Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 15/04/2024, 09:57 (GMT+7)
Mấy vấn đề về chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo ở các nhà trường Quân đội hiện nay

Chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo là quá trình thay đổi căn bản, toàn diện các yếu tố của hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học và quản lý giáo dục từ truyền thống sang hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng kỹ thuật và công nghệ số. Đây là xu thế tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ và đứng trước cả thuận lợi, khó khăn, thách thức. Nghiên cứu giải pháp thích ứng với quá trình này ở các nhà trường Quân đội là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói chung, ở các nhà trường Quân đội nói riêng là một nội dung của phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng, đó cũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hiện nay. Quán triệt, thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, những năm qua, các nhà trường Quân đội đã tích cực xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình chuyển đổi số, xây dựng mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” bước đầu đạt được kết quả quan trọng. Nhận thức, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên về chuyển đổi số có chuyển biến tích cực; công tác đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số được quan tâm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin và các yếu tố bảo đảm cho chuyển đổi số (phần mềm quản lý văn bản; chữ ký số; máy chiếu, camera; cổng thông tin điện tử; thư viện số, thư viện điện tử; trung tâm điều hành thông minh; hệ thống mạng, thiết bị cầu truyền hình) từng bước được đầu tư, nâng cấp. Quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy, học có sự đổi mới mạnh mẽ, ngày càng chuẩn hóa, hiện đại hóa, v.v.

Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, song tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo của các nhà trường Quân đội còn chậm, chưa có sự đột phá; nguồn lực đầu tư cho nhiệm vụ này còn hạn hẹp. Một bộ phận cán bộ, giảng viên, học viên nhận thức về chuyển đổi số còn hạn chế; kiến thức, kỹ năng tiếp cận, khai thác, sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số còn thiếu và chưa đồng bộ; việc số hóa giáo án, bài giảng, giáo trình, tài liệu, luận văn, luận án, đề tài khoa học còn chậm, chưa thống nhất; hệ thống các phần mềm phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đào tạo còn thiếu tính đồng bộ, v.v.

Thực trạng đó có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, đòi hỏi Bộ Quốc phòng, trực tiếp là các nhà trường Quân đội cần nghiên cứu, đề xuất và triển khai đồng bộ các giải pháp về chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo trong tình hình mới. Phạm vi bài viết đề cập một số nghiên cứu bước đầu về vấn đề này để trao đổi cùng bạn đọc.

Theo chúng tôi, trước hết, các nhà trường phải tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên về chuyển đổi số. Để làm được điều đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên đối với nội dung quan trọng này, trọng tâm là Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về “Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”; Kế hoạch số 4396/KH-BQP, ngày 04/11/2021 của Bộ Quốc phòng và Kế hoạch số 588/KH-BTTM, ngày 04/3/2022 của Bộ Tổng Tham mưu về “Chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo ở các nhà trường Quân đội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, v.v. Qua đó, làm cho cấp ủy, chỉ huy các cấp, đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên hiểu rõ sự cần thiết, cấp thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện các khâu, bước trong quy trình, nội dung chuyển đổi số, xây dựng văn hóa số. Các nhà trường cần xác định chuyển đổi số vừa là một nội dung trọng tâm, vừa là điều kiện cần và đủ để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này.

Trên cơ sở kết quả bước đầu đã đạt được, các nhà trường cần bám sát hướng dẫn của cấp trên để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh chủ trương, chỉ tiêu, biện pháp trong nghị quyết lãnh đạo, chiến lược, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số cho phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh thực hiện mô hình “Nhà trường thông minh tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, công nghệ số cho các đối tượng. Xây dựng nguồn nhân lực, nhất là lực lượng nòng cốt thực hiện chuyển đổi số ở từng cơ quan, khoa, bộ môn, v.v.

