biển, đảo ngày càng vững chắc. Trong đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, trang bị và các phương án bảo đảm thông tin liên lạc cũng được đầu tư xây dựng, từng bước hiện đại. Tuy nhiên, đặc điểm của tác chiến bảo vệ biển, đảo diễn ra trên phạm vi rộng, nhiều lực lượng tham gia, môi trường tác chiến đặc thù; thông tin liên lạc phải bảo đảm cho nhiều lực lượng, nhiệm vụ trên các khu vực khác nhau, tính chất ác liệt, khẩn trương, phức tạp cao. Vì vậy, để giữ vững thông tin liên lạc, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả về tổ chức hệ thống, chỉ huy, điều hành và phối hợp giữa các lực lượng, v.v. Bài viết trao đổi một số giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng thông tin trong tác chiến bảo vệ biển, đảo.

Một là, hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sở trường, thế mạnh của từng lực lượng thông tin. Đây là giải pháp quan trọng, quyết định kết quả hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cả trong thời bình và trong tác chiến. Trên hướng biển, đảo, chúng ta có nhiều lực lượng thông tin cùng hoạt động, cả quân sự và dân sự. Để phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng thông tin, đòi hỏi Binh chủng Thông tin liên lạc chủ động rà soát, nghiên cứu nắm chắc tình hình thực tế về lực lượng, phương tiện, trang bị, hạ tầng kỹ thuật thông tin trên từng địa bàn, khu vực, trên cơ sở đó tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành liên quan đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống viễn thông, ưu tiên hướng, khu vực biển, đảo trọng điểm. Trong đó, chú trọng phát triển hệ thống viễn thông lưỡng dụng, vừa phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa sẵn sàng bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống. Theo đó, đối với hệ thống thông tin dân sự, nhất là mạng viễn thông của các doanh nghiệp ở khu vực ven bờ và trên các vùng biển, đảo, cần quy hoạch, xây dựng theo kế hoạch thống nhất, liên kết chặt chẽ với hệ thống thông tin quân sự, phù hợp với các phương án tác chiến. Ưu tiên phát triển mạng thông tin khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố ven biển, các huyện đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Đối với hệ thông thông tin quân sự, hiện nay được tổ chức, bố trí theo vùng, miền để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên và sẵn sàng chiến đấu trên từng khu vực. Trong đó, lực lượng thông tin quân sự trực tiếp bảo đảm cho tác chiến bảo vệ biển, đảo, gồm các đơn vị thông tin của Bộ Quốc phòng, của các quân khu ven biển, các quân chủng: hải quân, phòng không - không quân, cảnh sát biển và các đơn vị binh chủng, ngành, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển. Để phát huy thế mạnh của từng lực lượng thông tin trong thực hiện nhiệm vụ, có thể đẩy nhanh việc quy hoạch bố trí, phát huy hiệu quả các trạm chuyển tiếp vô tuyến điện, vi ba trên khu vực bờ biển và các đảo gần bờ để kết nối liên lạc với các đơn vị tác chiến trên các vùng biển, đảo xa. Đối với các đảo, quần đảo và nhà giàn, tiếp tục phát huy hiệu quả của hệ thống thông tin phục vụ tác chiến được triển khai từ thời bình, chú trọng sử dụng thông tin hữu tuyến điện để giữ vững liên lạc giữa các lực lượng trong đội hình chiến đấu trên đảo. Đồng thời, coi trọng sử dụng các mạng, hướng thông tin vô tuyến điện, vệ tinh, nhất là các mạng vô tuyến điện bí mật để liên lạc giữa các đảo trong khu vực với các lực lượng tác chiến trên biển và trên đất liền. Mặt khác, quá trình bảo đảm thông tin liên lạc, lực lượng thông tin cần phát huy hiệu quả các phương tiện thông tin thế hệ mới, hiện đại, kết hợp sử dụng các phương tiện truyền thống để hỗ trợ, nâng cao tính bền vững. Thực hiện kết hợp chặt chẽ thông tin tại chỗ với cơ động, hình thành bảo đảm theo khu vực vững chắc.

Hai là, tăng cường huấn luyện, hợp luyện, diễn tập nâng cao khả năng bảo đảm thông tin liên lạc của các lực lượng. Bảo vệ biển, đảo là một nhiệm vụ chiến lược, lực lượng nòng cốt là hải quân, phòng không, không quân, cảnh sát biển, các quân khu ven biển và các lực lượng liên quan. Những năm qua, cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng thông tin liên lạc ở từng cấp, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc luyện tập, diễn tập với các quy mô, hình thức tác chiến khác nhau. Tuy nhiên, qua thực tế các cuộc diễn tập, lực lượng thông tin mới chủ yếu tổ chức bảo đảm cho các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, lực lượng mình, việc phối hợp bảo đảm thông tin giữa các lực lượng còn ít. Vì vậy, để nâng cao khả năng bảo đảm thông tin liên lạc cho tác chiến bảo vệ biển, đảo, đi đôi với nâng cao chất lượng huấn luyện làm chủ trang bị kỹ thuật thông tin, nhất là các chủng loại khí tài mới, hiện đại, công nghệ cao, cần tăng cường tổ chức luyện tập, hợp luyện, diễn tập theo các phương án tác chiến trên từng vùng biển, đảo; chú trọng hợp luyện các phương án bảo đảm thông tin liên lạc cho các vùng biển, quần đảo trọng điểm, đặc biệt là phòng thủ đảo, quần đảo và thực hành đánh địch cơ động trên biển, tình huống nước ngoài đánh chiếm biển, đảo. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, quá trình huấn luyện và hợp luyện, các đơn vị cần tập trung nâng cao trình độ chỉ huy bảo đảm thông tin liên lạc giữa đất liền với các lực lượng tác chiến trên biển, các đảo và quần đảo. Tăng cường huấn luyện đêm và hợp luyện bảo đảm thông tin liên lạc giữa hải quân với các quân khu có biển và các quân chủng, binh chủng, ngành trực tiếp tham gia tác chiến, đáp ứng yêu cầu bảo vệ biển, đảo trong điều kiện chiến tranh hiện đại.

