Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 08/05/2024, 13:20 (GMT+7)
Một số vấn đề về xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trên địa bàn Tây Bắc trong tình hình mới

Xây dựng tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân nói chung, tiềm lực chính trị - tinh thần nói riêng vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đối với địa bàn chiến lược, trọng điểm Tây Bắc thì nhiệm vụ này càng có ý nghĩa quan trọng. Vì thế, nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn địa bàn với quyết tâm chính trị cao và giải pháp đồng bộ, khoa học.

Tây Bắc1 là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái của cả nước. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân, Tây Bắc có sự khởi sắc về mọi mặt: kinh tế - xã hội ngày càng phát triển; quốc phòng - an ninh được tăng cường; tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Nhờ đó, niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương được củng cố, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nơi đây thực sự trở thành “phên giậu” vững chắc nơi cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của Tổ quốc. Tuy vậy, một số địa phương trên địa bàn kinh tế còn chậm phát triển, trình độ dân trí không đồng đều. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” để đẩy mạnh hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ đồng bào giữa các dân tộc, giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, giữa nhân dân với Quân đội và Công an, hòng gây mất ổn định về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Cùng với đó, việc điều chỉnh tổ chức, biên chế lực lượng các đơn vị Quân đội trên địa bàn có nhiều tác động đến tư tưởng của một bộ phận cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, v.v.

Trước thực tế trên, để hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xây dựng Tây Bắc “xanh, bền vững, toàn diện”, đưa các tỉnh Tây Bắc bứt phá vươn lên thoát khỏi “vùng trũng” trong phát triển và “lõi nghèo” của cả nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương và lực lượng vũ trang trên địa bàn cần coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận. Trong đó, đặc biệt chăm lo xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc và luôn xem đó là nội dung quan trọng hàng đầu, cơ sở để xây dựng, huy động, nhân lên sức mạnh các tiềm lực khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phạm vi bài viết, đề cập một số nghiên cứu về vấn đề này ở địa bàn Tây Bắc để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Xuất phát từ đặc thù của địa bàn nên Tây Bắc luôn là một trong những trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch, hòng kích động tư tưởng ly khai, tự trị; gieo rắc nghi ngờ, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì thế, hiện nay, để xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trên địa bàn quan trọng này, trước hết phải quan tâm xây dựng niềm tin và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, nội dung xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. Thực hiện tốt nội dung này sẽ tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để xây dựng, huy động và nhân lên sức mạnh các tiềm lực khác của nền quốc phòng toàn dân. Theo đó, nội dung tuyên truyền, giáo dục phải bảo đảm toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, như: chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy đảng về phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; lòng yêu nước, tự hào về truyền thống và con người của quê hương Tây Bắc anh hùng. Đồng thời, giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng, tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị mua chuộc lôi kéo, chủ động đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ. Trong thực hiện, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng; vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền và sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho từng đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở và thế hệ trẻ, chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các đơn vị Quân đội cần nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” theo Quyết định số 1371/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân địa phương và lực lượng vũ trang trên địa bàn để xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần ngày càng vững chắc.

Thực tiễn cho thấy, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân muốn đạt hiệu quả cao, cần được tiến hành ngay trong chính quá trình xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, quan tâm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là nội dung có tính quyết định trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. Hệ thống chính trị ở cơ sở là nơi cụ thể hóa và đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, trực tiếp triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của địa phương. Để làm tốt nội dung này, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng (nhất là chi bộ cơ sở, trong đó có chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn), vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Các đơn vị Quân đội, Công an, nhất là cơ quan quân sự địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp sắp xếp, tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, bảo đảm tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, cần tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao của các tổ chức cơ sở đảng; xây dựng hệ thống chính quyền các cấp vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương. Đồng thời, xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương vững mạnh, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở, mở rộng dân chủ theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đối với lực lượng vũ trang trên địa bàn, cần thường xuyên làm tốt công tác dân vận, nắm vững tình hình, luôn có mặt ở nơi khó khăn, phức tạp để giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, “xóa đói, giảm nghèo”; chủ động cử cán bộ, đảng viên tham gia cấp ủy các xã, sinh hoạt tại các chi bộ, tổ đảng. Thực hiện tốt công tác tạo nguồn phát triển Đảng, xóa tình trạng “trắng” đảng viên ở các thôn, bản; trên cơ sở đó, lựa chọn, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho cơ sở. Qua đó, không ngừng củng cố, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự phát triển bền vững để củng cố, nâng cao tiềm lực chính trị - tinh thần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đời sống của nhân dân trên địa bàn, nhất là đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới,... là một nhân tố quan trọng, quyết định đến sự bền vững của tiềm lực chính trị - tinh thần. Vì vậy, thường xuyên quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là cơ sở, nền tảng để xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần ngày càng vững chắc. Để thực hiện tốt nội dung này, cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành của địa phương cần bám sát thực tiễn, phát hiện những vấn đề nảy sinh về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... kịp thời có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế của địa phương là bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn; coi trọng gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ của từng tỉnh và toàn địa bàn.

Phát huy chức năng của đội quân lao động, sản xuất, các đơn vị Quân đội trên địa bàn cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tích cực thực hiện tốt đề án quy hoạch, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, nhất là ở địa bàn chiến lược, như: biên giới, địa hình hiểm trở, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cao, khu vực triển khai dự án thủy điện và nơi có mật độ dân số thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, v.v. Tích cực tham gia phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, như: điện, giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh xá, nhà văn hóa, các trạm xá quân - dân y kết hợp, v.v. Vận động nhân dân định canh, định cư, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi đại gia súc, trang trại gia đình; hỗ trợ vốn sản xuất, trồng và chăm sóc bảo vệ rừng,... để giúp nhân dân “xóa đói, giảm nghèo”. Qua đó, góp phần xây dựng Tây Bắc luôn ổn định về chính trị, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tạo điều kiện vật chất quan trọng để xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá TRẦN ĐẠI THẮNG, Phó Chính ủy Quân đoàn 12
_________________
       

1 - Chủ yếu là địa hình miền núi hiểm trở, có hơn 1.375km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và Lào (có 95 xã (phường, thị trấn) thuộc khu vực biên giới); có hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống (trong đó, có trên 70% là người đồng bào dân tộc thiểu số).

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.