Bên cạnh những mặt tích cực, thuận lợi trong tiếp cận, khai thác, sử dụng, chia sẻ nguồn tài nguyên học liệu số khổng lồ phục vụ dạy, học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số cũng làm nảy sinh những nguy cơ về mất an toàn thông tin. Vì vậy, các nhà trường cần chủ động nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định trong chuyển đổi số, tạo môi trường pháp lý cho vận hành hệ thống hạ tầng, ứng dụng công nghệ số trong các mặt công tác. Trong đó, chú trọng xây dựng quy chế, quy định về quản trị (phân cấp, phân quyền cho người dùng), lưu trữ thông tin, dữ liệu quân sự trên môi trường số; quy định kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu và vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, phòng, chống lộ, lọt bí mật quân sự, lài liệu quân sự trên môi trường số. Xây dựng văn hóa ứng xử, xử lý tình huống trên môi trường số để công tác chuyển đổi số ở các nhà trường từng bước đi vào chiều sâu, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Thực hiện chủ trương: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình”1, nhiệm vụ đặt ra đối với các nhà trường Quân đội là đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, bám sát chuẩn đầu ra của các đối tượng đào tạo theo yêu cầu thích ứng chuyển đổi số. Bên cạnh đào tạo các môn chuyên ngành, cần chú trọng nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ số trong công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đơn vị, để khi ra trường học viên có đủ trình độ, năng lực, thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số ở đơn vị cơ sở. Cùng với đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, các nhà trường có thể khai thác tối đa những lợi thế từ nền tảng công nghệ mà chuyển đổi số mang lại vào đổi mới hình thức, phương pháp dạy, học, kiểm tra, đánh giá kết quả. Để đạt hiệu quả, các nhà trường cần quan tâm đầu tư, nâng cấp và phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của thư viện số, thư viện điện tử; đa dạng hóa hình thức tiếp cận, khai thác, sử dụng nguồn tài liệu, học liệu số để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy, học và nghiên cứu khoa học. Đổi mới cách dạy, học và kiểm tra đánh giá kết quả trên cơ sở áp dụng công nghệ số với các phương pháp dạy học hiện đại, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số, như: dạy học trực tuyến; bài giảng điện tử, học liệu điện tử, phần mềm mô phỏng; thi, kiểm tra trực tuyến; chấm thi, đánh giá kết quả bằng phần mềm, v.v. Thông qua đó, nhằm chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang dạy phương pháp tư duy, hình thành, phát triển năng lực vận dụng, sáng tạo trong giải quyết vấn đề, xử lý tình huống, rèn luyện tư duy khoa học, sáng tạo của học viên, tránh vận dụng rập khuôn, máy móc; đồng thời, đánh giá khách quan kết quả dạy, học, làm cơ sở điều chỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin là nền tảng vật chất quyết định tiến trình và hiệu quả chuyển đổi số. Hiện nay, các nhà trường Quân đội tuy đã được đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, nhưng tính hiện đại, đồng bộ chưa cao. Do đó, Bộ Quốc phòng và các nhà trường cần tích cực huy động các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo. Để làm tốt vấn đề này, các nhà trường cần nắm bắt thành tựu mới về khoa học, công nghệ để lựa chọn, đi tắt đón đầu công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với mục tiêu, nội dung ứng dụng trong từng nhiệm vụ: giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý, chỉ huy. Tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất cơ bản, đồng bộ bảo đảm cho công tác quản lý đào tạo, dạy, học và nghiên cứu khoa học. Trong đó, ưu tiên hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, mạng nội bộ; đầu tư trang thiết bị đầu cuối kết nối toàn diện, thông suốt trung tâm điều hành huấn luyện, các trung tâm huấn luyện mô phỏng, hệ thống phòng học đa năng, phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện số, thư viện điện tử. Đồng thời, tập trung xây dựng kho học liệu số dùng chung; xây dựng mới hệ thống bài giảng, giáo trình, tài liệu điện tử theo tiêu chuẩn thống nhất ở tất cả các môn học, học phần. Đẩy mạnh quá trình mã hóa, số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhất là hệ thống giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án; các đề tài, sáng kiến khoa học, luận văn, luận án trong các kho quản lý dữ liệu; số hóa thông tin quản lý (cán bộ, giảng viên, học viên); đẩy mạnh ứng dụng Big Data để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định quản lý. Đẩy mạnh tiếp cận các ứng dụng phần mềm, các nền tảng (platform) để mọi hoạt động dạy, học và quản lý của các cấp bảo đảm tính tương thích và kết nối với nhau. Một trong những đặc thù của Quân đội là các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học các nội dung chuyên ngành, vũ khí, khí tài quân sự đều không có sẵn trên thị trường. Do vậy, các nhà trường phải coi trọng tiếp nhận, chuyển giao các phần mềm đã xây dựng cho giảng viên, học viên để sử dụng, đánh giá hiệu quả và có những nghiên cứu, cải tiến. Đồng thời, mọi thiết bị, phần mềm, hệ thống thông tin đều phải có cấu phần bắt buộc về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Chuyển đối số trong giáo dục, đào tạo ở các nhà trường Quân đội là nhiệm vụ quan trọng, cơ bản và lâu dài, cần phải được quan tâm nghiên cứu triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Thượng tá, TS. LÊ HUY TUYNH, Học viện Chính trị
_____________________
         

1 - ĐCSVN Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 232.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.