Ba là, tăng cường đầu tư trang thiết bị thông tin hiện đại, đồng bộ, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến. Nghiên cứu các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột quân sự gần đây trên thế giới cho thấy, ngay trong giai đoạn đầu, hệ thống thông tin liên lạc luôn là mục tiêu trọng điểm đánh phá bằng hỏa lực và gây nhiễu điện tử, hòng bóp nghẹt thông tin của đối phương. Thực tiễn đó cho thấy, cùng với yếu tố con người thì trang bị, phương tiện thông tin hiện đại có ý nghĩa rất quan trọng. Thực hiện chủ trương tiến thẳng lên hiện đại, những năm qua, lực lượng thông tin toàn quân được bổ sung nhiều trang bị, phương tiện thông tin mới, hiện đại. Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn còn hạn chế và thực tế hiện nay trang bị, khí tài thông tin của ta đang sử dụng gồm nhiều chủng loại, thế hệ khác nhau nên việc kết nối, đồng bộ còn gặp khó khăn.

Để giữ vững thông tin liên lạc trong tác chiến biển, đảo, thời gian tới, cùng với hoàn thiện tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt”, cần nghiên cứu chế tạo, nâng cấp, mua sắm hiện đại hóa trang bị, phương tiện thông tin thế hệ mới, phù hợp ở từng cấp, tạo bước chuyển về chất, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, như: hệ thống thông tin vệ tinh mang vác thế hệ mới, các tổ hợp vô tuyến điện đa băng tần công suất lớn ở cấp chiến lược, chiến dịch trên các hướng, khu vực trọng điểm. Trong đó, ưu tiên bảo đảm trang bị thông tin vệ tinh, vô tuyến điện thông minh cấp chiến thuật cho các đảo trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn, tàu chiến đấu và lực lượng cơ động đánh địch trên biển. Trên đất liền và các đảo, huyện đảo gần bờ, cần tập trung phát triển hệ thống truyền dẫn, bổ sung các vòng quang cho các vùng hải quân, các đơn vị pháo binh, tên lửa bờ, phòng không, không quân và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển. Bổ sung các xe thông tin cơ động, tích hợp các phương tiện vệ tinh, vi ba, vô tuyến điện, hữu tuyến điện và các tuyến cáp quang biển tạo thành các nút thông tin để giữ vững liên lạc với các lực lượng tác chiến trên khu vực biển, đảo và các lực lượng rà phá bom, mìn, quét thủy lôi, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Đối với các đảo và huyện đảo xa bờ, cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng và mạng lưới thông tin liên lạc đồng bộ, sẵn sàng chi viện cho các lực lượng tác chiến trên biển. Đặc biệt, trên các đảo xa bờ, lực lượng thông tin cần xây dựng thế trận thông tin liên lạc vững chắc, có tính độc lập cao và bố trí lực lượng thông tin dự bị hợp lý. Ưu tiên sử dụng các phương tiện thông tin vô tuyến điện sóng cực ngắn thế hệ mới, các trạm visat cố định cho các đảo, quần đảo, nhà giàn và lực lượng bảo vệ các tuyến hàng hải, các trung tâm kinh tế biển. Bổ sung các trạm vô tuyến điện đa năng trên các đảo gần bờ để sẵn sàng chuyển tiếp liên lạc đến các đơn vị tác chiến trên các vùng biển, đảo xa bờ. Quá trình bổ sung trang bị cần ưu tiên các đài vô tuyến điện có khả năng phòng, chống tác chiến điện tử của địch, tích hợp nhiều tính năng, sử dụng dài ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Bốn là, bổ sung cơ chế, quy định huy động và chỉ huy, điều hành thông tin liên lạc. Huy động, khai thác nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng viễn thông của các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, địa phương,... cho nhiệm vụ quốc phòng nói chung, bảo đảm cho tác chiến bảo vệ biển, đảo nói riêng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc cần tiếp tục tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng khảo sát, đánh giá khả năng huy động của các bộ, ngành, doanh nghiệp viễn thông để xây dựng kế hoạch huy động nhân lực, cơ sở hạ tầng viễn thông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương rà soát, xác định rõ chỉ tiêu, số lượng, thời gian và tổ chức điều hành việc huy động, bàn giao nhân lực, cơ sở hạ tầng viễn thông cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế phối hợp thông tin của lực lượng hải quân, phòng không - không quân, biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển và lực lượng thông tin của các doanh nghiệp trên các địa bàn theo nguyên tắc: lấy hoạt động phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến là chủ yếu, vừa bảo đảm thông tin cho hoạt động ngành mình, vừa bảo đảm thông tin liên lạc cho tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bảo đảm thông tin liên lạc trong tác chiến bảo vệ biển, đảo có tính đặc thù cao và rất khó khăn, phức tạp. Vì vậy, vấn đề này cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư nghiên cứu một cách thấu đáo, làm cơ sở cho chuẩn bị, thực hành bảo đảm thông tin liên lạc vững chắc cho tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá, TS. NGUYỄN TRỌNG VĨNH, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.